Chìa khóa mở cánh cửa ra thế giới

Thể thao là một trong những lĩnh vực hưởng lợi trực tiếp từ những thành tựu phát triển của khoa học. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn gặp vô vàn khó khăn, thách thức, trong việc số hóa hệ thống cơ sở dữ liệu cũng như ứng dụng công nghệ mới nhằm cải thiện và nâng cao thành tích thi đấu.

Trung tâm Ðào tạo bóng đá trẻ PVF sở hữu cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tập luyện đỉnh cao cho cầu thủ. Trong ảnh: Khu tổ hợp khoa học thể thao với phòng Gym rộng 1.600 m2. Ảnh: PVF
Trung tâm Ðào tạo bóng đá trẻ PVF sở hữu cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tập luyện đỉnh cao cho cầu thủ. Trong ảnh: Khu tổ hợp khoa học thể thao với phòng Gym rộng 1.600 m2. Ảnh: PVF

Ngổn ngang thực trạng

Trên thế giới, thể thao luôn phát triển song hành quá trình ứng dụng các tiến bộ của khoa học - công nghệ, từ những đột phá trong khâu sản xuất trang thiết bị, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng... cho tới việc nghiên cứu và sử dụng các phần mềm hỗ trợ trong quá trình tập luyện của mỗi vận động viên (VÐV). So các cường quốc, mức độ phát triển khoa học thể thao ở Việt Nam còn chưa tương xứng với những kỳ vọng, khi thiếu thốn cả về nguồn lực, số lượng cũng như chất lượng đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia.

Sự thiếu hụt về tài chính là nguyên nhân đầu tiên được nhắc tới, nhất là khi tình hình kinh tế còn khó khăn. Muốn ứng dụng khoa học - công nghệ hỗ trợ tiên tiến, trước mắt cần sở hữu hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất phù hợp. Phần lớn các công trình thể thao lớn ở Việt Nam đều đã lạc hậu và đang xuống cấp nghiêm trọng. Thí dụ, từ năm 2012, đường chạy tại sân Mỹ Ðình đã không đủ tiêu chuẩn để tổ chức các giải thi đấu cấp quốc gia, hay chuyện trường bắn súng ở Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Hà Nội (Nhổn) quá cũ kỹ, không có bia điện tử mà vẫn sử dụng bia giấy ở các cuộc đấu trong nước.

Ðến cả bộ môn thể thao "vua", nhiều đội bóng ở V-League đang phải bằng lòng với hệ thống cơ sở hạ tầng ở mức đáng báo động. Ðầu năm 2020, hàng loạt Câu lạc bộ (CLB) như Hà Tĩnh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Sông Lam Nghệ An... đã tranh thủ quãng thời gian nghỉ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 để lắp đặt dàn đèn mới hay cải tạo thay thế toàn bộ mặt cỏ trên các sân vận động chưa đạt chuẩn. Nhìn vào thực trạng này, việc không nhiều CLB sẵn sàng đầu tư áp dụng khoa học là điều hoàn toàn dễ hiểu, nhất là khi ứng dụng công nghệ yêu cầu đội ngũ chuyên gia tiếp tục phải vận hành, bảo trì bên cạnh quá trình xử lý và phân tích số liệu.

Ngay như với Ðội tuyển quốc gia (ÐTQG), Huấn luyện viên (HLV) Park Hang Seo cũng từng vô cùng bất ngờ khi Việt Nam không có hệ thống cơ sở lưu trữ dữ liệu cầu thủ - công cụ quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đội bóng. "Thầy Park" không phải người đầu tiên than khó, mà ngay cả HLV Toshiya Miura cũng từng phát biểu tương tự cách đây sáu năm. Chính Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã thừa nhận thiếu sót và nêu rõ quyết tâm cải thiện về vấn đề này. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, dự án ấy vẫn chỉ nằm trên giấy.

Chìa khóa mở cánh cửa ra thế giới -0

PVF tiến hành các bài kiểm tra thể lực, sức mạnh với sự hỗ trợ của máy móc và trang thiết bị khoa học hiện đại.

Cần đột phá trong tư duy

Thể thao nói chung, điển hình là bóng đá, bên cạnh vấn đề chuyên môn, phía sau hậu trường còn tồn tại một cuộc đua vô hình về khoa học. Hệ thống cơ sở dữ liệu chính xác cho phép VÐV và HLV nắm được rất nhiều điều về đối phương và bản thân họ. Qua đó, các đội bóng nhỏ sẽ tìm được lối chơi phù hợp nhằm thu hẹp khoảng cách với những "ông lớn".
Dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang Seo, ÐT Việt Nam liên tiếp giành được thành công nhờ vào việc sử dụng cơ sở dữ liệu khoa học trong công tác nghiên cứu phân tích, nhằm khắc chế đối thủ.

Với những bước tiến của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc số hóa kho dữ liệu khổng lồ về các VÐV trên thế giới đã được thực hiện từ rất lâu. Song, ở Việt Nam, không phải ai làm thể thao chuyên nghiệp cũng hiểu khái niệm này là gì hay phải làm gì với những "mớ" số liệu, thống kê chi tiết kia. Ông Vũ Ðức Thành, Trưởng Phòng phân tích số liệu CLB bóng đá Phố Hiến thổ lộ: "Tôi không chỉ phụ trách phân tích số liệu đơn thuần mà còn phải sắp xếp, diễn giải và lựa chọn cách truyền đạt sao cho HLV và cầu thủ thấu hiểu. Không nhiều người nhận ra giá trị thực đằng sau những con số ấy, nên công việc này vốn không tồn tại ở phần lớn các CLB đang chơi tại V-League".

Cách đây không lâu, dư luận đã từng xôn xao với nhận định "một cầu thủ Tây bằng hai cầu thủ nội" từ ông bầu Nguyễn Văn Ðệ của CLB Thanh Hóa. Ðây là thí dụ điển hình khi nói về chủ nghĩa kinh nghiệm và thói quen áp đặt ý kiến chủ quan trên cương vị người lãnh đạo đội bóng. Hiệu quả thi đấu cũng ngay lập tức bị ảnh hưởng khi công tác lựa chọn nhân sự bỏ qua những số liệu thống kê khoa học. Chất lượng "ngoại binh" tồi tệ ở V-League 2020 đã trở thành cơn đau đầu với rất nhiều CLB, và việc các đội Hải Phòng, Thanh Hóa hay Sông Lam Nghệ An... phải chật vật với cuộc đua trụ hạng năm nay đã phản ánh những hệ lụy từ tư duy tổ chức lạc hậu.

Vươn đến những chân trời

Nhận rõ tầm quan trọng của khoa học trong thể thao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ ở lĩnh vực thể thao giai đoạn 2013 - 2020, tầm nhìn 2030. Trong thời gian tới, Tổng cục Thể dục - Thể thao khẳng định sẽ đầu tư nhiều hơn nữa về cả ngân sách và nhân lực cho việc phát triển khoa học - công nghệ, đặc biệt trong khâu tuyển chọn và công tác đào tạo tài năng trẻ. Khi trình độ thi đấu, đặc biệt ở các môn thể thao thành tích cao, đã gần chạm ngưỡng giới hạn tự nhiên của con người, khoa học là chìa khóa giúp cải tiến phương pháp huấn luyện nhằm nâng cao hiệu quả, thành tích thi đấu, cũng như duy trì phong độ.

Ông Hoàng Quốc Vinh, Vụ trưởng Thể thao thành tích cao, Tổng cục Thể dục - Thể thao khẳng định: "Giải pháp quan trọng nhất là quy hoạch lại đội ngũ cán bộ, đồng thời với mạng lưới cơ sở vật chất, trang thiết bị. Chúng tôi đề xuất xây dựng trung tâm tuyển chọn quản lý VÐV ứng dụng công nghệ số. Nơi đây sẽ là điểm cầu kết nối với tất cả các địa phương trong nước cũng như quốc tế về thông số VÐV (thành tích, chiều cao, cân nặng, dự báo khả năng thi đấu trong tương lai, tình hình chấn thương…). Các liên đoàn và hiệp hội trên thế giới sẽ tìm được thông tin cần thiết qua trung tâm này".

Ngoài ra, cần xây dựng những giải pháp đồng bộ, đẩy mạnh áp dụng thành tựu của khoa học, ứng dụng công nghệ nhằm theo dõi các thông số kỹ thuật trong quá trình tập luyện, thi đấu của mỗi VÐV giúp chuyên gia và HLV đề ra giáo án phù hợp. Các trung tâm đào tạo cũng phải từng bước số hóa các bài tập cũng như liên tục cập nhật, tối ưu hóa các bài kiểm tra thông qua những phần mềm và ứng dụng mới. Chế độ ăn uống của mỗi người cần được thay đổi một cách khoa học, bên cạnh việc đầu tư những trang thiết bị y tế hiện đại giúp rút ngắn quá trình chẩn đoán và chữa trị chấn thương cho các VÐV.

Trên chặng đường vươn lên dẫn đầu khu vực Ðông - Nam Á và tiếp đó là vươn tầm châu lục, thể thao nước nhà phải chủ động với những định hướng chính xác ngay từ bây giờ, trên đôi cánh khoa học - công nghệ.

Tổ chức chuyên đề: Lưu Hương, Minh Phú.