Chỉ như "muối bỏ bể" !

Là một trong ba địa phương có số lượng bệnh viện, phòng khám tư nhân lớn nhất cả nước, những đề xuất từ thực tiễn mà Hà Nội đưa ra cũng là những gợi ý cần thiết để nâng cao chất lượng quản lý trong lĩnh vực quan trọng này.

Thanh tra của Sở Y tế Hà Nội kiểm tra một phòng khám tư nhân trên địa bàn.
Thanh tra của Sở Y tế Hà Nội kiểm tra một phòng khám tư nhân trên địa bàn.

20 thanh tra và hơn 3.500 cơ sở y tế tư nhân

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, hiện trên toàn thành phố có 3.526 cơ sở hành nghề KCB ngoài công lập, trong đó có 35 bệnh viện, 165 phòng khám đa khoa, 668 phòng chẩn trị y học cổ truyền, 2.658 phòng khám chuyên khoa và cơ sở dịch vụ y tế. Ngoài những cơ sở đủ điều kiện kinh doanh thì vẫn còn tồn tại không ít những trường hợp hành nghề không đủ điều kiện về diện tích, cơ sở vật chất, không giấy phép hành nghề, quảng cáo sai quy định, cơ sở không thực hiện đúng quy chế kê đơn đã gây nhiều phiền nhiễu cho người dân... Chỉ tính từ tháng 4-2018 đến nay, các đoàn của Sở Y tế Hà Nội khi tiến hành kiểm tra hậu kiểm đối với 38 cơ sở hành nghề y tế tư nhân, đã buộc phải thu hồi giấy phép hoạt động của tám cơ sở, đình chỉ hoạt động hai cơ sở KCB.

Có nhiều bất cập trong quản lý y tế tư nhân trên địa bàn TP Hà Nội, song một trong những nguyên nhân để các phòng khám tư còn vi phạm, là do số lượng phòng khám quá lớn trong khi số lượng cán bộ làm công tác thanh, kiểm tra có hạn. Một năm, đơn vị này chỉ hậu kiểm được khoảng 100 cơ sở, nếu đoàn thanh tra có đi cùng thì cũng chỉ kiểm tra được khoảng 300 cơ sở/năm. Ông Nguyễn Dương Trung, Phó chánh Thanh tra, Sở Y tế Hà Nội cho biết, lực lượng thanh tra hiện chưa đầy 20 người nhưng số đầu mối phải chịu trách nhiệm quá lớn, trong khi đó các phòng khám tư nhân không chỉ quá lớn mà hoạt động còn rất tinh vi, ngày càng có nhiều "mánh khóe" để qua mặt cơ quan chức năng. Những ý kiến cho rằng, thanh tra chỉ mang tính hình thức, không mang lại kết quả thực chất, quả là cũng có cơ sở, nhất là khi so sánh tương quan nói trên.

Một khó khăn khác, do các cơ sở KCB tư nhân được quyền quyết định phí dịch vụ còn cơ quan chức năng chỉ có trách nhiệm giám sát nên không kiểm soát được tình trạng "chặt chém" khách hàng. Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân, Sở Y tế Hà Nội cho rằng, cần nâng chế tài xử phạt, bổ sung hình phạt yêu cầu đóng cửa phòng khám trong trường hợp phòng khám vi phạm, tái phạm liên quan đến công tác chuyên môn.

Thuốc "đặc trị" từ tăng chế tài

Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội, thì trách nhiệm chính trong quản lý các phòng khám đã được phân công rất rõ trong Chỉ thị 10-CT/UBND của UBND thành phố Hà Nội. Ðể quản lý tốt hơn các phòng khám tư nhân, Sở Y tế đã có công văn đề nghị phòng y tế các quận, huyện hướng dẫn các cơ sở hành nghề trên địa bàn dán ảnh, niêm yết công khai danh tính người hành nghề tại những vị trí dễ nhận biết, dễ thấy để người dân khi sử dụng dịch vụ có thể biết được bác sĩ nào, điều dưỡng nào, nữ hộ sinh nào cung cấp dịch vụ cho mình có chính xác so với danh sách Sở Y tế đã niêm yết công khai hay không.

Về phía chuyên gia, ông Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ðào tạo phát triển cộng đồng (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho rằng, trong quản lý cơ sở y tế tư nhân, cơ quan quản lý Nhà nước còn nặng về vấn đề kiểm tra mang tính hành chính, thủ tục, trong khi điều quan trọng đối với nghề y là chất lượng chuyên môn và đạo đức hành nghề. Muốn quản lý tốt hoạt động y tế tư nhân thì các cơ sở cần được kiểm tra ít nhất 3 tháng một lần, tránh tình trạng cơ sở cố tình khám chữa bệnh vượt giới hạn cho phép. Biện pháp mạnh để quản lý các phòng khám tư là tăng cường kiểm tra hoạt động chuyên môn, quản lý chứng chỉ hành nghề và khi phát hiện sai phạm thì phải rút giấy phép hoạt động, rút chứng chỉ hành nghề... Ðể đáp ứng yêu cầu đó, một loạt vấn đề cần đặt ra là: tăng cường nhân lực cho phòng y tế quận, huyện, thị xã. Tăng cường các giải pháp tạo điều kiện cho các cơ sở y tế tư nhân hợp pháp được làm việc một cách chính đáng, tránh các hành vi bắt bí, cố tình gây khó dễ cho các cơ sở y tế tư nhân.

Cuối cùng, việc nâng cao ý thức, hiểu biết của người dân trong việc sử dụng dịch vụ này là hết sức quan trọng vì chính người dân là chủ thể quyết định sự tồn tại của các phòng khám. Nếu có sự chung tay, tham gia giám sát, quản lý hoạt động KCB của người dân thì tình trạng vi phạm sẽ giảm. Ðể tránh "tiền mất tật mang", trước khi đi khám, người dân nên tìm hiểu trước hoạt động của phòng khám, giấy phép, lĩnh vực chuyên môn họ đăng ký và tìm hiểu bác sĩ làm việc tại đây. Khi đến khám cần kiểm tra kỹ danh sách bác sĩ mà phòng khám niêm yết, phạm vi hành nghề có đúng với giấy phép đăng ký không. Người dân có thể vào trang thông tin điện tử của Sở Y tế, hoặc gọi qua đường dây nóng để biết được những cơ sở nào đã được Sở Y tế cấp phép, để khẳng định về chất lượng dịch vụ sau đó mới tới sử dụng dịch vụ.

Giám sát tốt, đồng nghĩa bớt đi, hay không còn nỗi hoài nghi rằng, đằng sau những tấm biển hiệu quảng cáo to đẹp, điều gì đang diễn ra bên trong những cánh cửa phòng khám ấy?