Chỉ lo khi “sự đã rồi...”

Có một thực tế, hầu hết các bệnh nhân, đối tượng bị rối loạn thần kinh chỉ bị phát hiện bệnh lý khi đã xảy ra sự cố.

Những người bị tổn thương sức khỏe thần kinh đều mang trong mình tâm lý e ngại đến bệnh viện. Ảnh: Hoàng Nam
Những người bị tổn thương sức khỏe thần kinh đều mang trong mình tâm lý e ngại đến bệnh viện. Ảnh: Hoàng Nam

Thiếu hiểu biết và e ngại

Ðể hiểu rõ hơn thực trạng sức khỏe tâm thần và công tác điều trị, chúng tôi đã tìm tới nhiều trung tâm y tế điều trị chuyên khoa sức khỏe tâm thần. TS Tô Thanh Phương, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương khái quát: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sa sút sức khỏe tâm thần, đặc biệt là trong thời điểm hiện nay. Trong đó áp lực mưu sinh, áp lực học tập, công việc, và ảnh hưởng không tốt của môi trường không còn trong lành là những nguyên nhân ban đầu. Thêm một nguyên nhân quan trọng là do việc lạm dụng các chất kích thích ngày càng nhiều hiện nay.

Ðáng lo ngại là, phần lớn bệnh nhân khi tìm đến các trung tâm chữa trị thì đã rơi vào tình trạng tâm thần nặng. Lý giải cho hiện tượng này, TS Tô Thanh Phương cho biết, những người bị tổn thương sức khỏe thần kinh đều mang trong mình tâm lý e ngại đến bệnh viện, họ thường lựa chọn cầu cứu các trung tâm tư nhân, tệ hơn có cả trường hợp tin vào thầy bói, thầy phù thủy. Chỉ đến khi bệnh phát mạnh, không kiểm soát được mới đến bệnh viện, lúc này đã rất khó điều trị dứt điểm. Sự thiếu hiểu biết và tâm lý ngần ngại trước việc đến gõ cửa các trung tâm điều trị lớn đã khiến bệnh càng thêm nặng.

Hiện có hàng trăm bệnh nhân tâm thần đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương. Trong đó, chiếm số lượng lớn bệnh nhân không phải bẩm sinh mà từ các nguyên nhân stress, sau thời gian dài chịu áp lực cả trong công việc và gia đình. Bệnh tình mỗi người mỗi khác, các bệnh nhân cũng ở đủ mọi thành phần, từ trí thức cho đến công nhân, nông dân, học sinh, sinh viên... Có rất nhiều bệnh nhân là trí thức cao cấp, từng du học phương tây trở về. Ðiển hình như trường hợp một nữ giảng viên trẻ đại học. TS Phương chia sẻ: “Cô này là con một gia đình gia giáo, từng du học về. Trong thời gian phấn đấu để đạt được học vị tại nước ngoài, những áp lực về thi cử đã khiến cô gái trẻ này mắc chứng hoang tưởng. Khi trở về nước bệnh tình của cô càng trầm trọng hơn. Ban ngày cô vẫn là một giảng viên lên lớp bình thường, nhưng khi về nhà cô lại rơi vào tình trạng trầm cảm và hoang tưởng nặng nề. Sau hai tháng phát bệnh, trong đầu cô xuất hiện tiếng nói của “chồng cô”, tiếng nói ấy xúi cô làm những việc mất kiểm soát. Nhưng trên thực tế, cô lại đang là một cô gái chưa có người yêu”. Ðây là một trong những trường hợp “đến gõ cửa đúng lúc” nên hiện thời bệnh nhân đã được điều trị dứt điểm.

Nhiều hệ lụy

Cũng có không ít trường hợp, gia đình đưa đến điều trị kịp thời nhưng khi ra viện lại tiếp tục sống trong môi trường đầy áp lực nên đã tái phát.

Khoa Thần kinh của Bệnh viện Bạch Mai hiện điều trị cho rất nhiều bệnh nhân bị chứng trầm cảm. Mẹ cháu Tuyên cho biết, cháu nhập khoa được một tuần, được xác định là ngại tiếp xúc với người lạ. Cách đây không lâu cháu vẫn đang cùng các bạn háo hức bước vào năm học mới nhưng giờ phải báo ốm để vào viện điều trị. Với khuôn mặt luôn cúi gằm chực khóc, Tuyên chỉ chịu mở miệng khi mẹ bảo, nhưng cũng chỉ nói lí nhí trong miệng. Khi những bệnh nhân khác đi qua, cháu nhìn họ và nói: “Mọi người không muốn nói chuyện với cháu” rồi lại im lặng cúi đầu. Mẹ cháu cho biết gia đình chị làm nông, việc học của các con, vợ chồng chị không hề tạo áp lực nào cho các cháu. Ở nhà trường cháu cũng không chịu nhiều áp lực. Vậy nên chị rất mong các bác sĩ ở đây tìm ra được nguyên nhân gây bệnh và sớm điều trị cho cháu bình phục.

Theo TS Ðỗ Cảnh Thìn, nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và Ðiều tra tội phạm với một nhóm người chưa thành niên cho thấy: Ở những người chưa thành niên cũng như thanh niên phạm tội có những đặc điểm tính cách nổi trội, như: dối trá, gian dối; ưa được tâng bốc, được đánh giá cao; vô kỷ luật; liều lĩnh, manh động, sự táo bạo; lì lợm; thô lỗ; lười biếng. Qua nghiên cứu 15.736 vụ án hình sự do người chưa thành niên gây ra cho thấy 85% các em vi phạm pháp luật là do bản thân thiếu sự tu dưỡng, rèn luyện, ham chơi bời, hưởng thụ, đua đòi các thói hư tật xấu, bị bạn bè lôi kéo vào các hành vi vi phạm pháp luật. Về đặc điểm tâm lý - xã hội: 70% số người chưa thành niên phạm tội được hỏi và cho biết không bao giờ tham gia sinh hoạt Ðoàn, Ðội.

Ảnh hưởng của truyền thông và những “mô hình” văn hóa lệch lạc cũng hết sức đáng lo ngại. Những hình ảnh bạo lực, lạnh lùng, vô cảm; lối sống nặng về tranh đoạt vật chất, ăn chơi sa đọa, lười biếng, thích hưởng thụ, chạy theo đồng tiền bằng mọi giá hay những phương thức, thủ đoạn tàn bạo, dã man, phi nhân tính của tội phạm… lan tràn trên sách báo, phim ảnh, in-tơ-nét, mạng xã hội đang hằng ngày, hằng giờ tác động, “thẩm thấu” vào nhận thức, lối sống, hành vi của không ít người, nhất là những người trẻ tuổi hạn chế về kỹ năng sống, kiến thức, kinh nghiệm sống còn non nớt, chưa đủ chiều sâu để nhận biết xã hội nên dễ có phản ứng tiêu cực.

Trong khi đó, hiện nay chưa có phương pháp nào để xác định chính xác một người nào đó đang rơi vào trường hợp “trạng thái thứ ba của sức khỏe” hay không. Trên các trang mạng có giới thiệu bài test gồm mười sáu câu trắc nghiệm khẳng định cho kết quả đúng. Nhưng TS Tô Thanh Phương, khẳng định những câu hỏi trắc nghiệm trên là không có căn cứ, có thể chỉ do các trang mạng hoặc ai đó tự đưa ra. Ông cũng khuyến cáo với mọi người trong trường hợp này nên tìm đến cơ sở y tế đáng tin cậy để được tư vấn đúng và kịp thời, tránh trường hợp bệnh chuyển sang giai đoạn nặng và khó chữa.