Câu hỏi về trách nhiệm hỗ trợ

Trước những bất cập, nghịch lý của thị trường nông sản, TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản cho rằng, ngành nông nghiệp Việt Nam cần phải khẩn trương đổi mới chuỗi liên kết để xây dựng giá trị thương hiệu bền vững, tạo niềm tin cho người tiêu dùng cả trong nước và quốc tế.

Câu hỏi về trách nhiệm hỗ trợ

- Điệp khúc giải cứu dưa hấu và nhiều sản phẩm nông nghiệp khác đang làm “sôi động” thị trường trong nước theo chiều hướng tiêu cực. Bà có thể cho biết, chuyện gì đang xảy ra trên đồng ruộng của chúng ta?

- Thứ nhất, gần đây, cụm từ “giải cứu” được dùng phổ biến để kêu gọi mọi người mua hộ sản phẩm dư thừa do cung vượt cầu hoặc do cung không kết nối được với cầu. Cá tra là sản phẩm xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, đã từ lâu lâm vào cảnh này, gần đây là thịt heo, thanh long, củ cải,… Người nông dân phải nuôi hoặc trồng để mưu sinh, vì họ không có thông tin đúng về thị trường, theo quán tính, họ nuôi trồng những thứ người khác nuôi trồng, họ không biết sau khi thu hoạch sẽ bán đi đâu dẫn đến khối lượng một loại nông sản được tạo ra quá lớn. Họ hoàn toàn lệ thuộc vào thương lái. Kể cả thương lái hoặc doanh nghiệp thương mại cũng không có được thông tin đúng hoặc gần đúng về cung cầu của thị trường nên khi dư thừa, họ sẵn sàng bỏ nông dân.

Vấn đề thứ hai, nguy cơ giải cứu rất cao khi nông sản quá lệ thuộc vào một thị trường. Hiện trên 2/3 rau, trái của Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc.

Một sự lệ thuộc nữa là vào hóa chất. Nông dân không thể bán được sản phẩm cho thương lái nếu không sử dụng hóa chất. Nhiều công ty nông nghiệp/trang trại nói thực hiện/ được chứng nhận GAP/ hữu cơ/ an toàn vệ sinh…, nhưng trên thực tế hầu như không thực hiện theo đúng những tiêu chuẩn quy định. Tại các siêu thị bán khá nhiều thực phẩm nói là đạt tiêu chuẩn, nhưng nếu lấy mẫu đi kiểm tra, sẽ thấy phần lớn nhiễm hóa chất, thậm chí vượt ngưỡng an toàn quy định. Chất lượng và tính minh bạch về sản phẩm không được bảo đảm, dẫn đến mất dần niềm tin của người tiêu dùng.

Câu hỏi về trách nhiệm hỗ trợ ảnh 1

Người tiêu dùng vẫn phải tiêu thụ những nông sản không bảo đảm chất lượng. Ảnh: ĐỨC ANH

- Như bà nói, người nông dân đang bị kẹt giữa thương lái và người bán hóa chất. Vậy muốn tìm đầu ra ổn định cho nông sản, sẽ phải trông vào đâu?

- Theo tôi, nông nghiệp Việt Nam nên phát triển theo hai hướng: sản xuất thực phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP và sản xuất thực phẩm hữu cơ. Những nhà sản xuất lớn nên đi theo hướng GAP. Vì GAP cho phép sử dụng hóa chất, có thể đầu tư quy mô lớn, chi phí sản xuất thấp, chất lượng sản phẩm an toàn, phù hợp với đại đa số người tiêu dùng. Với quy mô nhỏ lẻ như hộ nông dân, những người trẻ có kiến thức đầu tư nông nghiệp hữu cơ thì nên đi theo hướng sản xuất hoàn toàn không sử dụng hóa chất mà sử dụng các chất sinh học trong nuôi trồng giúp bảo vệ sức khỏe, môi trường đất và nước trong nông nghiệp.

Cũng đã đến lúc cần tổ chức lại chuỗi sản xuất thương mại theo hướng những nhà sản xuất, thương mại cùng sản xuất một sản phẩm, chung thị trường tiêu thụ và tương đồng về quy trình, kỹ thuật sản xuất cần liên kết trong một tổ chức, thích hợp nhất là tổ chức Hội.

- Thực tế thì không ít các hội đoàn nghề nghiệp ở ta chưa làm tốt vai trò của mình…

- Tôi đồng ý với anh, có nhiều hội đang tồn tại kiểu “đánh trống ghi tên”, không bảo đảm được các tiêu chuẩn cần có về vai trò và chức năng của Hội. Nhiều hội chỉ chú tâm vào kết nạp cho được số lượng các hội viên rồi hằng năm, định kỳ báo cáo với cơ quan chủ quản, với Quốc hội là hoạt động tốt, có hiệu quả.

Hội ngành hàng cần được cải tổ theo kiểu mới với nhiệm vụ chính là hỗ trợ phát triển sản xuất để sản phẩm đạt chuẩn, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, thông tin thị trường và phát triển thị trường.

- Như thế, cùng với đổi mới các chuỗi liên kết trong quy trình sản xuất nông sản, hẳn đã đến lúc phải cải tổ hoạt động, siết lại chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức hội?

- Chuỗi rất quan trọng, nhưng từ “chuỗi” chỉ để chỉ sự liên kết các mắt xích từ sản xuất tới bàn ăn, không phải là một tổ chức. Hội sản xuất cực kỳ quan trọng trong nông nghiệp, nó thực hiện những việc mà một nhà sản xuất đơn lẻ không làm được, cơ quan quản lý nhà nước cũng không làm được. Chỉ có thông qua Hội mới có thể có bức tranh toàn cảnh về cung cầu gần đúng thực tế, để định hướng sản xuất và thương mại, đạt đến sự cân đối (tương đối) về cung cầu, giúp ngành hàng phát triển sản xuất bền vững. Theo tôi, với những ngành hàng lớn, cần có các hiệp hội sản xuất liên kết, xây dựng thương hiệu cho những sản phẩm đặc thù hoặc chủ lực của quốc gia. Đối với những ngành hàng cũ đã có Hội thì cần phải cải tổ, đổi mới Hội theo hướng nêu trên để có hiệu quả thật sự. Kinh nghiệm ở nhiều nước có nền nông nghiệp phát triển, như Na Uy, Pháp, Tây Ban Nha,… những ai muốn tham gia sản xuất hàng hóa nông nghiệp đều phải gia nhập các Hiệp hội ngành hàng. Và kết quả cho thấy tất cả đều có lợi.

- Trân trọng cảm ơn bà!