Cấp thiết nâng cao năng lực y tế dự phòng

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây đánh giá cao năng lực Việt Nam trong việc xử trí các vấn đề y tế công cộng khẩn cấp, nhất là những nỗ lực hiện nay trong phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút corona (Covid-19). Trước những diễn biến các loại dịch bệnh ngày càng phức tạp, quy mô có thể lan ra toàn cầu, chúng ta cần phải quan tâm đúng mức hơn nữa cho y tế dự phòng, một “chốt chặn” quan trọng trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Ðội ngũ cán bộ chuyên môn được tăng cường tới các chốt kiểm tra giám sát dịch bệnh tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Hùng (TTXVN)
Ðội ngũ cán bộ chuyên môn được tăng cường tới các chốt kiểm tra giám sát dịch bệnh tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Hùng (TTXVN)

“Tuyến đầu” trước những thách thức

Chủ động làm tốt bước dự phòng, những năm qua ngành y tế luôn tăng cường công tác giám sát bệnh truyền nhiễm từ thành phố đến cơ sở, chủ động giám sát, phát hiện sớm các bệnh truyền nhiễm gây dịch mới nổi nguy hiểm, như Ebola, MERS-CoV, Zika và các bệnh truyền nhiễm lưu hành, như sốt xuất huyết, sởi, chân tay miệng, bệnh dại, viêm não Nhật Bản, liên cầu lợn... Các chiến dịch tiêm chủng bổ sung vắc-xin được tổ chức hiệu quả khi có nguy cơ bùng phát dịch. Nhờ đó, hầu hết các bệnh dịch nguy hiểm, mới nổi đã được ngăn chặn, không ghi nhận các trường hợp bệnh xâm nhập vào Việt Nam như bệnh MERS-CoV, bệnh cúm A (H7N9). Các bệnh dịch lưu hành trong nước cũng được khống chế và kiểm soát tốt như bệnh sốt xuất huyết, bệnh sởi, bệnh tay chân miệng năm 2019 đã giảm hơn so với trung bình giai đoạn 2013-2017.

PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, những kinh nghiệm trong việc khống chế và kiểm soát dịch bệnh, hay như dập đại dịch SARS trước đây có giá trị lớn trong phòng, chống các dịch bệnh sau này. Có thể nói, nhiều biện pháp triển khai để phòng, chống dịch Covid-19 được đánh giá mạnh mẽ hơn cả đợt chống dịch SARS. Hiện các Văn phòng đáp ứng sự kiện y tế khẩn cấp, Trung tâm Ðáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, Cơ quan đầu mối quốc gia Ðiều lệ Y tế quốc tế IHR NFP (Cục Y tế dự phòng) là những đơn vị luôn kết nối thường xuyên với WHO, các cơ quan kiểm dịch có uy tín hàng đầu quốc tế để hỗ trợ, phối hợp, cập nhật tình hình, chỉ đạo kịp thời trong phòng, chống dịch Covid-19.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể, đầu tư cho y tế dự phòng của chúng ta vẫn còn những bất cập. Tình trạng chênh lệch về các chỉ số sức khỏe cơ bản giữa thành thị và nông thôn và gánh nặng do các bệnh lây nhiễm vẫn ở mức cao, cộng với tình trạng càng ngày càng khó kiểm soát thì sự xuất hiện các dịch bệnh mới nổi, trong đó chủ yếu là các bệnh lây truyền từ động vật sang người như cúm A/H5N6, MERS-CoV, Ebola… là một thách thức lớn đối với hệ thống y tế. Cũng chính vì sự phát triển chưa đồng đều, rộng khắp mà y tế dự phòng còn chưa phát huy hết vai trò của mình. Ðầu tư về cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cho lĩnh vực này, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa, còn hạn chế. Thêm nữa, nhân lực, nhất là tuyến cơ sở, nhiều nơi chưa đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân.

Việc tiêm chủng là một trong những biện pháp quan trọng nhất để dự phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, song hiện nay ý thức tự phòng bệnh của người dân chưa cao, các cấp ngành lại khó khăn trong quản lý đối tượng tiêm chủng. Người dân chưa có ý thức chủ động thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, môi trường, cũng như chưa đưa con, em đi tiêm chủng đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế. Phía chính quyền cơ sở, một số địa phương có lúc, có nơi chưa thật sự vào cuộc quyết liệt trong phòng, chống dịch bệnh, còn phó mặc cho ngành y tế, đã khiến cho công cuộc phòng, chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn.

Cấp thiết nâng cao năng lực y tế dự phòng ảnh 1

Chiều 18-2, hai bệnh nhân dương tính với Covid-19 đã được xuất viện sau khi điều trị khỏi tại Phòng khám Ða khoa khu vực Quang Hà (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc). Ảnh: HOÀNG HÙNG (TTXVN)

Làm sao để “bao phủ” sức khỏe toàn dân?

Y tế dự phòng đóng vai trò “gác cổng” trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Vấn đề đặt ra là làm sao nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế dự phòng, đặc biệt là tuyến cơ sở, để thu hút người dân đến khám, chữa bệnh ban đầu? Thực tế cho thấy, cần sớm có những điều chỉnh về cơ chế, chính sách nhằm phát triển y tế dự phòng với một mạng lưới rộng khắp, bám sát cơ sở, “phủ” đều các khu, cộng đồng dân cư.

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, giải quyết thách thức trong ứng phó dịch bệnh, không cách nào khác là các quốc gia, gồm cả Việt Nam, phải tăng cường đầu tư vào hệ thống y tế để chuẩn bị tốt hơn trong dự báo, phát hiện và ứng phó kịp thời dịch bệnh. Ðể thực hiện tốt công tác y tế dự phòng, ứng phó với mô hình bệnh tật thay đổi với gánh nặng bệnh tật kép của bệnh lây nhiễm và bệnh không lây nhiễm, hệ thống y tế phải cần có những đáp ứng, thay đổi phù hợp cả về tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ và khả năng cung ứng dịch vụ. Trong đó, y tế dự phòng không chỉ làm tốt nhiệm vụ phòng bệnh truyền nhiễm mà còn phòng cả bệnh không lây nhiễm, thông qua dự phòng các yếu tố nguy cơ... góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Vấn đề quan trọng không kém là có các ưu đãi nhằm thu hút, từ đó đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cho y tế dự phòng. Ðiều cần nói thêm ở đây là nếu đem so sánh, y tế dự phòng khó có thể hấp dẫn bằng “mảng” điều trị. Bởi vậy, cần nhận thức đúng, đầy đủ vai trò quan trọng của đội ngũ nhân lực làm y tế dự phòng với ý nghĩa là “cái gốc” của y tế, từ quá trình đào tạo đến cơ chế tài chính, chế độ đãi ngộ, sử dụng nguồn lực. Tiếp tục mở rộng các mô hình đào tạo, tập huấn, đào tạo liên tục, cập nhật kiến thức và các biện pháp phòng, chống bệnh do vi sinh vật gây ra... cho các cán bộ y tế, nhằm tạo cơ hội cho các thầy thuốc, các cán bộ trong ngành tiếp cận và cập nhật các kiến thức chuyên khoa ở trong nước và quốc tế.

Cùng với đó, cần tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe để người dân nhận thức rõ tầm quan trọng của việc thăm khám, theo dõi sức khỏe định kỳ ngay từ khi chưa bị bệnh. Mục tiêu là mọi người tự có ý thức phòng bệnh hơn chữa bệnh, thói quen khi có dịch bệnh xảy đến mới tìm cách chống đã đến lúc cần phải thay đổi. “Bao phủ” sức khỏe toàn dân là mơ ước không chỉ của Việt Nam mà của các quốc gia trên thế giới.

Sự sẵn sàng của ngành y tế, cả trong phòng ngừa và đối phó dịch bệnh là sự cần thiết để một xã hội được chuẩn bị đầy đủ, không lơ là nhưng cũng không trở nên hoang mang khi tình huống khẩn cấp xảy ra.

Tổ chức thực hiện: Vũ Mai Hoàng, Lưu Hương, Hoàng Nghĩa Nam