Cần thêm áp lực đối với người đứng đầu

Trao đổi ý kiến với Nhân Dân cuối tuần, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đỗ Văn Sinh (trong ảnh), Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội nhận định, trách nhiệm chính trong việc bảo đảm tiến độ và chất lượng cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (CPH DNNN) là các bộ, ngành, địa phương và bản thân DN. Nhưng Quốc hội cũng có vai trò quan trọng thông qua việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, hoạt động giám sát và chất vấn.

Cần thêm áp lực đối với người đứng đầu

- Thưa ông, vì sao “nhận định, tình hình thực hiện cơ cấu lại và CPH DNNN vẫn chậm và chưa đạt kết quả như yêu cầu” đã được lặp đi lặp lại nhiều năm nay mà vẫn không có giải pháp đột phá nào?

- Đúng là số lượng các DNNN chưa CPH còn nhiều, nhưng tôi cho rằng, vấn đề chính không phải ở chỗ đó. Điều đáng bận tâm hơn là công tác quản lý, sử dụng nguồn thu từ CPH, thoái vốn nhà nước tại DN còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn và tiến độ CPH DNNN tại các địa phương. Rõ ràng, chúng ta nên đặt mục tiêu CPH DNNN sao cho hiệu quả nhất, chứ không phải là bán thế nào nhanh nhất, càng nhanh càng tốt.

Ông đã từng đưa ra đề xuất tăng cường kỷ luật kỷ cương để đẩy nhanh tốc độ CPH. Nghĩa là vẫn cần bán nhanh?

- Việc bảo đảm chất lượng CPH không mâu thuẫn gì với thúc đẩy tiến độ CPH. CPH chậm có nhiều nguyên nhân và đúng là không dễ, bởi cái gì dễ đã làm rồi, bây giờ toàn là những việc rất “xương”, liên quan đến các tập đoàn, tổng công ty có địa bàn hoạt động tại nhiều địa phương.

Tôi cho rằng, cần đánh giá tổng kết, từ đó có giải pháp cụ thể cho từng trường hợp. Nếu nhìn lại quá trình CPH thoái vốn thời gian qua, có thể thấy hầu như tất cả các công đoạn đều chậm, từ chậm CPH, chậm thoái vốn, chậm bàn giao, chậm niêm yết, chậm chuyển vốn về Quỹ Hỗ trợ phát triển DN…, mà không ai làm sao cả. Không ít bộ, ngành, địa phương, DNNN còn chưa thật sự nghiêm túc triển khai kế hoạch CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp hành chế độ báo cáo. Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu DN, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của DN, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, bảo đảm nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong CPH và thoái vốn nhà nước. Không có chế tài thì không ai dại gì “lấy đá ghè chân mình”, có thể nói một cách hình tượng như thế. Vậy thì cần rà soát lại xem những người có trách nhiệm đã làm hết trách nhiệm chưa và phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương hơn nữa.

- Liệu rằng, Quốc hội có thể làm gì để đẩy mạnh tiến trình CPH, tất nhiên là phải bảo đảm thực chất, như ông đã nhấn mạnh?

- Quốc hội là cơ quan xây dựng pháp luật, như chúng ta đều biết. Thực tế đúng là khung khổ pháp lý vẫn còn có vấn đề. Thí dụ như, kỳ này Quốc hội sẽ xem xét, dự kiến thông qua Luật Doanh nghiệp sửa đổi, trong đó có định nghĩa về DNNN, chức năng, vai trò và nhiệm vụ của DNNN trong nền kinh tế, cũng như hoạt động quản lý của Nhà nước đối với loại hình DN này. Theo quan điểm của riêng tôi thì ở những DNNN không nhất thiết giữ 100% vốn, nên cho thoái vốn hết, không nên níu giữ lại một phần để làm gì. Như thế mới thật sự chuyển đổi nguồn lực, thay đổi cấu trúc sở hữu và quản trị DN được. Rồi thì Luật Đất đai, cũng rất vướng; vì phải làm rõ nguồn gốc đất đai, hồ sơ đất đai phải đầy đủ thủ tục thì mới CPH được… Hiện nay, cơ quan có trách nhiệm đang xúc tiến sửa đổi Luật Đất đai, nhưng tiến độ vẫn chậm, đã từng phải lùi thời điểm trình.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng sẽ tăng cường hơn nữa khâu giám sát thực thi pháp luật, chất vấn, nhằm tạo ra những áp lực mạnh mẽ và chính đáng đối với người đứng đầu các bộ, ngành, cơ quan có trách nhiệm. Thế nhưng, tôi muốn nói rằng, các cơ quan của Chính phủ và bản thân các DNNN có trách nhiệm chính trong tiến trình CPH. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cần khẩn trương rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai một cách cụ thể, khả thi. Thủ trưởng, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN chịu trách nhiệm đôn đốc các DNNN triển khai thực hiện phương án CPH, thoái vốn, cơ cấu lại đã được phê duyệt.

Bản thân các DNNN thuộc diện CPH cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai trình UBND địa phương có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị DN CPH theo đúng quy định. Cơ quan đại diện chủ sở hữu cần chỉ đạo người đại diện phần vốn Nhà nước đôn đốc các DN đã CPH thực hiện nghiêm việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật…

- Ông đánh giá như thế nào về vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước?

- Ủy ban được thành lập, vai trò trách nhiệm đã được xác định rõ là thay vai của các bộ, ngành chủ quản trước đây để quản lý vốn. Nhưng Ủy ban mới đi vào hoạt động có mấy tháng, còn quá sớm để đánh giá. Quan trọng nhất là sự phối hợp giữa các bộ, ngành với ủy ban này.

- Xin cảm ơn ông!