Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý về công tác xã hội

Hiện nay, cùng với quá trình tăng trưởng kinh tế và hội nhập quốc tế, nhiều vấn đề xã hội cũng được đặt ra cấp bách. Làm sao thu hẹp khoảng cách giàu nghèo; Hỗ trợ các nhóm yếu thế; Khắc phục hậu quả thiên tai …? Lời giải phần nào tùy thuộc vào sự chuyên nghiệp, sáng tạo của các tổ chức, cá nhân làm về công tác xã hội (CTXH). Tuy nhiên, việc chậm hoàn thiện khung pháp lý đang cản trở sự phát triển của một ngành nghề vốn dĩ đã định hình từ lâu ở nhiều quốc gia, nhưng vẫn còn mới mẻ ở Việt Nam.

Công tác xã hội giúp người khuyết tật các xã vùng cao huyện Tân Lạc (Hòa Bình) được hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm và thu nhập ổn định. Ảnh: DƯƠNG LIỄU
Công tác xã hội giúp người khuyết tật các xã vùng cao huyện Tân Lạc (Hòa Bình) được hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm và thu nhập ổn định. Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Nguồn lực đã thiếu lại còn lãng phí

Theo thông tin từ Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội - LĐ-TB&XH), số người cần tiếp cận, sử dụng các dịch vụ CTXH ở Việt Nam hiện chiếm khoảng gần 30% dân số, trong đó có 8,6 triệu người cao tuổi, 6,7 triệu người khuyết tật, 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hơn 180 nghìn người nhiễm HIV, gần 170 nghìn người nghiện ma túy, 22% người trong gia đình có bạo lực và 21,1% phụ nữ bị bạo hành ở các cấp độ khác nhau,… Bên cạnh đó, trên cả nước còn hàng nghìn xã, vùng đặc biệt khó khăn và có vấn đề về tệ nạn xã hội, đời sống nghèo khổ; hàng triệu cá nhân, gia đình, nhóm xã hội đối mặt với các vấn đề về ly thân, ly hôn, sao nhãng việc chăm sóc con cái, trẻ em bị xâm hại tình dục, bỏ nhà đi lang thang,…

Trong bối cảnh ấy, mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH, trực tiếp tham gia can thiệp, hỗ trợ cho các nhóm đối tượng trên, lại vô cùng thiếu và yếu. Tại Hội thảo “Nâng cao chất lượng truyền thông trong quá trình hoàn thiện khung khổ pháp lý về công tác xã hội” do Cục Bảo trợ xã hội phối hợp Tạp chí Lao động và xã hội tổ chức mới đây, TS Trần Mạnh Đạt - chuyên gia nghiên cứu CTXH (Bộ Tư pháp), phân tích: Hiện mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH hầu như mới chỉ hình thành ở ngành LĐ-TB&XH, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu cho chăm sóc ngắn hạn và cũng không thể cung cấp các dịch vụ CTXH đa dạng cho các đối tượng. Do bước đầu được thí điểm ở các ngành y tế, giáo dục với phạm vi, quy mô nhỏ, nên đã hạn chế số lượng đối tượng được hưởng dịch vụ. Đã vậy, đội ngũ cộng tác viên CTXH tại cộng đồng mới chỉ được hình thành tại một số địa phương, chủ yếu phải kiêm nhiệm công việc khác.

Điều đáng nói, sự phối hợp giữa các bộ, ngành Trung ương và địa phương chưa được thường xuyên, chặt chẽ, chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách cũng như chưa bổ sung, sửa đổi kịp thời khi cần thiết. Chính việc các cơ quan chủ yếu hoạt động bán chuyên nghiệp đã dẫn đến chất lượng, hiệu quả CTXH chưa cao, gây lãng phí nguồn lực cho cả nhà nước và xã hội.

Cần đến gói giải pháp đồng bộ

Ngày 25-3-2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010 - 2020, giao trách nhiệm triển khai cho nhiều bộ, ngành. Tính đến nay đã quá nửa chặng đường thực hiện, thế nhưng nhiều mục tiêu Đề án đặt ra vẫn chưa đạt được. Phân tích nguyên nhân, các chuyên gia cho rằng, trong thời gian thực hiện Đề án 32, nhân viên CTXH chưa có điều kiện thực hiện đầy đủ các chức năng nghề CTXH, vì các văn bản quy phạm pháp luật về CTXH hiện nay mới chỉ là các văn bản dưới luật, có giá trị pháp lý tương đối thấp, do đó đã hạn chế chức năng, vai trò, vị trí của nhân viên CTXH.

Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý về công tác xã hội ảnh 1

Tư vấn giới thiệu việc làm cho người khuyết tật tại Ngày hội việc làm “Hòa nhập người khuyết tật lần thứ IV”. Ảnh: THANH HÀ

Để dẫn chứng bất cập trong thực thi, ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Trung tâm Cung cấp dịch vụ CTXH Hà Nội, cho biết, trong quá trình cung cấp các dịch vụ xã hội cho các đối tượng cần sự trợ giúp (như trẻ em bị bỏ rơi, người già neo đơn, nạn nhân bị bạo lực,…), nhân viên CTXH muốn được các cấp chính quyền hỗ trợ “tạm cách ly đối tượng bị bạo lực hoặc bị xâm hại” để bảo đảm an toàn tính mạng cho nạn nhân - nhưng không thực hiện được do không có quy định cụ thể.

Hay đối với hoạt động từ thiện, một trong những CTXH phổ biến hiện nay, vẫn chủ yếu là “cho” và “nhận” đơn thuần. Trong khi, nếu được tổ chức chuyên nghiệp và bài bản thì hoạt động này phải trên nguyên tắc “tự giúp”, có phương pháp hỗ trợ giảm nhẹ, tư vấn tâm lý cho những người yếm thế nhằm nâng cao năng lực tự giải quyết vấn đề, cũng như có phương pháp hỗ trợ hiệu quả và bền vững hơn.

Thực tế cho thấy, quá trình triển khai Đề án 32 còn nhiều hạn chế. Thế nhưng, kể cả khi hội tụ đủ các điều kiện thuận lợi, dù có làm tốt đến đâu, chỉ một đề án đơn lẻ cũng sẽ không giải quyết được các vấn đề một cách bền vững. Để lấp đầy khoảng trống pháp luật, Bộ LĐ-TB&XH đã thành lập Ban soạn thảo xây dựng Dự thảo Luật về công tác xã hội, gồm 8 chương và 92 điều. Tuy nhiên, đến nay bản dự thảo này vẫn còn tiếp tục được chỉnh sửa và chờ đợi trình Quốc hội xem xét trong các kỳ họp tới.

Cùng với việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, nhiều chuyên gia cũng khẳng định: Cần sớm có những giải pháp cụ thể nhằm sử dụng hợp lý các nguồn lực cho phát triển nghề CTXH, thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa của Nhà nước trong việc cung cấp các dịch vụ công: thu hút các nguồn lực khi thực hiện xã hội hóa cho hoạt động CTXH (về nhân lực, kinh phí, cơ sở vật chất); đa dạng hóa các cơ sở cung cấp dịch vụ công lập…

Tham khảo kinh nghiệm quốc tế cũng là một trong những yêu cầu cần thiết, không chỉ để hoàn thiện khung pháp lý, mà còn áp dụng trong đào tạo nhân lực hành nghề CTXH. Tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, CTXH đã được xem là một nghề mang tính chuyên nghiệp với sự tham gia đông đảo của đội ngũ nhân viên CTXH được đào tạo ở đủ trình độ (tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân), như: Hồng Công, Đài Loan (Trung Quốc), Anh, Hàn Quốc, Thụy Điển, Ca-na-đa, Mỹ,…

CTXH ở Việt Nam mới chỉ được đưa vào đào tạo trong khoảng 10 năm trở lại đây tại các trường đại học, cao đẳng, và nghề CTXH cũng chỉ mới được công nhận gần tám năm nay. Tuy nhiên, trước những biến đổi hết sức to lớn của quá trình toàn cầu hóa dẫn đến suy thoái kinh tế, khủng hoảng chính trị, bất ổn xã hội; những thách thức khắc nghiệt của thiên nhiên như: dịch bệnh, động đất, sóng thần, bão lũ, nghèo đói, bạo lực, gia đình đơn thân, ly tán, tình trạng di cư… nhu cầu chuyên nghiệp hóa nghề CTXH trên cơ sở khung pháp lý hoàn chỉnh càng lúc càng trở nên cấp thiết.

Theo định nghĩa về nghề CTXH được Hiệp hội Nhân viên CTXH quốc tế thông qua tháng 7-2000 tại Montréal (Ca-na-đa), đây là nghề thúc đẩy sự thay đổi xã hội, giải quyết vấn đề trong mối quan hệ của con người, tăng năng lực và giải phóng cho người dân nhằm giúp cho cuộc sống của họ ngày càng thoải mái, dễ chịu. Vận dụng các lý thuyết về hành vi con người và hệ thống xã hội, CTXH tương tác vào những điểm giữa con người với môi trường của họ.