Cần rà soát, phân nhóm trước khi chào bán

Hiện nay, Chính phủ đã rà soát, quy hoạch và công bố các nhóm/doanh nghiệp (DN) cổ phần hóa trong năm 2017 hoặc được Nhà nước giữ lại. Nhưng để tránh thất thoát vốn Nhà nước, ngăn chặn các thương vụ thâu tóm đất vàng, hay hiệu quả chỉ nghiêng về một phía đầu tư, chuyên gia kinh tế Ðinh Thế Hiển cho rằng, vẫn cần có một cuộc rà soát lại với tiêu chí mới.

Cần rà soát, phân nhóm trước khi chào bán

- Theo ông, đâu là những điểm "được" và "chưa được" trong hoạt động chào bán cổ phần ra công chúng, thực thi cổ phần hóa (CPH) của các DNNN những năm qua?

- Ðiểm tích cực lớn nhất: Thực hiện được chiến lược CPH, từng bước đưa các DNNN vào sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường. Có một số DNNN từ CPH, đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu, đóng góp cho nền kinh tế và tiếp tục tạo điều kiện cho Nhà nước tăng nguồn thu, thoái vốn tại DN. Ðiển hình như Vinamilk hoặc dược Hậu Giang.

Ðiểm hạn chế đáng chú ý: Số lượng các DN thành công sau CPH như hai thí dụ nêu trên chưa nhiều. Trong khi đó, CPH ở nhiều DNNN còn gây thiệt hại lớn cho Nhà nước như thoát vốn, mất nguồn thu, mất DN tốt về tay tư nhân. Thêm nữa, còn mất các tài nguyên lẽ ra có thể giúp cải thiện ngân sách.

- Xin ông phân tích sâu hơn về những hệ lụy từ điểm hạn chế vừa nêu?

- Có những cái mất rất đáng tiếc như một số DNNN có lĩnh vực kinh doanh tốt, cơ sở sản xuất nền tảng, bộ máy vận hành ổn định, lực lượng lao động chất lượng… song sau khi CPH, đã rơi vào tay một nhóm lợi ích hoặc vào tay tư nhân. Trong đó, có trường hợp lãnh đạo là đại diện vốn Nhà nước tại DN, nhận thấy được nền tảng và triển vọng của DN, đã gom mua cổ phần của người lao động để tích tụ cổ phần tiến đến thâu tóm DN khi CPH. Ðiển hình như tại Công ty cổ phần Bóng đèn Ðiện Quang.

Lại cũng có nhiều trường hợp, vì mục tiêu thực thi cổ phần và thu vốn về, DNNN được bán gấp cho các nhà đầu tư có tiền và trả giá tốt tại một thời điểm. Khi DN chịu sự chi phối của tư nhân, người lao động không có cơ hội được tham gia hưởng lợi ích và đóng góp vào DN cổ phần hóa. Ðiển hình như nhiều DNNN đã rơi vào tay Tập đoàn Masan (Choilimex, Bia Phú Yên, nước khoáng Vĩnh Hảo, Vina Cafe Biên Hòa, v.v).

Bên cạnh đó, một nhóm DNNN khác tuy không có hoạt động kinh doanh tốt hoặc tiềm năng phát triển trong nền kinh tế, song lại có lợi thế sở hữu tài nguyên đất. Các DN này sau CPH, cũng bị định giá bán không hợp lý, mở đường cho tiến trình tư nhân hóa đất công, đất vàng bằng M&A giá rẻ.

- Tuy nhiên, quá trình mua bán, thâu tóm trên nhà đầu tư không phạm luật. Và xét ra, nếu Nhà nước không cho phép triển khai như vậy, bao giờ mới xong kế hoạch CPH và tái cơ cấu DNNN, thưa ông?

- Nếu có sự rà soát, phân loại, đánh giá tiềm năng, triển vọng của các DNNN một cách nghiêm túc, không phải chào bán ồ ạt mà có thể chia chặng ra như đối với những DN tốt, có thể chỉ bán vốn thu hút đối tác đầu tư tài chính dài hạn (khoảng 5 năm), thì xét dài hạn, Nhà nước sẽ có thêm nhiều Vinamilk và dược Hậu Giang mới. Như vậy, Nhà nước không chỉ thu hồi vốn nhiều lần, với lợi ích gia tăng mà quan trọng hơn, mục tiêu có những DN độc lập, vững vàng để qua đó Nhà nước có thể dẫn dắt các ngành, sẽ được hoàn tất.

Với các DN không ăn nên làm ra mà có đất, rà soát, đánh giá lại, tách đất ra khỏi cơ sở định giá để đấu giá tăng thu, đưa đất đến những DN cụ thể có trách nhiệm phát triển đất đai một cách hiệu quả cho DN và nền kinh tế, sẽ không có kẽ hở để tư nhân hóa đất công giá rẻ. Nếu DN sau tách đất còn có giá, sẽ bán. Không có giá, có thể cho giải thể. Dùng một phần nguồn thu từ đất đền bù cho người lao động, tạo điều kiện cho họ chuyển đổi công việc.

- Nói như vậy, phải chăng Nhà nước có thể tiếp tục nắm cổ phần ở các DN ăn nên làm ra để tăng thu, cho dù DN có không thuộc nhóm cần giữ cổ phần chi phối?

- Không phải. Với những DN tốt, sau giai đoạn nắm giữ một phần để DN cổ phần hóa và thu hút vốn, nâng cao năng lực quản trị kinh doanh bền vững, Nhà nước sẽ có nhiều điều kiện thoái vốn. Khi cổ phần đã đẻ trứng vàng, Nhà nước sẽ nắm quyền ra giá. Lợi ích ngân sách sẽ được phân bổ trong nhiều giai đoạn, cũng không phải để bán, thu và tiêu một lần.

- Xin cảm ơn Tiến sĩ!