Cần một tư duy cởi mở, hợp lý

Để Việt Nam phát triển được ngân hàng số đúng nghĩa, theo TS Cấn Văn Lực (trong ảnh), thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, sẽ cần đến một tư duy đổi mới trong xây dựng cơ chế chính sách.

Cần một tư duy cởi mở, hợp lý

- Ông đánh giá thế nào về công cuộc chuyển đổi từ các kênh giao dịch truyền thống sang ngân hàng (NH) số mà hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam đang theo đuổi?

- Theo tôi, đối với hệ thống NH thông thường có ba cấp độ để chuyển đổi số. Cấp độ 1, thay đổi, số hóa một phần một số quy trình, hoạt động kinh doanh. Cấp độ 2, thiết lập mảng kinh doanh mới, một đơn vị mới cùng các bộ phận hỗ trợ tách biệt như trung tâm NH số, đơn vị kinh doanh số trong NH. Lên tới cấp độ 3, các NH thành lập một NH số riêng, hoạt động độc lập một cách tương đối với NH mẹ, nhưng vẫn phục vụ chung đối tượng khách hàng và hệ sinh thái do tập đoàn NH mẹ dẫn dắt.

Song, thực tế cũng tùy vào chiến lược kinh doanh của mỗi NH mà quá trình thực hiện có sự khác nhau. Theo tôi thấy rằng, phần lớn các NH hiện nay mới số hóa ở cấp độ 1, 2; một số ít còn lại đang ở những bước sơ khai, ban đầu của cấp độ 3. Tuy nhiên, ở Việt Nam vẫn chưa có NH số thuần túy (Digital  Banking) theo đúng nghĩa của nó. Ở đây được hiểu là mô hình NH số hoạt động trong kỷ nguyên số, ứng dụng nền tảng công nghệ mới nhất đối với tất cả các chức năng, sản phẩm và dịch vụ và ở mọi cấp độ trong hoạt động của NH. Đơn cử như ở Xin-ga-po đã có mô hình NH số thuần túy này và đã được Ngân hàng Trung ương (NHTƯ) Xin-ga-po cấp phép hoạt động…

- Điều gì là cốt lõi mà các NH cần lưu tâm khi triển khai ứng dụng công nghệ số, thưa ông?

- Có sáu yếu tố cốt lõi nhất mà các NH cần phải hướng đến trong quá trình chuyển đổi số. Thứ nhất, cần phải lấy khách hàng làm trung tâm. Đó là tiêu chuẩn về hành trình khách hàng liền mạch, trải nghiệm mới, các sản phẩm - dịch vụ được cá nhân hóa... Thứ hai, bài toán về thông tin, dữ liệu lớn và an toàn, bảo mật. Các NH cần tập trung, ưu tiên xây dựng, làm giàu, sàng lọc, sắp xếp, lưu trữ và bảo vệ thông tin, dữ liệu một cách hệ thống, bài bản và khoa học. Muốn làm được NH số, hệ sinh thái số thì đây là điều kiện tiên quyết. Bên cạnh đó, xu hướng NH hợp tác với các công ty fintech, bigtech cũng đặt ra yêu cầu về bảo mật thông tin và quản lý rủi ro trong chia sẻ thông tin, dữ liệu, cũng như đạo đức nhân viên NH trong việc làm giàu, quản lý và khai thác thông tin, dữ liệu của cả nội bộ và khách hàng. Thứ ba, giải bài toán tổng thể về nhân sự. Quá trình chuyển đổi số đòi hỏi bản thân các NH cần có chính sách điều chỉnh nguồn nhân lực phù hợp. Thứ tư, đổi mới tư duy, xây dựng chiến lược số hóa, mô hình và văn hóa kinh doanh số. Đây là vấn đề chiến lược kinh doanh chứ không phải dự án công nghệ, do đó, các NH sẽ đối mặt với thách thức quản lý sự thay đổi trên nhiều mặt như mô hình kinh doanh, mô thức quản trị, văn hóa kinh doanh và giao tiếp… Thứ năm, hoàn thiện hệ sinh thái số. Các NH Việt Nam chưa có hệ sinh thái số đúng nghĩa. Các sản phẩm số của nhiều NH khá giống nhau, chưa có nét đặc trưng riêng dẫn đến tình trạng cạnh tranh lẫn nhau. Thời gian tới, nâng cao trải nghiệm khách hàng trong một hệ sinh thái hoàn chỉnh hơn sẽ là vấn đề mà các NH cần tập trung. Vấn đề chia sẻ, kết nối và phân tích dữ liệu lớn trong hệ sinh thái là rất quan trọng.   

Cuối cùng, xây dựng chiến lược thúc đẩy hợp tác với các fintech, bigtech nhằm khắc phục những hạn chế về công nghệ, tăng tính linh hoạt và khả năng đáp ứng nhu cầu khách hàng. Chúng ta hình dung là trong tương lai không xa, trong hệ sinh thái NH mở, NH sẽ giữ vai trò trung tâm, còn các fintech và bigtech sẽ là những đối tác quan trọng.  

 - Liên quan đến NH số, thực tế cho thấy cơ quan quản lý chưa có đủ hành lang pháp lý để tạo ra sân chơi bình đẳng cũng như bảo vệ người tiêu dùng?

- Phải nói rằng, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều định hướng, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế số, chuyển đổi số quốc gia. Hành lang pháp lý cho lĩnh vực này cũng có những bước tiến đáng ghi nhận. Vừa qua, NH đã chủ trì trình Thủ tướng Chính phủ triển khai thí điểm dịch vụ tiền di động (Mobile Money), đang hoàn thiện nghị định thay thế Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt; dự thảo quy định về cơ chế thử nghiệm đối với các fintech, cho vay ngang hàng, xác thực khách hàng điện tử - e-KYC… cũng là những bước tiến mới.

Tuy nhiên theo tôi, khâu tạo hành lang pháp lý (kể cả dạng thử nghiệm - sandbox) cần triển khai nhanh hơn, tránh tâm lý quá cầu toàn, sợ sai; vì đây là những vấn đề mới, vừa làm vừa hoàn thiện. Muốn thế, cần có tư duy cởi mở, hợp lý, làm sao để có thể vừa tạo ra sân chơi bình đẳng, vừa bảo đảm sự phát triển, đổi mới, vừa hạn chế rủi ro (nhất là rủi ro công nghệ) và bảo vệ người tiêu dùng. Ngoài ra, vấn đề tiền kỹ thuật số đã được NHTƯ một số nước đặt ra, đưa vào sử dụng chính thức trong tương lai gần. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý cần sớm nghiên cứu, có cách tiếp cận phù hợp, chủ động. 

- Xin cảm ơn ông!