Cần một bộ luật và cơ quan "nhạc trưởng"

Giải pháp nào để kiểm soát ô nhiễm không khí hiệu quả? Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Hội Không khí sạch Việt Nam.

TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Hội Không khí sạch Việt Nam.
TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Hội Không khí sạch Việt Nam.

- Liên tiếp những tháng gần đây, chất lượng không khí ở nhiều nơi, nhất là hai đô thị lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh luôn nằm trong mức "kém", "nguy hiểm". Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này, thưa ông?

- Nguyên nhân dẫn tới ô nhiễm không khí tại các đô thị được xác định là do chúng ta không kiểm soát tốt các nguồn thải từ các phương tiện giao thông cá nhân như xe máy, xe ô-tô; từ các hoạt động xây dựng chung cư đô thị, hạ tầng cơ sở đường sá, vỉa hè; từ các cơ sở sản xuất trong và ngoài Hà Nội, các làng nghề; và từ đốt rơm rạ sau vụ mùa, đốt rác…

Theo nhiều nghiên cứu, khi đánh giá nguồn gốc phát sinh bụi, thì có khoảng hơn 50% nguồn phát thải bụi là từ hoạt động giao thông. Khí thải từ các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, như xe mô-tô, xe gắn máy đóng góp nhiều nhất trong tổng lượng phát thải gây ô nhiễm không khí, chủ yếu là SO2, NO2, bụi (TPS, PM10, PM2.5). Việc đốt rơm rạ bừa bãi ngoài đồng ruộng, nhất là rơm rạ vẫn còn tươi sẽ tạo ra nhiều khí thải độc hại vào môi trường, như dioxit cacbon (CO2), cacbon monoxide (CO), khí methane (CH4), các oxit nitơ (NOx, N2O) và bụi hay chất dạng hạt (như TPM, PM10, PM2.5).

Cần một bộ luật và cơ quan "nhạc trưởng" ảnh 1

Số lượng các trạm quan trắc của các cơ quan quản lý hiện còn quá mỏng. Ảnh: Minh Hoàng

- Với thực trạng đó, theo ông, để kéo giảm và kiểm soát tình trạng ô nhiễm không khí tại các đô thị cần có những giải pháp gì?

- Cần một số biện pháp trước mắt nhắm đến một số nguồn gây ô nhiễm lớn, đồng thời với nhiều giải pháp dài hạn, tổng thể. Theo đó, cần ban hành ngay quy chuẩn khí thải xe máy, quy định niên hạn sử dụng đối với xe máy. Trên cơ sở đó, Hà Nội cũng như TP Hồ Chí Minh, các thành phố lớn cần tiến hành kiểm soát khí thải xe máy, tăng cường giao thông công cộng, nhất là những xe buýt cỡ nhỏ, chạy bằng nguyên liệu sạch CNG (khí nén thiên nhiên). Ngoài ra, nên tăng cường kiểm tra, xử lý loại bỏ các phương tiện giao thông đã hết niên hạn sử dụng.

Cần tăng sự minh bạch trong việc giám sát ô nhiễm các công trình xây dựng bằng việc lắp camera, xử lý nghiêm các vi phạm như không che bạt chống bụi, tập kết phế thải lấn chiếm vỉa hè, rơi vãi vật liệu, đất cát ra đường.

Cùng đó là việc tăng cường kiểm soát các làng nghề tái chế giấy, nhựa, kim loại, kết hợp kiểm soát hoạt động sản xuất công nghiệp. Việc giải quyết nạn đốt rơm rạ tràn lan cũng là một ưu tiên. Rất cần hỗ trợ về chính sách và tài chính để có những người thu gom, kiếm được tiền từ rơm rạ thừa, hướng dẫn dùng rơm rạ làm phụ phẩm,... tạo động lực kinh tế cho việc dừng đốt. Ðưa nội dung "không đốt rơm rạ" vào trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tại Hà Nội, cần vận động người dân hạn chế đốt than tổ ong do đây là nguyên nhân ô nhiễm lớn.

Về chính sách, có nhiều ý kiến đề xuất cần sớm có Luật Không khí sạch. Hiện nay chúng ta đã có Luật Bảo vệ môi trường, thiết nghĩ cần xây dựng Luật Không khí sạch, cùng với Luật Nước sạch, Luật Chất thải rắn - nằm trong Bộ luật Bảo vệ môi trường. Việc phân công phân nhiệm trong bảo vệ môi trường không khí cũng cần có cơ quan "nhạc trưởng". Hiện nay vấn đề này đang có nhiều bộ tham gia quản lý như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công thương, nhưng trách nhiệm không rõ ràng.

- Có một thực tế là, nhiều quy định liên quan việc kiểm soát và bảo vệ môi trường dù đã có nhưng vẫn chỉ… nằm trên giấy. Theo ông, cần làm gì để thay đổi hiện trạng này?

- Thời gian qua, dù ô nhiễm nghiêm trọng xảy ra, nhưng phản ứng của các cơ quan chính quyền một số địa phương là thụ động và quá ít, ngoài việc công bố hiện trạng chất lượng và một số khuyến cáo. Việc đưa ra các thông tin cụ thể về chất lượng không khí các khu vực và những khuyến cáo cần thiết cho người dân là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, số lượng các trạm quan trắc của các cơ quan quản lý hiện còn quá mỏng, không cung cấp đầy đủ thông tin về chất lượng môi trường. Với người dân tại các thành phố lớn, thời gian qua người ta biết nhiều hơn về chất lượng không khí qua các ứng dụng trên điện thoại di động và trên các trang web. Như vậy, người dân có ý thức hơn về môi trường, điều đó không chỉ tốt cho người dân mà tốt cho cả chính quyền và doanh nghiệp, để họ thấy rằng họ cần có trách nhiệm trong việc giảm tác hại ô nhiễm không khí. Chính quyền cũng nên thông báo với người dân loại khẩu trang nào tốt ngăn ngừa được bụi mịn PM2.5 khi đi ra ngoài đường, loại máy lọc khí nào có khả năng giảm tối đa bụi trong phòng, v.v.

- Trân trọng cảm ơn ông!