Cần chính sách đột phá trong xuất khẩu nông sản

Năm 2019, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu nông sản ước đạt 43 tỷ USD. Tuy nhiên, những khó khăn thách thức trong thực tế đã khiến cho kim ngạch của nhóm hàng này thời gian qua không đạt được mức tăng trưởng so cùng kỳ năm trước. Nếu không thích ứng và chuyển đổi kịp thời trong cơ cấu ngành hàng, phương thức sản xuất, xuất khẩu thì nhóm hàng tiềm năng của Việt Nam có nguy cơ khó về đích trong ngắn hạn, thậm chí đánh mất thị trường tiềm năng xét về dài hạn.

Tham gia giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ quốc tế là cách để nông sản Việt Nam nắm bắt cơ hội xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới. Trong ảnh: Gian hàng Việt Nam tại Hội chợ Quốc tế về thực p
Tham gia giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ quốc tế là cách để nông sản Việt Nam nắm bắt cơ hội xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới. Trong ảnh: Gian hàng Việt Nam tại Hội chợ Quốc tế về thực p

Những điều khoản ngày một chặt chẽ hơn

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), kim ngạch xuất khẩu nông-lâm-thủy sản tám tháng năm 2019 đạt 26,58 tỷ USD, tăng 1,6% cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 12,41 tỷ USD, giảm 8,3% so cùng kỳ. Như vậy xuất khẩu nhóm hàng này cho đến cuối năm sẽ còn đối mặt nhiều thách thức, khu vực nông-lâm-thủy sản khó có thể đạt mức tăng trưởng cao như cùng kỳ.

Điểm khó khăn nổi lên đối với xuất khẩu nông, thủy sản (NTS) của Việt Nam chính là sự thay đổi chính sách ở các thị trường đến. Chẳng hạn như, việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do với Liên hiệp châu Âu (EVFTA) mở ra cơ hội lớn đối với xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, cơ hội cũng đi kèm với thách thức. Điểm khó khăn không nhỏ lúc này là quá trình đàm phán về công nhận lẫn nhau các bảo hộ sở hữu trí tuệ NTS giữa Việt Nam và Liên hiệp châu Âu (EU) vẫn chưa kết thúc. Danh sách hơn 40 nông sản Chỉ dẫn địa lý, tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang trong quá trình chờ đợi để có thể xuất khẩu vào châu Âu.

Thêm nữa, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đưa ra khuyến nghị, kể từ ngày 1-9-2019, Ủy ban châu Âu (EC) yêu cầu kiểm dịch thực vật chặt chẽ đối với nhiều loại NTS nhập khẩu từ các nước bên ngoài EU, trong đó có Việt Nam. Cụ thể, đối với các lô quả có múi và xoài tươi xuất khẩu, phải được sản xuất từ các vườn đã được cơ quan kiểm dịch thực vật kiểm tra và bảo đảm không nhiễm ruồi đục quả. Mọi thông tin về vườn hoặc thông số về xử lý phải được ghi vào giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật để bảo đảm truy xuất nguồn gốc...

Xu thế chung hiện nay, nhiều nước đang áp dụng công nghệ mới trong sản xuất, nuôi trồng nhiều mặt hàng NTS mà Việt Nam có thế mạnh. Giảm nhập khẩu, hoặc dựng những hàng rào kỹ thuật để bảo hộ trong nước được dự báo sẽ làm khó cho hàng hóa từ Việt Nam. Áp lực cạnh tranh dự báo sẽ ngày càng khốc liệt hơn...

Đồng bộ các giải pháp

Những thay đổi về chính sách tại các thị trường xuất khẩu có những tác động không nhỏ đến nhóm ngành hàng NTS của Việt Nam. Tuy nhiên, ngoài những khó khăn, thách thức, thì ngành nông nghiệp của Việt Nam cũng đang đứng trước cơ hội chuyển đổi, nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu, từ đó có thể xác lập được vị thế tại những thị trường đòi hỏi cao, tiềm năng lớn. Muốn nắm bắt được cơ hội sẽ cần phải có chiến lược phát triển ngắn, trung và dài hạn một cách hợp lý.

Đối với mặt hàng rau quả, để có thể giữ thị trường truyền thống và thâm nhập hiệu quả vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Mỹ… sẽ cần thực hiện ngay việc đáp ứng các quy định đưa ra từ đối tác nhập khẩu như quy định về bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng cũng như các quy định kiểm dịch thực vật... Cục trưởng Bảo vệ thực vật Hoàng Trung nhận định: Hiện nay, uy tín hàng NTS của Việt Nam ngày càng được nâng cao, xuất khẩu vào nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, theo từng năm, những yêu cầu của nhà nhập khẩu cũng được nâng lên buộc chúng ta phải sớm thích nghi, còn về lâu dài phải chủ động nắm bắt trước nhu cầu của đối tác để tránh bị động dẫn đến tồn hàng. “Đối với những quy định mới của EU về Kiểm dịch thực vật có hiệu lực từ ngày 1-9, Cục cũng đã yêu cầu các Chi cục kiểm dịch thực vật vùng kiểm tra chặt chẽ các lô hàng xuất khẩu, tránh tình trạng hàng bị trả về do vi phạm, vừa tổn hại lợi ích kinh tế vừa ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín chung của các mặt hàng NTS Việt”, ông Trung nhấn mạnh.

Về lâu dài, để xuất khẩu NTS ổn định, các DN xuất khẩu cần nâng cao trình độ chuyên nghiệp hóa và được đầu tư đúng mức. Nhu cầu về đầu tư đồng bộ, hiện đại hóa các chuỗi giá trị nông sản đối với các DN là hết sức cấp thiết. Đặc biệt, Nhà nước cần xây dựng chiến lược thu hút đầu tư về phát triển chuỗi giá trị lạnh vì NTS của chúng ta chủ yếu xuất khẩu dạng tươi. Hiện, tỷ lệ áp dụng bảo quản lạnh cho thủy sản là cao nhất, đạt 95%, tuy vậy ngành rau quả mới chỉ ở con số vô cùng khiêm tốn hơn 6%. Cũng vì chuỗi sản xuất còn thiếu hụt các dịch vụ phụ trợ như hệ thống bảo quản, kho vận lạnh chuyên nghiệp, chỉ mới có một số DN đầu tư nên chi phí logistics cao. Một số DN nước ngoài đã đầu tư trong lĩnh vực này, nhưng lại thiếu kết nối thông tin với các vùng sản xuất. Mối quan hệ giữa các nhà cung cấp dịch vụ chuỗi với người sản xuất còn lỏng lẻo thiếu chuyên nghiệp.

Muốn giảm rủi ro về thị trường, gia tăng giá trị hàng hóa, cần có giải pháp thúc đẩy chế biến, đa dạng hóa sản phẩm phục vụ xuất khẩu. Nhu cầu hợp tác giữa các DN chế biến với các vùng sản xuất quy mô, quản lý chuyên nghiệp và các viện nghiên cứu chuyển giao công nghệ là mô hình tích cực cần phổ biến rộng rãi. Đối với các cơ quan chức năng, các Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng cần chủ động thông báo, hướng dẫn để các tổ chức, cá nhân xuất khẩu biết và tuân thủ các quy định kiểm dịch thực vật nhập khẩu mới được EU hay Trung Quốc điều chỉnh.

Với các giải pháp đồng bộ, ngành nông nghiệp sẽ có được cơ hội đổi mới và gia tăng kim ngạch xuất khẩu cũng như nâng cao chất lượng tăng trưởng. Chúng ta có lợi thế về giống, về điều kiện địa lý, chỉ cần những bước đi đúng sẽ giúp cho NTS Việt Nam xác lập được vị thế của mình trên thị trường thế giới.

Cần chính sách đột phá trong xuất khẩu nông sản ảnh 1

Những trái xoài Sơn La đã được xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Ảnh: LÊ HẬU

Tổ chức chuyên đề:

VŨ MAI HOÀNG, LƯU HƯƠNG, LÊ ĐỨC NGHĨA