Cần câu, con cá và hồ câu vui vẻ

Trước Tết, một clip video dài hơn ba phút có tên “Happy Silent New Year” - lời ca nguyện cầu cho năm mới trong yên lặng, đã làm lay động hàng triệu trái tim. Điều đặc biệt là bài ca ấy được “hát” bằng tay. 22 người Điếc rạng ngời, hạnh phúc say mê “hát” bằng ngôn ngữ ký hiệu. Tất cả họ đều là nhân viên của TokyoLife. Họ là một phần trong 172 người khuyết tật làm việc tại xưởng sản xuất và trong hệ thống 108 cửa hàng trải dài từ bắc tới nam. 

Điều quan trọng không phải chỉ là cung cấp việc làm cho người yếu thế mà phải tạo ra một môi trường hạnh phúc để họ có thể tự hào và tự tin làm chủ cuộc sống. Ảnh: ĐẮC THẮNG
Điều quan trọng không phải chỉ là cung cấp việc làm cho người yếu thế mà phải tạo ra một môi trường hạnh phúc để họ có thể tự hào và tự tin làm chủ cuộc sống. Ảnh: ĐẮC THẮNG

Bài toán cho 2,5 triệu người khuyết tật

Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 7% dân số - 6,2 triệu người, là người khuyết tật. Một phần trong số đó, khoảng 2,5 triệu người vẫn có khả năng lao động và mong muốn được lao động. Nhà nước ta đã có Luật Người khuyết tật, từ năm 2010, và xác định tính quan trọng đối với vấn đề dạy nghề cũng như việc làm cho NKT. Luật Người khuyết tật quy định: Nhà nước bảo đảm để NKT được tư vấn học nghề miễn phí, lựa chọn và học nghề theo khả năng, năng lực bình đẳng như những người khác (Điều 32) và cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (DN), cá nhân không được từ chối tuyển dụng NKT có đủ tiêu chuẩn tuyển dụng vào làm việc hoặc đặt ra tiêu chuẩn tuyển dụng trái quy định của pháp luật nhằm hạn chế cơ hội làm việc của NKT (Điều 33). Tuy vậy, số lượng người lao động có được việc làm bình đẳng vẫn là không nhiều. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) nhấn mạnh, Việt Nam mất khoảng 3% GDP do không tối ưu hóa vai trò của NKT trong lực lượng lao động, điều này dẫn đến sự thiếu hụt không hề nhỏ về kinh tế.   

Phần lớn, NKT đang lao động trong các DN xã hội, nơi người ta lập nên các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, quy mô rất bé, vừa dạy nghề, vừa sản xuất để tạo công ăn việc làm với thu nhập tối thiểu. Đó là các mô hình từ thiện, do các cá nhân hoặc tổ chức thiện nguyện xây dựng, với ý thức trao cho NKT “cái cần câu”, thay vì “con cá” là các khoản cứu trợ ngắn hạn, vốn chỉ có khả năng giúp họ sống sót qua ngày.  

Một vài DN lựa chọn mua sản phẩm hoặc nguyên vật liệu sản xuất từ NKT, coi đó như là một giải pháp tạo việc làm cho người yếu thế. Đã từ lâu, Tò He mua bản quyền các bức tranh ngây thơ, chân chất từ các em bé tự kỷ, để đưa vào các sản phẩm thời trang và đồ lưu niệm. Động thái này mang nhiều ý nghĩa động viên đối với các gia đình có con em tự kỷ nhiều hơn là tác động kinh tế. 

Ở giữa nội thành Huế có một trung tâm dạy nghề cho NKT mang tên Hy Vọng. Chị Nguyễn Thị Hồng, Giám đốc trung tâm cho biết, đã có 2.000 người với những hoàn cảnh khác nhau được dạy nghề may, đan lát, gốm thủ công. Có những người đã tìm được việc làm trong các khu công nghiệp, nhà máy, nhưng có những người vẫn phải tiếp tục kiếm sống tại trung tâm, bằng những đơn đặt hàng gia công đơn giản, với thu nhập vẻn vẹn 600 nghìn đồng mỗi tháng. Thực trạng đó là phổ biến, không chỉ ở Huế. NKT, cho dù được hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, vẫn là những người thiệt thòi trong cuộc đua cạnh tranh khốc liệt của thị trường. Các cơ sở như vậy vốn tồn tại bằng tình thương cảm và trách nhiệm xã hội của cộng đồng, sẽ hụt hơi khi có những biến động lớn, như đại dịch Covid-19 vừa qua. 

Cần câu, con cá và hồ câu vui vẻ -0
Trên thực tế, các chính sách chưa tạo động lực thật sự đưa người khuyết tật hòa nhập vào môi trường lao động chung.  

Anh Lê Việt Cường, Giám đốc Hợp tác xã Vụn Art ở làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội, tin rằng nếu sản phẩm của NKT được mua bằng sự thương hại thì sẽ không thể phát triển bền vững. Vụn Art là một trong số rất ít DN xã hội của NKT đạt chứng chỉ OCOP 4 sao, danh hiệu đẳng cấp dành cho các sản phẩm thủ công và đặc sản quốc gia. Hơn 20 NKT, từ khuyết tật vận động đến khiếm thính và thiểu năng trí tuệ, là tác giả của những sản phẩm tranh ghép vải lụa trên áo thun, túi tote, áo dài… đang dần dần chinh phục các khách hàng khó tính có thu nhập cao. Tết này, nhiều lao động của anh Cường đã có thu nhập đến 8 triệu đồng, một niềm hạnh phúc không nhỏ. 

Cần một “hồ câu” vui vẻ 
 
Như chúng ta đã thấy, những DN như Vụn Art, Tò He, hay Kym Việt cho người điếc, nhà hàng Noir cho người mù, vẫn chỉ là những nỗ lực nhỏ lẻ, còn lâu lắm mới giải quyết được vấn đề việc làm cho 2,5 triệu NKT. Những người sáng lập TokyoLife tin rằng, chỉ có các DN lớn chung tay, tuyển dụng một cách bài bản, có chiến lược kinh doanh phù hợp, với quy mô lớn, thì mới nhanh chóng giải bài toán khó khăn này. 

Ở TokyoLife, NKT được gọi là Thiên thần (Angel). Họ được tuyển dụng, đào tạo, được sắp xếp bố trí những công việc phù hợp với thể trạng, điều kiện giao tiếp, được chăm sóc để hòa đồng với môi trường chung, được làm việc và kiếm sống một cách vui vẻ. Công ty này dự kiến trong kế hoạch dài hạn sẽ tuyển dụng đến 400 NKT và chuyển đổi 10% các cửa hàng bán lẻ của họ thành những “Ngôi nhà Thiên thần” - tên gọi các cửa hàng hoàn toàn do người điếc vận hành. 

Có lẽ, TokyoLife là công ty duy nhất ở Việt Nam có hẳn một bộ phận hỗ trợ, chăm sóc đời sống, hòa nhập cộng đồng cho NKT mà họ gọi là chăm sóc Thiên thần. Điều quan trọng nhất không phải chỉ là cung cấp việc làm cho người yếu thế, mà phải tạo ra một môi trường hạnh phúc để họ có thể tự hào và tự tin làm chủ cuộc sống. Những người lãnh đạo ở đây nói rằng, họ không muốn chỉ tặng cái “cần câu” mà còn tạo ra cái “hồ câu” vui vẻ để NKT có thể tự mình câu cá. 

Từ câu chuyện của chính mình, TokyoLife đang xúc tiến việc thử chuyển giao mô hình và hỗ trợ một vài DN khác đưa việc làm cho NKT vào chiến lược kinh doanh dài hạn. Việt Chuẩn, một công ty sản xuất khuôn đúc ở Khu công nghiệp Nam Thăng Long, đã tuyển dụng bước đầu hơn 20 NKT cho quy trình sản xuất đòi hỏi độ chính xác cao. 
  
Tuy nhiên, những nỗ lực từ phía DN vẫn là chưa đủ. Quá trình thực thi Luật NKT đã cho thấy sự bất cập trong chính sách. Điều 34 luật này quy định, cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là NKT được hỗ trợ các điều kiện ưu đãi về điều kiện cơ sở vật chất, vay vốn và thuế. Điều đáng nói, rất ít DN kinh doanh thông thường có thể tuyển dụng NKT với tỷ lệ cao như thế, nhất là các DN lớn. Mặc dù được quan tâm, nhưng trên thực tế điều này chưa tạo động lực thật sự đưa NKT hòa nhập vào môi trường lao động chung.   

Đã đến lúc chúng ta cần xem xét, sửa đổi văn bản pháp lý quan trọng này. 

Tổ chức chuyên đề: 

Lưu Hương, Nguyễn Hà, Nguyễn Văn Học