Cần cách tiếp cận mới đối với y tế tư nhân

Sau hơn một năm Chỉ thị số 04/CT-BYT về việc tăng cường quản lý hoạt động của cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) tư nhân được Bộ Y tế ban hành, những sự cố y khoa vẫn tiếp tục xảy ra, thậm chí có vụ còn gây hậu quả nghiêm trọng. Ðã đến lúc, cần thay đổi cơ bản cách thức quản lý y tế tư nhân, thay vì chỉ trông vào đội ngũ quản lý chuyên ngành vốn còn bất cập ở các địa phương.

Hiện Hà Nội là một trong ba địa phương đứng đầu cả nước về số lượng cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân. Ảnh: Nguyễn Ðăng
Hiện Hà Nội là một trong ba địa phương đứng đầu cả nước về số lượng cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân. Ảnh: Nguyễn Ðăng

Chỉ như "ném đá ao bèo"

Không khó để điểm ra những vụ việc sự cố y khoa gây bức xúc dư luận xảy ra từ đầu năm 2018 đến nay tại các cơ sở y tế tư nhân. Chẳng hạn như trường hợp chẩn đoán mắc bệnh xã hội tại một phòng khám ở quận Thanh Xuân (Hà Nội), song bệnh nhân đi khám lại ở các bệnh viện khác cho kết quả hoàn toàn sai lệch. Hay nghiêm trọng hơn là vụ bệnh nhân tử vong sau hai giờ tiêm thuốc tại cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn huyện Phong Ðiền (TP Cần Thơ)… Một cán bộ lãnh đạo ngành y tế ví von, những nỗ lực của các cấp, ngành trong việc tăng cường quản lý, chấn chỉnh hoạt động hành nghề y tế tư nhân chẳng khác nào "ném đá ao bèo".

Quả vậy, trực tiếp đi kiểm tra hoạt động của các cơ sở y tế tư nhân vào đầu năm 2018, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thừa nhận, vẫn chưa xử lý triệt để được những sai phạm. Trước hết, là bởi chúng ngày một tinh vi, mức độ sai phạm cũng phổ biến hơn. Khó mà ước tính được có bao nhiêu cơ sở hành nghề vượt quá phạm vi cho phép, quảng cáo vượt quá phạm vi chuyên môn. Có bao nhiêu người hành nghề ghi chưa đúng chức danh, hành nghề quá phạm vi chuyên môn cho phép? Nghiêm trọng hơn, có tình trạng điều trị theo kiểu "nuôi" bệnh, bệnh nhẹ thành bệnh nặng, sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc chưa được phép lưu hành hay bán thuốc không rõ nguồn gốc với giá cao, cố tình "móc túi" người bệnh… Trong khi đó, biện pháp xử lý từ các cơ quan chức năng không đạt hiệu quả như mong muốn, có cơ sở bị nhắc nhở, xử phạt 4-5 lần nhưng vẫn tiếp tục tái phạm.

Theo Luật KCB, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm đối với việc quản lý nhà nước về KCB trong phạm vi địa phương. Tuy nhiên, bấy lâu nay công việc này đang bị quản lý chồng chéo theo ngành và theo địa bàn nên khi có sự việc xảy ra thì thường ngành đổ lỗi cho địa bàn và ngược lại.

Tuy Luật đã phân cấp quản lý nhưng trên thực tế, trách nhiệm quản lý hành nghề y tế tư nhân đang được dồn về cấp cơ sở mà cuối cùng là trạm y tế xã/ phường, tạo nên áp lực về năng lực thực thi của bộ máy. Trong khi đó, cấp huyện có tình trạng kiểm tra xử lý nhưng lại bỏ trống hậu kiểm nên quyết định xử phạt không có giá trị thực tiễn (dẫu các cơ sở hành nghề y tế tư nhân không phép luôn nằm ở vị trí trung tâm huyện, thị).

Chuyện "nhờn thuốc" còn do hình thức phạt chưa đủ sức răn đe. Nghị định 176/2013/NÐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đã đưa ra các mức nộp phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính về khám, chữa bệnh từ 200 nghìn đồng đến 80 triệu đồng (mục 2, từ Ðiều 28 đến Ðiều 36). Nhưng trên thực tế, con số này quá thấp so với lợi nhuận thu về, nên các phòng khám sẵn sàng nộp phạt để rồi tái phạm.

Cần cách tiếp cận mới đối với y tế tư nhân ảnh 1

Ðoàn Thanh tra liên ngành tỉnh Quảng Ninh kiểm tra tại phòng xét nghiệm Vương Minh Châu, phường Cẩm Thủy, thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh. Ảnh: Hà Tâm

Tạo mối liên kết ba nhà

Theo GS, TSKH Phạm Mạnh Hùng (Tổng hội Y học Việt Nam), muốn phát triển y tế tư nhân có chất lượng, thì ngoài các chủ trương chung còn cần những chính sách cụ thể để khuyến khích đầu tư, cũng như cần chuyển đổi cung cách quản lý y tế tư nhân. Ðó là, khác với quản lý y tế công, điều chủ yếu trong quản lý y tế tư nhân là quản lý mục đích đầu tư, chứ không phải chỉ có quản lý kỹ thuật và thu chi tài chính đơn thuần như trong quản lý y tế công. Tùy theo mục đích đầu tư mà Nhà nước áp dụng các chính sách sao cho phù hợp. Chỉ có như vậy mới hạn chế mặt tiêu cực của y tế tư nhân do khuynh hướng chạy theo lợi nhuận mà coi nhẹ tính nhân đạo trong y tế, đồng thời lại khuyến khích những mặt ưu điểm của y tế tư nhân.

Quản lý y tế tư nhân phải coi trọng việc tạo sự liên kết chặt chẽ giữa nhà quản lý - nhà đầu tư - nhà khoa học (thầy thuốc). Bởi, vai trò của nhà đầu tư rất quan trọng: Họ quyết định mục đích đầu tư, ấn định cả cung cách làm việc, ứng xử của thầy thuốc, nhất là trong các cơ sở dịch vụ vì lợi nhuận. Trong nhiều trường hợp, thầy thuốc chỉ đóng vai trò người làm thuê cho nhà đầu tư và phải tuân theo những yêu cầu và mục đích của nhà đầu tư. Khi ấy vai trò chủ thể trong hoạt động lại là các nhà đầu tư, chứ không phải là thầy thuốc. Bởi vậy, không coi trọng việc tạo liên kết giữa các nhà đầu tư với các nhà quản lý và thầy thuốc (liên kết ở đây là muốn nói đến liên kết trong quản lý, tạo ra sự đồng thuận để phát triển y tế tư đúng hướng chứ không phải liên kết nhằm lợi ích cá nhân và lợi nhuận không chính đáng) thì không thể giải quyết được những bất cập trong hoạt động y tế tư.

Chúng ta cũng cần nghiên cứu hoàn chỉnh những quy định cụ thể để quản lý y tế tư nhân. Theo kinh nghiệm của các nước thì bộ quy định ấy tập trung vào 5 loại sau: Quy định về đăng ký, cấp phép hoạt động cho cơ sở hành nghề; Các quy định về tự kiểm soát thực hành chuyên môn; Quy định về kiểm định cho cơ sở KCB; Quy định về công bố thông tin; Quy định kiểm soát tài chính thông qua hệ thống chi trả. Tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật liên quan đến y tế tư, tăng cường vai trò của hội và các hội thành viên trong giám sát, phát huy vai trò của người bệnh trong hoạt động giám sát. Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng một hệ thống quản lý điện tử thông qua in-tơ-nét về các bác sĩ và phòng khám tư nhân nhằm thúc đẩy sự công khai, minh bạch về thông tin bác sĩ, phòng khám, cũng như các sự cố liên quan đến pháp luật. Từ đó, có cơ sở để khách hàng lựa chọn các bác sĩ, các phòng khám uy tín…

Thiết nghĩ, trong khi cơ sở y tế công lập còn đang quá tải, việc phát triển y tế tư nhân là rất cần thiết. Tuy nhiên, ngành y tế cần có những giải pháp quản lý hữu hiệu để y tế tư nhân vận hành đúng "quỹ đạo", bảo vệ quyền lợi của người đến KCB.

Theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cả nước hiện có 206 bệnh viện và hơn 30.000 phòng khám tư nhân, tập trung nhiều nhất ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Nghệ An.