Cần cách nhìn công bằng hơn

Dưới góc nhìn của một nhà tài trợ, Đỗ Ngọc Minh (từng gây chú ý bởi chuỗi chương trình đưa nhạc cổ điển xuống đường phố Luala concert- một chương trình có hiệu ứng lớn trong cộng đồng bởi sự chuyên nghiệp và chất lượng nghệ thuật) đã có những chia sẻ rất thẳng thắn về vấn đề bảo trợ nghệ thuật của các công ty tư nhân.

Luala concert đã tạo được hiệu ứng tốt cho cả công chúng và nghệ sĩ.
Luala concert đã tạo được hiệu ứng tốt cho cả công chúng và nghệ sĩ.
Cần cách nhìn công bằng hơn ảnh 1

- Anh từng rất thành công với chuỗi chương trình Luala concert, nhưng chương trình đang bị ngắt quãng, phải chăng việc tài trợ gặp khó khăn, thưa anh?

- Ngay từ đầu, tôi vẫn luôn khẳng định là không có cam kết hay kế hoạch lâu dài cho chương trình Luala concert vì mình là doanh nghiệp tư nhân, quy mô nhỏ, có một ngân sách cho truyền thông hạn chế. Với Luala concert, tôi muốn làm một chương trình vừa có tác dụng quảng bá thương hiệu theo một cách mới, vừa có ý nghĩa cộng đồng. Nhưng tôi không dám chắc chắn mình sẽ làm lâu dài vì nó phụ thuộc vào khả năng tài chính.

- Như vậy việc tài trợ cho các hoạt động nghệ thuật sẽ luôn phụ thuộc vào khả năng tài chính của doanh nghiệp, mà doanh nghiệp thì thường chỉ quan tâm đến lợi nhuận?

- Tôi muốn chia sẻ rất thẳng thắn về vấn đề này để mọi người hiểu và có cái nhìn công bằng hơn với các nhà tài trợ. Đúng thực chất của việc bảo trợ các hoạt động nghệ thuật, trước hết là để quảng bá cho doanh nghiệp. Tất nhiên không phải dự án nào cũng hay, cũng mang tính cộng đồng, nhưng chắc chắn nó phải xuất phát từ nhu cầu của nhà tài trợ, bởi không có thực thì không vực được đạo. Mọi người vẫn hay có định kiến là doanh nghiệp tài trợ để được cái gì chứ không phải vì họ tử tế, tâm huyết với nghệ thuật. Tất nhiên không phải ai cũng tâm huyết cả. Nhưng việc doanh nghiệp thu được lợi ích, ít nhất là hình ảnh, danh tiếng, hay tăng lợi nhuận, doanh thu thì cũng lành mạnh thôi. Ở các nước như châu Âu, Mỹ, vai trò của nhà nước không lớn trong việc bảo trợ cho các hoạt động nghệ thuật, nhất là Mỹ, thì các bảo tàng đều là tư nhân, các hoạt động mang tính bác học đều được tư nhân bảo trợ và người ta có chính sách tôn vinh và ghi nhận các nhà tài trợ. Bởi không phải ai tài trợ nghệ thuật cũng yêu nghệ thuật cả, nhiều người họ cần khẳng định bản thân, khẳng định tên tuổi nhưng cuối cùng thì cốt lõi vẫn là nghệ thuật được hỗ trợ và phát triển. Ở Mỹ, nghệ thuật của họ mạnh, vì họ có văn hóa tôn vinh các nhà tài trợ. Những người có cuộc sống khá giả, họ có thể nghĩ đến việc sưu tập tranh và đầu tư nghệ thuật, và cuối đời tặng cho các bảo tàng, họ cảm thấy tự hào vì cuộc sống của họ có ý nghĩa chứ không chỉ ki cóp lo cho bản thân mình.

- Ý anh nói là xã hội chúng ta có định kiến với các nhà tài trợ, bởi thực chất, rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp lợi dụng truyền thông để quảng bá cho hình ảnh của mình mà không quan tâm gì đến nghệ thuật?

- Tôi nghĩ khi xã hội ghi nhận và có cái nhìn sòng phẳng, mạch lạc về vai trò của nhà tài trợ, để họ không phải che đậy mục đích thật của mình, thì ngày sẽ có nhiều người sẵn sàng hơn, vì họ cảm thấy được tưởng thưởng hơn. Và họ cảm thấy lành mạnh hơn chứ không phải cố để giấu mục đích thật của mình. Vừa rồi có sự kiện vở ba-lê Hồ Thiên Nga sang Việt Nam, tôi thấy vui vì có một hoạt động tài trợ rất văn minh như thế. Doanh nghiệp tài trợ dám nghĩ, dám làm. Họ cũng hiểu rõ một chương trình như vậy không dễ được đông đảo khán giả thích. Nếu họ chỉ nhìn ở vấn đề lợi ích của việc tăng doanh thu cho doanh nghiệp, thì chắc chắn họ sẽ thất bại. Trân trọng những giá trị văn hóa của thế giới, họ dần dần tạo ra văn hóa tài trợ, đó là điều hiếm có ở Việt Nam. Nếu họ tiếp tục làm những việc như vậy, nếu các tập đoàn nhà nước, tư nhân có tiềm lực chung tay vào làm những hoạt động như vậy, thì các hoạt động văn hóa trong nước mới phát triển được.

- Các doanh nghiệp Việt Nam chưa thật sự quan tâm đến việc tài trợ cho các hoạt động nghệ thuật?

- Thật sự là chưa, trong đó có vai trò của truyền thông. Chương trình Luala concert khi tôi làm cũng không ngờ có hiệu ứng lớn như thế, tôi nghĩ nhờ một phần rất lớn vào sự ủng hộ và quảng bá của truyền thông. Ở các nước tài trợ đã trở thành văn hóa và có một bộ máy khổng lồ để vận hành. Bởi họ có công chúng, có văn hóa trân trọng các giá trị nghệ thuật. Thương hiệu nào đi liền với loại hình nghệ thuật họ tài trợ, nó định hình như thế. Tôi nghĩ, các tập đoàn nhà nước và tư nhân của chúng ta rất mạnh, họ có thể làm được. Cho đến nay, hầu hết các chương trình biểu diễn lớn, mang tính hàn lâm đều do các thương hiệu nước ngoài tài trợ, đó là điều đáng buồn. Các công ty Việt chưa quan tâm dù khả năng tài chính không phải là thiếu. Nghệ thuật chưa được chú tâm nhiều.

- Theo anh là vì sao?

- Bên cạnh khả năng tài chính thì vẫn là vấn đề tư duy. Nhà tài trợ cần xác định rõ ràng đối tượng công chúng mình nhắm đến để có những lựa chọn hợp lý và người lãnh đạo cũng phải có đủ hiểu biết về nghệ thuật hoặc phải là người có tầm nhìn, để lựa chọn một ban cố vấn nghệ thuật. Quan trọng nhất vẫn phải là tâm huyết của những người đứng đầu, với nghệ thuật.

- Cảm ơn những chia sẻ của anh.