Bùng nổ kết nối, loay hoay mô hình

Trong vòng hơn 10 năm, ngành ngân hàng (NH) toàn cầu đã chuyển hóa ngoạn mục từ bank 2.0 đến bank 4.0. Đối với Việt Nam, tuy đã có sự bắt nhịp ngày càng nhanh với xu thế chung nhưng vẫn cần đến khung khổ pháp lý phù hợp để thúc đẩy quá trình số hóa này.

Ngân hàng OCB đã hoàn tất bảy dự án bảo mật lớn trong quy trình hoạt động, thành lập Security Operation Center (SOC) giám sát thường xuyên tình hình an ninh bảo mật công nghệ toàn hệ thống.
Ngân hàng OCB đã hoàn tất bảy dự án bảo mật lớn trong quy trình hoạt động, thành lập Security Operation Center (SOC) giám sát thường xuyên tình hình an ninh bảo mật công nghệ toàn hệ thống.

Sở hữu tấm vé vào cửa

Ông Claude Spiese, Nhà điều hành Công nghệ tài chính, Cố vấn cấp cao của Grant Thornton Việt Nam nhìn nhận, “nhịp đi” của NH số (Digital Banking) ở Việt Nam hiện khá phù hợp và tương thích với nhịp số hóa của nền kinh tế. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần tập trung vào xây dựng khuôn khổ pháp lý hướng tới ổn định của cả hệ thống NH - tài chính để thị trường vừa phát triển đúng xu thế tất yếu vừa bảo đảm quản lý được rủi ro, ông Claude Spiese lưu ý.

Quả thật, từ rất sớm, các NH ở Việt Nam đã nỗ lực thúc đẩy số hóa. Bắt đầu từ sự tìm kiếm các mô hình, công nghệ, sự kết nối và tích hợp đến việc tập trung cho các “key” - chìa khóa chính để làm NH số.

Theo đó, xác thực điện tử (e-KYC), định danh người dùng điện tử, đã và đang được các NH đẩy mạnh. Chẳng hạn như, NH TMCP Tiên phong (TPBank) có e-KYC để định danh khách hàng tại LiveBank thử nghiệm từ nhiều năm trước, đến nay đã triển khai online trên toàn hệ thống. NH TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank), NH TMCP Phát triển Nhà Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank), NH TMCP Bản Việt…, đều là những NH đầu tư mạnh tay cho số hóa, đã lần lượt đưa ra thị trường các công cụ e-KYC, phục vụ cho câu chuyện định danh tài khoản khách hàng, tiến đến là cơ sở thống nhất để đồng bộ dữ liệu, xây các gói dữ liệu lớn (big data), là nền tảng cho bảo mật, an toàn của khách hàng và chính hệ thống tài chính dịch vụ NH hiện tại lẫn tương lai.

Vụ trưởng Thanh toán NHNN Phạm Tiến Dũng khẳng định, các NH đều đang chủ động để có thể sở hữu e-KYC, được ví như tấm vé vào cửa Digital Banking. 

“Cửa hàng tài chính tiện lợi”… còn xa

Hiểu theo nghĩa đen, Digital Banking là mô hình phục vụ mọi nhu cầu, giao dịch tài chính mọi nơi, mọi lúc mà không cần đến phòng, điểm giao dịch vật lý. Xa hơn nữa, NH số là sự kết nối tất cả trong một -“all in one”, nhờ đó có thể ví NH như một “cửa hàng tài chính tiện lợi”, nơi người dân không chỉ thực hiện được các nhu cầu gửi - vay tiền theo thể thức truyền thống, hay thông minh hơn là thanh toán hóa đơn; mà còn có thể mua sắm, chọn lựa, thanh toán dịch vụ… Có nghĩa, NH sẽ phải tích hợp với mọi dịch vụ trên nền tảng số hóa của mình, phát triển dịch vụ từ chính mình và các đối tác. Sự bùng nổ tích hợp và kết nối vì vậy đã diễn ra. Đó là sự bắt tay giữa các ông lớn trung gian thanh toán với NH, các ví điện tử, các siêu app như Grab, các nhà bán bảo hiểm và các bên liên quan khác. Là sự kết hợp giữa hệ sinh thái số VinID và NH TMCP Đầu tư Phát triển (BIDV) để phục vụ người dân tiện lợi khi đi chợ. Là sự phát triển bán chéo giữa cho vay mua vé hàng không-thanh toán của HDBank-VietjetAir - HDSaison. Là cú ký kết xuyên quốc gia giữa NH TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) với Amazon và T&T Group tại thị trường Việt Nam…

Tuy nhiên, tất cả mới đang ở mức độ tích hợp ban đầu. Sẽ còn phải mất nhiều thời gian nữa, Việt Nam mới có được một tập đoàn dịch vụ tài chính như Ant Financial, đã lớn mạnh như một đế chế tài chính dịch vụ không chỉ của riêng AliPay mà thậm chí còn soán ngôi các NH bán lẻ tầm trung. Hay như các “ngân hàng n trong 1” với M-Pesa, WeChat của Tencent… Các đế chế này, tuy đã đặt một chân vào Việt Nam, song cũng chưa thể phả hơi nóng thật sự lên các tổ chức tín dụng. 

Ở góc độ tìm kiếm những mô hình Digital Banking, nhiều NH cũng đã mạnh tay đầu tư vào công nghệ. Nổi bật có NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), TP Bank, NH TMCP Quân đội (MBB), HDBank, NH TMCP Phương Đông (OCB)… Trong đó, dường như chỉ có OCB là chọn định danh NH hợp kênh (OMNI CHANNEL) - mô hình bán hàng đa kênh, trực tuyến; các NH còn lại vẫn đi theo mô hình chung của Digital Banking, lấy dịch vụ tài chính NH làm cốt lõi để mở rộng các ứng dụng công nghệ, phục vụ người dùng trên nền số hóa. 

Ứng dụng công nghệ để hướng tới phổ cập tài chính và dần “số hóa” các kênh bán buôn, bán lẻ, cũng là hướng mà nhiều NH lựa chọn. Đây là cách để NH TMCP Quốc tế (VIB) bứt phá trên thị trường bán lẻ và phân phối bảo hiểm qua NH (bancassurance) với thị phần, tốc độ tăng trưởng số một Việt Nam.

Trong một tọa đàm về chuyển đổi số trong ngành NH mới đây, bà Trần Thu Hương, Giám đốc Chiến lược và Phát triển Kinh doanh kiêm Giám đốc Khối NH Bán lẻ của VIB chia sẻ, VIB đã phải trải qua nhiều thách thức để trở thành NH tiên phong áp dụng số hóa và có thể liên tục cho ra đời những giải pháp sáng tạo trên nền tảng công nghệ. Bởi một thay đổi dù rất nhỏ liên quan hệ thống vận hành NH có thể kéo theo rất nhiều thay đổi trong các hệ thống liên quan, thậm chí còn “lọc máu” toàn bộ hệ thống. “Cần có sự đồng bộ về nền tảng, công nghệ và trên hết là một ý chí, tư duy nhất quán, sự quyết tâm từ những nhà lãnh đạo NH. Quy trình vận hành mới, chuẩn hóa dữ liệu, nhân sự công nghệ, việc ứng dụng công nghệ… đều đòi hỏi sự đầu tư từ nhiều phía”, bà Thu Hương nhấn mạnh. 

Ngay cả với những NH thuộc nhóm “big four”, thách thức cũng không hề đơn giản khi triển khai thống nhất trong toàn hệ thống. Do đó, đã có NH chọn cách thức, thí điểm nhận diện sinh trắc học tại một vài chi nhánh để lượng hóa suất đầu tư, tiếp nhận của người dùng và hiệu quả thu nhận. Trên cơ sở đó mới ra quyết định có chọn đây là mô hình, là “khóa” để triển khai tiếp ứng dụng số hay không.

Trong khi công nghệ đã và đang thay đổi trải nghiệm của người dùng Việt Nam, ngành NH vẫn sẽ phải tiếp tục nỗ lực thích ứng để bảo đảm quá trình chuyển đổi số thông suốt, hiệu dụng.