Bỏ tư duy chắp vá trong quản lý rủi ro thiên tai

Trước xu hướng thiên tai đang dịch chuyển từ miền trung ra khu vực phía bắc, ông Trần Quốc Hùng,Trưởng Ban Phòng ngừa và ứng phó thảm họa Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho rằng, đã đến lúc các chính sách quản lý rủi ro thiên tai cũng cần phải được điều chỉnh cho phù hợp.

Bỏ tư duy chắp vá trong quản lý rủi ro thiên tai

- Thưa ông, miền bắc đang trải qua những ngày mưa lớn kéo dài gây ngập úng, lũ ống, lũ quét, gây thiệt hại về người và tài sản ở nhiều địa phương. Ông nhìn nhận thế nào về công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai hiện nay?

- Ngay trong những ngày đầu diễn ra mưa lũ, công tác ứng phó cứu trợ đã được đẩy mạnh. Tại tỉnh Quảng Ninh, Điện Biên, bước đầu T.Ư Hội Chữ thập đỏ đã trao gần một tỷ đồng hỗ trợ bao gồm 800 thùng hàng gia đình, 600 hộp thuốc khử khuẩn và 375 triệu đồng hỗ trợ trực tiếp. Trước mắt, do mưa lũ còn diễn biến phức tạp, T.Ư Hội chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh công tác ứng phó.

Nhìn dài hạn hơn, do chịu tác động của biến đổi khí hậu, các thảm họa thiên nhiên có xu hướng dịch dần từ khu vực miền trung ra phía bắc, đặc biệt là khu vực miền núi. Nếu như khả năng ứng phó thảm họa ở miền trung được cải thiện đã giúp giảm con số người thiệt mạng trên biển từ 500 người/năm xuống còn khoảng 200 người/năm thì ở miền bắc lại gia tăng con số tổn thất, thiệt hại. Đó là vì ngoài yếu tố đặc điểm địa hình dốc và đồi núi trọc ra thì một nguyên nhân quan trọng nữa chính là nhận thức của cộng đồng, người dân trong phòng ngừa, ứng phó thảm họa còn hạn chế. Nguồn vốn đầu tư cho công tác quản lý rủi ro thiên tai ở khu vực phía bắc cũng chưa được phân bổ bảo đảm yêu cầu. Vì vậy, T.Ư Hội có chiến lược sẽ dịch chuyển nguồn lực trong công tác phòng ngừa ứng phó thảm họa cho khu vực phía bắc. Hạn chế về nhân lực đang là khó khăn lớn trong quá trình triển khai phòng ngừa thích ứng biến đổi khí hậu tại đây.

Bỏ tư duy chắp vá trong quản lý rủi ro thiên tai ảnh 1

Tỉnh Ninh Thuận đã phải công bố tình trạng khẩn cấp do đợt hạn hán khốc liệt kéo dài.

- Trong bối cảnh thiếu hụt nguồn đầu tư cho ứng phó rủi ro thiên tai thì dường như chúng ta lại chưa tận dụng hiệu quả nguồn lực từ cộng đồng và doanh nghiệp. Phải chăng, có bất cập trong cơ chế thu hút nguồn lực, thưa ông?

- Đúng là còn tồn tại khoảng trống trong chính sách về thu hút doanh nghiệp tham gia vào công tác ứng phó thiên tai. Để khuyến khích, kinh nghiệm một số nước là đưa ra cơ chế ưu đãi như giảm thuế thu nhập khi doanh nghiệp tham gia hoạt động thiện nguyện.

Có sự phân bổ không hợp lý nguồn vốn đầu tư bởi các doanh nghiệp thường chủ động trong lựa chọn điểm và cách thức cứu trợ. Nhưng vì sao họ làm vậy? Ngoài những mục tiêu riêng ra, không thể né tránh thực tế, hiệu quả và cơ chế điều phối cứu trợ hiện nay chưa thực sự tạo được niềm tin. Vậy nên, bảo đảm tính minh bạch và hiệu quả trong điều phối cứu trợ cần phải được nhìn nhận nghiêm túc.

Một khoảng trống nữa trong quy định cũng khiến công tác phân bổ nguồn lực khó khăn, đó là thiếu những quy định rõ ràng đối với ủng hộ bằng hàng để bảo đảm tính hợp lý và sự hài hòa giữa tấm lòng hảo tâm và giá trị của hiện vật. Vậy nên, không ít trường hợp thật khó xử với rất nhiều món đồ từ thiện không có giá trị sử dụng bị dồn ứ lại. Rõ ràng, đất nước ngày một phát triển, công tác cứu trợ nhân đạo cũng phải được tính toán dài hơi hơn, ở một tầm mức mang tính bền vững, bài bản. Không chỉ trao đi sự hỗ trợ vật chất mà cần trao cả tinh thần, kiến thức, kinh nghiệm và cách làm để tái thiết cuộc sống cho người dân vùng thiên tai, thảm họa.

- Theo ông, đến bao giờ chúng ta mới chuyển đổi được từ ứng phó với thảm họa, sang chủ động thích nghi với rủi ro thiên tai?

- Chính phủ đã rất chú trọng đến công tác quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Cụ thể là năm 2014, Luật Phòng chống thiên tai chính thức có hiệu lực. Trước đó, Chính phủ cũng phê duyệt Đề án 1002 nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai. Mục tiêu đặt ra là, sẽ có 6.000/11.000 xã, phường trên toàn quốc tự nhận thức rủi ro thiên tai và quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng. Đi đôi với đó là lồng ghép quản lý rủi ro thiên tai trong kế hoạch chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Tuy vậy, đây là mục tiêu đầy tham vọng bởi trên thực tế mới chỉ có khoảng 1/3 số xã, phường bước đầu thực hiện các nội dung này.

Vậy thì, cần phải bắt đầu từ đâu trong bối cảnh nguồn lực của Việt Nam còn hạn chế? Tôi muốn nhấn mạnh đến vế "thích ứng", bởi đã là thiên tai thì hầu như chỉ có thể giảm thiểu thiệt hại chứ không thể chống nổi. Ngay cả thiên tai cũng có những mặt tích cực như mưa lũ sẽ tạo thanh lọc môi trường tự nhiên diệt chuột và côn trùng có hại, mang nguồn phù sa mới về bồi đắp... Do đó, chúng ta cần phải có chiến lược hài hòa, uyển chuyển thế nào để thích ứng và tận dụng lợi ích này? Người dân cần được hỗ trợ sinh kế thế nào trong điều kiện tự nhiên như vậy...?

Đó là những câu hỏi khó và cần sự nhập cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, xem xét các vấn đề kinh tế và xã hội để tìm lời giải. Về dài hạn, cần chú trọng đến nâng cao nhận thức không chỉ của người dân mà còn của cả bộ, ngành, chính quyền địa phương, bởi xét đến cùng câu chuyện tái thiết là trách nhiệm của những đầu mối này. Muốn nghĩ xa, cần bỏ lối tư duy chắp vá trong quản lý rủi ro thiên tai.

- Ở góc độ của T.Ư Hội Chữ thập đỏ, công tác thích nghi thảm họa được triển khai như thế nào, thưa ông?

- Chúng tôi đang triển khai chương trình quản lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng. Đến nay đã có được 524 xã phường bảo đảm được một phần bảy tiêu chí cộng đồng an toàn. Trong đó, hơn 300 xã phường được đánh giá về tình trạng dễ tổn thương và khả năng. Thiết nghĩ, để thúc đẩy cũng nên bổ sung tiêu chí cộng đồng an toàn vào bộ tiêu chí để xác định "Nông thôn mới". Bên cạnh đó, từ kinh nghiệm hỗ trợ một số dự án ở các địa phương để nâng cao khả năng thích ứng biến đổi khí hậu như quản lý ngập lụt ở đô thị hay chuyển đổi vật nuôi cây trồng ở ĐBSCL..., chúng tôi sẽ xây dựng mô hình quản lý rủi ro thiên tai cho các khu vực dễ tổn thương.

- Xin cảm ơn ông!