Bỏ ngỏ không gian sinh hoạt cộng đồng

Nhu cầu được giao lưu, hội họp giữa các hộ dân ở chung cư là có thật. Thế nhưng, hầu hết các chung cư đều thiếu phòng sinh hoạt cộng đồng, không gian công cộng, buộc người dân phải biến hành lang chung cư thành chỗ tụ họp.

“Bữa tiệc hành lang” trở thành chủ đề nóng cho thấy sự bất cập của việc thiếu không gian sinh hoạt cộng đồng tại chung cư.
“Bữa tiệc hành lang” trở thành chủ đề nóng cho thấy sự bất cập của việc thiếu không gian sinh hoạt cộng đồng tại chung cư.

Cái khó bó cái khôn

Mỗi lần muốn hội họp, người dân chung cư Licogi 13, Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân, Hà Nội) phải xuống sảnh tòa nhà. Dẫu biết đây là lối đi chung, nhiều người đi lại nên ồn ào nhưng người dân vẫn buộc phải chấp nhận vì không còn cách nào khác. Bà Bùi Thị Vân tâm sự: “Vào ngày lễ, Tết hay dịp Trung thu, Quốc tế thiếu nhi, sinh hoạt người cao tuổi… chúng tôi phải tận dụng địa điểm này nên rất bất tiện. Trong các văn bản trước đây đều nói sẽ có nhà sinh hoạt cộng đồng (SHCĐ) nhưng rồi chẳng thấy. Chúng tôi đã kiến nghị với chủ đầu tư nhiều lần rồi nhưng chưa được bố trí”.

Tại một chung cư khác là CT12C- Khu đô thị (KĐT) Kim Văn - Kim Lũ thuộc địa bàn phường Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội), người dân lại có một kiểu “tự lo liệu” khác: Lấy hành lang chung cư, sảnh thang máy làm chỗ tụ tập ăn uống, sinh hoạt tập thể. “Chủ trì” là các trưởng tầng được người dân bầu đứng lên thu quỹ, tổ chức... Tâm sự với các hộ, nhiều người cho biết nhu cầu sinh hoạt chung, gắn kết tình láng giềng là rất lớn. Việc họp các gia đình giữa các tầng (và rộng hơn là chung cư) góp phần tạo nên sự gắn kết, đòi hỏi có không gian sinh hoạt chung, hay ít nhất là khoảng không gian để sử dụng vào việc chung của cả tòa nhà.

Bà Nguyễn Thị Thanh, Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh chung cư CT12C cho biết, đa số các tầng đều tổ chức sinh hoạt tầng. Sau khi ăn uống, liên hoan xong thì dọn dẹp sạch sẽ, bảo đảm vệ sinh nơi chung cư. Bà Thanh nhấn mạnh: “Tổ chức tốt thì đó là những hoạt động văn hóa rất đẹp, như quan tâm đến người ốm đau, đám hiếu, đám hỷ… Điều đó là cần thiết, nhưng nếu khu vực này được quy hoạch một khu sinh hoạt riêng thì hay hơn”.

Theo quy định tại các chung cư dành tái định cư, tầng 1 của chung cư hoặc để tạo điều kiện cho người dân thuê làm dịch vụ, hoặc làm nhà SHCĐ, nhưng chủ đầu tư cho các đơn vị bên ngoài vào thuê làm dịch vụ kinh doanh hàng cà-phê, karaoke, bán hàng ăn… Điều đáng tiếc, hiện tượng “cắt xén” không gian chung xảy ra ở hầu hết các khu chung cư trên địa bàn Hà Nội, đơn cử như KĐT Trung Hòa - Nhân Chính; Pháp Vân - Ngũ Hiệp, Nam Trung Yên; khu chung cư Đền Lừ, Dịch Vọng… Ông Trần Văn Tâm, sinh sống ở N9 KĐT Pháp Vân-Ngũ Hiệp tâm sự: “Cái khó bó cái khôn. Một số cụ muốn thành lập câu lạc bộ người cao tuổi để tiện sinh hoạt thể thao, đánh cờ… nhưng vì thiếu không gian nên đành thôi”.

Cần đến sự mạnh tay của cơ quan quản lý

Theo nhiều chuyên gia, việc chủ đầu tư chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà bỏ ngỏ nhu cầu về không gian sinh hoạt đã đẩy người dân vào thế bí. Tiêu biểu như cả khu tái định cư Trung Hòa - Nhân Chính được xây dựng trên diện tích 14 ha, với khoảng 7.000 người, có 18 tổ dân phố mà không được bố trí nhà SHCĐ. Nhiều cuộc họp phải tổ chức tại nhà để xe, hoặc chính nhà của người dân. Nhiều người vì lý do này mà ngại tham gia hội họp. Những ý kiến phản ánh, kiến nghị của người dân cũng chẳng được chia sẻ, thấu hiểu.

Trước vấn đề này, KTS Ngô Doãn Đức (Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam) và KTS Trần Ngọc Chính (Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị) đồng quan điểm: Đây là vấn đề “không thể chấp nhận được”, bởi “đúng theo nguyên tắc thì bất cứ công trình nào trong khi quy hoạch cũng phải bảo đảm mật độ dân cư, vấn đề điện, nước, bệnh viện, trường học, sân chơi…” đáp ứng nhu cầu đời sống người dân.

Nhiều chuyên gia còn lo ngại khả năng: Vì thiếu thốn nhà SHCĐ (thậm chí ban quản trị cũng chẳng được thành lập) mà dẫn đến sinh hoạt của người dân lộn xộn, thiếu tập trung, gây phản cảm. Theo chuyên gia xã hội học Nguyễn Văn Chính (Trường ĐH Quốc gia Hà Nội), nhiều người ngoại tỉnh sống trong các KĐT vẫn giữ nguyên “nếp làng” với lối sinh hoạt chưa quy củ. Một khi để họ sinh hoạt tự phát, bày tiệc, hò hát… ở hành lang chung cư còn có thể làm phiền những người khác. Và bên cạnh đó, những gánh hàng rong, những quán chè chén cũng sẽ có cơ hội “tấn công vào lòng chung cư”.

Nhằm quản lý tốt hơn các khu chung cư, vào tháng 7-2015, Bộ Xây dựng đã cho ban hành Thông tư 2015/TT-BXD về Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư, trong đó quy định việc quản lý, sử dụng nhà chung. Trong đó cấm “Gây ồn ào, mất an ninh, trật tự, nói tục, chửi bậy, đánh, cãi nhau... sử dụng truyền thanh, truyền hình hoặc các thiết bị phát ra âm thanh gây ồn quá mức, làm ảnh hưởng đến sự yên tĩnh của nhà chung cư và sinh hoạt của các chủ sở hữu nhà chung cư”…

Song, như vậy vẫn chưa đủ. Lúc này, cần nhìn nhận lại vấn đề quy hoạch, xốc lại công tác quy hoạch, quản lý, vận hành chung cư. Theo nhiều ý kiến đề xuất, cơ quan chức năng cần giám sát việc thực hiện quy hoạch của chủ đầu tư, tăng chế tài xử lý các nhà đầu tư “phớt lờ” việc xây dựng các công trình phục vụ lợi ích công cộng. Tránh để không gian công cộng, các thiết chế văn hóa trong chung cư bị “teo tóp”, khiến người dân bị tước mất nơi sinh hoạt tập thể, và phải “tự lo liệu” bằng những biện pháp “chữa cháy” không phù hợp với văn hóa đô thị hiện đại nói chung.