“Bẻ lái” tư duy phát triển đô thị

Các thành phố ở Việt Nam phát triển nhanh trong những năm gần đây, nhưng theo đánh giá của giới chuyên môn, sự phát triển này lại tạo nên một hiện trạng các đô thị khá lộn xộn và thiếu bản sắc. Những diễn biến bất thường về khí hậu, dịch bệnh cũng như quy mô dân số và cấu trúc xã hội hiện đại, trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang đặt ra đòi hỏi bức thiết lĩnh vực quy hoạch không gian đô thị phải thay đổi mau chóng để phù hợp.

Không ít đô thị ở Việt Nam đang trong tình trạng chắp vá, thiếu bản sắc, gây ảnh hưởng đến chất lượng sống của cư dân. Ảnh: ANH TUẤN
Không ít đô thị ở Việt Nam đang trong tình trạng chắp vá, thiếu bản sắc, gây ảnh hưởng đến chất lượng sống của cư dân. Ảnh: ANH TUẤN

Vòng luẩn quẩn của hiện thực và mong muốn

Hình ảnh điển hình của các đô thị Việt Nam hiện nay có thể chia làm hai nhóm chính. Nhóm thứ nhất là các dãy nhà phố, nhà ống bám đường, chiều cao và số tầng lộn xộn, hình thức và mầu sắc muôn hoa đua nở, hiệu quả sử dụng đất kém. Vì vậy quy hoạch không gian đô thị không còn nhiều đất cho cây xanh và không gian công cộng, mọi thứ được tận dụng từng mét, hở ra chỗ nào là xây chen chỗ đó. Nhóm thứ hai đang mọc lên như nấm ở ngoại vi thành phố hoặc được xây “xen cấy” trong nội đô là một hoặc nhiều tháp chung cư, phá vỡ cảnh quan, chất tải lớn lên hạ tầng chung quanh làm tắc nghẽn giao thông và thoát nước. 

Về tập quán sống, do có quá ít không gian công cộng nên sinh hoạt ngoài trời cũng chỉ chủ yếu là bám phố, bám đường, bám ngõ, còn lại là thu mình trong các căn nhà, căn hộ riêng lẻ. Ngoài những đặc thù văn hóa, nếp nghĩ, truyền thống của một xã hội nông nghiệp và phong kiến, những di sản của chiến tranh, về quy hoạch không gian đô thị, chúng ta còn rất nhiều bất cập từ nền tảng nhận thức tới gu thẩm mỹ, từ nền tảng kinh tế tới văn hóa-xã hội. 

Nhưng cơ bản nhất, dường như lĩnh vực quy hoạch đô thị ở ta thiếu một triết lý quy hoạch táo bạo; thiếu cái nhìn tổng thể, nhân văn trong quy hoạch và quản lý đô thị, với nhiều lỏng lẻo, nhiều thay đổi. Đô thị của chúng ta chắp vá, quy hoạch hay chạy theo sau thực tế phát triển, “học lỏm” của nước ngoài nhưng lại áp dụng không phù hợp và chưa thấu đáo. Một trong những nguyên nhân cốt lõi là dân số tập trung quá đông, khiến hạ tầng quá tải, môi trường bị khai thác và hủy hoại, phát triển không đồng đều và không bền vững. Cứ thế, dần dần, chúng ta không chỉ bị giảm chất lượng sống đô thị, mà còn đánh mất luôn cả bản sắc, khi những di sản và đặc trưng văn hóa, lối sống bị phá hủy hoặc chuyển đổi.

Trong khi đó, ước vọng của người dân thì rất nhiều, mong có được môi trường xanh-sạch-đẹp và đáng sống, để lại nhiều ký ức đẹp cho bản thân cũng như nuôi dưỡng tốt những thế hệ mầm non. Nhưng người dân không có nhiều lựa chọn tốt. Trong khi chưa có những khu đô thị đáng sống và hoàn chỉnh ở gần họ (như Phú Mỹ Hưng ở TP Hồ Chí Minh là một mô hình tốt), thì họ đành chấp nhận bỏ tiền mua những căn nhà ở những khu đô thị mới còn thiếu nhiều không gian công cộng và hạ tầng xã hội. Các giao dịch thành công đã vô tình tiếp sức cho chủ đầu tư có tầm nhìn ngắn hạn tiếp tục xây nên những sản phẩm theo kiểu “ăn xổi”, nhân rộng sự bất cập, xa và rộng hơn, tạo thành cái vòng luẩn quẩn.

Những bất cập về phát triển đô thị không chỉ xảy ra ở những thành phố lớn. Ngay cả những thành phố nổi tiếng nên thơ như Đà Lạt ở phía nam và Sa Pa ở phía bắc cũng không tránh khỏi xu hướng đô thị hóa mất cân bằng và mai một bản sắc. So với vài thập niên trước, các đô thị này đã bị biến dạng, bê-tông hóa và nhà “lô hóa” đến không thể nhận ra, mảng xanh còn lại quá ít, văn hóa bản địa cũng bị mai một. 

Cơ hội “đại phẫu”

Tuy nhiên, chúng ta đang có những cơ hội vàng để thoát và bứt phá. Từ những thập niên gần đây và đã lan nhanh đến Việt Nam, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra những tiến bộ vượt bậc với internet vạn vật, dữ liệu lớn, truy cập dữ liệu thời gian thật và hệ thống không gian mạng tiên tiến. Và cuộc cách mạng này lại nhận được một “cú huých” cực mạnh, dù không ai trông đợi, là dịch Covid-19. Đại dịch như một người khổng lồ lật nhào cả thế giới, với bối cảnh giãn cách xã hội, con người bị giam chân nhiều hơn trong nhà, nhiều sinh hoạt, giao tiếp, mua sắm, giải trí… đều được đẩy lên mạng. Trong vô vàn những điều tiêu cực mà đại dịch đem đến, nó cũng đem lại những đổi thay tích cực như cải thiện chất lượng không khí toàn cầu, thúc đẩy công nghệ mạng và các ứng dụng dùng mạng phát triển vượt bậc. Nó tạo ra trật tự mới cho thế giới: Với kết nối mạng, đâu đâu cũng bình đẳng như nhau, giàu cũng như nghèo, phát triển hay đang phát triển, đô thị hay nông thôn.

Cũng từ bối cảnh khủng hoảng, rất nhiều trào lưu cải tiến đô thị đã và đang hình thành. Nhiều thành phố tiên tiến trên thế giới đang chuyển mình, bứt lên tiên phong và tỏa sáng. Béc-lin (Đức) đang chuyển đổi bãi đậu xe thành làn đường dành cho xe đạp. Pa-ri (Pháp) đang gấp rút mở rộng mạng lưới đường đạp xe của mình thêm 400 dặm. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đi xe đạp và đi bộ là hữu ích cho cả giãn cách xã hội và đáp ứng yêu cầu tối thiểu cho hoạt động thể chất hằng ngày. Đường phố cũng đang được thiết kế lại để hỗ trợ giao hàng khi mua đồ trực tuyến. Nhu cầu gia tăng đối với các công viên quy mô nhỏ để người dân nghỉ ngơi thư giãn, tránh ồn ào, căng thẳng. 

Việt Nam cũng cần nhanh chóng chớp lấy cơ hội vàng này để tìm ra con đường phát triển và hoàn thiện quy hoạch không gian đô thị, mang lại nhiều giá trị sống hơn cho con người. Trong một nghiên cứu gần đây tại Nhật Bản về các khu đô thị sáng tạo, đổi mới và sinh thái, có thể rút ra được ba từ khóa cốt lõi là những giá trị mà người dân tại các khu đô thị đó trân quý và mong muốn: thiên nhiên, văn hóa, và hạ tầng mạng tiên tiến. Hai từ khóa đầu chính là những từ khóa tôi đã nhắc đến ở đầu bài, còn từ khóa cuối chính là mấu chốt của thời đại 4.0. 

Đối với các thành phố cực lớn của ta như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, chúng ta cần thúc đẩy các khu đô thị vệ tinh cỡ vừa, nơi dễ có điều kiện phát triển mới để có chất lượng sống tốt, hài hòa và bản sắc hơn nhằm giãn dân khỏi nội đô. Quy hoạch tổng thể tốt có thể giúp chúng không cạnh tranh lẫn nhau mà bổ sung cho nhau. Thí dụ chiến lược bốn thành phố vệ tinh bắc, nam, đông, tây của TP Hồ Chí Minh mà khu đông đang được triển khai đầu tiên để trở thành Thành phố phía đông định hướng đô thị sáng tạo là hướng đi đúng đắn. Định hướng này giúp tránh mô hình “đô thị đầu to” mà rất nhiều đô thị mắc phải như Tô-ki-ô, Xơ-un, Bắc Kinh, Băng-Cốc...

Để giữ gìn bản sắc cho không gian đô thị, vẫn cần phải cân đối giữa bảo tồn di sản thiên nhiên và văn hóa-lịch sử, trong khi vẫn phát triển mới một cách phù hợp để thành phố không tụt hậu và có khả năng cạnh tranh quốc tế. Các đô thị Việt Nam có thể học hỏi nhiều nước tiên tiến ở châu Âu và châu Á trong phát triển xanh và bền vững. Trước hết là xanh trên phương diện phát thải thấp và thân thiện với môi trường thông qua việc xúc tiến xây dựng công trình xanh, giao thông xanh và năng lượng tái tạo. Thêm vào đó là xanh về mặt sinh học-sinh thái, thông qua việc đưa ra các quy chế về bảo tồn mảng xanh. 

Cuối cùng, để hòa nhịp cùng hơi thở của cuộc cách mạng 4.0, một số thành phố chủ chốt có thể nghiên cứu phát triển các ngành công nghiệp không khói mới có hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với bối cảnh địa phương. Nỗ lực một cách toàn diện và quyết liệt, chúng ta mới có thể hy vọng “bẻ lái” tư duy và phát triển đô thị Việt Nam theo hướng xanh hơn, bền vững hơn, tiên tiến, hài hòa, hấp dẫn, đáng sống và có sức cạnh tranh quốc tế cao trong khi bản sắc và sức hấp dẫn địa phương vẫn được duy trì.

21_1-1596848083120.jpg

 Mô hình đề xuất khu ven đô sinh thái

Tổ chức chuyên đề: VŨ MAI HOÀNG, NGÔ PHƯƠNG THẢO, VĂN HỌC