Bắt đầu từ nền tảng…

Từ trước đến nay chúng ta thường hiểu tiết kiệm là cắt giảm chi phí. Đáng ra phải chi 10 triệu đồng để mua một sản phẩm, thì chúng ta sẽ tìm cách mua sản phẩm đó với giá 9 triệu đồng và tiết kiệm 10% chi phí. Tiết kiệm cũng có nghĩa là cắt giảm tiêu dùng. Tuy nhiên, tiếp tục cách hiểu và cách thực hành như vậy sẽ không đưa chúng ta đi xa được…

Được đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng để xây dựng, nhưng Nhà thi đấu Thể dục - Thể thao tỉnh Hà Nam hầu như không hoạt động.
Được đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng để xây dựng, nhưng Nhà thi đấu Thể dục - Thể thao tỉnh Hà Nam hầu như không hoạt động.

Cắt giảm chi phí cuối cùng sẽ dẫn đến cắt giảm chất lượng. Chất lượng bị cắt giảm, thời gian và công năng sử dụng sẽ giảm theo. Trong đa số các trường hợp, cái chúng ta phải đối mặt là một lãng phí không đáng có. Cắt giảm nhu cầu lại ảnh hưởng đến sự phát triển của con người. Hậu quả chất lượng của nguồn nhân lực sẽ bị ảnh hưởng. Đây suy cho cùng sẽ là sự lãng phí lớn nhất.

Chính vì vậy để thực hành tiết kiệm trong tình hình mới, trước hết phải đổi mới tư duy. Tiết kiệm nghĩa là kiên quyết chi cho những cái đáng chi và không chi cho những cái không đáng chi; kiên quyết chi cho ở mức đáng chi và không chi ở mức không đáng chi.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019. Nội dung chính của Chương trình là siết chặt kỷ luật tài khóa - ngân sách nhà nước và tạm dừng các công trình hiệu quả đầu tư thấp. Đây quả thật là những nội dung cần tập trung xử lý trong năm 2019 này.

Tuy nhiên, để thực hành tiết kiệm và chống lãng phí thật sự có hiệu quả, chúng ta cần tập trung xử lý những vấn đề lớn hơn liên quan đến truyền thống văn hóa và thiết kế hệ thống.

Lãng phí xảy ra do nhiều nguyên nhân. Trong đó có những nguyên nhân nằm ở tầng văn hóa. Thí dụ, thói quen “nước đến chân mới nhảy”, “mất bò mới lo làm chuồng”, v.v thường gây ra những tổn thất và mất mát rất lớn. Cũng tương tự như vậy, tâm lý “con gà tức nhau tiếng gáy”, đã đãi khách thì phải thật đàng hoàng… chẳng hạn cũng gây ra rất nhiều tốn kém. Rồi thói quen làm dối, làm ẩu, làm cho xong chuyện cũng gián tiếp gây ra lãng phí. Những thứ như trên thường được “di truyền” qua văn hóa và lối sống. Giải pháp quan trọng nhất ở đây là giáo dục và truyền thông. Đây là những công việc phải tiến hành liên tục và mất rất nhiều thời gian. Phải xây dựng một chương trình quốc gia dài hạn cho công việc này.

Đồng thời, phân chia quyền lực tài chính cho các tỉnh cũng rất quan trọng. Hãy để các ưu tiên của địa phương cho các địa phương quyết định! Hiến pháp năm 2013 đã tạo nền tảng hết sức cơ bản cho việc phân quyền như vậy. Rất tiếc, Luật Tổ chức chính quyền địa phương có vẻ đã không theo kịp Hiến pháp.

Sự trùng lắp và chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các thiết chế trong thể chế của chúng ta cũng gây ra những lãng phí không hề nhỏ, đặc biệt là sự lãng phí về thời gian, nhân lực và cơ hội. Phân định rạch ròi chức năng, nhiệm vụ giữa Đảng với Nhà nước, giữa Trung ương với địa phương, giữa Đảng, Nhà nước với các tổ chức quần chúng, nhân dân là cải cách mà chúng ta đang tiến hành. Đây là những cải cách quan trọng để thực hành tiết kiệm.

Chủ nghĩa hình thức cũng là một trong những nguyên nhân gây ra lãng phí rất lớn. Các phong trào không dựa trên động lực thật của cuộc sống, các khóa học giảng giải những điều ít thiết thực cho công việc hằng ngày, những cuộc hội họp có cũng được, mà không có cũng chẳng sao... là muôn vàn biểu hiện của chủ nghĩa hình thức. Nếu không có các hoạt động như vậy mà đời sống, công việc vẫn diễn ra bình thường, thì chúng ta nên bỏ bớt chúng đi.

Cuối cùng, ở tầm khái niệm, để thực hành tiết kiệm và chống lãng phí, thì xác lập cho đúng ưu tiên là quan trọng nhất. Ưu tiên của quốc gia phải do Trung ương xác lập; ưu tiên của địa phương phải do địa phương xác lập. Ngân sách và các nguồn lực khác của đất nước phải được phân bổ nghiêm ngặt theo thứ tự của các ưu tiên thì chúng ta mới thực hành được tiết kiệm và chống được lãng phí.