Bắt đầu từ cơ sở

Là một siêu đô thị, Hà Nội hiện có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất trong cả nước. Chỉ riêng năm 2019, TP Hà Nội có gần 1.700 dự án thu hồi đất. Đó là nguyên nhân chính khiến lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo gia tăng. Công tác tiếp dân, đối thoại giữa người dân và chính quyền đã đạt được nhiều thành tựu, song vẫn còn ngổn ngang trăn trở.

Người dân kiến nghị phương án đền bù mở rộng đường Tam Trinh chưa thỏa đáng.
Người dân kiến nghị phương án đền bù mở rộng đường Tam Trinh chưa thỏa đáng.

Bức xúc, nổi cộm chủ yếu bởi đất đai

Những buổi tiếp dân ở các quận, huyện, nhất là các địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh như Hoàng Mai, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Long Biên, Thanh Xuân… luôn “nóng” bởi nhiều vấn đề bức xúc được đưa ra, trong đó, nổi cộm nhất luôn là những khúc mắc về giá đền bù khi thu hồi đất, giải phóng mặt bằng (GPMB). Riêng trên địa bàn quận Hoàng Mai hiện có hơn 70 dự án đang thực hiện công tác GPMB. Một sự việc nổi cộm mà người dân khiếu nại là sự chênh lệch về giá thu hồi đất. Nhiều người dân thuộc diện GPMB mở rộng đường Tam Trinh khiếu nại giá đền bù 50 triệu đồng/m2 là quá thấp. Trong khi đó, giá đền bù cho người dân di dời mở rộng đường Minh Khai lại lên đến 95 triệu đồng/m2. Bà Bùi Thị Thắm, Phó Chánh Thanh tra quận Hoàng Mai, cho hay: “Hiện 14 phường thuộc quận Hoàng Mai có dự án trọng điểm. Đó cũng là nguyên nhân khiến số lượng đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo phát sinh lớn”.

Bên cạnh đó, trên địa bàn quận Hoàng Mai còn không ít dự án dang dở, để xảy ra tình trạng buông lỏng quản lý đất công. Người dân trông đợi sự công tâm và giải quyết thấu tình đạt lý của chính quyền cơ sở, nhưng không phải bao giờ nguyện vọng của họ cũng được đáp ứng. Ông Phan Văn Xìu, người dân phường Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai), than thở: “Chúng tôi mệt quá rồi. Dù đã kiến nghị nhiều lần và những cuộc đối thoại giữa chính quyền và người dân chưa ngã ngũ, thì chính quyền đã tự ý thực hiện ở một số dự án cưỡng chế, và cũng chưa thống nhất được việc khắc phục hậu quả diện tích đất công bị lấn chiếm”. Qua tìm hiểu được biết, ông Xìu cùng một số cử tri phường Vĩnh Hưng từng có kiến nghị, tố cáo chính quyền buông lỏng quản lý đất công từ năm 2012. Đến năm 2014, UBND quận Hoàng Mai cũng đã chỉ ra 14 điểm đất công bị buông lỏng quản lý, do người dân tố cáo đúng. Song điều đáng nói là từ đó đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết thấu đáo. Đáng tiếc, trên địa bàn Hà Nội, những vụ việc tương tự không phải ít. Có những vụ diễn ra cả chục năm, trải qua mấy đời lãnh đạo nhưng vẫn “án binh bất động”.

Ông Cam Văn Giang, Phó Chánh văn phòng UBND, phụ trách Ban tiếp dân huyện Thường Tín, cho hay, có một nguyên nhân cũng khiến việc khiếu nại kéo dài là sự thay đổi của Luật Đất đai, người dân chưa cập nhật mà cho rằng quy định cũ được áp dụng. Một số khác cố tình không hiểu nên kiến nghị thường xuyên.

Theo UBND thành phố Hà Nội, năm 2018 toàn thành phố thụ lý hơn 4.899 vụ khiếu nại, tố cáo (3.242 vụ khiếu nại, 1.657 vụ tố cáo); đã giải quyết 4.168 vụ (2.727 khiếu nại, 1.441 tố cáo), đạt tỷ lệ 85,7%. Nhiều vụ việc “nóng” được lãnh đạo thành phố quan tâm, chỉ đạo các ban, ngành, quận, huyện đối thoại với người dân để tháo gỡ, giải quyết.

Nắm bắt, giải tỏa bức xúc ngay từ cơ sở

Nắm bắt được tình hình bức xúc trong khiếu nại, tố cáo và giải quyết đơn thư, ngày 25-5-2017, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2200-QĐ/TU về “Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn TP Hà Nội”. Thành ủy yêu cầu việc đối thoại được thực hiện định kỳ hằng năm; nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, giúp cho công tác đối thoại đi vào thực chất, tránh làm chung chung. Thời hạn thực hiện nhiệm vụ sau mỗi cuộc đối thoại cũng chặt chẽ hơn.

Quyết liệt hơn, ngày 7-5 vừa qua, Thành ủy Hà Nội ban hành Kế hoạch 138-KH/TU về thực hiện Quy định 11-QĐi/TW, ngày 18-2-2019 của Bộ Chính trị “Về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân”. Kế hoạch quy định, trong thời hạn bảy ngày, kể từ khi nhận được phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo do người đứng đầu cấp ủy chuyển, chỉ đạo giải quyết, cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền giải quyết có văn bản báo cáo người đứng đầu cấp ủy và thông báo bằng văn bản cho người phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo biết và giải quyết. Trong quá trình sơ kết, các cấp ủy, tổ chức đảng cũng làm rõ những vi phạm, có hình thức xử lý nghiêm minh và động viên, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác tiếp dân.

Một trong những khâu quan trọng trong giải quyết khiếu nại, tố cáo là tổ chức tiếp dân, nắm bắt những bức xúc của người dân ngay từ cấp phường, xã. Thực tế cho thấy, xã, phường nào làm tốt từ cơ sở thì nơi đó bình yên. Ngược lại, cơ sở nào cán bộ buông lỏng quản lý đất công, trật tự xây dựng, tiếp tay cho sai phạm để trục lợi, thì nơi đó xảy ra khiếu kiện kéo dài.

Tìm hiểu tại các xã Hòa Bình, Khánh Hà (huyện Thường Tín), có rất ít đơn thư vượt cấp. Vì sao vậy? Ông Nguyễn Văn Học, Chủ tịch UBND xã Hòa Bình (huyện Thường Tín), chia sẻ kinh nghiệm: “Với những vụ kiện cáo, tranh chấp đất đai, nếu xét có thể đối thoại với những người có uy tín trong dân, trong các dòng họ để hòa giải, thì chúng tôi cử tổ hòa giải, do Trưởng ban công tác Mặt trận dẫn đầu và cán bộ xuống. Qua gặp gỡ và trò chuyện với những người có uy tín, chúng tôi vận động trước để họ giúp đỡ trong việc hòa giải, hoặc tạo sự đồng thuận”.

Tuy thế, để đạt hiệu quả cũng không hề đơn giản, bởi công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn phức tạp, liên quan nhiều lĩnh vực. Đặt trách nhiệm tiếp công dân, ông Cam Văn Giang cho biết: “Thông qua đối thoại nhằm thu thập và củng cố những thông tin có giá trị, chứng cứ để xác định sự thật của vụ việc, trách nhiệm, ai đúng ai sai. Hoặc có thể tìm ra những điểm thiếu sót trong quy định của pháp luật để từ đó tìm hướng giải quyết”.

Đồng quan điểm ấy, bà Bùi Thị Thắm, Phó Chánh Thanh tra quận Hoàng Mai, kiến nghị thêm: “Do số lượng vụ việc khiếu nại, tố cáo nhiều, tạo áp lực cho cán bộ, chuyên viên. Có lúc cán bộ thanh tra vừa phải thực hiện nhiệm vụ thanh tra, vừa xác minh đơn, thực hiện tiếp dân, phòng chống lãng phí, nên hạn chế về kỹ năng nghiệp vụ. Bởi thế, thành phố cần chỉ đạo các sở, ngành phối hợp, hướng dẫn cơ sở về nghiệp vụ chuyên môn, giải pháp để tháo gỡ khó khăn giải quyết các vụ việc phức tạp”.