“Bánh mì” và “hoa hồng” trên con đường khởi nghiệp

Với giới trẻ khởi nghiệp Việt Nam, con đường kinh doanh quả thật có quá nhiều gập ghềnh, chông gai. Nhưng điều đáng nói, dù thu về ngọt ngào hay cay đắng, ngày càng có nhiều hơn những người trẻ lựa chọn dấn thân để thử thách bản lĩnh và thỏa mãn niềm đam mê đóng góp cho cộng đồng.

Lê Thái Bảo & Phan Nguyễn Văn Trường - sáng lập Gohub.
Lê Thái Bảo & Phan Nguyễn Văn Trường - sáng lập Gohub.

Dám thất bại

Trải qua hai lần khởi nghiệp (start-up) rồi sụp đổ, “nắn nót” mãi, loay hoay tìm hướng đi, Lê Thái Bảo, cựu nhân viên của một tập đoàn của Xin-ga-po cùng Phan Nguyễn Văn Trường, một cựu nhân viên khác của Apple, mới tạm tin là mình đã khởi nghiệp thành công với Gohub.

Gohub - start-up công nghệ du lịch đã nhận được nhiều triệu USD đầu tư từ một quỹ đầu tư gốc Hoa Kỳ, vốn là “bà đỡ” các doanh nghiệp (DN) công nghệ, các DN nhỏ và vừa (SME) và các tổ chức tư nhân tiềm năng. Sự kiên trì đã giúp hai nhà khởi nghiệp đến được với “đại dương xanh”.

Ba lần start-up, Bảo nói, là ba lần “rót tiền” vào cái động không đáy. Và sau hai lần hoa hồng mộng ước chưa kịp nở, thì lần này Gohub mới tìm được hướng đi đúng, khi nhắm vào thị trường cung cấp sóng wifi chia sẻ và các sim du lịch quốc tế, vé vào cửa tại các điểm du lịch danh tiếng trên toàn cầu.

“Chọn một phân khúc ngách và tạo dịch vụ riêng chính là điểm sống còn, điểm có thể giúp Gohub vừa có bánh mì vừa có hoa hồng, chứ không phải chỉ có thể chọn một. Doanh thu và lợi nhuận đến từ chính việc Gohub được sát cánh, chia sẻ niềm vui với mỗi bước đi của mỗi người dùng trên mọi vùng đất của hành tinh này”, Lê Thái Bảo chia sẻ.

Cũng như các nhà sáng lập Gohub, Bùi Hoài Nam của Urbox trước khi khởi nghiệp với định hướng số hóa quà tặng, cũng trầy vi tróc vảy trải qua các mô hình quà tặng khác nhau. Ban đầu, Tô Quà của Nam và cộng sự chỉ hướng đến phục vụ nhu cầu của DN, về sau mới định vị dần và mở ra Urbox nhằm khai phá một thị trường “có tiềm năng phát triển doanh thu tỷ USD/ doanh nghiệp như Kakao của Hàn Quốc hay Giftee của Nhật Bản đã làm”.

Tiên phong, đi từ tốn mà không quá chậm

Ở một góc nhìn khác, tiên phong trong thị trường thanh toán số ở Việt Nam nhưng chọn đi từ tốn mà chắc chắn trong suốt quá trình chuẩn bị, Wee Digital của Christian Nguyễn đã “một bước ăn ngay” - tăng tốc khi có cơ duyên gặp và hợp tác cùng doanh nhân Phạm Nhật Vượng, ông chủ của Vingroup. Wee Digital là mô hình thanh toán số, ứng dụng sinh trắc học để xác thực (authentification) các thanh toán một cách nhanh gọn, an toàn và tiện lợi nhất.

“Khi các ngân hàng áp dụng công nghệ sinh trắc học, trên nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) xử lý dữ liệu lớn của khách hàng, thì việc nhận dạng trong giao thức Wee Digital cung cấp có khi chỉ đơn giản là “mỉm cười để thanh toán”, chàng giám đốc vừa nhận được khoản đầu tư tính bằng triệu USD của VinaCapital Ventures, cho biết.

Nhưng Wee Digital không chỉ đơn thuần là công nghệ thanh toán. Bởi thông qua nền tảng (Platform) Wee cung cấp, người dùng có thể sử dụng mọi dịch vụ với các đơn vị dịch vụ mà họ đăng ký sử dụng miễn là nhà cung cấp đó kết nối cùng Wee.

Nói một cách nôm na, đây chính là nền tảng kinh tế chia sẻ tương tự Grab hay Uber đã phát triển để kết nối và phát triển công nghệ vận chuyển, hay Lazada hoặc Alibaba, Amazon đã triển khai để kết nối các nhà bán hàng với người mua hàng trên toàn cầu trong đời sống Việt.

Nhưng đằng sau những con số triệu USD được rót, đằng sau những cú bắt tay của các nhà đầu tư dành cho những start-up đang trong quá trình mày mò kinh doanh, vẫn phải nhấn mạnh rằng, không có con đường nào là trải toàn hoa hồng. Vinh quang và nguồn sống của DN trước mắt vẫn là bài toán thách thức với những người mới.

Christian Nguyễn thậm chí phải đếm từng ngày để vượt qua “ác mộng” khởi đầu với áp lực thuyết phục nhân viên tin tưởng vào công ty. Còn Bùi Hoài Nam luôn canh cánh một kịch bản dự phòng thất bại. Hay như một nhà đầu tư trẻ nổi tiếng mát tay là Lê Đăng Khoa, người đã đầu tư hơn 20 dự án khởi nghiệp khác nhau trong nhiều lĩnh vực gồm giáo dục, công nghệ thông tin, nông nghiệp, thiết kế, nội thất, thời trang, dịch vụ, truyền cảm hứng cho nữ giới… cũng chia sẻ rằng, phải cân nhắc rất kỹ trước khi xác định bắt tay với một dự án. Lê Đăng Khoa khẳng định: “Yếu tố quyết định vẫn là tiềm năng của dự án. Đủ tiềm năng, tôi mới sẵn sàng rót vốn”…

Có thể nói, trên con đường khởi nghiệp còn gập ghềnh khúc khuỷu, trong bối cảnh những chính sách hỗ trợ và quỹ đầu tư thiên thần cho những start-up Việt sải cánh còn hạn chế…, thì con số hơn 300 start-up trụ lại thành công, trong hàng nghìn dự án khởi nghiệp suốt hơn một năm qua… đã phác họa phần nào sự khốc liệt của cuộc đua khởi nghiệp. Nhưng với các chủ doanh nghiệp trẻ một lòng hướng đến chăm bón mầm xanh kinh doanh họ đã gieo, đã tiên phong, chấp nhận gục ngã và đứng dậy bằng nhiều cách, thì những thành công ban đầu xứng đáng được xem là kết tinh của cả “bánh mì và hoa hồng”. Sự phát triển của những start-up vì thế mang đến cho mọi người hy vọng vào nền kinh tế được sức trẻ đóng góp ngày càng tích cực!