Bản Quy hoạch lịch sử và hiệu quả thực tế

Quy hoạch phân khu (QHPK) nội đô lịch sử vừa được UBND thành phố Hà Nội thông qua đem đến nhiều kỳ vọng, mà mấu chốt là việc giảm 215 nghìn người ở bốn quận nội đô so với hiện nay, tăng diện tích cây xanh, các công trình công cộng… Nhưng đấy là chuyện của tương lai.

10 năm trước, khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt Quy hoạch Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2050, cũng đã có rất nhiều kỳ vọng. Nhưng, trong mười năm ấy, có bao nhiêu điều được thực hiện, bao nhiêu điều vẫn đang còn để ngỏ?

QHPK chỉ có thể là một bản quy hoạch ý nghĩa, nếu nó được thực hiện một cách tổng thể.

Một góc khu vực hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Ðăng Anh
Một góc khu vực hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Ðăng Anh

Những con số lý tưởng

TP Hà Nội vừa công bố sáu đồ án QHPK bốn quận nội đô lịch sử (Hoàn Kiếm, Ba Ðình, Hai Bà Trưng, Ðống Ða). Bốn quận nội đô chính là "vùng lõi" của Thủ đô, là đại diện cho văn hóa, con người, kiến trúc của Hà Nội. Bởi vậy, tuy chỉ là những đề án "nhỏ" về mặt quy mô, nhưng lại nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. Quy hoạch đã đề cao yếu tố bảo tồn những sắc thái đô thị đặc trưng của Hà Nội. Khu phố cổ; hồ Hoàn Kiếm được lập hai đồ án quy hoạch riêng. Phố cổ thực hiện chức năng chủ yếu là thương mại, dịch vụ, du lịch kết hợp với nhà ở, các công trình công cộng phục vụ cho cộng đồng dân cư; khu vực hồ Hoàn Kiếm là trung tâm văn hóa hành chính, thương mại, dịch vụ, du lịch kết hợp với nhà ở, các công trình công cộng phục vụ cho cộng đồng dân cư, di tích lịch sử - văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng. Thành phố cũng đưa ra quy định về số tầng tối đa, chiều cao tối đa cho các tòa nhà tại khu vực này. Khu phố cũ, gồm một phần của quận Hoàn Kiếm, và một phần của các quận Ba Ðình, Ðống Ða, Hai Bà Trưng cũng được nhấn mạnh yếu tố văn hóa, bên cạnh thực hiện các chức năng thương mại, tài chính, và các công năng công cộng khác. Ngoài những khu vực kể trên, các khu vực còn lại của nội đô lịch sử được xác định là khu vực hạn chế phát triển xây dựng nhà cao tầng.

Bên cạnh việc xác định rõ chức năng từng phân khu, điểm mới của quy hoạch nội đô lịch sử là dành không gian phát triển các tiện ích công cộng như đặt mục tiêu đất công cộng đô thị, hỗn hợp là đạt 4,39 m2/người; đất cây xanh, mặt nước, thể dục thể thao đô thị khoảng 247,14 ha (đạt 3,82 m2/người), đất giao thông đô thị khoảng 471,22 ha (đạt chỉ tiêu 7,28 m2/người)… chưa tính đất cây xanh của các đơn vị (khoảng 34,61 ha, đạt chỉ tiêu 0,53 m2/người, gồm công viên, vườn hoa, sân chơi, không gian hoạt động thể thao, giải trí ngoài trời... trong đơn vị ở). Ðất dành cho trường tiểu học, trung học cơ sở, mầm non là khoảng 78,81 ha, đạt chỉ tiêu 1,22 m2/người...

Ðây đều là những con số khá "lý tưởng" so với hiện nay. Nếu được thực hiện, rõ ràng, khu vực bốn quận nội thành cũ sẽ trở nên "đáng sống" hơn rất nhiều, nhờ vào phân bố dân cư hợp lý và gia tăng các tiện ích phục vụ cuộc sống.

Bản Quy hoạch lịch sử và hiệu quả thực tế -0

Bản đồ quy hoạch phân khu nội đô lịch sử tỷ lệ 1/2000. Ảnh: MINH HÀ 

Nhiều "bài toán" nan giải

Dù đặt ra nhiều yêu cầu khác nhau, nhưng được chú ý nhất là vấn đề giảm dân số khu vực bốn quận nội thành. Theo quy hoạch mới được Hà Nội công bố, tới năm 2030, Hà Nội sẽ đưa dân số ở khu vực nội đô lịch sử từ 887 nghìn người hiện nay xuống còn 672 nghìn người. Ðiều ấy có nghĩa, trong 10 năm tới, Hà Nội phải di dời một lượng người lớn hơn số 215 nghìn (vì chưa tính gia tăng dân số tự nhiên); đồng thời, ngăn chặn gia tăng dân số cơ học. Giãn dân là yếu tố then chốt để thực hiện nhiều mục tiêu của QHPK. Bởi chỉ có giãn dân, mới tạo thêm được các không gian cho đô thị.

Theo Phó Viện trưởng Quy hoạch Hà Nội Nguyễn Ðức Hùng, khi Hà Nội triển khai đồng bộ các dự án di dân, giải phóng mặt bằng để mở đường theo quy hoạch, tái thiết đô thị; di dời các cơ sở công nghiệp, trường đại học, bệnh viện, trụ sở bộ, ngành; phát triển đường sắt đô thị tại khu vực nội đô lịch sử, các chuỗi đô thị và các khu đô thị vệ tinh được hình thành cùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hoàn chỉnh sẽ dần hút dân số khu vực nội đô lịch sử và nội đô mở rộng chuyển ra ngoại thành. Khi đó, Hà Nội có thể kiểm soát quy mô dân số tại các khu vực theo đúng QHPK đô thị.

Tuy nhiên, đó mới là lý thuyết. Hà Nội hiện có 1.500 chung cư cũ, chủ yếu nằm ở bốn quận cũ. Lớn nhất, phải kể đến các khu: Giảng Võ, Thành Công (quận Ba Ðình), Kim Liên, Trung Tự, Bạch Mai (quận Ðống Ða)… chưa kể hàng chục nhóm nhà chung cư cũ, tòa nhà đơn lập nằm rải rác. Phần lớn trong đó đã xuống cấp. Nhiều ngôi nhà xuống cấp nghiêm trọng, cần cải tạo khẩn cấp. Tuy nhiên, việc cải tạo vẫn "tắc" nhiều năm qua. Bởi lẽ, nếu cải tạo mà không cho phép nâng tầng "vượt khung" về chiều cao, thì không chủ đầu tư nào mặn mà, vì chiều cao hạn chế, chủ đầu tư sẽ không thu được lợi nhuận. Ðến thời điểm hiện tại, tổng số chung cư cũ được cải tạo mới chỉ chiếm… 1%. Nếu nâng tầng, nâng độ cao để bảo đảm chủ đầu tư có lãi thông qua bán căn hộ, song lại phải bảo đảm yêu cầu tối thiểu là không tăng dân số khu vực (chưa nói đến giảm) gần như là điều bất khả thi. Bởi vậy, muốn làm được điều này, thành phố cần xây dựng cơ chế đặc thù, nhưng vẫn bảo đảm không "phá rào" Quy hoạch chung, cũng như QHPK.

Việc di dời các nhà máy, xí nghiệp, trường đại học, bệnh viện… cũng được cho là giải pháp để di dân khỏi nội thành. Nhưng khoảng cách từ lý thuyết đến thực tế hiện vẫn còn rất xa. Bởi nhiều mảnh đất sau di dời, phần lớn được xây dựng chung cư, tiếp tục "chất tải" lên hạ tầng vốn đã quá tải. Việc di dời các trường đại học nhiều năm qua hầu như giậm chân tại chỗ.

Cách đây 10 năm, ngay từ khi công bố Quy hoạch chung, có một tín hiệu hết sức đáng mừng là Hà Nội phát triển năm khu đô thị vệ tinh. Các đô thị vệ tinh được xác định chức năng và định hướng phát triển rõ ràng. Thí dụ đô thị vệ tinh Hòa Lạc có chức năng chính về khoa học công nghệ và đào tạo; đô thị vệ tinh Xuân Mai (huyện Chương Mỹ) là đô thị dịch vụ - công nghiệp hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp và hệ thống làng nghề; đô thị vệ tinh Phú Xuyên (huyện Phú Xuyên) là đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông và trung chuyển hàng hóa... Trong quy hoạch, đây được gọi là những "đô thị đối trọng", nhằm hút dân cư từ đô thị trung tâm đến khu đô thị vệ tinh, hút dân cư di cư cơ học đến Hà Nội, giảm sức ép lên hạ tầng và môi trường cho khu trung tâm. Tròn 10 năm kể từ ngày công bố Quy hoạch chung, ngoại trừ đô thị Hòa Lạc đã được Thủ tướng duyệt quy hoạch, hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với Hòa Lạc tương đối đồng bộ và hiện có một số tòa nhà của các tập đoàn công nghệ, trường đại học (mặc dù tỷ lệ lấp đầy còn thấp) thì bốn đô thị còn lại là Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn đến nay vẫn chưa được Hà Nội… phê duyệt quy hoạch. Phần lớn ý tưởng đẹp đẽ vẫn ngủ say trên bàn giấy. Trong đó, Hà Nội lại đẩy mạnh đầu tư phát triển những huyện ven đô thành đô thị, triển khai đô thị hóa theo hình thức "vết dầu loang". Giải pháp này khiến đô thị trung tâm tiếp tục bị phình to; tiếp tục tạo nên những hệ lụy về hạ tầng. Trong khi đó, những "đô thị vệ tinh" vẫn vẹn nguyên hình hài của phố huyện.

Theo TS Ðào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch - Kiến trúc Việt Nam, muốn người dân di dời đến nơi ở mới, thì phải làm thế nào tạo ra sức hút mới. Các công trình hạ tầng xã hội như trường học, nhà trẻ, bệnh viện, trung tâm thương mại, không gian xanh công cộng… cần được xây dựng đồng bộ; tạo điều kiện thuận lợi để kết nối giữa nơi ở mới với nội đô. Chỉ làm tốt điều này, người dân mới có thể tự nguyện di dời đến nơi ở mới.

Nói đến quy hoạch, là nói đến tầm nhìn, những hoạch định cho tương lai. Nhưng thật ra, quy hoạch của chúng ta lâu nay vẫn… chạy theo thực tế, "chữa cháy" cho những sai lầm trong quản lý. QHPK nội đô lịch sử của Hà Nội sẽ chỉ trở thành một dấu mốc quan trọng, nếu có các giải pháp quyết liệt, căn cơ. Nếu không, sớm muộn, chúng ta sẽ lại phải có bản quy hoạch mới, hoặc điều chỉnh, để "chữa cháy" cho quy hoạch cũ.

1-1616668100047.jpg

Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng (Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam):

Phải coi quy hoạch là pháp lệnh, tránh điều chỉnh

Chúng ta đã có nhiều quy hoạch để góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh. Với Quy hoạch phân khu đô thị (nội đô lịch sử), không nên để doanh nghiệp cầm trịch. Việc di dời người dân, trụ sở một số cơ quan lần này phải kiên quyết và không biến những nơi đã được di dời thành dự án bất động sản. Theo đó, cần triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm giãn dân cơ học, triển khai đồng bộ các chủ trương di dời trường đại học, bệnh viện, trụ sở bộ, ngành… ra khỏi khu vực nội đô lịch sử. Hay như việc cải tạo chung cư cũ cũng đang gặp khó khăn và làm quá chậm. Tại bốn quận trong quy hoạch, có rất nhiều chung cư cũ, thành phố cần có phương án hỗ trợ, đưa các hộ đang sống rất chật hẹp ra bên ngoài, từ đó phát triển, quy hoạch các không gian ngầm đô thị, vườn hoa, công viên. Những năm qua đã có nhiều quy hoạch bị điều chỉnh, vậy lần này phải coi quy hoạch là pháp lệnh và chấp hành nghiêm.

Một điều nữa, như tôi thấy TP Hồ Chí Minh có phong trào người dân hiến đất mở rộng ngõ hẻm. Lãnh đạo TP Hà Nội cũng cần học theo, khơi dậy phong trào ấy. Hiện thành phố có hàng vạn con ngõ nhỏ, hẻm nhỏ, đời sống của hàng triệu người dân trong các con ngõ đấy chưa được cải thiện. Ðây là bài toán dân sinh rất lớn, đòi hỏi các cấp chính quyền phải giải quyết tốt, hướng tới thành phố có chỉ số hạnh phúc cao.

Bản Quy hoạch lịch sử và hiệu quả thực tế -0 

PGS, TS, KTS Ðỗ Tú Lan (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam):

Cần chính sách đặc thù

Quy hoạch phân khu đô thị cho bốn quận là bảo đảm sự phát triển bền vững cho nội đô Hà Nội. Nội dung cơ bản là giãn dân, giảm mật độ dân cư với các giải pháp như hạn chế, không cho xây dựng nhà cao tầng nhằm giữ gìn không gian nội đô, giảm nhập cư để không gây áp lực cho hạ tầng cơ sở. Những vấn đề này đã nằm trong nhiều quyết định, chỉ đạo của Chính phủ, thành phố, và có thể thực hiện từng bước một. Tuy nhiên, thực hiện được cũng sẽ gặp rất nhiều thách thức. Ðể đạt được mục tiêu, với đồ án này cần có quyết tâm lớn, chắc chắn thành phố phải có chính sách đặc biệt riêng cho bốn quận này.

Ðể bảo đảm tính khả thi, về việc giảm dân số, chúng ta không chỉ di dân cơ học mà phải có biện pháp giảm nhập cư không chính thức. Việc di dân ra ngoài liên quan đến đời sống người dân, như việc làm, phúc lợi xã hội, các cơ quan chức năng phải có bài toán đồng bộ.

Ðồ án quy hoạch đề xuất mở các tuyến đường đi qua nhiều khu dân cư dày đặc, trong khi đó đồ án phân khu chưa thể đủ điều kiện khảo sát chi tiết, và chưa có đầy đủ nội dung về yếu tố quyền sử dụng đất. Vấn đề này sẽ nổi cộm, sẽ vấp, nên cơ quan chức năng cần tìm hiểu kỹ.

Các khu chung cư cũ trong nội đô là vấn đề bức xúc, khó khăn nhiều năm. Lượng người ở đó rất đông và họ cũng có sổ đỏ, nếp sống ổn định nhưng nhà ở lại xuống cấp, mất an toàn. Thành phố cũng cần quyết tâm để thực hiện những dự án tái thiết, có chính sách hỗ trợ thích hợp.

Về thể chế, việc thực hiện di dời vẫn đang có nhiều tồn tại, như các điều khoản, chính sách đền bù chưa ổn. Giá đền bù cần theo cơ chế thị trường, chứ không thể áp đặt theo quy định của nhà nước, trong khi giá thị trường thì luôn biến động. Bởi thế cần tìm ra những giải pháp thích hợp thì mới có thể đền bù và di dời được.

Bản Quy hoạch lịch sử và hiệu quả thực tế -0 

Ông Phạm Tuấn Long (Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm):

Dành nguồn lực lớn cho việc di dân

Trong 10 năm tới, Hà Nội sẽ giảm khoảng 215.000 người trong bốn quận nội thành. Mục tiêu này gắn với đề án giãn dân phố cổ đã được quận triển khai nhiều năm qua. Ðể thực hiện việc này, quận Hoàn Kiếm tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong việc bảo tồn phát huy các di sản đô thị trên địa bàn, dành nguồn lực rất lớn cho công tác giải phóng mặt bằng, di chuyển các hộ dân sống trong các di tích, trường học, công sở. Quận sẽ tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc các đồ án quy hoạch phân khu và ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo thành phố. Có một thực tế nhiều người mong muốn có diện tích nhà ở lớn hơn, tiện nghi hơn, nhà ở trong phố cổ không đáp ứng được, vì thế họ chọn việc di chuyển ra ngoài. Các diện tích ở phố cổ nhường lại cho việc phát huy giá trị di sản, phục vụ du lịch, thương mại…

Tường vy