Bản đồ rủi ro thiên tai – đợi đến bao giờ?

Việc chưa xây dựng được bản đồ rủi ro thiên tai tại các địa phương có nguy cơ cao là một trong những thách thức lớn trong công tác ứng phó thiên tai. Cho đến nay, còn hơn 10 tỉnh, thành vẫn bị “nợ” bản đồ này, đồng nghĩa với việc người dân vẫn phải sống chung với nỗi lo thảm họa.

Nguy cơ sạt lở, sụt lún của ba phường tại Hòa Bình từng được các nhà khoa học cảnh báo, song do thiếu thông tin về mức độ nguy hiểm và rủi ro nên người dân chủ quan trong phòng tránh. Ảnh: Trung Nguyê
Nguy cơ sạt lở, sụt lún của ba phường tại Hòa Bình từng được các nhà khoa học cảnh báo, song do thiếu thông tin về mức độ nguy hiểm và rủi ro nên người dân chủ quan trong phòng tránh. Ảnh: Trung Nguyê

Thiếu thông tin cảnh báo

Sau khi tiến hành khảo sát thực địa khu vực trượt lở đất nghiêm trọng tại thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình hồi cuối tháng 7, đầu tháng 8-2018, đoàn khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra nhận định, mưa lớn kéo dài nhiều ngày là nguyên nhân chính khiến cho đất bị ngấm nước, bão hòa, dễ trượt lở. Cụ thể ở phường Ðồng Tiến, nơi hàng loạt nhà dân sập xuống sông là khu vực có nền đất yếu, đất mượn, việc xây dựng không theo quy chuẩn kỹ thuật tốt nên mưa lớn kéo dài đã dẫn đến sạt lở.

Ðiều đáng nói là: Nguy cơ sạt lở, sụt lún của ba phường Ðồng Tiến, Chăm Mát và Thái Bình đã được cảnh báo từ năm 2017, khi các nhà khoa học thực hiện một đề tài nghiên cứu ở khu vực này. Các nhà khoa học cũng đã khuyến cáo chính quyền địa phương di dời hàng chục hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm. “Theo tôi được biết, chính quyền địa phương đã có biện pháp động viên và bố trí người dân di dời nhưng mức độ chưa đạt như mong muốn”, một chuyên gia trong đoàn cho biết. Sở dĩ người dân vẫn bám trụ là do chính quyền thiếu kiên quyết di dời, nhưng mặt khác còn vì họ thiếu thông tin về mức độ nguy hiểm và rủi ro có thể xảy ra nên chủ quan trong phòng, tránh.

Nhiều vùng có nguy cơ sạt lở đất đá đã có thể giảm được thiệt hại về người và của nếu người dân được tiếp cận với thông tin cảnh báo sớm. Tuy nhiên, công tác dự báo, cảnh báo thiên tai hiện nay mới “phủ” tới cấp huyện, chưa đến thôn, bản. Trong khi đó, do địa bàn rộng, địa hình phức tạp, dân cư không tập trung,… sạt lở đất đá, lũ quét thường xảy ra bất ngờ, nếu không có hệ thống cảnh báo nào tiếp cận được với người dân rất dễ dẫn đến việc bị động trong phòng, chống.

Gấp rút xây dựng bản đồ hiện trạng

Ðề án “Ðiều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam”, được Chính phủ phê duyệt nhằm giúp cộng đồng miền núi ứng phó với trượt lở đất đá. TS Trịnh Xuân Hòa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Ðịa chất và Khoáng sản - Bộ Tài nguyên và Môi trường, đơn vị triển khai Ðề án cho biết, Ðề án được chia làm hai giai đoạn, dự kiến thực hiện trong 9 năm (2012 - 2020) trên phạm vi 37 tỉnh miền núi Việt Nam. Giai đoạn I (2012 - 2015) triển khai tại 22 tỉnh và giai đoạn II (2016 - 2020) tại 15 tỉnh còn lại.

Tuy vậy, đến nay (khi đã kết thúc Giai đoạn I và bước vào Giai đoạn II), Ðề án điều tra hiện trạng trượt lở đất tỷ lệ 1:50.000 được triển khai trên phạm vi 17 tỉnh miền núi phía bắc Việt Nam, hoàn thành công tác lập bản đồ phân vùng cảnh báo cho 10 tỉnh. Năm 2017, Ðề án đã triển khai công tác điều tra, cập nhập, bổ sung thông tin hiện trạng và khoanh vùng nguy cơ trượt lở đất đá tại 20 xã trọng điểm có nguy cơ trượt lở đất đá cao thuộc bốn tỉnh Ðiện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái. Năm 2018, Ðề án tiếp tục chuyển giao kết quả, hướng dẫn quản lý, sử dụng cho địa phương bộ sản phẩm nói trên. Các sản phẩm bản đồ cuối cùng theo quy trình tổng thể của toàn Ðề án cho các tỉnh còn lại được thực hiện. Và với tiến độ triển khai như vậy, Ðề án có thể phải kéo dài lâu hơn.

Lý giải việc Ðề án còn “nợ” nhiều địa phương, một chuyên gia cho biết, Ðề án bao gồm bốn hợp phần chính: điều tra hiện trạng trượt lở đất đá; xây dựng các mô hình không gian về cơ chế trượt lở đất đá, dự báo sự di chuyển của khối trượt cho từng vùng nghiên cứu, phân vùng nguy cơ nhạy cảm; xây dựng các kịch bản xảy ra thiên tai trượt lở đất đá; đánh giá mức độ rủi ro do trượt lở đất đá cho từng vùng nghiên cứu dưới nhiều kịch bản khác nhau, nhằm xây dựng bản đồ nguy cơ rủi ro, trong đó có khoanh định khu vực các mức độ rủi ro và xếp hạng theo các mức độ cảnh báo khác nhau.

Song song với các công tác mang tính “kỹ thuật” là việc chuyển giao sản phẩm từng giai đoạn của Ðề án, kết hợp công tác giáo dục cộng đồng nhằm quản lý, cảnh báo kịp thời việc phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do trượt lở đất đá, phục vụ công tác quy hoạch và tái định cư. “Triển khai Ðề án trên những vùng rừng núi xa xôi, khí hậu khắc nghiệt, đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Ðề án phải vượt qua rất nhiều khó khăn, thiếu thốn và hiểm nguy. Chẳng hạn, khi thực hiện tại 10 tỉnh miền núi công tác điều tra hiện trạng trượt lở đất đá thực hiện với tổng diện tích điều tra gần 60.000 km2, chưa kể hiện trạng số liệu từ nhiều nguồn, nhiều ngành nên có tính thống nhất không cao, tốn nhiều thời gian công sức để tổng hợp...”, vị chuyên gia chia sẻ.

Trong bối cảnh diễn biến phức tạp, khó lường của thiên tai, thời tiết cực đoan, bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá tỷ lệ 1:50.000 của Ðề án là một giải pháp thiết thực giúp cho các địa phương chủ động ứng phó. Nhiệm vụ cấp bách lúc này là Bộ Tài nguyên và Môi trường cần hỗ trợ các địa phương xây dựng bản đồ chi tiết hơn, khoanh vùng xác định cụ thể, rõ hơn được bản, thôn, điểm nào hay khu vực nào có nguy cơ trượt lở đất đá cao, để tăng tính khả thi hơn trong cảnh báo, dự báo di chuyển các hộ dân nhằm giảm thiểu thiệt hại do trượt lở đất đá gây ra.

Ai cũng có thể hình dung được tầm quan trọng cũng như độ hữu ích của những tấm bản đồ rủi ro thiên tai như vậy. Song, đến giờ, như câu chuyện ở phần đầu, liệu sau thảm họa giáng xuống phường Ðồng Tiến có điều gì thật sự thay đổi ở những địa phương khác không?