Bài toán không dễ giải

Không phải doanh nghiệp (DN) Việt nào cũng đương nhiên được hưởng cơ hội đến từ việc hàng nghìn dòng thuế sẽ về 0 khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp châu Âu - EU (EVFTA) được thực thi. Thách thức thậm chí còn lớn hơn cơ hội nếu không có sự chuẩn bị tốt nội lực.

30 doanh nghiệp Việt Nam tham dự Hội chợ quốc tế công nghiệp thực phẩm Paris 2018 (SIAL 2018). Ảnh: KHẢI HOÀN
30 doanh nghiệp Việt Nam tham dự Hội chợ quốc tế công nghiệp thực phẩm Paris 2018 (SIAL 2018). Ảnh: KHẢI HOÀN

Điểm yếu nội tại của DN

Một bản phân tích khá đầy đủ về cách tính thuế theo lộ trình giảm thuế của EVFTA vừa được đưa lên trang chủ của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP). Mặc dù thời gian hiệu lực của cách tính này dự kiến từ tháng 7-2020, nhưng VASEP đã chủ động “giải mã” các thông tin chi tiết về EVFTA cho các hội viên là các DN chế biến, xuất khẩu thủy sản. Tuy nhiên, đó không phải là điểm nhấn chính mà VASEP muốn lưu ý!

Thông tin VASEP muốn cảnh báo trước hết đó là quy định siết chặt chất Ethoxyquin, một chất chống ô-xi hóa giúp bảo quản sản phẩm thức ăn thủy sản, sẽ được EU áp dụng từ ngày 31-3-2020. Quy định mới này sẽ gây thêm áp lực về vấn đề ghi nhãn và truy xuất nguồn gốc và có thể khiến cho giá thức ăn cũng như giá thành sản xuất tăng lên. “Cam kết EVFTA không giúp gỡ bỏ hay giảm bớt các quy định về xuất xứ, về hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm… Nghĩa là, DN không chỉ cần biết rõ các mức thuế quan ưu đãi mà quan trọng hơn, phải nắm chắc làm thế nào để tận dụng được ưu đãi. Thường thì các quy định liên quan đến xuất khẩu vào EU luôn phức tạp, khó thực thi và có thể còn thay đổi”, bà Phùng Kim Thu, chuyên gia thị trường ngành tôm của VASEP giải thích rõ thêm.

Các chuyên gia nhìn nhận, thủy sản hay cụ thể là tôm hiện có cơ hội lớn khi mà trước tình hình dịch bệnh, các nhà nhập khẩu EU đang chần chừ trong lựa chọn nguồn nhập khẩu. Điều này sẽ khiến nhu cầu về tôm của EU có thể sẽ tăng trong các tháng tới. Nếu tận dụng được thuế qua ưu đãi từ EVFTA, theo bà Thu, tôm Việt Nam sẽ có khả năng cạnh tranh tốt hơn so với tôm từ Ấn Độ, Thái-lan và In-đô-nê-xi-a và chỉ còn phải cạnh tranh với tôm từ Ê-cu-a-đo sẽ chuyển hướng sang EU khi thị trường Trung Quốc gặp khó.

Vấn đề là, các DN xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam có thể sẽ cùng nhắm tới thị trường EU, muốn tăng nhanh thị phần tại EU vì lý do tương tự, nên sẽ có sự cạnh tranh thật sự trong nội bộ DN Việt Nam.

Trong bối cảnh này, cơ hội chỉ thuộc về DN hiểu và áp dụng linh hoạt, trung thực quy tắc xuất xứ, kiểm soát tốt an toàn vệ sinh thực phẩm… và đặc biệt là năng lực cạnh tranh của sản phẩm vốn nằm ở nhiều khía cạnh phi cam kết (chất lượng, mẫu mã, giá cả, tính chuyên nghiệp của DN...). “Phải thừa nhận, đây là thách thức lớn với DN Việt Nam, vì chất lượng sản phẩm của DN Việt so với các nước đối tác FTA còn kém. Chúng tôi đã tổ chức các khóa đào tạo liên tục, với mong muốn các DN thấy rõ các việc phải làm trước khi nhắc tới các dòng thuế về 0 trong EVFTA”, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP nói khi nhắc tới các yêu cầu về quy định, tiêu chuẩn về lao động và môi trường… mà nhiều DN Việt Nam không chỉ trong lĩnh vực thủy sản hay bị nhắc nhở.

Những lời giải bên ngoài DN

Trong số các ngành hàng, lĩnh vực được xếp nhóm đầu về cơ hội từ EVFTA, ngoài thủy sản còn có dệt may, da giày, điện tử và một số ngành chế tạo khác. Hiệp hội các ngành hàng cũng đang chia sẻ thông tin về những việc phải làm để DN không bỏ lỡ chuyến xe ra đường cao tốc mà EVFTA đang mở ra. Có điểm thuận là bản thân DN ý thức rất rõ về việc phải tuân thủ các yêu cầu, điều kiện để được hưởng mức thuế quan ưu đãi trong EVFTA.

“Khi EVFTA hay các FTA thế hệ mới được chuẩn bị ký kết, các đối tác nhập khẩu đã đặt ngay yêu cầu rất cao về công nghệ, môi trường… với các nhà sản xuất Việt Nam. Nguyên tắc rất rõ ràng là họ chỉ ký hợp đồng khi các DN đáp ứng được các tiêu chuẩn đó, nên DN ngành dệt may có sự chuẩn bị chủ động và sớm”, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam lý giải.

Đặc biệt, các DN sẵn sàng góp tay vào đầu tư cùng sản xuất tập trung cho dệt may, để thiết lập chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, giảm tối đa chi phí sản xuất cho DN, tăng tính chủ động trong nguồn cung nguyên liệu. Hiện tại, ở phía bắc, chuỗi sản xuất này đang hình thành ở Nam Định, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Nguyên; ở các tỉnh miền trung là Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Định, Phú Yên; phía nam là Bình Dương và Đồng Nai, cần tập trung Long An, Hậu Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Bến Tre...

Tuy nhiên, đang có những khó khăn nhất định khi các quy định về mảng công nghệ dệt nhuộm trong nước gặp khó khăn do những lo ngại về môi trường, ảnh hưởng đến sự liên tục của chuỗi cung ứng trong ngành dệt may, hạn chế khả năng tự chủ nguồn nguyên liệu của DN. “Sự phát triển của công nghệ hay những đòi hỏi của đối tác buộc DN phải tuân thủ rất nghiêm ngặt các quy định về môi trường. Chúng tôi đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước đừng đưa ra các thủ tục quá khắt khe, mà cần đưa ra những tiêu chuẩn, quy chuẩn, trên cơ sở đó đánh giá đầu tư của DN có đạt chuẩn không để cho tiến hành”, ông Giang đề xuất. Điều này còn giúp DN thuận hơn rất nhiều khi các chiến lược phát triển ngành dệt may đi cùng với các cơ chế khuyến khích, lựa chọn nhà đầu tư phù hợp. “Nếu chọn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là hai trung tâm thời trang lớn, thì chính quyền hai thành phố cần có cách thức thu hút các DN đầu tư vào thương hiệu, thiết kế, tổ chức trình diễn thời trang… chứ không chỉ là gọi đầu tư vào dệt may một cách chung chung”, ông Giang đề xuất.

Những đề xuất này có thể nằm ở nhóm phi cam kết, nhưng lại là điều kiện để tăng năng lực cạnh tranh của DN, của nền kinh tế. Giới chuyên gia kinh tế lại kỳ vọng hơn vào những thay đổi này khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay EVFTA có hiệu lực.

Xét đến cùng, muốn tận dụng cơ hội để mở không gian thị trường, tạo thuận lợi cho DN, chúng ta sẽ phải lấy tiêu chuẩn của cam kết để làm tiêu chí thực hiện các cải cách, các kế hoạch phát triển tới đây. Điều đó đòi hỏi Chính phủ phải đi trước, tạo sức ép và dư địa để các DN thực hiện các kế hoạch cải thiện năng lực cạnh tranh của mình.