Bài học không hề cũ

Những bài học rút ra từ quá trình ứng phó với tình trạng thiếu điện do hệ thống thiếu hụt công suất dự phòng hồi tháng 6-1997, vẫn còn nguyên giá trị tham khảo cho việc ứng phó với tình trạng căng thẳng trong cung ứng điện khi bước vào mùa khô năm 2020.

Công nhân Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội tuyên truyền tiết kiệm điện đối với các hộ sản xuất huyện Thanh Oai. Ảnh: đức anh
Công nhân Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội tuyên truyền tiết kiệm điện đối với các hộ sản xuất huyện Thanh Oai. Ảnh: đức anh

Bài học về dự phòng

Hệ thống điện Việt Nam ở vào giai đoạn những năm 90 của thế kỷ 20 có tỷ trọng thủy điện rất lớn. Vào năm 1997, các nhà máy thủy điện chiếm khoảng 62% công suất và sản lượng điện hệ thống. Trong các nguồn thủy điện, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình chiếm 68% công suất đặt và 63% sản lượng có thể khai thác. Nhưng đây cũng là nhà máy lệ thuộc rất nhiều vào độ biến thiên cột nước. Đặc điểm trên đã tác động rất mạnh vào hệ thống điện khi lưu lượng nước về các hồ thủy điện Hòa Bình và Thác Bà trong tháng 5 và 6 trong năm 1997 đột ngột giảm thấp so cùng kỳ trung bình nhiều năm, gây nên thiếu điện nghiêm trọng cho mùa khô 1998.

Trước hết, sự kiện thiếu điện này cho thấy bài học lớn về dự phòng công suất của hệ thống. Tính toán cho thấy, chỉ cần dự phòng năng lượng tại hồ Hòa Bình thông qua việc giữ mức nước hồ vào ngày 31-5 là 85 m thay cho thực tế là 81,04 m thì có thể khắc phục được khủng hoảng trên. Mặt khác, còn có khả năng được lợi 22 triệu kWh do tận dụng thủy năng ở cột nước cao. Nhưng việc nâng cao trình khai thác trên 85 m cũng đồng nghĩa với không khai thác 80 triệu kWh thủy điện. Ở đây, chi phí bằng tiền cho công suất và điện năng dự phòng được lượng hóa rõ ràng, nhưng cái lợi của sự ổn định cung cấp điện khó lượng hóa hơn, nên việc bố trí dự phòng chưa được coi trọng.

Một tính toán khác cũng cho thấy, nếu các hồ vẫn được khai thác như thực trạng tháng 5-1997, nhưng nếu hệ thống có công suất dự phòng khoảng 140 MW, thì cũng đủ khắc phục tình trạng thiếu điện vào tháng 6-1997.

Mọi chứng minh đều trở về một quy luật rất xưa cũ, đó là, muốn bảo đảm ổn định cung cấp điện thì hệ thống phải có dự phòng. Sau nhiều nỗ lực liên tục, năm 2015, hệ thống điện Việt Nam đã có 20% công suất dự phòng, nhưng từ thời điểm đó đến nay, đã gần bốn năm trôi qua, hệ thống điện không được bổ sung công suất để duy trì cho con số dự phòng này. Nhiều công trình đã thi công hoàn thành từ 75% đến 90% khối lượng kế hoạch nhưng không được tháo gỡ khó khăn để đưa vào vận hành, bổ sung công suất cho hệ thống điện.

Bài học về tính chủ động

Giải quyết vấn đề thiếu điện vào mùa khô năm 1998 chính là bài học quan trọng thứ hai về chủ động trong tuyên truyền tiết kiệm điện và điều hòa phụ tải. Ngay từ tháng 2-1998, Bộ Công nghiệp đã có văn bản gửi Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam) và các Sở Công nghiệp về dự báo tình hình thiếu điện. Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (TCT Điện) đã kịp thời triển khai công tác tuyên truyền thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng về mực nước của hồ chứa thủy điện Hòa Bình và kêu gọi nhân dân cả nước vì lợi ích quốc gia và của mỗi gia đình hãy sử dụng điện một cách hợp lý và tiết kiệm.

Tiếp đến, ngày 6-5-1998, tại cuộc họp bàn về phương án cắt giảm điện, Phó Thủ tướng Ngô Xuân Lộc đã yêu cầu Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng các ngành, các đoàn thể, Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương phải thực hiện ngay và nghiêm túc các biện pháp nhằm khắc phục tình trạng thiếu điện. Theo đó, phát động sâu rộng đợt tiết kiệm 10% lượng điện theo kế hoạch đã giao, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật để bảo đảm cung cấp điện ổn định, an toàn nhất; tổ chức thường xuyên việc sử dụng điện theo quy định và xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng tình hình thiếu điện để có hành vi tiêu cực; Bộ Công nghiệp và TCT Điện tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để các cơ quan, đoàn thể và toàn dân tiết kiệm điện trong sinh hoạt và sản xuất; hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng các thiết bị tiêu hao năng lượng lớn; sử dụng hợp lý đèn chiếu sáng công cộng; giảm điện tự dùng và tổn thất truyền tải từ 0,5 đến 1%... Các bộ, ngành, các cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức đoàn thể chỉ đạo cụ thể và tổ chức kiểm tra thường xuyên các tổ chức và cá nhân sử dụng điện, tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân để tiết kiệm điện. Đối với các doanh nghiệp (DN), phải huy động tối đa nguồn điện tại chỗ diezen, tổ chức hợp lý dây chuyền sản xuất; phấn đấu giảm suất tiêu hao trên một đơn vị sản phẩm...

Để thực hiện điều hòa phụ tải có hiệu quả, TCT Điện đã chỉ đạo các công ty điện lực triển khai lắp đặt gần 2.000 công-tơ điện tử nhiều giá cho các khách hàng có máy biến áp chuyên dùng và sản xuất ở chế độ hai ca, ba ca. Ngoài việc thực hiện tiết kiệm điện, hạn chế cắt giảm phụ tải theo mức phân bổ công suất và sản lượng theo từng thời điểm thiếu điện, các công ty điện lực rà soát lại hợp đồng mua bán điện để việc cấp điện cho các xí nghiệp sản xuất hai ca, ba ca thực hiện theo đúng quy định. Nhiều DN đã sắp xếp lại dây chuyền sản xuất, giảm sử dụng điện vào giờ cao điểm, tăng sử dụng điện vào giờ thấp điểm. Kết quả, tăng trưởng GDP năm 1998 của Việt Nam đạt mức 5,8%.

Quay trở lại với tình hình hiện nay, việc tuyên truyền tiết kiệm điện đã trở thành chủ trương xuyên suốt được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiến hành qua nhiều năm. Tuy nhiên, chỉ như vậy là chưa đủ. Vậy nên, bài học trong quá khứ cho thấy, muốn chủ động được trước sẽ cần phải có những bước đi kịp thời về tuyên truyền sử dụng điện, điều hòa phụ tải một cách hợp lý. Và dài hạn hơn nữa là tập trung vào việc phát triển công suất dự phòng cho hệ thống.