Ðẩy mạnh phân cấp, trao thực quyền cho bệnh viện công

Cơ chế tự chủ (gồm tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy nhân sự và tự chủ về tài chính), được ví như “cởi trói” cho các đơn vị y tế công lập thoát khỏi cảnh trông chờ, ỷ lại vào ngân sách nhà nước, từng bước chủ động nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đáp ứng mong mỏi của người dân. Tuy nhiên, do hệ thống văn bản chính sách không vận động kịp thời với đòi hỏi của đổi mới và thực tiễn, các bệnh viện đang gặp phải những thách thức không nhỏ trong hiện thực hóa một chủ trương tiến bộ.

Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, nơi triển khai cơ chế tự chủ nhóm 2 tiến tới sẽ trở thành Trung tâm Nhi khoa khu vực miền duyên hải Bắc Bộ. Ảnh: Huyền Trâm
Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, nơi triển khai cơ chế tự chủ nhóm 2 tiến tới sẽ trở thành Trung tâm Nhi khoa khu vực miền duyên hải Bắc Bộ. Ảnh: Huyền Trâm

Người bệnh vẫn “thiệt đơn, thiệt kép”

Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Kế hoạch tài chính - Bộ Y tế, đến nay, 100% số đơn vị sự nghiệp y tế trong cả nước đã được phân loại, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính theo nhóm quy định tại Nghị định 43/2006/NÐ-CP (ngày 25-4-2006) quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, cả nước hiện có 25 trong số 42 bệnh viện tuyến trung ương (trong đó có bảy bệnh viện trường đại học) đã đổi mới cơ chế tài chính theo hướng tự chủ, tiết kiệm hơn 2.100 tỷ đồng ngân sách.

Bộ Y tế đánh giá điểm được nhất khi thực hiện tự chủ tài chính là tạo sự cạnh tranh giữa các cơ sở y tế, phát huy tính năng động cho các bệnh viện trong việc huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư cơ sở, mua sắm trang thiết bị nhằm phát triển kỹ thuật, nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, cơ chế mới cũng khiến giám đốc các bệnh viện chịu áp lực lớn hơn. Khó khăn trước hết xuất phát từ việc cơ chế chính sách, đặc biệt là các thông tư, văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương hiện nay chưa ban hành hướng dẫn chi tiết, đồng bộ về thực hiện cơ chế tự chủ đối với ngành Y tế. Thêm nữa, cơ chế phân cấp, phân quyền còn nhiều hạn chế, mức phân cấp thấp, quy trình và thời gian phê duyệt các hoạt động mua sắm chậm trễ, kéo dài.

Một điểm đáng nói nữa, cũng do chưa có cơ chế linh hoạt trong chi trả bảo hiểm y tế, mà các bệnh viện phải chịu cảnh khó khăn trong thực thi. Thực tế một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thể có ba loại giá dịch vụ y tế áp dụng cho ba đối tượng gồm người tham gia bảo hiểm y tế, không tham gia bảo hiểm y tế, dịch vụ theo yêu cầu. Trong đó, với giá áp dụng cho đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, trong năm 2019, Bộ Y tế sẽ rà soát, sắp xếp lại các dịch vụ kỹ thuật y tế, khảo sát tính toán lại định mức và ban hành mức giá mới, tiền lương theo lương cơ sở 1.490.000 đồng, tính thêm chi phí quản lý theo lộ trình. Dự kiến chính sách này sẽ ban hành và áp dụng vào cuối năm 2019. Như vậy, giá dịch vụ (áp dụng cho nhóm bệnh nhân bảo hiểm) sẽ tiếp tục tăng, cùng với đó là người bệnh sẽ được nhận chất lượng dịch vụ cao hơn.

Vướng mắc nữa, như chia sẻ của ông Lê Ðình Thăng, kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành 3, qua kiểm toán, việc liên doanh, liên kết với khu vực tư đã đẩy người bệnh vào cảnh “thiệt đơn thiệt kép”. Giá trị của nhiều máy móc, thiết bị khi vào bệnh viện được nâng lên gấp đôi. Ðiều này đồng nghĩa với thời gian chi trả cho máy sẽ kéo dài hơn, “đè nặng” chi phí lên người bệnh. Cụ thể, có trường hợp, theo giá thực thời gian đặt máy chỉ 7 năm, đến năm thứ 8, máy đó thuộc bệnh viện. Thế nhưng, cũng cái máy ấy đã được nâng giá lên gấp đôi, nên máy phải sử dụng 10-15 năm. Trong thời gian đó, người bệnh vẫn phải trả tiền. Ðây là một vấn đề mà Bộ Y tế cần giám sát chặt chẽ, có cơ chế để ngăn chặn.

Ðẩy mạnh phân cấp, trao thực quyền cho bệnh viện công ảnh 1

Áp dụng cơ chế tự chủ giúp các bệnh viện chủ động hơn trong đầu tư công nghệ khám, chữa bệnh hiện đại. Ảnh: DN

Chỉ tự chủ tài chính là chưa đủ!

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về tự chủ tài chính, đặc biệt là tự chủ tại các bệnh viện công lập để có thể tránh những tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường khi thực hiện tự chủ tài chính trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Nhiều ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, nếu chỉ cho phép tự chủ hoàn toàn về tài chính để vận hành một bộ máy bệnh viện thì chưa đủ mà cần phải có nhiều tự chủ khác may ra mới “cởi trói” được cho các bệnh viện. Các văn bản hướng dẫn về thực hiện, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp y tế công lập cần sớm được sửa đổi theo hướng phát huy quyền tự chủ toàn diện. Ðồng thời kiện toàn quy trình, thủ tục giám định, thanh quyết toán Bảo hiểm y tế để giảm thời gian, công sức, đổi mới cơ chế sử dụng Bảo hiểm y tế theo hướng chi thêm cho quản lý sức khỏe, sàng lọc, phát hiện sớm bệnh tật để giảm chi phí khám chữa bệnh.

Nhằm bảo đảm cho các đơn vị triển khai hiệu quả theo cơ chế mới này, cần phân cấp mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt đối với các đơn vị tự bảo đảm toàn bộ kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư. Cũng cần trao quyền cho bệnh viện, tăng mức phân cấp đối với các dự án đầu tư, mua sắm để đáp ứng nhu cầu, bảo đảm thời gian cũng như quyết định đầu tư có hiệu quả hơn để người bệnh được hưởng lợi. Các bệnh viện thực hiện cần được phép tự xây dựng và quyết định các chỉ tiêu phát triển bệnh viện, chương trình đào tạo, thu hút nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế phù hợp với các nguồn lực của bệnh viện. Tuy nhiên, cùng với đó phải xây dựng các quy trình, quy chế để kiểm soát, giám sát việc thực hiện của các bệnh viện này theo đúng quy định của pháp luật.

Một điều mà người dân luôn mong mỏi, đó là thực hiện tự chủ không có nghĩa là chạy theo lợi ích kinh doanh, tìm mọi cách tăng nguồn thu, quan trọng hơn, các bệnh viện phải tạo uy tín để thu hút người bệnh đến với mình, phải xem người bệnh là trung tâm. Khi được giao quyền, đòi hỏi các bệnh viện phải thay đổi tinh thần, thái độ phục vụ tốt hơn, năng động hơn trong quản lý, chặt chẽ hơn trong tổ chức để bảo đảm nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP (ngày 19-5-2019) về thí điểm cơ chế tự chủ tài chính và tự chịu trách nhiệm toàn diện của bốn bệnh viện thuộc Bộ Y tế, gồm: Chợ Rẫy, K, Bạch Mai và Việt Ðức. Ðây là quyết sách đột phá nhằm phát huy chủ động, sáng tạo của bốn bệnh viện trong việc nâng cao năng lực, chất lượng khám chữa bệnh. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia y tế cho rằng, bệnh viện khi triển khai thực hiện sẽ hoạt động như mô hình doanh nghiệp, cần được giám sát, đánh giá bởi một đơn vị độc lập nhằm bảo đảm khách quan, minh bạch và không xảy ra tình trạng lạm thu.