Ðẩy mạnh giải pháp chất lượng và thị trường

Chưa đầu tư mạnh cho chất lượng, thiếu sự tìm hiểu sâu, nắm bắt đúng nhịp điệu thị trường… là những “nút thắt” cần tháo gỡ nếu muốn xây dựng chuỗi cung ứng cho nông sản xuất khẩu hiện nay. TS Lê Thanh Hòa (trong ảnh), Phó Cục trưởng Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) đã có những trao đổi với Nhân Dân cuối tuần chung quanh vấn đề này.

Ðẩy mạnh giải pháp chất lượng và thị trường

- Thưa ông, việc thiếu một quy hoạch sản xuất nông nghiệp tập trung là nguyên nhân gây nên thực trạng nhiều loại nông sản chưa đủ điều kiện xuất khẩu, nhất là đến các thị trường khó tính. Ông nhận định ra sao về ý kiến này?

- Nếu nói Việt Nam không có vùng sản xuất nông nghiệp tập trung thì không đúng, vì trong hơn 10 năm qua, cùng với việc tái cơ cấu nông nghiệp, đã có nhiều chính sách liên quan đến tập trung nguồn lực về đất đai để hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra tiếp theo là đầu ra cho sản phẩm. Nếu làm tốt bài toán đầu ra thì sản xuất tập trung mới có hiệu quả. Ta đã có vùng sản xuất tập trung tại đồng bằng sông Cửu Long, cây ăn trái ở Tây Nam Bộ, điều, tiêu ở Tây Nguyên… Song, do sản xuất không đi đúng nhịp điệu thị trường nên đã gây ra khủng hoảng thừa, như vài năm gần đây, do tăng diện tích lên quá lớn nên hồ tiêu dư cung, giá giảm. Hoặc rất nhiều địa phương đầu tư sản xuất cây có múi như bưởi, cam ồ ạt khiến diện tích tăng nhanh, vượt quá sản lượng tiêu thụ nội địa.  

Chưa kể, bài học từ Nhật Bản, một quốc gia rất mạnh về nông nghiệp cho thấy, dù họ không có điều kiện tự nhiên thuận lợi như nước ta, nhưng tập trung nâng cao chất lượng hoặc hàm lượng văn hóa cho từng sản phẩm, hoặc tập trung cho các yếu tố liên quan như chỉ dẫn địa lý nên giá trị sức cạnh tranh sản phẩm của họ rất cao. Nông sản Việt Nam cũng có nhiều lợi thế như vậy, thí dụ như vải thiều Thanh Hà, nhãn Hưng Yên, cam Vinh… ngoài quảng bá trong nước, có thể quảng bá ra nước ngoài. Nhưng làm sao nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao chất lượng giống thì hầu như ta chưa làm được, giống càng ngày càng thoái hóa và chất lượng đi xuống nhanh. Do đó, thời gian tới, Bộ NN và PTNT sẽ có những tính toán kỹ về vấn đề quy hoạch lại từng vùng trồng, đầu tư cải tạo giống để bảo đảm chất lượng cho sản phẩm trong nước và cả xuất khẩu.

- Nhiều DN hiện nay vẫn chú trọng xuất thô nhiều hơn đầu tư cho công nghệ chế biến hay bảo quản để xuất khẩu xa hơn. Nguyên nhân là gì, thưa ông?

- Ðối với hoạt động chế biến, đã có nhiều tập đoàn lớn, nhiều nhà máy đầu tư cho hoạt động này. Song cũng phải nói rằng, đầu tư cho chế biến tốn khá nhiều chi phí, trong khi nếu xét về giá trị, nhiều sản phẩm rau quả không đủ điều kiện ăn tươi mới tính đến việc đưa vào chế biến, hoặc hoa quả có mùa vụ, sản xuất lượng lớn và vượt quá nhu cầu thị trường thì mới đưa vào chế biến như vải, nhãn… Chưa kể, nhiều nước đang có ưu đãi lớn cho sản phẩm xuất thô, như được hưởng thuế 0%...

Tuy nhiên, với một số sản phẩm rau quả tươi, việc đầu tư công nghệ chế biến sẽ giúp nâng cao chất lượng và giá trị. Ðiều quan trọng là phải làm sao xác định được đâu là sản phẩm nên xuất tươi, đâu là sản phẩm nên chế biến để có thể đáp ứng được yêu cầu thị trường. Việc đầu tư cho chế biến cũng có thể giúp xử lý những vấn đề liên quan kiểm dịch thực vật.

Ðơn cử, ta có thế mạnh về sản xuất khoai lang giống Nhật Bản. Cách đây 10 năm, một số DN Ðài Loan (Trung Quốc) đã đầu tư vào Việt Nam để sản xuất và xuất khẩu bằng cách hấp chín, bao gói, đóng và xuất sang Ðài Loan. Khi khoai nấu chín thì đã giảm tối đa rủi ro về sâu hại hay dịch bệnh, nấm… giúp dễ dàng xuất khẩu sang các thị trường khu vực hoặc các thị trường khó tính, thay vì xuất sản phẩm sống. Ðiều này, DN buộc phải có sự tìm hiểu sâu về thị trường thì mới so sánh và chọn được giải pháp thích hợp.

- Trong bối cảnh các FTA thế hệ mới mở ra cơ hội, song cũng đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, Bộ sẽ có giải pháp gì để góp phần nâng chất lượng sản phẩm xuất khẩu, thúc đẩy xây dựng chuỗi cung ứng nông sản xuất khẩu và thương hiệu bền vững, thưa ông?

- Trong hơn 10 năm qua, từ khi gia nhập WTO, Bộ đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo liên quan vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh thủy sản, thuốc thú y… để cung cấp cho DN thông tin về yêu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, cập nhật thường xuyên các điều chỉnh yêu cầu của phía bạn để phản ánh kịp thời cho DN. Bộ đã, đang và sẽ đẩy mạnh các giải pháp bảo đảm kiểm dịch động thực vật để mở cửa được nhiều hơn các loại nông sản sang các thị trường, đặc biệt là các thị trường đã có Hiệp định thương mại tự do (FTA). Cùng đó, từng vùng trồng cần có hướng dẫn cụ thể quy định để bảo đảm chất lượng sản phẩm nhằm làm sao đáp ứng tốt hơn yêu cầu thị trường.    

Bản thân nhiều DN cũng đã tham gia sâu vào các chuỗi sản xuất và đã ý thức được vai trò không thể thay thế của việc bảo đảm chất lượng sản phẩm. Do đó, DN phải cải tiến sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói, vận chuyển, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của các thị trường xuất khẩu cũng như cạnh tranh ở thị trường nội địa.

- Xin cảm ơn ông!