"Luật chơi" thời công nghệ 4.0

Nhằm hạn chế những tồn tại của ngành nông nghiệp như sản xuất manh mún, quy mô nhỏ, khó truy xuất nguồn gốc, ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào khâu sản xuất, chế biến.

"Luật chơi" thời công nghệ 4.0

Ðồng thời tích cực ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất là yêu cầu mà Cục trưởng Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Như Cường (trong ảnh) chia sẻ với phóng viên Nhân Dân cuối tuần.

- Thưa ông, điều đáng lo ngại nhất trong thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp châu Âu (EVFTA) là ngành nông nghiệp của Việt Nam vẫn sản xuất manh mún, xuất thô là chính. Làm sao vượt qua được hàng rào kỹ thuật từ thị trường nhập khẩu?

- Ðã là quy luật tất yếu, khi hàng rào thuế quan hạ xuống, hàng rào phi thuế sẽ dựng lên. Chúng ta đã tham gia sân chơi hội nhập thì phải tuân theo luật chơi đó. Hơn 70% dân số Việt Nam có liên quan đến nông nghiệp, nhưng vẫn có thói quen chủ yếu sản xuất tự cung tự cấp, quy mô nhỏ, khó áp dụng cơ giới hóa, còn nhiều hạn chế về kiểm định thực vật, truy xuất nguồn gốc. Do đó, nay ta bước ra sân chơi lớn, đặc biệt là sân chơi đòi hỏi cao như EVFTA thật sự là thách thức. Ðiều này đòi hỏi các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp (DN), người dân phải cùng nhau bàn cách tháo gỡ khó khăn, phù hợp điều kiện cụ thể ở Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ tích cực hơn, hiện ta cũng đã xây dựng được những vùng trồng quy mô lớn như vùng lúa, thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long; vùng trồng cà-phê, tiêu ở Tây Nguyên… Do đó, cùng với việc rà soát chính sách để làm sao đẩy nhanh được quá trình tích tụ ruộng đất, đẩy mạnh liên kết giữa nông dân với nhà sản xuất để tạo nên các khu vực, đồn điền, trang trại sản xuất lớn, ta cũng cần phải áp dụng các công nghệ hiện đại, công nghệ 4.0, công nghệ số, blockchain để thực hiện việc kiểm soát nguồn gốc xuất xứ. Mặt khác, chúng ta có thể không thay đổi được diện tích, nhưng có thể áp dụng khoa học kỹ thuật để thay đổi tư duy người nông dân, để tất cả cùng làm theo một quy trình, một phương pháp nhằm khắc phục những hạn chế về quy tắc xuất xứ, chất lượng sản phẩm hay tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ đó đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng khu vực EVFTA nói riêng và các khu vực khác mà ta có hiệp định thương mại tự do (FTA) nói chung.

- Tuân thủ luật chơi có thể giúp sản phẩm Việt Nam chinh phục tốt hơn thị trường xuất khẩu. Nhưng đến bao giờ chúng ta có được những sản phẩm mũi nhọn đủ sức chi phối đến thị trường thế giới, thưa ông?

- Nông sản Việt Nam hiện đã có mặt ở hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và thực tế ta có nhiều loại đứng tốp đầu thế giới như tiêu, điều, gạo... Nhưng cũng phải thừa nhận sản phẩm nông nghiệp của ta mới đứng đầu về lượng, còn chất - giá trị hay thương hiệu thì còn nhiều hạn chế.

Tôi cho rằng, để xây dựng thương hiệu hay nâng tầm sản phẩm không phải là chuyện ngày một ngày hai, cũng không phải là chuyện cơ quan Nhà nước hay một đơn vị nào đó mong muốn là được.

Trong giai đoạn trước, còn khó khăn, ta buộc phải đẩy mạnh sản xuất để lấy lượng bù chất. Còn hiện nay, với hoạt động tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển bền vững diễn ra mạnh mẽ, để nâng cao giá trị gia tăng, ta chấp nhận việc có thể lượng không tăng nhưng giá trị sẽ phải tăng, sẽ có những hàng hóa có thương hiệu và nói đến thương hiệu là nhắc đến Việt Nam.

Ðể thực hiện điều này, Chính phủ đã ban hành danh mục sản phẩm quốc gia, trong đó có gạo, cá tra, cà-phê, nấm... Việc xây dựng danh mục sản phẩm này bao gồm nội dung xây dựng thương hiệu sản phẩm. Cấp Chính phủ là vậy, còn ở Bộ NN&PTNT, từ Bộ trưởng đến các cơ quan chức năng đều nỗ lực thực hiện mục tiêu tái cơ cấu và xây dựng chương trình tái cơ cấu cho từng ngành hàng. Nhờ đó, có thể năm 2020 ta chưa có được một thương hiệu nông sản đúng nghĩa nhưng có thể đến năm 2025 - 2030, Việt Nam có thể phát triển được những sản phẩm có thế mạnh, có chỗ đứng về danh tiếng, thương hiệu trên thị trường thế giới.

- Theo góc nhìn của ông, đối tượng nào sẽ nhận lãnh trách nhiệm là đầu mối chính tạo dựng nền nông nghiệp sản xuất ra được sản phẩm có thương hiệu đúng nghĩa?

- Vừa qua, Cục Trồng trọt là đơn vị được Bộ giao tìm các giải pháp để làm sao thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo yêu cầu. Nhưng để nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản xuất khẩu, quan điểm của tôi là DN phải là trụ cột chính trong sản xuất nông nghiệp. Do đó, Bộ NN&PTNT đã trình Chính phủ ban hành các văn bản như Nghị định 98/2018/NÐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhằm thúc đẩy DN đầu tư vào chế biến, sản xuất nông nghiệp để làm sao nâng cao chất lượng, bảo đảm truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Bên cạnh đó, với đặc trưng của nền nông nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, Bộ đã và đang tập trung tổ chức lại sản xuất theo hướng phát triển thêm các hợp tác xã nông nghiệp. Ðồng thời thúc đẩy ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ 4.0 vào sản xuất. Hiện nay về cơ bản ta đã mở được hết các thị trường. Mục tiêu sắp tới là không chỉ bán cái chúng ta có mà phải bán cái thiên hạ cần.

- Xin cảm ơn ông!

Lê Ðức Nghĩa (thực hiện)