Vì đẹp hay hiệu quả?

NDO -

Sự hiện diện của phụ nữ trong ban lãnh đạo được đánh giá là tích cực, dù ở góc độ xã hội hay ở góc độ doanh nghiệp.

(Ảnh minh họa: HoSE)
(Ảnh minh họa: HoSE)

Giải quyết vấn đề xã hội?

Trong các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc, bình đẳng giới là một trong những mục tiêu quan trọng. Để đạt được mục tiêu này thì trong đó có một tiêu chí là phụ nữ phải có cơ hội bình đẳng thực sự trong vai trò lãnh đạo trong các tổ chức chính trị, xã hội, và kinh tế ở các cấp bậc.

Cách đây khoảng 10 năm, nhiều nước châu Âu đã chú ý đến việc bình đẳng giới trong Hội đồng quản trị hay Ban Giám đốc của doanh nghiệp. Như nước Pháp vào năm 2011 đã ban hành luật quy định tỷ lệ nữ tối thiểu trong hội đồng quản trị, lộ trình năm 2014 là 20% và năm 2017 là 40%. Nhiều nước châu Âu khác dù không bắt buộc một tỷ lệ nhất định nhưng có khuyến khích trong nhiều văn bản hướng dẫn.

Nếu trước đây việc quy định hay khuyến khích sự hiện diện của phụ nữ trong Hội đồng quản trị dường như thiên về giải quyết vấn đề xã hội hơn kinh tế. Hiện, nhiều doanh nghiệp và Chính phủ Pháp đã đi vào thực chất hơn, sự hiện diện của phụ nữ phải cụ thể ở công việc điều hành - Ban Giám đốc.

Đáng chú ý, Hạ viện Liên bang Đức (Bundestag) cũng dự kiến sẽ sớm thông qua một sắc luật quy định tỷ lệ nữ trong Ban Giám đốc của doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán phải tối thiểu là 1/3.

Có lẽ chính vì vậy mà trong bộ tiêu chuẩn đánh giá ESG (Môi trường, Xã hội, Quản trị) ở các doanh nghiệp, sự đa dạng giới tính trong Hội đồng quản trị hay Ban Giám đốc rất được sự quan tâm của giới đầu tư.

Gần đây, sáu quỹ đầu tư lớn ở Pháp, quản lý khoảng 3.000 tỷ euro tài sản kêu gọi các doanh nghiệp niêm yết cần tăng tỷ lệ nữ giới trong Ban Giám đốc lên mức tối thiểu là 30%.

Đây cũng là xu hướng đầu tư có trách nhiệm của các quỹ đầu tư ở châu Âu, khi họ hướng đến các doanh nghiệp quan tâm đến các vấn đề phát triển bền vững.

Các quỹ đầu tư nói khuyến khích nhưng thực ra đó là một yêu cầu ngầm. Lý do vì các quỹ đầu tư này thường là cổ đông lớn của nhiều doanh nghiệp niêm yết, nên tiếng nói của họ có sức mạnh trong các đại hội cổ đông. Nếu doanh nghiệp không cải thiện theo khuyến nghị của các quỹ sẽ gặp bất lợi trong việc thông qua một số kế hoạch hay chính sách kinh doanh.

Không phải ngẫu nhiên mà giới đầu tư, đặc biệt các quỹ đầu tư lớn quan tâm đến tỷ lệ nữ trong ban lãnh đạo hay ban điều hành của doanh nghiệp.

Nhiều nghiên cứu thực chứng đã cho thấy sự hiện diện của nữ giới trong ban lãnh đạo hay ban điều hành có ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Đặc biệt hơn, có nghiên cứu đã chỉ ra khi tỷ lệ nữ trong Ban Giám đốc đạt mức 30%, hiệu quả của doanh nghiệp sẽ được cải thiện đáng kể. Phụ nữ được xem là cẩn trọng hơn trong quyết định rủi ro, chất vấn nhiều hơn và gia tăng sự nhạy cảm, tinh tế trong các quyết định.

Hay có nhiều lợi thế hơn?

Hiện nhiều doanh nghiệp lớn niêm yết ở Việt Nam cũng có tỷ lệ phụ nữ trong Ban Giám đốc khá ấn tượng.

Theo thông tin công bố, tỷ lệ nữ trong Ban Giám đốc tại Công ty Cổ phần Vincom Retail (mã: VRE) đạt 75%, Tập đoàn Vingroup - Công ty Cổ phần (mã: VIC) đạt 67%...Hay như Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (mã: VNM) gắn liền với doanh nhân nữ nổi tiếng Mai Kiều Liên cũng có tỷ lệ nữ lãnh đạo đạt 30%.

Các ngân hàng thương mại ở Việt nam cũng có tỷ lệ nữ đáng kể trong ban giám đốc. Có thể kể đến như Ngân hàng thương mại Cổ phần Quân đội (mã: MBB) hay Techcombank (mã: TCB) đều ở mức khoảng 33%.

Theo thống kê, ước tính có 14/30 doanh nghiệp trong danh sách VN30 có tỷ lệ nữ trong Ban Giám đốc đạt từ 30% trở lên, đồng thời tỷ lệ nữ trong Ban Giám đốc trung bình của VN30 cũng ở mức 28%. Đây là những con số ấn tượng và tiệm cận với chỉ tiêu của nhiều nước có thị trường chứng khoán phát triển.

Hiện thị trường chứng khoán Việt Nam đang được xếp vào nhóm cận biên, nhiều khả năng sẽ sớm chuyển sang nhóm thị trường mới nổi. Theo đó sẽ rất tiềm năng trong thu hút dòng vốn đầu tư của các quỹ nước ngoài.

Với xu hướng đầu tư có trách nhiệm của người dân và doanh nghiệp, các quỹ đầu tư dĩ nhiên sẽ càng thiên về lựa chọn các doanh nghiệp có điểm số ESG cao, trong đó có tiêu chí tỷ lệ nữ trong Ban Giám đốc.

Vì lẽ đó, không chỉ các doanh nghiệp niêm yết trong VN30 mà rộng ra là các doanh nghiệp niêm yết ở Việt Nam cũng nên để ý đến vấn đề này. Do không chỉ thuận lợi hơn trong việc thu hút các quỹ đầu tư nước ngoài trở thành cổ đông, cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết còn sẽ được chú ý nhiều hơn bởi các nhà phân tích chứng khoán và tăng tính thanh khoản.

Hơn nữa, doanh nghiệp có tỷ lệ nữ cao trong Ban Giám đốc còn thêm có lợi thế khi tiếp cận thị trường tài chính quốc tế, trong trường hợp niêm yết thêm ở nước ngoài hay huy động trái phiếu quốc tế.

Có thể thấy, sự hiện diện của phụ nữ trong ban giám đốc của doanh nghiệp chỉ đem lại điều có lợi. Không chỉ làm tăng thêm cái đẹp ở nghĩa đen trong ban lãnh đạo điều hành, mà còn tăng thêm cái đẹp ở góc độ xã hội trong vấn đề bình đẳng giới. Hơn thế nữa, hiệu quả của doanh nghiệp được tăng lên, dù có những bằng chứng cho thấy hiệu quả không lớn. Doanh nghiệp nào đạt được cả hai tiêu chí: vừa đẹp và hiệu quả thì quá tốt, còn gì hơn?

TS. Võ Đình Trí

Giảng viên Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, IPAG Business School Paris

Thành viên Tổ chức AVSE Global