“Hệ thống xương sống" của thị trường chứng khoán

NDO -

NDĐT - Được coi là “hệ thống xương sống” của thị trường chứng khoán Việt Nam, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) giữ một vai trò quan trọng trong vận hành thị trường. Nhân dịp đầu Xuân năm mới, Nhân Dân điện tử đã có cuộc gặp với ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) VSD.

Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch HĐQT VSD.
Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch HĐQT VSD.

Phóng viên: Với vai trò là tổ chức hạ tầng duy nhất vận hành hệ thống bù trừ thanh toán giao dịch chứng khoán quốc gia, xin ông điểm lại một số kết quả nổi bật trong năm vừa qua của VSD.

Ông Nguyễn Sơn: Như chúng ta đã biết, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2019, mặc dù giữ được đà tăng trưởng. Tuy nhiên kinh tế thế giới vẫn có những diễn biến phức tạp hơn dự báo, cạnh tranh chiến lược và thương mại giữa các nền kinh tế lớn tiếp tục gia tăng.

Trong năm 2019, tình hình kinh tế vĩ mô trong nước vẫn giữ được ổn định, GDP năm 2019 đạt kết quả ấn tượng với tốc độ tăng trưởng 7,02%; thặng dự thương mại tăng với mức xuất siêu đạt 9,9 tỷ USD, mức cao nhất trong 4 năm gần đây; CPI bình quân năm 2019 chỉ tăng 2,79%, thấp nhất trong 3 năm qua.

Từ tác động của các nhân tố tích cực trên, thị trường chứng khoán Việt Nam đã và đang duy trì được sự phát triển, quy mô thanh khoản thị trường được cải thiện.

Tính đến ngày 31-12-2019, chỉ số VN-Index đạt 960,99 điểm, tăng 7,7% so với năm 2018, cao hơn các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia; vốn hóa của thị trường cổ phiếu đạt 4.384 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2018, tương đương 72,6% GDP năm 2019; thị trường Trái phiếu Chính phủ (TPCP) đã tăng gấp 12 lần so với năm 2009, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 27%/năm, mức tăng cao nhất trong các nền kinh tế mới nổi tại khu vực Đông - Nam Á; giá trị niêm yết đạt 1.154 nghìn tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2018; hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp của công ty đại chúng trong năm 2019 diễn ra sôi động hơn, tăng 33% so với năm 2018.

Trong bối cảnh đó, được sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), năm 2019, VSD đã tích cực chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Tài chính, UBCKNN và các đơn vị có liên quan hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm của năm 2018, góp một phần không nhỏ vào sự phát triển và lớn mạnh của thị trường chứng khoán.

Cụ thể: (i) tham gia hoàn thiện Luật Chứng khoán năm 2019 phần nội dung liên quan đến các hoạt động của VSD được Quốc hội thông qua ngày 26-11-2019; (ii) triển khai thành công hoạt động cung cấp dịch vụ cho Chứng quyền có bảo đảm (covered warrant - CW) từ tháng 6-2019; (iii) triển khai thành công hoạt động bù trừ thanh toán cho Hợp đồng tương lai Trái phiếu Chính phủ (HĐTL TPCP) từ tháng 7-2019; (iv) thực hiện các công việc liên quan đến triển khai Gói thầu 04 về “Thiết kế, giải pháp, cung cấp lắp đặt và chuyển giao hệ thống công nghệ thông tin – Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh” của toàn thị trường; (v) hoàn thiện hệ thống và chuẩn bị các công tác cho vận hành hệ thống cung cấp dịch vụ Quản trị tài khoản hưu trí cá nhân; (vi) chủ động nghiên cứu để phát triển các dịch vụ, sản phẩm mới để đưa vào ứng dụng tại VSD, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng đa dạng của thị trường và phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.

Bên cạnh đó, trong năm 2019 VSD cũng đã thực hiện an toàn, hiệu quả và thông suốt các dịch vụ sau giao dịch, hỗ trợ thiết thực cho thị trường chứng khoán và có sự tăng trưởng vượt bậc.

Đối với thị trường chứng khoán cơ sở, số lượng tổ chức đăng ký mới trong kỳ là 74 tổ chức, nâng tổng số lượng chứng khoán đăng ký tại VSD thời điểm 31-12-2019 là 162 tỷ chứng khoán, tăng 8,29% so với năm 2018. Số lượng chứng khoán lưu ký tại VSD là 90 tỷ chứng khoán, tăng 8,89% so với năm 2018 và chiếm 56% tổng số chứng khoán đăng ký. Đến thời điểm ngày 31-12-2019, VSD đã cấp 33.085 mã số giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài bao gồm 4.553 tổ chức và 28.532 cá nhân. Trong năm 2019, tổng giá trị thanh toán tiền giao dịch chứng khoán qua VSD đạt hơn 3,9 triệu tỷ đồng.

Đối với thị trường chứng khoán phái sinh, tính đến ngày 31-12-2019, đã có 91.058 tài khoản của nhà đầu tư được đăng ký trên hệ thống bù trừ, thanh toán chứng khoán phái sinh của VSD, tăng 59,2% lần so với cuối năm 2018. Trong năm 2019, tổng giá trị giao dịch đạt 1,9 triệu tỷ đồng; hoạt động bù trừ giao dịch ký quỹ và thanh toán giao dịch được VSD thực hiện an toàn, suôn sẻ. Tổng giá trị thanh toán lãi/lỗ vị thế đạt 2,1 ngàn tỷ đồng.

Bên cạnh đó công tác giám sát thành viên lưu ký, thành viên bù trừ, bao gồm giám sát tuân thủ và giám sát rủi ro đã được thực hiện sát sao, hiệu quả; kỷ luật thanh toán của toàn thị trường được tăng cường.

Điều đáng nói là trong năm 2019, trên cả thị trường chứng khoán cơ sở và thị trường chứng khoán phái sinh đều không phát sinh trường hợp thành viên thiếu tiền phải sử dụng quỹ hỗ trợ thanh toán và quỹ bù trừ để đảm bảo khả năng thanh toán. Điều này cho thấy hiệu quả trong hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán của VSD và các thành viên.

Với những thành tích đã đạt được nêu trên, VSD đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển ổn định và bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Phóng viên: Ông vừa nhắc đến việc triển khai hai sản phẩm mới là CW và HĐTL TPCP, xin ông cho biết thêm việc triển khai hai sản phẩm mới có ý nghĩa gì với thị trường và vai trò của VSD trong việc đưa vào vận hành hai sản phẩm này?

Ông Nguyễn Sơn: Như đã đề cập trên đây, một trong những kết quả đáng ghi nhận của VSD trong năm 2019 là đã cung cấp cung cấp thành công dịch vụ cho CW và dịch vụ bù trừ thanh toán cho sản phẩm HĐTL TPCP.

Để cung cấp dịch vụ cho hai sản phẩm này, VSD đã phối hợp với Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) để hoàn thiện các hướng dẫn cho các sản phẩm này.

Hơn nữa, VSD cùng các Sở giao dịch còn hoàn thiện các chức năng của hệ thống phối hợp với các sở giao dịch, thành viên thị trường tham gia sản phẩm, tiến hành kiểm thử, rà soát hoàn thiện các chức năng của hệ thống trước khi đưa vào vận hành.

Ngoài các công tác chuẩn bị trên đây, VSD cũng tích cực tập huấn nghiệp vụ, tham gia tổ chức các buổi hội thảo, tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho thành viên thị trường và nhà đầu tư về hai sản phẩm mới mẻ này.

Việc triển khai hai sản phẩm trên không chỉ góp phần hoàn thiện cấu trúc sản phẩm, thúc đẩy hoạt động giao dịch trên thị trường chứng khoán cơ sở và thị trường chứng khoán phái sinh, góp phần đa dạng hóa sản phẩm mà còn tăng thêm sức hấp dẫn của thị trường đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Phóng viên: Như vậy, hệ thống công nghệ thông tin có vai trò rất quan trọng trong phát triển sản phẩm dịch vụ mới, xin ông cho biết kế hoạch phát triển hệ thống của VSD khi có thêm nhiều sản phẩm dự kiến ra mắt trong 2020?

Ông Nguyễn Sơn: Với VSD công nghệ thông tin là nền tảng quan trọng đảm bảo cho thị trường vận hành an toàn, hiệu quả, thông suốt và bảo mật cũng như phát triển các sản phẩm dịch vụ mới.

Do vậy, VSD luôn tập trung đầu tư và phát triển hệ thống công nghệ thông tin với nhiều tính năng và có thể cung cấp ngày càng nhiều dịch vụ sản phẩm mới cho thị trường.

Trong năm 2020, VSD sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở giao dịch và nhà thầu để hoàn thiện gói thầu “Thiết kế, lắp đặt cung cấp và chuyển giao hệ thống công nghệ thông tin (Gói thầu 04)” nhằm mục tiêu đưa hệ thống công nghệ thông tin thống nhất cho toàn thị trường kết nối trực tiếp từ khâu đăng ký, lưu ký cho đến bù trừ thanh toán, thực hiện quyền và các sản phẩm gia tăng cho thị trường vào hoạt động.

Gói thầu 04 đã được ký kết từ năm 2016 do HOSE làm chủ đầu tư cùng với các đơn vị thụ hưởng là HNX và VSD. Những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, UBCKNN, Gói thầu 04 đã và đang được HOSE, HNX và VSD phối hợp với Nhà thầu KRX/CMA (Hàn Quốc) tích cực triển khai, đến nay, các hạng mục của Gói thầu 04 về cơ bản, đã dần được hoàn thiện và đi đến những giai đoạn cuối cùng.

Hiện các hạng mục của Gói thầu 04 đang trong giai đoạn kiểm thử/tập huấn. Theo lộ trình triển khai của Gói thầu 04, hệ thống công nghệ thông tin mới sẽ chính thức đi vào hoạt động vào năm 2020.

Hệ thống công nghệ thông tin mới đi vào hoạt động với các tính năng nghiệp vụ mới, đa dạng, hướng đến chuẩn mực và thông lệ quốc tế, cùng với nền tảng cơ sở hạ tầng hệ thống hiện đại, đồng bộ được kỳ vọng sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các sản phẩm dịch vụ mới sắp đi vào hoạt động của thị trường chứng khoán như giao dịch chứng khoán trong ngày và bán chứng khoán chờ về, dịch vụ quản lý chứng khoán thế chấp tại VSD, mô hình đối tác thanh toán trung tâm (CCP) cho thị trường chứng khoán cơ sở...

Bên cạnh việc phối hợp chặt chẽ với các sở giao dịch chứng khoán và nhà thầu để hoàn thiện Gói thầu 04, trong năm 2020 và những năm tới, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường về sản phẩm sau giao dịch, VSD sẽ tập trung nghiên cứu một số ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của VSD nhằm đáp ứng nhu cầu của tổ chức phát hành, thành viên lưu ký và nhà đầu tư như: công nghệ phân tích dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ mã hóa giao dịch theo phương thức chuỗi khối (Blockchain), dịch vụ sổ cổ đông điện tử, dịch vụ cổng giao tiếp điện tử với tổ chức phát hành đăng ký chứng khoán.

Phóng viên: Được biết Gói thầu 04 sẽ góp phần triển khai việc giao dịch trong ngày hay còn gọi là T+0 - một cơ chế giao dịch đươc các nhà đầu tư rất quan tâm, ông có thể chia sẻ về lộ trình triển khai và thời điểm dự kiến cơ chế giao dịch này đi vào hoạt động.

Ông Nguyễn Sơn: Cơ chế giao dịch cho phép vừa mua vừa bán chứng khoán trong ngày (hay còn gọi là T+0) là một trong những cơ chế giao dịch mới, nó cho phép nhà đầu tư mua chứng khoán và bán luôn trong ngày giao dịch hoặc bán chứng khoán sau đó mua hoặc vay chứng khoán để thực hiện, qua đó tạo thanh khoản cho thị trường. Tuy nhiên, đây là cơ chế giao dịch tương đối phức tạp đặc biệt là liên quan đến vấn đề xử lý rủi ro.

Mặc dù cơ chế này đã được quy định tại Thông tư 203/2015/TT-BTC song để triển khai cơ chế này cần thiết lập được hệ thống vận hành, văn bản hướng dẫn thực hiện nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro thanh toán cho nhà đầu tư cũng như cho toàn thị trường khi tham gia cơ chế giao dịch này. Để triển khai cơ chế này, ngoài việc sử dụng cơ chế vay và cho vay chứng khoán còn phải sử dụng cơ chế mua bán chứng khoán cưỡng chế (Sell out, Buy in).

Ngay từ khi Thông tư ra đời, VSD đã nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế đặc biệt là về cơ chế phong ngừa rủi ro cho giao dịch vừa mua vừa bán chứng khoán trong ngày. VSD đã nghiên cứu xây dựng bài toán nghiệp vụ cụ thể cho cơ chế giao dịch này để tích hợp vào hệ thống công nghệ thông tin mới của thị trường.

Đồng thời, VSD tập trung xây dựng các quy trình, quy chế hướng dẫn, lập kế hoạch tập huấn nghiệp vụ cho thành viên, phối hợp chặt chẽ với các sở giao dịch, thành viên thị trường, ngân hàng thanh toán thực hiện kiểm định hệ thống để có thể sẵn sàng triển khai cơ chế giao dịch này sau khi hệ thống công nghệ thông tin mới của thị trường được đưa vào sử dụng dự kiến trong năm 2020.

Tuy nhiên như đã phân tích do đây là cơ chế giao dịch mới, tiểm ẩn không ít rủi ro về thanh toán nên để triển khai thành công, bên cạnh sự nỗ lực của các tổ chức hạ tầng thị trường bao gồm VSD, các sở giao dịch thì tiến độ triển khai còn phụ thuộc vào tiến độ của các thành viên thị trường đặc biệt trong vấn đề thiết lập cơ chế kiểm soát rủi ro và xử lý rủi ro trong trường hợp khách hàng mất khả năng thanh toán. Theo tôi, đây là một trong những điều kiện tiên quyết để cơ chế giao dịch mới này được triển khai thành công.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!