Điểm sáng trên kênh dẫn vốn phát triển

NDO -

NDĐT – "Trải qua 10 năm, thị trường trái phiếu chính phủ đã có bước tăng trưởng ấn tượng bảo đảm tốt vai trò kênh huy động vốn trung và dài hạn cho đầu tư phát triển, trở thành điểm sáng trong bức tranh chung của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX)", ông Nguyễn Như Quỳnh – Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành HNX chia sẻ trước thềm Tết cổ truyền Canh Tý 2020.

Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành HNX Nguyễn Như Quỳnh.
Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành HNX Nguyễn Như Quỳnh.

Phóng viên: Trong bối cảnh hội nhập, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam cũng không thể đứng ngoài những biến động của thế giới trong năm 2019. Ông có thể điểm lại một số kết quả chính của HNX trong năm 2019?

Ông Nguyễn Như Quỳnh: Năm 2019, mặc dù chịu ảnh hưởng tác động của những biến động trên TTCK quốc tế, nhưng các thị trường do HNX vận hành đã đạt những kết quả tích cực và vẫn có sự tăng trưởng về quy mô.

Trong năm, HNX đã đưa 14 doanh nghiệp (DN) lên sàn niêm yết và 75 DN lên sàn UPCoM, nâng tổng số niêm yết lên 366 DN và số đăng ký giao dịch trên UPCoM lên 862 DN.

Tổng giá trị vốn hoá thị trường cổ phiếu niêm yết đạt 188,6 nghìn tỷ đồng, tương đương mức năm 2018; còn thị trường UPCoM đạt hơn 921 nghìn tỷ đồng, tăng 6,4% so năm 2018. Thanh khoản đạt mức 415 tỷ đồng/phiên trên thị trường niêm yết và 303 tỷ đồng/phiên trên UPCoM.

Thị trường phái sinh tiếp tục có sự tăng trưởng khá tốt. Khối lượng giao dịch bình quân phiên tăng 13% so năm 2018, đạt mức 89.113 hợp đồng/phiên. Trong năm, HNX đã chính thức ra mắt sản phẩm hợp đồng tương lai TPCP và đã đón nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư (NĐT).

Trên thị trường thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP), năm 2019 tiếp tục là một năm thị trường tăng trưởng cả về quy mô và thanh khoản, trở thành điểm sáng trong bức tranh chung của HNX. 2019 cũng đánh dấu 10 năm hoạt động của thị trường. Trong suốt quá trình này, thị trường TPCP đã ghi dấu ấn với tốc độ tăng trưởng nhanh, mạnh, phát triển cả về chiều rộng và độ sâu, đóng góp quan trọng trong công tác huy động vốn cho ngân sách.

Phóng viên: Ông có thể làm rõ hơn về điểm sáng của thị trường TPCP trong công tác huy động vốn cho nền kinh tế?

Ông Nguyễn Như Quỳnh: Theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) năm 2019, thị trường TPCP Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 27%/năm trong thập kỷ vừa qua và là mức tăng cao nhất trong các nền kinh tế mới nổi tại khu vực Đông Á.

Trong năm 2019, thị trường TPCP sơ cấp đã huy động được gần 215 nghìn tỷ đồng thông qua đấu thầu. Kỳ hạn phát hành bình quân TPCP đang ở mức kỷ lục 13,6 năm vào cuối tháng 11-2019, cao hơn 9 - 10 năm so với giai đoạn 2009 - 2014.

Điểm sáng trên kênh dẫn vốn phát triển ảnh 1

(Nguồn: HNX)

Lãi suất phát hành của TPCP năm 2019 giảm trên tất cả các kỳ hạn với mức giảm tương đối mạnh so với cuối năm 2018. Năm 2019 ghi nhận mức lãi suất phát hành thấp kỷ lục trong vòng 10 năm qua, thấp hơn cả những quốc gia có cùng định mức tín nhiệm, thậm chí có cả các quốc gia có định mức tín nhiệm cao hơn. Nhờ đó, đã tạo điều kiện cho Chính phủ tăng vay nợ tại thị trường trong nước, giảm vay nợ nước ngoài, danh mục nợ công ngày càng bền vững.

Năm 2019, tiếp tục là một năm thị trường TPCP phát triển đi vào chiều sâu và được thể hiện ở ba khía cạnh: một là thanh khoản tiếp tục đạt mức cao 9.000 tỷ đồng/phiên; hai là tỷ trọng giá trị giao dịch mua đi bán lại (repos) vẫn được giao dịch ở mức vượt trội so với giao dịch thông thường (outright); ba là cơ cấu NĐT đã có sự dịch chuyển rõ nét từ khối ngân hàng thương mại (NHTM) sang khối các công ty bảo hiểm.

Trong ba yếu tố trên, đáng chú ý nhất là sự dịch chuyển trong cơ cấu nhà đầu tư (NĐT). Trên thị trường TPCP ngày càng xuất hiện nhiều NĐT mới, như các quỹ đầu tư, NĐT nước ngoài. Bên cạnh đó, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và khối doanh nghiệp bảo hiểm ngày càng tham gia tích cực. Đặc biệt, năm 2019, thị trường TPCP đã ghi nhận sự tham gia của NĐT 100% vốn nước ngoài.

PV: Cùng với thị trường TPCP, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) nhận được sự quan tâm rất lớn của NĐT trong năm 2019 dù chưa hình thành một thị trường giao dịch tập trung. Ông chia sẻ gì về thị trường còn rất tiềm năng này?

Ông Nguyễn Như Quỳnh: Mặc dù thị trường TPDN có mức tăng trưởng cao trong những năm gần đây, nhưng quy mô thị trường này hiện vẫn ở mức khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực. Dư nợ TPDN năm 2019 ở mức 5,7% GDP, trong khi đó, tại nhiều thị trường trong khu vực quy mô thị trường này rất lớn, như: Malaysia, Singapore đạt từ 30 - 40% GDP, thậm chí tại Hàn Quốc lên tới 70% GDP.

Trong 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng bình quân phát hành TPDN đạt 38%, cao hơn khá nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng bình quân là khoảng 14%/năm. Điều này cho thấy những dấu hiệu khả quan, cũng như tiềm năng phát triển và dịch chuyển của thị trường TPDN trong thời gian tới. Tuy vậy, quy mô và tốc độ phát triển của thị trường này vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Tại Quyết định số 1191/QĐ-TTg ngày 14-8-2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có đặt mục tiêu nâng tỷ trọng TPDN/GDP của Việt Nam từ mức 5% năm 2016 lên 7% vào 2020 và 20% vào năm 2030.

Vì vậy, để tiếp tục hỗ trợ cho sự phát triển của thị trường TPDN, thời gian tới cần xây dựng hệ thống các công ty định mức tín nhiệm, tổ chức đại lý định giá TPDN có chuyên môn và hiểu biết sâu sắc về thị trường. Đồng thời, xây dựng Trung tâm thông tin TPDN tại Sở giao dịch chứng khoán; song song với đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần đưa ra lộ trình cụ thể trong việc triển khai các công cụ phái sinh phòng ngừa rủi ro.

Phóng viên: Xin ông chia sẻ thêm về những giải phát trọng tâm HNX sẽ triển khai trong năm 2020 để góp phần phát triển thị trường TPCP, cũng như thị trường TPDN?

Ông Nguyễn Như Quỳnh: Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030 đề ra mục tiêu phấn đấu đưa quy mô của thị trường trái phiếu đạt mức 45% GDP vào năm 2020 và khoảng 65% GDP vào năm 2030...

Để hoàn thành được mục tiêu này, tới đây, Bộ Tài chính sẽ tập trung triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có nội dung tăng thanh khoản thông qua các giải pháp: phát hành TPCP chuẩn để nhà tạo lập thị trường chào giá cam kết chắc chắn; hoàn thiện cơ sở hạ tầng và hệ thống giao dịch; cải thiện hệ thống thông tin, xây dựng chuyên trang trái phiếu bằng tiếng Anh; phát triển hệ thống nhà tạo lập với đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp; rút ngắn thời gian từ khâu phát hành đến niêm yết, giao dịch TPCP.

Bộ Tài chính đã giao HNX là đầu mối tiếp nhận nội dung công bố thông tin của TPDN, đồng thời xây dựng hạ tầng công nghệ để vận hành chuyên trang thông tin về TPDN phục vụ cho việc công bố thông tin. Hiện tại, HNX đang trong quá trình hoàn thiện việc xây dựng chuyên trang thông tin về TPDN.

Trên cơ sở đó, HNX sẽ tiếp tục hoàn thiện tổ chức thị trường, hướng tới một hệ thống với hạ tầng công nghệ hiện đại. Bên cạnh đó, HNX cũng tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm mới, phát triển thị trường bán buôn và từng bước tiếp cận NĐT nước ngoài. Đồng thời, HNX phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng khung pháp lý cho các sản phẩm mới, nhằm đa dạng hóa các sản phẩm trên thị trường, đáp ứng nhu cầu của NĐT và theo đúng chủ trương, định hướng của Chính phủ.

Bên cạnh đó, HNX đã hoàn thiện việc xây dựng đề án “Tổ chức thị trường trái phiếu” tại HNX và trong thời gian tới sẽ hoàn thiện xây dựng chuyên trang thông tin về TPDN. Ngoài ra, HNX sẽ hoàn thiện và ban hành Quy chế giao dịch TPCP, TPCP bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương; Quy chế công bố thông tin và tổ chức, quản lý chuyên trang thông tin TPDN tại HNX.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!