Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng chiến lược dài hạn về chứng khoán

NDO -

NDĐT - Sáng 22-2 tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2019, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước lên kế hoạch tổng thể để cơ cấu lại và phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam trước mắt tới năm 2020 và lộ trình tới năm 2025.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: QUANG PHÚC
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: QUANG PHÚC

Phấn đấu thị trường cổ phiếu đạt quy mô 100% GDP vào năm 2020 và 120% GDP vào năm 2025, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp bằng 47% GDP vào năm 2020 và 55% GDP vào năm 2025. Số lượng công ty niêm yết năm 2020 tăng ít nhất 12% so với 2017, nhà đầu tư đạt 3% dân số vào 2020 và 5% vào 2025 (hiện nay chỉ 2,2%), Phó Thủ tướng chia sẻ.

Trọng tâm là hoàn thiện dự thảo Luật Chứng khoán

Đối với nhiệm vụ năm 2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thiện dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp tháng 10 năm 2019. Luật khi được ban hành sẽ tạo được khuôn khổ pháp lý cho thị trường chứng khoán phát triển thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế nhằm huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển kinh tế. Hơn nữa, Luật Chứng khoán (sửa đổi) sẽ giúp thị trường chứng khoán phát triển hiện đại, minh bạch, bền vững, chuyên nghiệp, tiếp cận với thông lệ quốc tế qua đó góp phần vào nâng hạng thị trường.

Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Ủy ban chứng khoán Nhà nước phối hợp các bộ, ngành liên quan tập trung triển khai những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cho năm 2019 như sau:

Tiếp tục phát triển thị trường chứng khoán theo hướng lành mạnh, minh bạch, an toàn, bền vững có khả năng chống lại các cú sốc, va đập từ bên ngoài.

Tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về cả chất và lượng của thị trường chứng khoán, nâng cao vai trò vị thế của thị trường chứng khoán trong nền kinh tế. Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi), thể chế hóa các nội dung quan trọng, bảo đảm sự đồng bộ phù hợp với các luật quan trọng khác.

Triển khai quyết liệt các giải pháp nêu tại Đề án tái cơ cấu thị trường chứng khoán và bảo hiểm đến năm 2025 đã được Chính phủ phê duyệt, trong đó tập trung vào các giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường phái sinh với tính chất cung cấp công cụ tài chính phòng vệ rủi ro, phát triển các sản phẩm mới cho thị trường phái sinh.

Nâng cao chất lượng phát hành và niêm yết chứng khoán, khuyến khích phát triển đa dạng các dịch vụ tài chính hỗ trợ cho sự tăng cường minh bạch và bền vững của thị trường.

Đối với khối các công ty niêm yết, đăng ký giao dịch, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp cần phải mạnh dạn tận dụng kênh chứng khoán để huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu trên thị trường, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng.

Đối với khối các tổ chức trung gian kinh doanh chứng khoán trên thị trường, đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Ủy ban chứng khoán tập trung đẩy mạnh công tác tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán, tiếp tục thanh lọc các tổ chức kinh doanh chứng khoán yếu kém về quy mô vốn và chất lượng dịch vụ.

Tích cực khơi thông dòng vốn nước ngoài thông qua các giải pháp chính sách cụ thể, thiết thực, góp phần phát triển thị trường theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại tiếp cận thông lệ quốc tế để sớm đạt mục tiêu về nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tăng cường năng lực kiểm tra, giám sát, quản lý và cưỡng chế thực thi của cơ quan quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Trong đó, tăng quyền tiếp cận thông tin, ưu tiên thiết lập các cơ chế giám sát, cảnh báo sớm, có kịch bản phòng ngừa khủng hoảng, bảo đảm hoạt động ổn định, an ninh tài chính quốc gia.

Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và điều hành thị trường tài chính, thị trường chứng khoán; phát huy các nguồn lực xã hội cho nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; coi đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp là một đột phá cho đổi mới mô hình tăng trưởng. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xây dựng và đề xuất thí điểm Đề án phát triển thị trường chuyên biệt cho khởi nghiệp trình Chính phủ xem xét trình Quốc hội.

Điểm đến hấp dẫn đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2018, mặc dù bị ảnh hưởng bởi diễn biến phức tạp của tình hình chính trị, kinh tế và tài chính toàn cầu, nhưng nhờ sự ổn định của kinh tế vĩ mô trong nước, các chính sách phát triển thị trường, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2018 vẫn đứng vững và duy trì tăng trưởng trên nhiều khía cạnh, là điểm đến hấp dẫn đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng chiến lược dài hạn về chứng khoán ảnh 1

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2018 là điểm đến hấp dẫn đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh: QUANG PHÚC

Tính đến cuối năm 2018, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 12,7% so với cuối năm 2017, tương đương với 72% GDP năm 2018, đã vượt trước 2 năm chỉ tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2020, đóng góp vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, hỗ trợ thị trường tiền tệ, giảm áp lực đối với hệ thống các ngân hàng.

Thị trường chứng khoán đã và đang trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn ngày càng quan trọng trong nền kinh tế, thúc đẩy xã hội hóa việc huy động vốn, góp phần tích cực vào tái cơ cấu và đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và hội nhập quốc tế; công tác tái cơ cấu thị trường đã được triển khai quyết liệt theo Đề án đã được phê duyệt.

Trình bày báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Phạm Hồng Sơn cho biết thêm, năm 2018 thanh khoản trên thị trường cổ phiếu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng so với năm 2017, với mức tăng 29%, từ 5.000 tỷ đồng/phiên năm 2017 lên 6.500 tỷ đồng/phiên năm 2018. Cùng với đó, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết năm 2018 có sự cải thiện đáng kể so với năm trước đó về cả doanh thu (tăng 15,2%) và lợi nhuận sau thuế (tăng 21,4%).

Đặc biệt, dòng vốn gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục vào ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong khi nhà đầu tư nước ngoài rút ròng ở các thị trường trong khu vực, thể hiện sự đánh giá lạc quan của cộng đồng nhà đầu tư thế giới với khả năng phát triển của thị trường Việt Nam. Giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường cổ phiếu đạt mức lớn nhất từ trước đến nay với nhiều phiên mua ròng có giá trị cao đột biến hơn 100 triệu USD và đặc biệt là có 1 phiên có giá trị mua ròng đạt mức kỷ lục, hơn 1,25 tỷ USD. Tính chung trong cả năm 2018, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng khoảng 43.900 tỷ đồng trên thị trường cổ phiếu chứng chỉ quỹ, tập trung vào các giao dịch thỏa thuận lớn.

Dòng vốn nước ngoài vào ròng trên thị trường chứng khoán vẫn duy trì ở mức cao (2,75 tỷ USD năm 2018 so với 2,92 tỷ USD năm 2017), thể hiện cầu đầu tư mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Giá trị danh mục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài năm 2018 đạt 32,6 tỷ USD, tương đương với giá trị cuối năm 2017 và khoảng hơn 1 tỷ USD tiền mặt. Sự tham gia tích cực của nhà đầu tư nước ngoài đã đóng vai trò quan trọng trong việc tạo tính thanh khoản cho thị trường chứng khoán.

Việc Việt Nam được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi thứ cấp cũng là một trong những động thái hết sức tích cực góp phần thu hút lượng vốn ngoại vào thị trường chứng khoán Việt Nam.