Chủ tịch UBCKNN:

Cần tin tưởng vào nội lực nền kinh tế Việt Nam

NDO -

NDĐT - Trao đổi về diễn biến giảm mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên giao dịch hôm qua (ngày 9-3) và một số giải pháp của cơ quan quản lý trong thời gian tới, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Trần Văn Dũng nhận định với nội lực của nền kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều cơ sở để trông đợi vào khả năng tăng trưởng kinh tế khả quan.

Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng. (ẢNH: TRẦN PHƯƠNG)
Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng. (ẢNH: TRẦN PHƯƠNG)

Phóng viên: Thưa ông, trong phiên giao dịch ngày 9-3, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã chứng kiến mức giảm mạnh, hiện tượng bán tháo đã xuất hiện trong phiên chiều. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về diễn biến của thị trường trong phiên ngày 9-3?

Chủ tịch UBCKNN: Cũng như nhiều TTCK thế giới, đặc biệt là khu vực châu Á, TTCK Việt Nam phiên 9-3 đã điều chỉnh giảm mạnh ngay từ đầu và giảm thêm trong phiên giao dịch buổi chiều.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 9-3, chỉ số VN-Index của Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) giảm 55,95 điểm (-6,28%) xuống 835,49 điểm. Số mã giảm điểm lên tới 346 mã, gấp 10 lần so với số mã tăng, trong đó số mã giảm sàn lên tới 104 mã. Trên sàn Hà Nội (HNX), diễn biến của chỉ số HNX-Index cũng tương tự khi giảm 7,31 điểm, tương đương 6,43%, xuống 106,34 điểm.

Điểm đáng quan tâm là thanh khoản của thị trường đã tăng khá mạnh, đạt gần 6.500 tỷ đồng trên hai sàn niêm yết. Điều này chứng tỏ vẫn có dòng tiền mua vào bắt đáy các cổ phiếu có giá trị cơ bản tốt. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục xu hướng bán ròng, nhưng giá trị bán ròng trong phiên không quá lớn, khoảng 230 tỷ đồng.

Nhìn chung, diễn biến giảm mạnh của thị trường của Việt Nam phiên ngày 9-3 cùng chung diễn biến của TTCK thế giới. UBCKNN cho rằng, việc thị trường giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch 9-3 là khó tránh khỏi, do phiên này trùng với “điểm rơi của nhiều tin xấu hội tụ xuất hiện cùng lúc”.

TTCK được ví là hàn thử biểu của nền kinh tế, nên khi có nhiều thông tin bất lợi tới nền kinh tế toàn cầu hay có sự cố bất thường (ở đây là dịch bệnh) sẽ phản ánh ngay lập tức trên thị trường.

Phóng viên: Ông vừa nhắc tới việc thị trường giảm điểm do trùng với “điểm rơi của nhiều tin xấu hội tụ xuất hiện cùng lúc”, ông có thể chia sẻ rõ hơn về chi tiết vừa nêu?

Chủ tịch UBCKNN: Sau hai ngày nghỉ cuối tuần, TTCK nhiều nước trên thế giới nhận nhiều thông tin tiêu cực làm gia tăng rủi ro cho nền kinh tế, khiến tâm lý các nhà đầu tư suy giảm và dẫn đến tình trạng các chỉ số giảm mạnh.

Theo đó, trước giờ mở cửa giao dịch của Việt Nam, các TTCK châu Á đã đồng loạt giảm mạnh ngay sau khi mở cửa phiên giao dịch. Cụ thể tại một số thị trường chứng khoán lớn châu Á: chỉ số NIKKEI 225 (Nhật Bản) giảm 1.222,25 điểm (-5,89%), Hang Seng (Hồng Công - Trung Quốc) giảm 1.083,67 điểm (-4,14%), chỉ số Shanghai (Thượng Hải - Trung Quốc) giảm 89,49 điểm (-2,95%).

Hơn nữa, giá dầu thế giới đã giảm ở mức kỷ lục hơn 20% trong phiên giao dịch sáng 9-3, mức giảm mạnh nhất tính theo ngày kể từ năm. Nguyên nhân chính do Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga không đạt được thỏa thuận về cắt giảm sản lượng khai thác, trong khi sản lượng khai thác dầu ở Mỹ tăng mạnh. Điều này đồng nghĩa với việc vào ngày 1-4-2020 tới đây khi thỏa thuận hiện hành hết hiệu lực, các nước sẽ được tự do quyết định sản lượng dầu thô.

Ngay sau thất bại của cuộc họp nêu trên, Saudi Arabia lại tuyên bố giảm giá dầu, khiến “vàng đen” thế giới rớt giá mạnh. Cụ thể, theo báo cáo của Reuters, vào thứ Bảy tuần trước, Saudi Arabia đã công bố sẽ giảm giá bán chính thức vào tháng 4-2020. Quốc gia này cũng đang chuẩn bị tăng sản lượng trên mức 10 triệu thùng/ngày. Saudi Arabia hiện đang bơm 9,7 triệu thùng/ngày, nhưng có khả năng đẩy mức khai thác lên tới 12,5 triệu thùng/ngày.

Trước các diễn biến trên, Ngân hàng Goldman Sachs đã dự báo giá dầu Brent năm 2020 sẽ tiếp tục giảm sâu về mức 20 USD/thùng.

Cũng trong sáng 9-3, Chính phủ Nhật Bản đã công bố số liệu kinh tế năm 2019 với kết quả xấu hơn dự báo, làm gia tăng lo ngại kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái, đặc biệt trong bối cảnh tác động ngày càng nặng nề của dịch Covid-19. Theo số liệu công bố, tăng trưởng GDP quý 4-2019 của Nhật Bản giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm mạnh hơn con số sơ bộ (-6,6%) công bố trước đó và là mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2009.

Đặc biệt hơn, không đợi đến cuộc họp thường kỳ tháng 3 như thông thường (ngày 17-3), ngày 3-3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đưa ra quyết định giảm khẩn cấp 0,5 điểm phần % lãi suất. Theo khảo sát của CNBC, 65% giới đầu tư nhận định Fed có khả năng tiếp tục cắt giảm 0,75 điểm % trong cuộc họp ngày 17-3. Nếu nhận định này đúng thì đây là mức cắt giảm lịch sử trong nhiều năm qua (giảm 1,25 điểm % trong vòng một tháng) và đưa lãi suất điều hành về mức 0,25% - 0,50%. Điều này dấy lên lo ngại về suy giảm kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu.

Trước tình hình đó, dòng tiền đầu tư có xu hướng dịch chuyển sang các loại tài sản an toàn như trái phiếu và vàng. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại. Cụ thể, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm và 30 năm lần lượt giảm xuống dưới mức 0,5% và 1%. Giá vàng chạm đỉnh mới, cao nhất trong 7 năm.

Như vậy, bên cạnh dòng thông tin tiêu cực chủ lưu là diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, thì những thông tin trên đã ngay lập tức tác động mang tính cộng hưởng không tốt tới tâm lý của giới đầu tư toàn cầu.

Còn với Việt Nam, với độ mở cao của nền kinh tế, những thông tin trên không thể không gây ảnh hưởng tiêu cực tới TTCK. Ở TTCK Việt Nam, việc giảm điểm trong phiên đầu tuần có lẽ được nhiều chuyên gia, nhà đầu tư dự báo trước.

Nguyên nhân chính và trực diện nhất là diễn biến phức tạp của dịch bệnh, khi số bệnh nhân dương tính với Covid-19 tại Hà Nội và ở một số tỉnh thành xuất hiện các ca nhiễm mới trong những ngày cuối tuần. Đây là yếu tố tiêu cực mang tính bất thường đã tác động tới tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường.

Phóng viên: Diễn biến dịch Covid-19 chắc chắn sẽ còn phức tạp và sẽ còn tác động tiêu cực tới TTCK. Về phía cơ quan quản lý, ông đánh giá thế nào?

Chủ tịch UBCKNN: Trong thời gian trước mắt, dịch Covid-19 sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường và có tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới nói chung và TTCK quốc tế nói riêng.

Các nước lớn, nhất là các nước bị ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19 sẽ tiếp tục đưa ra các chính sách để đối phó với tác động của dịch và kích thích tăng trưởng kinh tế. “Liều lượng” của các chính sách đã và sẽ được đưa ra trong thời gian tới ở các nước là khác nhau.

UBCKNN cho rằng, việc Việt Nam có thêm các ca nhiễm Covid-19 mới là điều bất lợi cho nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng, nhưng với quyết tâm lớn của Chính phủ, người dân, cộng với khả năng, kinh nghiệm của Việt Nam, dịch bệnh này sẽ sớm được kiểm soát.

Nhìn một cách tổng quan, khi Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh, với nội lực của nền kinh tế Việt Nam, vẫn có nhiều cơ sở để trông đợi vào khả năng tăng trưởng kinh tế khả quan.

Phân tích trên tương quan toàn cầu, dòng tiền đầu tư khi gặp biến cố có thể tạm thời co cụm, nhưng khi mọi việc có dấu hiện ổn định, dòng tiền thông minh sẽ luôn tìm tới những nơi có khả năng sinh lời với rủi ro phù hợp.

Việt Nam có nền tảng vĩ mô tốt, có lợi thế trong các hiệp định thương mại tự do cũng như xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu, Chính phủ luôn tạo mọi điều kiện cho phát triển kinh tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài,...

UBCKNN cho rằng, Việt Nam vẫn là điểm sáng thu hút đầu tư do dịch bệnh sớm muộn cũng sẽ được kiểm soát.

Bên cạnh đó, những tổn thương của doanh nghiệp trong đại dịch lần này là khó tránh khỏi, tuy nhiên, trong trung hạn, gói hỗ trợ tín dụng và tài khóa của Chính phủ chắc chắn sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp sớm vực lại sức sản xuất kinh doanh.

UBCKNN tin rằng, với nỗ lực quyết tâm của Nhà nước, sự hợp sức đoàn kết của người dân, dịch bệnh Covid-19 sẽ sớm được đẩy lùi, nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng sẽ ổn định tăng trưởng trở lại.

Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, UBCKNN mong rằng, các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính trung gian và nhà đầu tư cần vững tin vào nội lực của nền kinh tế; vào các giải pháp của Chính phủ và các bộ, ngành; cũng như sức bền của TTCK Việt Nam.

Phóng viên: Vậy với riêng TTCK Việt Nam, đâu là giải pháp để hỗ trợ nhà đầu tư và thị trường vượt đại dịch lần này, thưa ông?

Chủ tịch UBCKNN: Trước những ảnh hưởng tiêu cực hiện hữu của dịch Covid-19, ưu tiên hàng đầu của UBCKNN là việc phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong phạm vi của ngành, đặc biệt là việc bảo vệ sức khỏe của cán bộ, nhân viên trong hệ thống và xây dựng phương án giao dịch an toàn trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh còn phức tạp.

Tuy nhiên, để hỗ trợ nền kinh tế và TTCK có thể vượt qua đại dịch lần này là nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Trong bối cảnh hiện nay, UBCKNN sẽ tiếp tục điều hành TTCK theo quan điểm: “Tôn trọng sự tự điều chỉnh theo quan hệ cung – cầu của thị trường, hạn chế tối đa các tác động, can thiệp về hành chính và kỹ thuật vào thị trường khi chưa thật sự cần thiết”.

Cùng với đó, UBCKNN và các đơn vị sẽ tăng cường theo dõi giám sát các diễn biến của thị trường để kịp thời đưa thông tin chính thống, minh bạch cho thị trường; trấn an tâm lý nhà đầu tư; xử lý nghiêm những hành vi thao túng, trục lợi do dịch bệnh hoặc tung tin đồn thất thiệt để trục lợi.

Ngày 4-3, UBCKNN đã lần đầu tiên tổ chức họp trực tuyến kết nối hai đầu cầu Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, cùng đại diện lãnh đạo hai Sở Giao dịch Chứng khoán (HNX và HOSE), Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD), đại diện lãnh đạo các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ,… để họp bàn tìm giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư và thanh khoản thị trường vượt qua đại dịch Covid-19. Cuộc họp đã ghi nhận nhiều ý kiến góp đề xuất của các thành viên thị trường.

Nhiều ý kiến đã được UBCKNN ghi nhận, trong đó có những giải pháp có thể báo cáo Bộ Tài chính để triển khai sớm, nhưng cũng có những ý kiến sẽ được sửa đổi, bổ sung trong quá trình hoàn thiện các nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Chứng khoán (sửa đổi) sắp tới.

Trong phạm vi thẩm quyền, UBCKNN sẽ báo cáo Bộ Tài chính một số giải pháp góp phần giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động trong ngành chứng khoán và cho nhà đầu tư, trong đó có giải pháp cắt giảm một số loại giá dịch vụ chứng khoán và nới lỏng một số quy định về giao dịch ký quỹ áp dụng cho giai đoạn trước mắt.

Để tiếp tục chủ động điều hành TTCK trong thời gian phức tạp sắp tới, UBCKNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế, chính trị và chứng khoán trong và ngoài nước để kịp thời thông tin đến nhà đầu tư trong và ngoài nước nắm đúng tình hình, bình ổn tâm lý cho nhà đầu tư.

Cùng với đó, tiếp tục triển khai các giải pháp đã đề ra theo kế hoạch, trong đó chú trọng các giải pháp về tuyên truyền, xây dựng kịch bản chủ động tổ chức giao dịch toàn thị trường kể cả trong trường hợp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp theo hướng gia tăng, về mức độ giao dịch và giám sát giao dịch trực tuyến.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

>>Lao dốc, VN-Index mất gần 56 điểm

>>Giá dầu gặp khó

>>Fed bất ngờ hạ lãi suất, vàng tăng giá