Bảo vệ nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đang trở nên sôi động chưa từng có trong gần 20 năm hình thành và phát triển với số lượng cùng giá trị của các đợt phát hành thành công tăng đột biến, nhất là trong nửa đầu năm 2019.

Nhà đầu tư giao dịch trái phiếu tại một ngân hàng.
Nhà đầu tư giao dịch trái phiếu tại một ngân hàng.

Dòng tiền đang chảy về kênh TPDN không chỉ giúp doanh nghiệp (DN) tăng tính chủ động về nguồn vốn, mà còn góp phần giảm gánh nặng đang dồn trên vai hệ thống ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, tăng trưởng nóng luôn đi kèm với rủi ro, đòi hỏi cơ quan chức năng cần tạo lập hành lang pháp lý để bảo đảm sự phát triển lành mạnh của thị trường TPDN, bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia.

Thu hút nhà đầu tư cá nhân

Nếu như trước đây, thị trường TPDN chỉ có các DN bất động sản (BÐS) lớn, các tổ chức tín dụng, các DN niêm yết tham gia thì gần đây các DN vừa và nhỏ cũng bắt đầu tham gia huy động vốn trái phiếu. Theo Bộ Tài chính, nửa đầu năm 2019, tổng giá trị TPDN phát hành riêng lẻ đã lên tới hơn 110 nghìn tỷ đồng, tăng 74,3% so cùng kỳ năm 2018. Trong đó, các ngân hàng thương mại là nhà phát hành lớn nhất, chiếm 34,1% tổng khối lượng phát hành, tiếp theo là DN BÐS, công ty chứng khoán... Diễn biến đáng ghi nhận của thị trường TPDN hiện nay là DN phát hành hướng đến các nhà đầu tư (NÐT) cá nhân thông qua các tổ chức phân phối (ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán) thay vì hướng tới các nhà đầu tư tổ chức như vẫn thấy ở giai đoạn trước.

Chưa từng đầu tư TPDN nhưng chị Kiều Liên (quận Hoàng Mai, Hà Nội) bắt đầu lưu ý đến sản phẩm tài chính này. Lý do là khi có nhu cầu trả nợ trước hạn khoản vay gần 300 triệu đồng của Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) mua nhà thuộc một dự án Vinhomes, chị được nhân viên tín dụng ngân hàng tư vấn cách để không phải chịu khoản lãi phạt trả nợ trước hạn. Cụ thể, theo điều khoản hợp đồng vay vốn, ngoài việc trả cả gốc lẫn lãi cho khoản vay 300 triệu đồng, chị còn phát sinh khoản nợ trước hạn phải trả khoảng 11 triệu đồng mới được tất toán hợp đồng. Nếu tham gia sản phẩm TPDN là một trong số những dự án của Tập đoàn Vingroup là Vinhomes hoặc Vinpearl, chị sẽ được miễn tất cả các khoản lãi và sau một năm còn được nhận về 1% lãi suất trên tổng giá trị khoản đầu tư, tương ứng khoảng ba triệu đồng. Bởi ngân hàng tự bù trừ lãi suất của khoản vay 300 triệu đồng (lãi suất 11%/năm) với lãi suất TPDN (8% đến 9%/năm). Trên danh nghĩa, chị Kiều Liên đã được tất toán hợp đồng vay mua nhà nhưng ngân hàng tiếp tục giữ giấy tờ cầm cố do chị đã lấy số tiền đó đầu tư vào TPDN mà Techcombank bảo lãnh phát hành, thời hạn một năm.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay, nhiều người dân đến quầy giao dịch của các ngân hàng cũng được nhân viên tín dụng giới thiệu và tư vấn đầu tư TPDN. Bên cạnh các thông tin về DN phát hành, giá trị tài sản bảo đảm (TSBÐ) ..., nhân viên tín dụng luôn nhấn mạnh đến lợi ích của kênh đầu tư này. Ðó là lãi suất cao hơn các sản phẩm tiết kiệm; khi cần tiền có thể chuyển nhượng lại cho ngân hàng mà vẫn có lãi, thay vì phải chịu lãi suất 0% như rút tiền tiết kiệm trước kỳ hạn...

Nhiều NÐT cá nhân cho biết, họ thường nhận thư chào mua TPDN từ các công ty chứng khoán. Chị Hoài Thu (Cầu Giấy, Hà Nội) liên tục nhận được thư chào mời đầu tư trái phiếu của Ðất Xanh, Con Cưng và gần đây nhất là trái phiếu của Công ty TNHH Ðông Mê Kông với lãi suất hơn 11% (đã trừ thuế, phí). Thư được gửi từ một nhân viên tư vấn của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI. Các thư chào mời đều nhấn mạnh đến lợi ích khi đầu tư TPDN như: NÐT không cần quá theo dõi sát sao biến động hằng ngày của thị trường. Tỷ suất sinh lời cao hơn lãi suất tiết kiệm ngân hàng nhưng rủi ro thấp hơn vì luôn có một tổ chức uy tín khác đứng ra bảo lãnh phát hành hoặc quản lý TSBÐ. Tổ chức này có trách nhiệm quản lý, xử lý TSBÐ và thanh toán công bằng cho các NÐT khi cần thiết...

Tuy nhiên, phần lớn thư chào mời đều không nêu chi tiết về TSBÐ. Trong nhiều thương vụ, TPDN không hề có TSBÐ hoặc nếu có thì là TSBÐ hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu. Ðó là những tài sản có độ biến động rất cao, dễ đem lại rủi ro cho NÐT và nếu xảy ra rủi ro, bên bảo lãnh phát hành là ngân hàng, công ty chứng khoán chỉ đóng vai trò môi giới. Ở trường hợp của chị Kiều Liên, khi hỏi kỹ nhân viên tư vấn về cơ chế bảo lãnh của ngân hàng với TPDN mà ngân hàng chào bán thì nhận được câu trả lời là không có chứng từ thể hiện sự bảo lãnh. Song nhân viên này trấn an: Mức độ rủi ro sẽ không lớn vì trái phiếu là chứng khoán nợ. Khi phá sản, giải thể, DN có nghĩa vụ phải thanh toán cho các trái chủ trước, sau đó mới đến quyền lợi cổ đông. "Sau khi tìm hiểu kỹ, tôi chấp nhận trả lãi trước hạn để tất toán hợp đồng vay mua nhà chứ không đầu tư trái phiếu", chị Kiều Liên cho biết.

Xếp hạng tín nhiệm, khi nào ?

Lãi suất TPDN dao động ở mức 10 đến 12%/năm, cao hơn nhiều so với mặt bằng lãi suất ngân hàng từ 6,8% đến 7%/năm của khối các ngân hàng lớn và từ 8% đến 8,7%/năm của khối các ngân hàng nhỏ. Cá biệt, đã có DN đẩy lãi suất trái phiếu lên đến 14,5%/năm như Công ty cổ phần BÐS Phát Ðạt. Cùng với đặc điểm dễ tiếp cận, lãi suất cao cũng là một trong những lý do quan trọng khiến TPDN đắt hàng và thu hút NÐT cá nhân.

Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng Phạm Xuân Hòe cảnh báo: Việc huy động TPDN với lãi suất lên đến 12% đến 14%/năm sẽ là kênh cạnh tranh đối với các kênh huy động vốn khác như tiết kiệm ngân hàng, đầu tư cổ phiếu, BÐS. Tuy là các kênh khác nhau nhưng lại là "bình thông nhau", ngân hàng sẽ tăng mức lãi suất huy động để cạnh tranh và nếu không kiểm soát tốt dễ dẫn đến cuộc đua về lãi suất trong nền kinh tế. Khi đó, rủi ro bong bóng tài chính sẽ tăng và quan trọng hơn là trong nền kinh tế khó có ngành nào đạt mức lợi nhuận để chịu được lãi suất lên tới 14%/năm. Bài học về các vụ án huy động vượt trần lãi suất của các ngân hàng vào năm 2011 và 2012 vẫn còn nguyên giá trị. "Khi đánh giá rủi ro nói chung, cần cái nhìn tổng thể đối với nền kinh tế và toàn thị trường, không cắt khúc từng thị trường để cho rằng chưa đáng quan ngại. Vì khi rủi ro vỡ nợ của DN gia tăng, hệ thống tài chính nói chung và ngân hàng nói riêng cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó", ông Phạm Xuân Hòe chia sẻ.

Theo các chuyên gia tài chính - ngân hàng, khó có thể khẳng định lãi suất 14%/năm là cao hay thấp bởi đây là vấn đề định giá theo mức độ rủi ro của thị trường. Lãi suất huy động trái phiếu của mỗi DN khác nhau tùy thuộc vào "sức khỏe" của từng DN và tiềm năng, cơ hội của các dự án đầu tư. Bên cạnh đó, DN cũng phải tuân thủ các điều kiện theo quy định tại Nghị định 163/2018/NÐ-CP quy định về phát hành TPDN (Nghị định 163) cũng như cung - cầu và "khẩu vị" của NÐT trên thị trường. Ðể phòng ngừa rủi ro cho NÐT, tại dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) đang trình Quốc hội, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định DN phát hành trái phiếu ra công chúng bắt buộc phải được xếp hạng tín nhiệm.

Ðây là quy định phù hợp thông lệ quốc tế vì TPDN phát hành ra công chúng được phát hành cho mọi NÐT, không phân biệt NÐT chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp. Cùng với đó, Bộ Tài chính giao Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) xây dựng chuyên trang thông tin tập trung về TPDN theo quy định tại Nghị định 163 với mục tiêu tạo ra cơ sở dữ liệu tập trung, chính thống và cung cấp các thông tin cơ bản phục vụ việc tra cứu và ra quyết định phát hành, đầu tư trên thị trường TPDN. Hiện nay, HNX đang lấy ý kiến các thành viên thị trường trái phiếu để báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính trước khi ban hành.

Trong phiên họp đánh giá tình hình nợ nước ngoài quốc gia và việc phát hành TPDN mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Ðình Huệ ghi nhận mặt tích cực của TPDN trong cung cấp vốn cho thị trường nhưng cũng chỉ ra những bất cập, hạn chế cần khắc phục như: Tổ chức phát hành TPDN hầu như chưa được xếp hạng tín nhiệm nên tiềm ẩn rủi ro cho NÐT, nhất là NÐT cá nhân không đủ thông tin phân tích. Bên cạnh đó, tài sản và tài sản hình thành từ nguồn trái phiếu chưa được định giá bởi các tổ chức độc lập và khó xác minh tranh chấp pháp lý. Vốn huy động có thể chưa được sử dụng đúng mục đích do chưa có báo cáo sử dụng vốn có ý kiến của kiểm toán…

Do đó, nếu không kiểm soát tốt việc phát hành TPDN sẽ có rủi ro, ảnh hưởng tới thị trường tín dụng và cân đối vĩ mô. Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì hoàn thiện dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi). Trong đó, rà soát quy định cụ thể phát hành trái phiếu riêng lẻ theo hướng chỉ dành cho NÐT chuyên nghiệp có năng lực phân tích tài chính và khả năng đánh giá rủi ro. Ðối với việc phát hành trái phiếu ra công chúng, Bộ Tài chính sửa đổi các quy định để rút ngắn quy trình phát hành, thúc đẩy DN huy động vốn theo phương thức này, gắn việc phát hành ra công chúng với xếp hạng tín nhiệm.

Trên thị trường TPDN, đa số DN chọn phương thức phát hành riêng lẻ với thủ tục đơn giản thay vì phương thức phát hành rộng rãi ra công chúng do phải tuân thủ Luật Chứng khoán. NÐT mua TPDN phát hành riêng lẻ phải tự đánh giá mức độ rủi ro. Ðối với hoạt động đầu tư tài chính, thông tin là yếu tố quan trọng nhất nhưng đây lại là điểm yếu của thị trường TPDN Việt Nam. Theo quy định hiện hành, DN phát hành trái phiếu hoặc huy động vốn trên thị trường không bắt buộc phải có xếp hạng tín nhiệm, vì thế tính minh bạch thông tin thị trường nói chung và thông tin DN phát hành nói riêng đều kém. Hiện cả nước mới có duy nhất một tổ chức đánh giá tín nhiệm DN được cấp phép hoạt động. NÐT rất khó hiểu rõ tài liệu công bố thông tin dài hàng trăm trang với nhiều điều khoản mập mờ, nhất là thông tin về TSBÐ, mục đích sử dụng vốn huy động từ trái phiếu, dòng tiền trả nợ của DN...

Vì vậy, NÐT cần thận trọng và lưu ý tính minh bạch của báo cáo tài chính DN, tính pháp lý của kênh phát hành và dự án.