Nhiều bất ngờ với kết quả đấu giá cổ phần Vinaconex

NDO -

NDĐT - Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước thu thêm gần 2.000 tỷ đồng so với giá chào khởi điểm, còn Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội chỉ thu thêm được 72.500 đồng.

Thông báo kết quả đấu giá lô VCG do SCIC chào bán. (Ảnh: DT)
Thông báo kết quả đấu giá lô VCG do SCIC chào bán. (Ảnh: DT)

Chiều 22-11, tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã diễn ra hai phiên đấu giá cổ phần của Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã chứng khoán: VCG) do Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chào bán.

SCIC thu thêm gần 2.000 tỷ đồng

Tại phiên bán đấu giá 254,9 triệu cổ phần VCG (chiếm 57,71%) do SCIC nắm giữ, đã có ba nhà đầu tư đã đăng ký mua trọn lô cổ phần với mức giá lần lượt là 21.300 đồng/CP; 22.300 đồng/CP và 28.900 đồng/CP.

Giá đấu thành công là 28.900 đồng/CP. Theo đó, nhà đầu tư sẽ phải nộp gần 7.367 tỷ đồng để nhận quyền sở hữu lô cổ phần VCG do SCIC sở hữu, cao hơn gần 2.000 tỷ đồng so với giá khởi điểm SCIC công bố (21.300 đồng/CP). Như vậy, nhà đầu tư đã đặt giá cao hơn gần 35,7% so với mức giá khởi điểm và cao 56,2% so với giá VCG chốt phiên 22-11 (18.500 đồng/CP).

Theo thông tin từ HNX, nhà đầu tư bỏ gần 7.367 tỷ đồng để nhận quyền sở hữu VCG từ SCIC là một tổ chức.

Đây là một kết quả rất thành công so với giá khởi điểm mà SCIC công bố. Sự thành công này đã tạo ra bất ngờ khi mà năm ngoái SCIC cũng đã từng chào bán 22% cổ phần của VCG nhưng kết quả không như mong đợi.

Trước đó, theo thông tin công bố từ HNX vào ngày 15-11-2018, có bốn nhà đầu tư đăng ký mua trọn lô cổ phần VCG của SCIC là ông Nguyễn Văn Đông sinh năm 1980 và ba nhà đầu tư tổ chức gồm Công ty TNHH An Quý Hưng, Công ty CP Đầu tư hạ tầng Thăng Long JTC và Công ty TNHH Đầu tư Star Invest. Nhưng trước giờ đấu giá, đã có một nhà đầu tư rút khỏi danh sách này, nên chỉ có một nhà đầu tư cá nhân và hai tổ chức tham gia đấu giá.

Viettel chỉ thu thêm được 72.500 đồng

Trong phiên bán đấu giá cổ phần của Viettel, đơn vị này cũng bán trọn lô 94 triệu cổ phần VCG, tương đương 21,28% vốn với giá khởi điểm trọn lô là 2.002.416.727.500 đồng.

Kết quả công bố tại phiên đấu giá cho thấy, nhà đầu tư bỏ giá cao nhất đã trúng giá với tổng giá trị lô cổ phần bán được là 2.002.416.800.000 đồng, cao hơn giá đặt mua thấp nhất 72.000 đồng (2.002.416.728.000 đồng), và cao hơn giá khởi điểm 72.500 đồng.

Theo thông tin công bố, phiên đấu giá của Viettel có sự tham gia của 2 nhà đầu tư tổ chức gồm Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ và Công ty CP Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Thăng Long Việt Nam.

Nhiều bất ngờ với kết quả đấu giá cổ phần Vinaconex ảnh 1

Các nhà đầu tư chờ đợi kết quả kiểm phiếu đấu giá. (Ảnh: DT)

Theo Quy chế về đấu giá cổ phần VCG của HNX thì số tiền mà nhà đầu tư mua cổ phần do SCIC bán phải đặt cọc là 10%, tương đương hơn 543 tỷ đồng, còn nhà đầu tư tham gia mua cổ phần VCG do Viettel bán phải đặt cọc hơn 200 tỷ đồng.

Cũng theo quy chế này, nhà đầu tư sẽ không được nhận lại tiền đặc cọc nếu vi phạm quy chế bán đấu giá như: không nộp phiếu tham dự đấu giá; phiếu tham dự đấu giá không đáp ứng quy định hoặc bị rách, nát, tẩy xóa, không xác định được giá hoặc khối lượng đặt mua; đăng ký nhưng không đặt mua (toàn bộ hoặc một phần), sẽ không được nhận lại tiền đặt cọc tương ứng với số cổ phần không đặt mua; bỏ giá thấp hơn giá khởi điểm; không ghi giá và/hoặc khối lượng trên phiếu tham dự đấu giá; không thanh toán toàn bộ hoặc một phần số cổ phần được quyền mua theo kết quả đấu giá…

Theo thông báo của HNX, nhà đầu tư trúng đấu giá lỗ cổ phần của SCIC chào bán phải nộp tiền mua cổ phần chậm nhất là vào ngày 4-12-2018. Còn đối với nhà đầu tư trúng đấu giá lỗ cổ phần của Viettel chào bán phải nộp tiền mua cổ phần chậm nhất là vào ngày 29-11-2018.

Như vậy, ngoài số tiền đặt cọc, hai nhà đầu tư mua cổ phần VCG của SCIC và Viettel sẽ phải nộp lần lượt thêm hơn 6.800 tỷ đồng (trong vòng 13 ngày) và khoảng 1.800 tỷ đồng (trong vòng 7 ngày).