Cơ hội huy động vốn

Theo quyết định của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, hơn 1,4 tỷ cổ phiếu HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) sẽ ngừng giao dịch để thực hiện chuyển sang niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE). Ngày giao dịch cuối cùng của cổ phiếu HVN trên sàn UPCoM là 23-4.

Trước đó, HOSE đã có quyết định về việc chấp thuận niêm yết cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines với số lượng cổ phiếu đăng ký hơn 1,4 tỷ đơn vị, tương đương mức vốn điều lệ hơn 14 nghìn tỷ đồng.

Dự kiến số lượng cổ phiếu niêm yết mới tại HOSE sẽ tăng mạnh trong thời gian tới do kế hoạch chuyển sàn của một số cổ phiếu “khủng” như HVN, ACV (Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam), TV2 (Công ty Tư vấn xây dựng điện 2)… và một số cổ phiếu khối tài chính ngân hàng. Trong đó, cổ phiếu nhóm ngành hàng không được kỳ vọng sẽ khởi sắc khi hai “ông lớn” Vietnam Airlines và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cùng thực hiện chuyển sàn vào năm nay.

Vietnam Airlines hiện có giá trị vốn hóa hơn 50.365 tỷ đồng (tương đương 2,1 tỷ USD), trong khi mức vốn hóa thị trường của thành viên nhỏ nhất trong rổ tính toán các bộ chỉ số hiện là hơn 2.784 tỷ đồng. Quy mô của ACV còn lớn hơn với giá trị vốn hóa khoảng 195 nghìn tỷ đồng (tương đương 8,6 tỷ USD). Nếu hoàn tất chuyển sàn, ACV sẽ lọt vào tốp 5 doanh nghiệp (DN) niêm yết có giá trị vốn hóa lớn nhất sàn HOSE, còn Vietnam Airlines được đánh giá có thể được bổ sung vào giỏ chỉ số trong khoảng cuối năm nay. Tuy nhiên, hiện ACV vẫn chưa đáp ứng đủ điều kiện niêm yết trên HOSE do chưa hoàn tất quá trình đàm phán cho thuê hoạt động đối với tài sản khu bay tại các cảng hàng không thuộc sự quản lý của DN này. Về phía Vietnam Airlines đã hoàn tất mọi thủ tục, chỉ còn chờ công bố thời điểm cổ phiếu HVN niêm yết lần đầu trên HOSE, dự kiến là đầu tháng 5.

Việc chuyển sàn của Vietnam Airlines sau hai năm giao dịch trên UPCoM được kỳ vọng sẽ giúp cổ phiếu của DN tiếp cận với nhiều nhà đầu tư hơn, phản ánh đúng giá trị và tăng tính thanh khoản, tối đa hóa giá trị đầu tư cho cổ đông. Ðồng thời nâng cao hình ảnh, thương hiệu DN, tạo cơ hội thuận lợi trong việc huy động vốn cho DN vì các nhà đầu tư tổ chức, quỹ đầu tư ngoại thường ưu tiên huy động vốn trên sàn lớn. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu hàng không còn được đánh giá là có dư địa tăng trưởng cao trong năm 2019 nhờ triển vọng ngành tích cực. “Công thức chuẩn” cho DN hàng không là tốc độ tăng trưởng vận tải gấp đôi tốc độ tăng trưởng GDP nhưng đối với thị trường hàng không Việt Nam, tốc độ tăng trưởng vận tải trong cả giai đoạn 5 năm vừa qua liên tục duy trì ở mức cao hơn, thậm chí có thời điểm còn cao gấp đôi “công thức chuẩn”.

Tuy nhiên, hạn chế của nhóm cổ phiếu hàng không là khối lượng giao dịch tương đối thấp, chỉ vài nghìn đơn vị/phiên do cơ cấu cổ đông nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Với tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng thấp, nhà đầu tư không thể thực hiện mua lớn qua sàn đối với cổ phiếu của các DN hàng không, trừ cổ phiếu Vietjet và một số công ty cung cấp dịch vụ phụ trợ đã lên sàn. Ðể tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu hàng không, cần đẩy mạnh thoái vốn nhà nước tại các DN này như lộ trình đã đề ra. Việc chuyển đổi từ UPCoM sang HOSE cũng chính là quá trình chuẩn bị cho quá trình thoái vốn nhà nước trong thời gian tới tại Vietnam Airlines và ACV.