Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (*)

Kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Ph.Ăng-ghen (28-11-1820 - 28-11-2020), ngày 27-11-2020, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Di sản tư tưởng Ph.Ăng-ghen: Giá trị và sức sống thời đại".

Báo Nhân Dân xin giới thiệu phát biểu đề dẫn tại Hội thảo của đồng chí NGUYỄN XUÂN THẮNG, Bí thư Trung ương Ðảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.

Kính thưa các quý vị  đại biểu và các nhà khoa học

PH.ĂNG-GHEN - người bạn lớn, người đồng chí thân thiết, người đã cùng C.Mác sáng lập học thuyết khoa học, giải phóng và cách mạng của giai cấp công nhân và nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới. Bằng cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú với những cống hiến to lớn, đặc biệt xuất sắc của mình, cùng với C.Mác, Ph.Ăng-ghen đã trở thành lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới.

Kỷ niệm 200 năm ngày sinh Ph.Ăng-ghen (28-11-1820 - 28-11-2020), Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Di sản tư tưởng Ph.Ăng-ghen: Giá trị và sức sống thời đại" hôm nay là dịp để chúng ta hiểu rõ, nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp, nhân cách vĩ đại của Ph.Ăng-ghen cùng với những đóng góp to lớn của ông đối với học thuyết Mác, trên cơ sở đó, tiếp tục vận dụng, bổ sung và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác trong quá trình tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Ðể cuộc hội thảo thiết thực và có chất lượng, tôi đề nghị các quý vị đại biểu và các nhà khoa học thảo luận và làm sâu sắc thêm một số nội dung chủ yếu sau đây:

1- Ph.Ăng-ghen là người đồng sáng lập học thuyết Mác - học thuyết khoa học, cách mạng để giải phóng giai cấp công nhân và toàn nhân loại khỏi sự bất công, áp bức, bóc lột

Xuất thân trong một gia đình tư sản nhỏ nhưng cả cuộc đời của Ph.Ăng-ghen lại gắn bó mật thiết với giai cấp công nhân và lý tưởng cộng sản. Với tư chất thông minh, nhạy cảm chính trị, khát vọng lớn lao muốn giải phóng nhân loại và phát triển toàn diện con người, Ph.Ăng-ghen đã cùng C.Mác dấn thân vào hoạt động thực tiễn, nghiên cứu lý luận để giải đáp những vấn đề cơ bản về sự phát triển và tiến bộ của nhân loại mà thời đại các ông đặt ra. Nếu như C.Mác là người sớm nhận thấy cần phải dựa vào lý luận triết học để hiểu sâu hơn bản chất của lịch sử, thì Ph.Ăng-ghen là người từ tổng kết thực tiễn đã góp phần cung cấp chất liệu để hình thành và hoàn thiện lý luận triết học ấy. Tuy nghiên cứu độc lập với nhau nhưng như một lẽ tự nhiên, hai ông đã gặp gỡ, nhất trí với nhau về lý tưởng, quan điểm lý luận và phương pháp tiếp cận khoa học. Năm 1843, C.Mác viết Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hêghen, còn Ph.Ăng-ghen viết Lược thảo phê phán khoa kinh tế chính trị. Năm 1845, C.Mác viết Luận cương về Phoi-ơ-bắc; trong khi Ph.Ăng-ghen viết Tình cảnh của giai cấp lao động ở Anh. Năm 1847, C.Mác viết Sự khốn cùng của triết học; còn Ph.Ăng-ghen viết Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản.

Trên nền tảng những điểm tương đồng và thống nhất đó, Ph.Ăng-ghen và C.Mác đã xây đắp nên mối quan hệ cộng sự vững chắc, một tình bạn, tình đồng chí vĩ đại để cùng nhau xây dựng một lý luận khoa học mới, một thế giới quan khoa học và nhân sinh quan mới mang hơi thở của thời đại. Sau cuộc gặp gỡ lịch sử vào tháng 8-1844, Ph.Ăng-ghen đã cùng với C.Mác bắt đầu viết chung các tác phẩm và từ đây, chúng ta đã có những công trình vĩ đại mà hai ông để lại cho đời sau, như: Gia đình thần thánh (1844), Hệ tư tưởng Ðức (1845-1846)…

Là người dày công nghiên cứu lịch sử phát triển của nhân loại, tổng kết thực tiễn phong phú trong thời đại mình đang sống, đúc rút, khái quát thành lý luận, Ph.Ăng-ghen đã góp phần xây dựng, bổ sung và hoàn chỉnh chủ nghĩa Mác:

Về triết học, Ph.Ăng-ghen đã bổ sung, không ngừng đấu tranh bảo vệ, phát triển và làm sâu sắc các nguyên lý duy vật biện chứng và duy vật lịch sử trên cơ sở tổng kết thực tiễn và khái quát các thành tựu của khoa học tự nhiên đương thời. Những đóng góp to lớn của Ph.Ăng-ghen về triết học được thể hiện nổi bật qua các tác phẩm xuất sắc như: Chống Ðuyrinh (1876-1878), Biện chứng của tự nhiên (1873-1883), Lút-vích Phoi-ơ-bắc và sự cáo chung của triết học cổ điển Ðức (1886)...

Về kinh tế chính trị học, Ph.Ăng-ghen đã tập trung phân tích, luận giải bản chất, quy luật vận động, biến đổi của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Những bài viết của ông như: Lược thảo phê phán khoa kinh tế chính trị, năm 1843; Góp phần phê phán chính trị - kinh tế học, năm 1844, được C.Mác coi là những tác phẩm kinh tế chính trị học xuất sắc về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Ngoài những công trình khoa học viết chung với C.Mác, sau khi C.Mác mất, Ph.Ăng-ghen đã dồn tâm lực để sắp xếp, xử lý, biên tập quyển II, quyển III của bộ Tư bản - bộ sách đồ sộ mà C.Mác nung nấu cả đời nhưng chưa kịp hoàn thành. Việc bộ Tư bản sau khi hoàn thành thể hiện một sự nhất quán, hoàn chỉnh như chính của một người soạn thảo đã cho thấy, không có ai hiểu C.Mác bằng Ph.Ăng-ghen và ngược lại.

Về chủ nghĩa xã hội khoa học, trong tác phẩm Tình cảnh của giai cấp công nhân Anh, Ph.Ăng-ghen là người đầu tiên khẳng định rằng, giai cấp công nhân không chỉ là một giai cấp đau khổ mà còn là giai cấp cách mạng. Chính địa vị kinh tế xã hội của giai cấp công nhân quy định địa vị lịch sử là giai cấp cách mạng của họ. Trong đấu tranh cách mạng, giai cấp công nhân sẽ từng bước giác ngộ rằng, đối với họ, không có con đường nào khác hơn để giải phóng chính mình là chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội chỉ trở thành sức mạnh khi nó là mục tiêu đấu tranh chính trị của giai cấp công nhân (1).

Năm 1848, được sự ủy nhiệm của tổ chức Liên đoàn những người cộng sản, Ph.Ăng-ghen đã cùng với C.Mác soạn thảo và công bố tác phẩm bất hủ Tuyên ngôn của Ðảng Cộng sản, bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử tư tưởng của nhân loại. Từ đây, chủ nghĩa xã hội đã phát triển từ không tưởng trở thành khoa học, chủ nghĩa Mác trở thành vũ khí lý luận sắc bén của giai cấp công nhân nhằm thực hiện sứ mệnh lịch sử giải phóng chính bản thân mình và giải phóng toàn nhân loại.

Sau khi C.Mác mất, trước những biến đổi của tình hình thế giới, nhất là phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Ph.Ăng-ghen đã phân tích, luận giải và bổ sung, phát triển nhiều luận điểm có ý nghĩa sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn, trong đó có những vấn đề về phương pháp cách mạng, "con đường phát triển rút ngắn" ở các nước đi sau, chiến tranh và nghệ thuật quân sự, xây dựng chính đảng cách mạng và đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, về nhà nước và giai cấp, dân tộc, tôn giáo; về đoàn kết quốc tế, bảo vệ môi trường, phát triển hài hòa, bền vững, tình yêu, hôn nhân gia đình và giải phóng phụ nữ trong tiến trình cách mạng xã hội chủ nghĩa... Nói cách khác, Ph.Ăng-ghen đã bổ sung, hoàn chỉnh học thuyết Mác, tiếp tục làm cho chủ nghĩa Mác trở thành cẩm nang toàn diện, vũ khí sắc bén của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên con đường đấu tranh giải phóng và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Với những cống hiến to lớn của Ph.Ăng-ghen, có thể khẳng định chắc chắn rằng, "chủ nghĩa Mác trên tất cả các phương diện cấu thành của nó, từ nội dung đến phương pháp, từ những mầm mống đầu tiên đến khi có một diện mạo trưởng thành, từ những luận chiến đanh thép để tự bảo vệ trước những đòn tấn công, xuyên tạc của kẻ thù cho đến những tổng kết thực tiễn đặc sắc và những dự báo khoa học về xã hội tương lai đều in đậm dấu ấn những đóng góp kiệt xuất của Ph.Ăng-ghen" (2).

2- Ph.Ăng-ghen - lãnh tụ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế

Không màng tiền tài, địa vị và danh vọng, Ph.Ăng-ghen đã dâng hiến toàn bộ sức lực, trí tuệ, nghị lực và trái tim của mình cho cuộc đấu tranh chống áp bức, bất công vì tự do, hạnh phúc của giai cấp công nhân và toàn nhân loại. Cùng với C.Mác, Ph.Ăng-ghen đã nghiên cứu, tổng kết thực tiễn làm sáng tỏ sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân; luận chứng, làm sâu sắc các điều kiện, nguyên tắc, quy luật của cách mạng xã hội chủ nghĩa, xã hội cộng sản và con đường, biện pháp đi lên xã hội cộng sản ở những nước khác nhau.

Không chỉ hoạt động trong lĩnh vực tư tưởng mang đến cho giai cấp công nhân vũ khí lý luận đấu tranh sắc bén, bản thân Ph.Ăng-ghen còn dành nhiều tâm sức để hoạt động thực tiễn và có đóng góp không nhỏ vào hoạt động của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Nỗ lực của C.Mác và Ăng-ghen đã góp phần đưa đến việc cải tổ Ðồng minh những người chính nghĩa thành Liên đoàn những người cộng sản vào năm 1847. Ðây là tổ chức công nhân quốc tế đầu tiên lấy chủ nghĩa Mác làm ngọn cờ tư tưởng, chính thức mở ra giai đoạn chủ nghĩa Mác thâm nhập vào phong trào công nhân. Ph.Ăng-ghen đã tích cực tham gia Hội liên hiệp công nhân quốc tế (Quốc tế I) do C.Mác sáng lập, tổ chức tuyên truyền chủ nghĩa xã hội khoa học, lãnh đạo phong trào công nhân quốc tế, đấu tranh khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực của chủ nghĩa xã hội không tưởng và đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, phản động trong phong trào công nhân.

Sau khi C.Mác mất, trước yêu cầu mới, năm 1889, Ph.Ăng-ghen tham gia sáng lập và lãnh đạo Quốc tế xã hội chủ nghĩa (Quốc tế II), nhờ đó đã khôi phục tổ chức quốc tế của giai cấp công nhân sau khi Quốc tế I giải thể vào năm 1876, tiếp tục giương cao ngọn cờ đấu tranh vì chủ nghĩa xã hội. Trong thời kỳ này, với vốn kiến thức uyên bác, với kinh nghiệm phong phú và uy tín của mình, Ph.Ăng-ghen tiếp tục là người chỉ dẫn, cố vấn tin cậy cho những người xã hội chủ nghĩa ở nhiều nước châu Âu, kể cả những người cách mạng ở Nga. Khi trung tâm cách mạng của thế giới dần dịch chuyển sang Nga, bằng sự am hiểu sâu sắc về lý luận và nhạy cảm chính trị, Ph.Ăng-ghen đặt nhiều niềm tin vào khả năng tiến triển của chủ nghĩa cộng sản ở Nga cũng như ở nhiều nước khác trên thế giới (3).

Cùng với C.Mác, Ph.Ăng-ghen đã đấu tranh không khoan nhượng chống lại những khuynh hướng cải lương và biệt phái (như Pruđông, Latxan, Bacunin...) để củng cố sự thống nhất trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Ph.Ăng-ghen là người đỡ đầu và có ảnh hưởng to lớn đối với Ðảng Dân chủ - Xã hội Ðức. Những nhà xã hội chủ nghĩa của Pháp, Áo, Anh, Hà Lan, Hung-ga-ri, Ba Lan, Tây Ban Nha, I-ta-li-a, Nga và nhiều nước khác đều nhận được sự giúp đỡ của Ph.Ăng-ghen. Bằng những nỗ lực không biết mệt mỏi và những đóng góp cực kỳ xuất sắc cả về tư tưởng, lý luận và hoạt động thực tiễn nhằm thúc đẩy phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Ph.Ăng-ghen đã được tôn vinh là một trong những lãnh tụ vĩ đại nhất của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới. V.I.Lê-nin đã nói: Ph.Ăng-ghen là "Bó đuốc sáng ngời" trong những trí tuệ anh minh, "là nhà bác học và người thầy lỗi lạc nhất của giai cấp vô sản hiện đại trong toàn thế giới văn minh" (4).

3- Ph.Ăng-ghen - tấm gương mẫu mực về nhân cách, về tình đồng chí, tình bạn cao thượng của một lãnh tụ cách mạng chân chính

Dù xuất thân và địa vị xã hội khác nhau, lý tưởng cao đẹp và khát vọng giải phóng con người, giải phóng giai cấp và giải phóng nhân loại đã đưa C.Mác và Ăng-ghen đi chung một con đường. Sự gặp gỡ và gắn bó giữa C.Mác và Ph.Ăng-ghen là sự kết hợp hài hòa giữa trí tuệ, tư tưởng, nghị lực phi thường và những nhân cách cao thượng. Ph.Ăng-ghen không những đã cùng với C.Mác xây dựng, sáng lập, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác mà còn chia sẻ, giúp đỡ Mác và gia đình vượt qua những thử thách cam go trong cuộc sống (5).

Ðúng như V.I.Lênin đã từng nói, "Từ ngày mà vận mệnh đã gắn liền Các Mác với Phri-đrích Ăng-ghen thì sự nghiệp suốt đời của hai người bạn ấy trở thành sự nghiệp chung của họ" (6). "Muốn đánh giá đúng đắn những quan điểm của Mác, tuyệt đối phải đọc những tác phẩm của người cùng tư tưởng và người cộng tác gần gũi nhất của Mác là Phri-đrích Ăng-ghen. Không thể nào hiểu được chủ nghĩa Mác và trình bày đầy đủ được chủ nghĩa Mác, nếu không chú ý đến toàn bộ những tác phẩm của Ăng-ghen" (7). Qua 40 năm gắn bó, tình đồng chí, tình bạn mẫu mực của C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã "vượt xa tất cả những gì là cảm động nhất trong những truyền thuyết của đời xưa kể về tình bạn của con người" (8).

Tuy nhiên, từ trong suy nghĩ của bản thân và cả trước công luận, với tất cả sự khiêm nhường, Ph.Ăng-ghen chỉ nhận mình là "cây vĩ cầm thứ hai" bên cạnh Mác. Trong tác phẩm Lút-vích Phoi-ơ-bắc và sự cáo chung của triết học cổ điển Ðức (1888), Ph.Ăng-ghen bày tỏ: "Tôi không thể phủ nhận rằng trước khi cộng tác với Mác và trong 40 năm cộng tác với Mác, tôi đã góp một phần của riêng mình vào việc xây dựng, nhất là vào việc phát triển học thuyết ấy. Nhưng đại bộ phận những tư tưởng chỉ đạo cơ bản, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế và lịch sử, và đặc biệt là việc trình bày những tư tưởng ấy thành những công thức chặt chẽ cuối cùng, đều là thuộc về Mác. Phần đóng góp của tôi - không kể có thể ngoại trừ một vài lĩnh vực chuyên môn -
thì không có tôi, Mác vẫn có thể làm được. Nhưng điều mà Mác đã làm thì tôi không thể làm được. Mác đứng cao hơn, nhìn xa hơn, rộng hơn và nhanh hơn tất cả chúng tôi. Mác là một thiên tài. Còn chúng tôi may lắm cũng chỉ là những tài năng thôi. Nếu không có Mác thì lý luận thật khó mà được như ngày nay. Vì vậy, lý luận đó mang tên của Mác là điều chính đáng" (9). Bằng chính sự khiêm nhường đó, Ph.Ăng-ghen đã thể hiện nhân cách cao đẹp của một người cộng sản mẫu mực, chân chính, là một trái tim vĩ đại trong những trái tim vĩ đại và là tấm gương đạo đức cách mạng mãi tỏa sáng cho đời sau.

4- Tiếp tục vận dụng, bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong sự nghiệp đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa

Xuất phát từ thực tiễn và luôn gắn với thực tiễn, học thuyết Mác là học thuyết mở, mang tính lịch sử - cụ thể, luôn đòi hỏi phải sáng tạo và đổi mới trong vận dụng. Bản thân C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã thường xuyên bổ sung, hoàn thiện lý luận của mình bằng thực tiễn hoạt động cách mạng phong phú của các ông. Chính Ph.Ăng-ghen đã từng lưu ý: "Lý luận của chúng tôi là lý luận của sự phát triển, chứ không phải là một giáo điều mà người ta phải học thuộc lòng và lắp lại một cách máy móc" (10). Ðó chính là nguyên tắc và là phương pháp luận vững chắc, sắc bén để chúng ta bảo vệ, đồng thời tiếp tục vận dụng, bổ sung và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác trong bối cảnh mới.

Hơn 170 năm qua kể từ khi Tuyên ngôn của Ðảng Cộng sản ra đời, dù trải qua những bước thăng trầm của lịch sử và chịu sự công kích, chống phá từ nhiều kẻ thù tư tưởng khác nhau, chủ nghĩa Mác vẫn đứng vững và có sức sống mãnh liệt bởi đó là một học thuyết khoa học, nhân văn, phát triển và giải phóng con người, học thuyết luôn được bổ sung, hoàn thiện bởi những người mác-xít chân chính; và do đó, chúng ta có học thuyết Mác - Lê-nin tiếp tục là nền tảng tư tưởng cốt lõi để tư duy và định hình đường lối phát triển thích ứng với mọi sự thay đổi, phù hợp với mọi bối cảnh và điều kiện mới.

Vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, cái căn cốt nhất trong học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin là: học tập tinh thần, học tập lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác-Lê-nin để áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp ấy mà giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế trong công tác cách mạng; (11) là "học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác -Lê-nin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta" (12) .

90 năm qua, Ðảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đã lãnh đạo đưa con thuyền cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong gần 35 năm qua, một lần nữa, khẳng định sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin của Ðảng ta trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội của Việt Nam và do chính con người Việt Nam thực hiện.  

Kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Ph.Ăng-ghen, bằng luận giải sâu sắc những đóng góp, cống hiến to lớn của ông đối với sự nghiệp giải phóng nhân loại, giải phóng con người, chúng ta càng kiên định, vững vàng trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh mà Ðảng ta đã lựa chọn; nâng cao trách nhiệm khoa học, tình cảm và sự ngưỡng mộ của những người đi theo lý tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa, kiên quyết đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, xuyên tạc, lệch lạc, chỉ ra những cách hiểu sai, hiểu chưa đúng để bảo vệ  giá trị khoa học và cách mạng của học thuyết Mác - Lê-nin.

Trong không khí phấn khởi của toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta trước sự thành công của đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới và góp phần vào sự thành công của Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng, chúng ta càng có niềm tin vững chắc vào con đường mà Ðảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn, càng có thêm nguồn cảm hứng mãnh liệt để tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, đưa đất nước ta bước vào một giai đoạn phát triển mới, với khát vọng và tầm nhìn trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI.

(*) Ðầu đề là của Báo Nhân Dân.

(1) Xem: V.I.Lê-nin: Toàn tập, Tập 2, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005, tr 7-8.

(2) Xem: Hoàng Chí Bảo, "Cống hiến vĩ đại của Ph.Ăng-ghen trong lịch sử chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa xã hội", trong Kỷ yếu hội thảo khoa học: Giá trị tư tưởng của Ph.Ăng-ghen trong thời đại ngày nay, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội năm 2016, tr.26.

(3) C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, Tập 22, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995,
tr 632.

(4) V.I.Lê-nin: Toàn tập, Tập 2, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005, tr 3.

(5) Xem: Hoàng Chí Bảo: Cống hiến vĩ đại của Ph.Ăng-ghen trong lịch sử chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa xã hội, đã dẫn, Nxb Lý luận chính trị, 2016, tr 26.

(6) V.I.Lê-nin: Toàn tập, Tập 2, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005, tr 3.

(7) V.I.Lê-nin: Toàn tập, Tập 26, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr 110.

(8) V.I.Lê-nin: Toàn tập, Tập 2, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005, tr 12.

(9) C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, Tập 21, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr 428.

(10) C.Mác - Ph. Ăng-ghen, Toàn tập, Tập 36, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1999; tr.796.

(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 11, tr.95.

(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 11, tr.611.