Quân khu 2 xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc

Đảng ủy Quân khu 2 đã thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương quán triệt, cụ thể hóa và triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh.

Thu hoạch chè tại thôn Hồng Thái 2, xã Tân Cương, TP Thái Nguyên (Thái Nguyên). Ảnh: HẢI HẰNG
Thu hoạch chè tại thôn Hồng Thái 2, xã Tân Cương, TP Thái Nguyên (Thái Nguyên). Ảnh: HẢI HẰNG

Lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu đã phát huy vai trò nòng cốt trong củng cố xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh, “thế trận lòng dân” vững chắc trên địa bàn. Sự phối hợp giữa cơ quan, đơn vị với cấp ủy, chính quyền địa phương, công an, biên phòng và các lực lượng khác trong nắm tình hình địa bàn luôn được phát huy; LLVT Quân khu đã xử trí kịp thời, có hiệu quả các tình huống xảy ra, không để bị động, bất ngờ. Đồng thời, công tác ứng phó với các tình huống an ninh phi truyền thống; tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh... trên địa bàn, luôn được các cơ quan, đơn vị chủ động và triển khai đạt hiệu quả, nhất là nhiệm vụ phòng, chống bão, lũ, cháy rừng, cứu hộ, cứu nạn. 5 năm qua LLVT Quân khu đã huy động 88.850 lượt cán bộ, chiến sĩ, 1.588 lượt phương tiện tham gia cùng cấp ủy chính quyền địa phương phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; giúp nhân dân ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, xã hội, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá cao.

Với các nhiệm vụ được triển khai cùng các giải pháp cụ thể, LLVT Quân khu đã tạo được sự thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị địa phương đối với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, chất lượng tổng hợp, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu của LLVT Quân khu ngày càng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống.

★ Những năm gần đây, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, xây dựng nông thôn mới và thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án, đề án thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Tỉnh đã tạo bước chuyển biến tích cực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng; hình thành các vùng sản xuất tập trung ứng dụng một số công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi; sử dụng giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng; công nghệ sản xuất an toàn, sản xuất hữu cơ.

Các vùng trồng chè tập trung của tỉnh đã ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong sản xuất. Đến nay, tỷ lệ giống mới có năng suất, chất lượng tốt chiếm 74,2% diện tích; diện tích sản xuất chè ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm tự động, bán tự động toàn tỉnh đạt hơn 4.700 ha. Giá trị sản phẩm sau chế biến chè đạt 250 đến 300 triệu đồng/ha, ở một số vùng chè đặc sản đạt từ 450 đến 600 triệu đồng/ha.

Tỉnh Thái Nguyên cũng đã thực hiện chuyển đổi hơn 6.000 ha đất trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng một số cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn như rau, hoa, cây màu, chè, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản. Một số giống lúa mới có năng suất cao, chất lượng gạo tốt được đưa vào sản xuất.

Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh trồng mới gần 30.000 ha rừng, trong đó 80% diện tích được trồng bằng giống có năng suất, chất lượng cao...