Phú Thọ nâng cao chất lượng cấp ủy nhiệm kỳ mới

Đại hội đảng bộ các cấp được tỉnh Phú Thọ xác định là cơ hội để nâng cao chất lượng cấp ủy các cấp. Nguồn cán bộ dồi dào được đào tạo cơ bản, rèn luyện trong thực tiễn là những nét đáng ghi nhận trong thực hiện xây dựng đội ngũ cán bộ cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025.
 

Nhờ đội ngũ cán bộ chủ chốt năng động, sâu sát cơ sở và đời sống nhân dân, góp phần hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế của xã Tu Vũ (huyện Thanh Thủy). Ảnh: ÁNH DƯƠNG
Nhờ đội ngũ cán bộ chủ chốt năng động, sâu sát cơ sở và đời sống nhân dân, góp phần hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế của xã Tu Vũ (huyện Thanh Thủy). Ảnh: ÁNH DƯƠNG

Đồng thuận, nhất trí cao với phương án nhân sự
 
 Mặc dù Đại hội Đảng bộ huyện Hạ Hòa đã kết thúc từ đầu tháng 8-2020, song dư âm của đại hội vẫn tươi mới trong lời kể của Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Chu Ngọc Trọng: Khi thảo luận về việc tổ chức đại hội cấp cơ sở, Ban Thường vụ Huyện ủy lo nhất là nhân sự ở các xã mới sáp nhập. Kỳ này huyện có 19 xã được sáp nhập thành sáu xã, trong đó có một trường hợp bốn xã sáp nhập thành một xã, còn lại cứ ba xã sáp nhập thành một xã. Vấn đề đặt tên xã mới nói chung thuận lợi, vì đều trùng với các đơn vị hành chính (tổng) cuối thế kỷ 19, nên nhân dân chọn tên cũ. Chẳng hạn như khi sáp nhập các xã Hậu Bổng, Liên Phương, Đan Hà, Đan Thượng, lấy tên xã mới là Đan Thượng, vì trước đây có tổng Đan Thượng. Song vấn đề nhân sự đối với các xã mới thành lập có khó khăn nhất định. Nhiều giải pháp được đưa ra, song ưu tiên hàng đầu của huyện là chất lượng cán bộ chứ không phải cơ cấu xã, thôn. Huyện ủy đã chỉ đạo công khai, minh bạch về tiêu chuẩn, điều kiện, kết quả đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, đảng viên trong ba năm gần đây, kết quả giới thiệu nguồn nhân sự tham gia cấp ủy và kết quả tín nhiệm. Sau nhiều hội nghị thảo luận, các xã đều đồng thuận cao với phương án nhân sự cấp ủy trình trước đại hội. Do đó, kết quả bầu cử ban chấp hành và các chức danh cán bộ lãnh đạo, chủ chốt đều đúng dự kiến. Qua nắm bắt dư luận cho thấy, cán bộ, đảng viên và nhân dân rất phấn khởi với kết quả tổ chức đại hội Đảng bộ huyện và đại hội cấp cơ sở.
 
 “Kỳ đại hội Đảng bộ huyện lần này hết sức thành công” là nhận xét chung của đội ngũ cán bộ huyện Phù Ninh. Những kỳ đại hội đảng bộ huyện trước đó chưa đạt được như kỳ vọng do công tác chuẩn bị nhân sự chưa tốt, uy tín của một số cấp ủy viên chưa cao, còn có tình trạng cục bộ, chưa giải quyết dứt điểm đơn thư trước đại hội tại một số địa phương, đơn vị. Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Nguyễn Ngọc Bích nêu nguyên nhân thành công: Rút kinh nghiệm từ các đại hội trước, kỳ này Huyện ủy bám sát và thực hiện theo đúng quy định trong từng bước tổ chức đại hội, nhất là công tác tổ chức cán bộ. Quy trình nhân sự bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, dân chủ, khách quan, công khai, phát huy tinh thần trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu cấp ủy và cán bộ, đảng viên. Huyện ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xử lý dứt điểm đối với những nơi nội bộ có biểu hiện mất đoàn kết hoặc có đơn thư khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài. Một bài học khác là lắng nghe dư luận về công tác nhân sự, từ đó Huyện ủy đã điều chỉnh, bố trí lại vị trí một số cấp ủy viên trước đại hội bảo đảm tính hợp lý.
 
 Cũng với cách làm thận trọng như vậy, các địa phương khác trong tỉnh đã xử lý tốt những vướng mắc về nhân sự trước đại hội, tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên. Nhờ đó, toàn bộ 693 tổ chức cơ sở đảng và 18 đảng bộ cấp trên cơ sở của tỉnh đều tổ chức đại hội thành công, không có cán bộ chủ chốt không trúng cử ban chấp hành. Chất lượng đội ngũ cấp ủy viên khóa mới cao hơn so nhiệm kỳ trước. Đối với cấp cơ sở, có 75,7% số cấp ủy viên có trình độ cao đẳng, đại học và 16,68% có trình độ trên đại học. Các cơ cấu quan trọng như tỷ lệ nữ đạt 25,86%, cán bộ dưới 35 tuổi đạt 12,5%, vượt so yêu cầu.
 
 Đối với cấp trên cơ sở, tất cả cấp ủy viên khóa mới đều có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên, trong đó, trình độ trên đại học có 51,65%, tăng 25,55% so nhiệm kỳ trước. Số cấp ủy viên có trình độ lý luận chính trị cao cấp và cử nhân đạt 87,12%. Bên cạnh đó, tỷ lệ nữ đạt 19,63% và tỷ lệ cán bộ trẻ đạt 16,83%. Các đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở đều có kết quả bầu cử cấp ủy và các chức danh lãnh đạo cấp ủy theo đúng dự kiến với số phiếu tập trung, thể hiện sự tín nhiệm, nhất trí cao của đại biểu dự đại hội. Nhiều đồng chí bí thư, phó bí thư cấp ủy cấp huyện trúng cử với 100% phiếu bầu, như các huyện Tân Sơn, Lâm Thao, Phù Ninh, Công an tỉnh.
 
 Theo đồng chí Nguyễn Văn Khỏe, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, thành công của đại hội đảng cấp cơ sở và cấp trên cơ sở là kết quả của nhiều năm theo dõi, phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và thực hiện nghiêm các quy định về công tác cán bộ, quy trình năm bước giới thiệu nhân sự cấp ủy khóa mới. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo chặt chẽ, sát sao, coi trọng khâu đánh giá, nhận xét cán bộ. Cấp ủy khóa cũ thể hiện trách nhiệm cao đối với việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự tham gia cấp ủy khóa mới, đồng thời có sự chỉ đạo, theo dõi, giám sát chặt chẽ của cấp ủy cấp trên đối với cấp ủy cấp dưới. Về việc chỉ định cán bộ chủ chốt tại đại hội cấp huyện, do một số địa phương đến đại hội mới vẫn khuyết vị trí và với quan điểm không để thiếu người đứng đầu, tỉnh chọn giải pháp chỉ định. Trước đại hội hơn một tháng, Tỉnh ủy đã thông báo về việc bầu thiếu, chỉ định cán bộ đối với các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy. Những đồng chí được chỉ định dịp này đều là cán bộ được đào tạo cơ bản, được đánh giá kỹ về phẩm chất đạo đức, năng lực công tác, do đó khi bầu giữ chức danh chính quyền đều đạt số phiếu đồng ý rất cao.
 
 Rèn luyện cán bộ trong thực tiễn
 
 Điều có thể thấy là việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trong quy hoạch và cán bộ có triển vọng được tỉnh Phú Thọ triển khai bài bản. Cán bộ trưởng ngành cấp tỉnh được thử thách qua nhiều vị trí, được cấp ủy đánh giá kỹ về uy tín, năng lực, phẩm chất lãnh đạo, ý chí vươn lên. Tỉnh ủy đã ban hành những quy định cụ thể về bổ nhiệm trưởng, phó phòng và các tiêu chuẩn đối với từng chức danh, làm căn cứ để các cơ quan thực hiện. Công tác bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử tại đại hội đảng bộ các cấp được thực hiện chặt chẽ, dân chủ, khách quan, minh bạch, đúng quy trình, phát huy đầy đủ trách nhiệm và quyền hạn của từng thành viên trong cấp ủy, tập thể lãnh đạo, nhất là trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu.
 
 Việc luân chuyển cán bộ từ tỉnh về huyện được cân nhắc rất kỹ. Cán bộ luân chuyển phải bảo đảm các yêu cầu như tuổi đời trẻ, có triển vọng tốt, có năng lực. Những cán bộ có tín nhiệm cao qua các cuộc lấy phiếu tín nhiệm các cơ quan tỉnh sẽ được luân chuyển trước. Trong nhiệm kỳ, toàn tỉnh đã thực hiện luân chuyển 500 lượt cán bộ, trong đó diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý là 77 lượt cán bộ, diện các địa phương, đơn vị quản lý là 423 lượt cán bộ. Cụ thể, đã luân chuyển từ tỉnh về huyện 26 lượt cán bộ, từ huyện về tỉnh 30 lượt cán bộ. Luân chuyển giữa các huyện, thị xã, thành phố 18 lượt cán bộ, luân chuyển từ huyện, thị xã, thành phố về xã, phường, thị trấn 60 cán bộ và theo chiều ngược lại là 29 cán bộ. Luân chuyển giữa xã, phường với xã, phường là 45 cán bộ, còn lại là công chức chuyên môn cấp xã. Đánh giá cuối nhiệm kỳ cho thấy, hầu hết số cán bộ được luân chuyển đều thể hiện được phẩm chất, năng lực lãnh đạo, điều hành. Nhiều đồng chí mới được luân chuyển trong thời gian chưa lâu nhưng đã tạo được uy tín tốt, đạt 100% phiếu bầu tại đại hội các đảng bộ vừa qua như cán bộ chủ chốt các huyện Tân Sơn, Lâm Thao, Phù Ninh.
 
 Thực hiện chủ trương cán bộ chủ chốt cấp tỉnh phải qua vị trí chủ chốt cấp huyện, trong và sau đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở, Tỉnh ủy tiếp tục điều động một số đồng chí giám đốc sở về làm bí thư cấp ủy cấp huyện, như Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư được điều động làm Bí thư Thị ủy Phú Thọ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo làm Bí thư Huyện ủy Thanh Thủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Chủ tịch UBND thành phố Việt Trì. Một số đồng chí phó ngành và quy hoạch phó ngành cấp tỉnh được điều động làm phó bí thư huyện ủy, phó chủ tịch UBND huyện.
 
 Để xây dựng cấp ủy tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lấy ý kiến đa chiều về cán bộ. Chuẩn bị cho nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh đã xây dựng, rà soát, bổ sung quy hoạch đối với gần 17 nghìn lượt cán bộ, trong đó quy hoạch các chức danh cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý 1.855 lượt cán bộ, quy hoạch các chức danh cán bộ cấp phòng, ban, cấp cơ sở 15 nghìn lượt cán bộ. Tỉnh đã cử đi đào tạo về chuyên môn 6.991 lượt cán bộ, trong đó đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ 926 lượt cán bộ; đào tạo lý luận chính trị đối với 4.823 lượt cán bộ. Do quan tâm đến công tác đào tạo, nguồn cán bộ của Phú Thọ luôn dồi dào, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
 
 Đồng chí Hoàng Công Thủy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho biết: Cán bộ được đưa vào quy hoạch cấp ủy tỉnh phải qua nhiều vòng đánh giá, xem xét, đề cao năng lực công tác, đồng thời chống cục bộ địa phương. Hiện có 4 trong tổng số 14 ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy không là người địa phương. Đó là trưởng các ngành: Quân đội, công an, tuyên giáo và thường trực UBND tỉnh. Các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đương nhiệm đều trải qua cương vị bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND cấp huyện, trưởng ngành cấp tỉnh. Môi trường công tác đa dạng đó đem lại kinh nghiệm phong phú cho cán bộ, đồng thời cũng là phương thức đánh giá, sàng lọc cán bộ hiệu quả. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ một cách bài bản của tỉnh đã tạo nền tảng xây dựng đội ngũ cấp viên các cấp nhiệm kỳ mới có chất lượng tốt.