Nhớ “Em Ngọc” ngày ấy

NDO -

NDĐT – Đồng bào miền núi thường trìu mến gọi ông là “ông già của người nghèo”, học trò kêu ông là “thầy giáo một tay”. Còn ngày ấy, ở cái thời của ông, ai ai cũng biết đến “Em Ngọc”, hoặc nhắc đến “Anh ba sẵn sàng”. Ông thì chỉ muốn được gọi là thầy giáo Trịnh Ngọc Trình.

“Em Ngọc” - thầy giáo Trịnh Ngọc Trình.
“Em Ngọc” - thầy giáo Trịnh Ngọc Trình.

Đồng chí bố, đồng chí con
Thầy giáo Trịnh Ngọc trình, sinh ngày 19-12-1934, quê ở xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Ông chính là “Em Ngọc” trong câu chuyện của bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ đã được in trong "Tuyển tập Văn thơ Cách mạng và kháng chiến", về sau được đưa vào "Tuyển tập Văn lớp 5" từ năm 1954 đến 1975 cho nhiều thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam học tập trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tấm gương Em Ngọc đã làm xúc động trái tim của nhiều thế hệ người Việt Nam, bồi dưỡng, thôi thúc lòng yêu nước và quyết tâm diệt giặc Pháp, chống xâm lược Mỹ, bảo vệ Tổ quốc thân yêu.

Nhớ “Em Ngọc” ngày ấy ảnh 1

Thầy giáo Trịnh Ngọc Trình thời trẻ.

Tháng 10-1945, khi mới 11 tuổi, em Ngọc đã tham gia cách mạng, nhập ngũ làm liên lạc tại Tiểu đoàn 62, Trung đoàn 34 Hà Nam Ninh và chiến đấu cùng đơn vị với chính người cha của mình. Anh Trịnh Ngọc Cương kể về cha mình - nhà giáo Trịnh Ngọc Trình: “gia đình có truyền thống cách mạng, lúc đó ông nội tôi đang chiến đấu trong quân đội chống Pháp. Do căm thù giặc Pháp càn quét, giết hại dân làng ở mặt trận Ninh Bình, bố tôi xung phong đi chiến đấu nên đồng chí bố, đồng chí con ở cùng đơn vị”.

Trên địa bàn thị xã Ninh Bình đêm ấy, em Ngọc được giao nhiệm vụ chuyển công văn hỏa tốc đến đại đội 10. Dọc đường đi trên cánh đồng chiêm trũng, người giao liên trẻ tuổi bị địch phát hiện, bắn rát từ trên chòi canh, rồi bị ba tên địch cao to đuổi theo. Trước tình thế nguy hiểm và cấp bách, em Ngọc đã nhanh trí lấy chân nhấn công văn xuống bùn sâu, rồi ném quả lựu đạn để chặn địch. Nhưng rồi, chú bé giao liên đã bị trúng đạn của giặc Pháp, máu chảy đầm đìa, tay phải nắm lấy cánh tay trái đang lủng lẳng sắp đứt lìa, lết về đơn vị.

Sau khi báo cáo tình hình với cấp trên, em Ngọc ngất đi và được cáng đi cấp cứu tại quân y viện của Trung đoàn 34. Trong truyện “Em Ngọc”, bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ, người trực tiếp cấp cứu cho em Ngọc nhớ lại, khi thấy cánh tay của em Trình (em Ngọc) đã bị bắn nát hết nên ông quyết định cắt bỏ cánh tay cho chiến sĩ nhỏ mới 13 tuổi gan dạ và dũng cảm.

Sau khi tỉnh dậy, biết mình bị cắt bỏ một cánh tay, em Ngọc giãy mạnh và la to: “Thực dân liệu hồn! Sao chúng mày bắn gãy tay ông? … Để tay cho tôi, để tôi đánh nó! Đuổi nó đi! Đuổi hết chúng nó đi! … Tất cả chúng tôi trong phòng mổ đều mỉm cười vì câu nói đột ngột ở miệng đứa trẻ”, bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ viết.

Trong cuốn sách “Em Ngọc – Ngày ấy, bây giờ”, đồng chí Vũ Mão - nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, Bác Hồ đã đọc truyện “Em Ngọc” trên báo, Người xúc động ứa nước mắt và Người đã chỉ đạo cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra quyết định tập hợp các cháu thiếu niên đang tham gia chiến đấu, đang làm liên lạc ở các đơn vị quân đội, tập hợp về để lập ra Trường Thiếu sinh quân Việt Nam”.

Truyện “Em Ngọc” cũng được dịch ra nhiều tiếng nước ngoài như Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga …., được đưa vào sách tiếng Việt cấp tiểu học suốt từ năm 1954 đến 1975. Học sinh cả nước biết đến tấm gương của thiếu niên thương binh dũng cảm qua truyện “Em Ngọc”. Nhiều tỉnh đã lấy tấm gương “Em Ngọc” phát động phong trào thanh niên tòng quân ra trận đánh giặc, cứu nước. Nhận xét về “Em Ngọc”, đồng chí Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, viết: “Suốt đời mình, chú thiếu niên gan dạ, người thương binh kiên cường Trịnh Ngọc Trình vẫn giữ vững phẩm chất tốt đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ”.

Nhớ “Em Ngọc” ngày ấy ảnh 2

Rất nhiều bài báo viết về tấm gương nhà giáo Trịnh Ngọc Trình.

Người khởi xướng phong trào “Ba sẵn sàng”
Ngay sau ngày hòa bình lập lại tại miền bắc, người thầy giáo trẻ Trịnh Ngọc Trình đã xung phong lên miền núi dạy học và được cử làm Hiệu trưởng trường cấp I, cấp II Mường Lay, thị xã Lai Châu (1954-1955), giáo viên Trường sư phạm cấp hai tỉnh Sơn La (1956-1957).

Vào mùa hè năm 1957, Trịnh Ngọc Trình vinh dự được gặp Bác Hồ tại Hà Nội khi dự lớp bồi dưỡng cán bộ cốt cán toàn miền Bắc của Bộ Giáo dục. Bác Hồ cầm tay hỏi chuyện và biết anh là thương binh đang dạy học ở Sơn La. Lo anh vất vả, Bác gợi ý đưa Trịnh Ngọc Trình về làm giáo viên trường sư phạm miền núi Trung ương (1957-1959). Từ năm 1962, ông chuyển về làm giảng viên chính trị của Trường đại học Sư phạm (ĐHSP) Hà Nội.

Chính tại đây, năm 1962-1965, người Bí thư đoàn Trường ĐHSP Hà Nội, Trịnh Ngọc Trình là người nhen nhóm và khởi xướng phong trào “Ba sẵn sàng” trong thanh niên, xuất phát từ phong trào “Ba bất kỳ” có trước đó tại Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Đó là: Sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng nhập ngũ đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược; Sẵn sàng hy sinh bảo vệ miền bắc xã hội chủ nghĩa, giải phóng miền nam, thống nhất Tổ quốc; Sẵn sàng đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ việc gì Đảng và nhân dân yêu cầu mà không đòi hỏi đãi ngộ.

Nhớ “Em Ngọc” ngày ấy ảnh 3

Ngày 30-4-1964, hàng nghìn sinh viên Trường ĐHSP Hà Nội tập hợp tại Nghĩa trang Mai Dịch trong tay rực đuốc sáng. Sau khi người Bí thư đoàn Trịnh Ngọc Trình tuyên đọc lời thề “Ba sẵn sàng” trước cờ Đảng, cờ Tổ quốc và anh linh các liệt sĩ, hàng ngàn tiếng hô vang đáp lời: “Sẵn sàng! Sẵn sàng! Sẵn sàng!”.

Nhà giáo Trịnh Ngọc Trình nhớ lại: “Tôi không thể nào mường tượng nổi, sau lễ phát động, hàng nghìn sinh viên chích tay lấy máu viết đơn sẵn sàng đi bất cứ nơi nào Đảng cần, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì miền nam ruột thịt, bảo vệ miền bắc… Phong trào rực rỡ như thế khiến tôi choáng ngợp. Đây là ấn tượng sâu sắc nhất đối với tôi”.

Sau khi phong trào “Ba sẵn sàng” khởi nguồn từ Trường ĐHSP Hà Nội đã được Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội phát động vào ngày 9-8-1964 tới thanh niên Thủ đô, phong trào này đã được Ban chấp hành Trung ương Đoàn phát động ra cả miền bắc. Đây là phong trào hành động cách mạng vĩ đại nhất của thanh niên Việt Nam trong thời kỷ 20, cuốn hút và tôi luyện một thế hệ vàng của thanh niên Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với tinh thần “Xếp bút nghiên lên đường chống Mỹ, Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước mà lòng phơi phới dậy tương lai”, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.

Hạnh phúc lớn nhất là đến được với đồng bào
Hòa bình lập lại, ngày 28-3-1990, thầy giáo Trịnh Ngọc Trình được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ Giám đốc Tổ chức hỗ trợ phát triển giáo dục miền núi (HEDO). Trong 29 năm, "Em Ngọc" và HEDO đã đem niềm vui và hạnh phúc đến với bà con các dân tộc thiểu số, giúp cho miền núi tiến kịp miền xuôi, phát triển nhanh, vững chắc về y tế, văn hóa, giáo dục; thúc đẩy việc xóa đói giảm nghèo; nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của đồng bào dân tộc thiểu số; góp phần bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc. Những nơi thầy Trình tới, bà con gọi ông bằng những tên thân mật như “Em Ngọc”, “Anh thương binh”, “Anh ba sẵn sàng”, “Thầy giáo một tay”, “Ông già của người nghèo”. Nhưng ông vẫn thích được gọi là thầy giáo, bởi cuộc đời ông là chặng đường không ngừng đem cái chữ đến vùng sâu, vùng xa, nơi học sinh còn khó khăn.

Trong những năm tháng rong ruổi trên các nẻo đường miền núi, Em Ngọc ngày ấy đã nhiều lần gặp nạn. Có lần leo núi đến với đồng bào người H'Mông ở Cán Hồ, trời mưa, ông trượt chân ngã. Vì chỉ còn một tay, ông lăn xuống dốc, may vướng vào bụi cây nên thoát chết. Nhiều lần khác ngã rách cằm, phải khâu nhiều mũi nhưng anh thương binh giàu nghị lực ấy vẫn không nản lòng, quyết đi đến cùng. Sau nhiều lần gặp nạn, có người hỏi: “anh không sợ sao?”. Ông chỉ cười đôn hậu: “Các bạn nước ngoài còn đến đây để giúp đồng bào, lẽ nào mình lại sợ. Hạnh phúc lớn nhất của tôi là đến được với đồng bào!”.

Đồng chí Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nhận xét: “Cuộc đời Trịnh Ngọc Trình với hơn 69 năm tham gia cách mạng vô cùng phong phú, mãnh liệt, đầy lòng nhân ái. Anh là một đảng viên tốt, một cán bộ tốt, một con người tử tế. “Em Ngọc” - người liên lạc dũng cảm, thương binh kiên cường, nhà giáo mô phạm, cán bộ Đoàn sáng tạo, Giám đốc HEDO tận tụy, Trịnh Ngọc Trình đã làm được nhiều việc hữu ích cho đời, cho dân, cho nước nhưng anh vẫn là “Anh hùng vô danh” như hàng triệu anh bộ đội Cụ Hồ và hàng vạn giáo viên cả nước. Gặp anh lúc nào ta cũng thấy một nụ cười tươi tắn như nói với mọi người rằng anh là một con người hạnh phúc”.

Nhớ “Em Ngọc” ngày ấy ảnh 4

Thầy giáo một tay Trịnh Ngọc Trình đến với giáo dục miền núi.

Với những cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng của đất nước, nhà giáo Trịnh Ngọc Trình đã được Nhà nước và các đoàn thể tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Chiến thắng hạng ba, Huân chương kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng nhất, Huân chương Lao động hạng nhì, nhiều bằng khen, danh hiệu cao quý Công dân Thủ đô ưu tú (2018) và Kỷ niệm chương của các đoàn thể: Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam… Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng.

Nhớ “Em Ngọc” ngày ấy ảnh 5

Nhà giáo Trịnh Ngọc Trình (thứ hai từ trái sang) được vinh danh là Công dân Thủ đô ưu tú năm 2018.