Nhìn lại nhiệm kỳ Ðại hội XII của Ðảng

Kiên quyết, kiên trì trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Nhìn lại kết quả thực hiện Nghị quyết Ðại hội XII của Ðảng, Trung ương đã nhận định, công tác xây dựng Ðảng đã đạt được kết quả toàn diện, trong đó nổi bật là đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nhất quán quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, toàn diện, đi vào chiều sâu, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt nhiều kết quả rất quan trọng, đóng góp những bài học quý về lý luận và thực tiễn.

Chủ trương đúng và quyết tâm chính trị cao

Trong những ngày cuối năm 2020, thông tin về việc khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam, khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với ông Tất Thành Cang, để điều tra về tội danh "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí"; hay bản án 5 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Ðức Chung, nguyên Ủy viên T.Ư Ðảng, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về tội "chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước", và quyết định thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Ðảng tại Hội nghị T.Ư 14, khóa XII, Ban Chấp hành T.Ư vừa qua, là những câu trả lời sáng rõ trước dư luận còn băn khoăn về việc xử lý không triệt để đối với một số vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, hay ý kiến cho rằng có biểu hiện chùng xuống trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) của Ðảng.

Các quyết định nêu trên của cơ quan Ðảng, Nhà nước thêm minh chứng thuyết phục, bảo đảm triệt để nguyên tắc của Ðảng trong phát hiện, xử lý tham nhũng, được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN nhiều lần nhấn mạnh tại các cuộc họp Ban Chỉ đạo. Ðó là, có vụ việc thì phải xác minh làm rõ, rõ đến đâu xử lý đến đó. Có dấu hiệu phạm tội thì phải khởi tố, điều tra; kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử… Phải tiến hành đồng bộ giữa kỷ luật Ðảng, kỷ luật hành chính của Nhà nước, đoàn thể và xử lý hình sự. Kỷ luật của Ðảng phải thực hiện trước, là tiền đề để xử lý kỷ luật hành chính của Nhà nước, của đoàn thể và xử lý hình sự. Việc xử lý phải lấy giáo dục, răn đe, phòng ngừa làm chính, kết hợp giữa trừng trị với khoan hồng; đồng thời bảo vệ, khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp chung.

Mới đây, Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN (sau đây gọi là Ban Chỉ đạo) đã tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết công tác PCTN giai đoạn 2013 - 2020. Ðây là hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng, có quy mô lớn nhất, tổng kết công tác PCTN từ khi thành lập Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN (năm 2013) đến nay, nhất là trong nhiệm kỳ Ðại hội XII của Ðảng. Theo Ban Chỉ đạo, từ năm 2013 đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương đã khởi tố, điều tra 14.300 vụ/24.410 bị can, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ/22.600 bị cáo về tham nhũng, kinh tế, chức vụ, với mức án rất nghiêm khắc, nhưng cũng rất nhân văn, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa tham nhũng, tạo đột phá trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng. Nhiều vụ án ban đầu khởi tố, điều tra, xét xử về các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, sau đó tiếp tục được mở rộng điều tra, đi sâu làm rõ bản chất tham nhũng, chiếm đoạt, từ đó khởi tố thêm nhiều vụ án, nhiều bị can. Ðiển hình như các vụ án xảy ra tại Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn, tổ chức đánh bạc và đánh bạc tại Phú Thọ và một số địa phương, vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG, vụ án Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm, Ðinh Ngọc Hệ và đồng phạm… Công tác thu hồi tài sản tham nhũng cũng có nhiều chuyển biến tích cực; tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng được nâng lên. Năm 2013, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn thi hành án đạt dưới 10%, đến giai đoạn 2013 - 2020, bình quân đạt hơn 32%. Trong các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, việc thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản đạt khá cao. Riêng các lực lượng thi hành án, trong năm 2020 đã thu hồi số tiền đạt 61,8% tổng số tiền đã thu hồi từ năm 2013 đến nay…

Ðiều tra dư luận xã hội của Viện Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo T.Ư cho thấy, có 93% số cán bộ, đảng viên và nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng trong công tác đấu tranh PCTN. Tổ chức minh bạch quốc tế đánh giá, chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) của Việt Nam năm 2019 đứng thứ 96 trong số 180, tăng 27 bậc so năm 2012, trong bảng xếp hạng toàn cầu. Kết quả đó khẳng định mạnh mẽ, chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước làm Trưởng Ban là hoàn toàn đúng đắn, đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Ban Chỉ đạo với thành phần gồm những cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các cơ quan hết sức quan trọng của Ðảng và Nhà nước, chỉ đạo toàn diện trên phạm vi cả nước, thể hiện rõ quyết tâm chính trị rất cao của Ðảng, Nhà nước đối với công tác PCTN, quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, phát triển đất nước, củng cố niềm tin của nhân dân.

Phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, tạo sức mạnh tổng hợp

Theo Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN, một trong những nguyên nhân đạt kết quả nổi bật trong đấu tranh PCTN nhiệm kỳ qua, đó là sự nỗ lực, phối hợp nhịp nhàng của các cấp ủy, tổ chức đảng, bộ, ngành, địa phương, nhất là các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN. Kết quả đó có sự kế thừa, tiếp nối quá trình đấu tranh PCTN kiên trì, liên tục, bền bỉ qua nhiều nhiệm kỳ; sự đồng lòng nhất trí của toàn Ðảng, toàn dân; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của báo chí, truyền thông và toàn xã hội, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong PCTN.

Góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả PCTN là công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh nhiều sai phạm trong Ðảng và bộ máy Nhà nước. Theo đó, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã tích cực, chủ động, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, tập trung vào đối tượng, lĩnh vực, địa bàn phức tạp, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, những vấn đề dư luận bức xúc. Công tác thanh tra, kiểm toán được triển khai tương đối toàn diện, trọng tâm là các lĩnh vực, dự án có thông tin, dư luận về tiêu cực, tham nhũng, nhất là các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tài chính công, tài sản công, đầu tư công, mua sắm tập trung; các dự án BT, BOT, dự án sử dụng vốn ODA…

Ðiểm lại một số vụ án nghiêm trọng, phức tạp về tham nhũng, kinh tế cho thấy những đột phá trong phối hợp hiệu quả đấu tranh PCTN. Vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG là vụ án điển hình, được cho là đạt nhiều yếu tố trọn vẹn trong suốt quá trình xem xét, điều tra, truy tố, xét xử. Trọn vẹn bởi đã chỉ ra đúng bản chất vụ án là "bắt tay ngầm" đẩy giá trị doanh nghiệp, chiếm đoạt tiền nhà nước, là đưa và nhận hối lộ; là vụ án điển hình về khắc phục hậu quả, thu hồi tài sản nhà nước bị thất thoát và hối lộ; là mẫu về tranh tụng với số lượng luật sư tham gia bào chữa nhiều nhất (41 luật sư); quá trình đối đáp dân chủ, công khai; phương pháp làm việc vừa trọng nguyên tắc, pháp luật vừa bảo đảm tính nhân văn, động viên các bị cáo nói hết sự thật. Do đó, quá trình từ điều tra đến xét xử đều rất thuận lợi, 14 bị cáo, trong đó có một Ủy viên T.Ư Ðảng, một nguyên Ủy viên T.Ư Ðảng đều bày tỏ sự ăn năn, hối cải trước tòa…

Qua thực tiễn công tác xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, đồng chí Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết, thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sát sao từ Ban Chỉ đạo, Tòa án nhân dân tối cao luôn bảo đảm quy chế phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Công an, đặc biệt là các vụ án diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Hằng tháng, hằng quý, các tòa án nhân dân địa phương và Tòa án nhân dân tối cao báo cáo tiến độ giải quyết vụ án, những khó khăn, vướng mắc lên Ban Chỉ đạo... Sau mỗi phiên tòa xét xử các vụ án về tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, lãnh đạo tòa án cấp sơ thẩm và tòa án cấp phúc thẩm tổ chức họp rút kinh nghiệm, để nâng cao hơn nữa chất lượng xét xử.

Trên cơ sở thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành kiểm sát, đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên T.Ư Ðảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Viện đã chỉ đạo toàn ngành chủ động phối hợp cơ quan chức năng trong đấu tranh PCTN; tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra; chủ động đề ra các yêu cầu điều tra và phối hợp cơ quan điều tra kịp thời xác minh, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của các đối tượng thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản nhà nước, không để đối tượng che giấu, tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản; đồng thời kiên quyết bảo vệ quan điểm về tội danh, bảo đảm việc điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Viện đã phối hợp các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật kịp thời khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác PCTN…

Cuộc đấu tranh bền bỉ, dài lâu và cam go này thể hiện rõ vai trò tổng chỉ huy của Ban Chỉ đạo. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ đạo vừa tham mưu chủ trương, chính sách lớn về PCTN, vừa quyết liệt xử lý các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp; đồng thời chọn các khâu yếu, việc khó để tập trung chỉ đạo khắc phục. Ban Chỉ đạo thật sự là trung tâm điều hòa, phối hợp, tạo sự gắn kết đồng bộ, nhịp nhàng giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp và các cơ quan tham mưu, nghiệp vụ của Ðảng, huy động sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và toàn thể xã hội trong PCTN; trở thành chỗ dựa vững chắc để các cơ quan chức năng yên tâm thực thi nhiệm vụ PCTN.

Làm rõ thêm về cơ chế phối hợp và vai trò Ban Chỉ đạo, đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên T.Ư Ðảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính T.Ư, thành viên Ban Chỉ đạo cho biết, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, Ban Chỉ đạo đề ra cơ chế phối hợp năm cấp độ. Khi có vướng mắc, hoặc ý kiến khác nhau, ở cấp độ một, quá trình xử lý vụ án ở giai đoạn thuộc trách nhiệm ngành nào, thủ trưởng ngành đó chủ trì cuộc họp liên ngành để trao đổi, tháo gỡ. Nếu chưa thống nhất, Trưởng Ban Nội chính T.Ư tổ chức họp liên ngành để giải quyết. Khi chuyển cấp độ hai, đồng chí Thường trực Ban Bí thư, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo sẽ chủ trì cuộc họp. Ở cấp độ ba là tập thể Thường trực Ban Chỉ đạo chủ trì. Cấp độ bốn là họp toàn thể Ban Chỉ đạo, nếu còn vướng mắc tiếp tục chuyển cấp độ cuối cùng là tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Bên cạnh đó, có cơ chế phối hợp giữa các cục, vụ của các cơ quan liên ngành; cơ chế thường xuyên hội ý giữa ba đồng chí: Thường trực Ban Bí thư, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và Trưởng Ban Nội chính T.Ư. Ngoài ra, có ban chỉ đạo riêng đối với một số vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp. Với cơ chế đó, tất cả khó khăn, vướng mắc đều được tháo gỡ, bảo đảm điều tra, truy tố, xét xử đúng tiến độ, xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; không thiên vị, không oan sai, không nhẹ tay, đủ sức răn đe, giáo dục.

"Không ngừng, không nghỉ"

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác PCTN vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, PCTN là "chống giặc nội xâm", là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp, lâu dài; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, "không ngừng", "không nghỉ" ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự; với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm; phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng", một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để "không dám tham nhũng" và một cơ chế bảo đảm để "không cần tham nhũng"... Do vậy, trong đấu tranh PCTN không được chủ quan, nóng vội, thỏa mãn; không được né tránh, cầm chừng, không "ngừng", không "nghỉ"; vừa phải kiên quyết phát hiện, xử lý tham nhũng, vừa phải kiên trì giáo dục, quản lý, ngăn ngừa không để xảy ra tham nhũng, vừa phải luôn cảnh giác, đấu tranh với những âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng đấu tranh PCTN để kích động, chia rẽ, chống phá Ðảng, Nhà nước và chế độ ta.

Ðánh giá 10 nhiệm vụ xây dựng Ðảng nhiệm kỳ qua với nhiều thành tựu nổi bật cùng những hạn chế, khuyết điểm tồn tại, Trung ương đã xác định, tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Ðảng và chế độ. Do đó, nhiệm vụ "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTN, lãng phí" vẫn được coi là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong giai đoạn tiếp theo. Kiên quyết đấu tranh PCTN, lãng phí, tiêu cực, quan liêu, được xác định là một trong ba khâu đột phá về xây dựng Ðảng.

Theo Ban Chỉ đạo, trong từng giai đoạn khác nhau phải xác định những nhiệm vụ trọng tâm, những giải pháp có tính đột phá phù hợp tình hình của đất nước, của địa phương để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. Tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài về PCTN, để công tác PCTN đạt được kết quả toàn diện, rõ rệt, phải kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa "4 không" trong PCTN (không thể, không dám, không cần và không muốn tham nhũng). Trên tinh thần phát huy kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm trong công tác PCTN thời gian qua, để tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, với quyết tâm cao hơn, hành động mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn, Ban Chỉ đạo đã đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm công tác PCTN thời gian tới. Trong đó, nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu, quyết liệt của cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, trước hết là của người đứng đầu đối với công tác PCTN. Cấp ủy, tổ chức đảng phải xác định PCTN là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, cấp bách để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Ðồng chí bí thư cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, quyết liệt, đi đầu, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN. Song song nhiệm vụ tập trung đẩy mạnh rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý kinh tế - xã hội, xây dựng Ðảng, hệ thống chính trị và PCTN, tạo hành lang chính trị, pháp lý hoàn chỉnh, thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ, hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng; giám sát, kiểm soát quyền lực để bảo đảm quyền lực được thực hiện công khai, minh bạch, không bị lợi dụng, lạm dụng, "tha hóa"; hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới...

Từ năm 2013 đến nay, Ban Chỉ đạo đã đưa vào theo dõi, chỉ đạo hơn 800 vụ án, vụ việc ở ba cấp độ, trong đó trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 133 vụ án, 94 vụ việc, đã đưa ra xét xử sơ thẩm 86 vụ án với 814 bị cáo, trong đó có 18 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự (một Ủy viên Bộ Chính trị, bảy Ủy viên, nguyên Ủy viên T.Ư Ðảng, bốn bộ trưởng, nguyên bộ trưởng, bảy sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang...).