Kêu gọi người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch

Chiều 14-5, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo về công tác PCD trong giai đoạn hiện nay. Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hoan nghênh các lực lượng chức năng, nhất là các địa phương như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng đã tích cực vào cuộc, do vậy các ổ dịch ở các địa phương này cơ bản được kiểm soát… Phó Thủ tướng hoan nghênh nhiều địa phương có sáng kiến đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm. Bộ Y tế cũng đã tiếp thu ý kiến phản hồi, tiến hành bàn bạc có hướng dẫn kết hợp các loại xét nghiệm kháng nguyên và kháng thể. Tuy nhiên, trong những ngày tới, các địa phương sẽ xuất hiện thêm các ca mắc Covid-19, nhưng đều đã được cách ly hoặc khoanh vùng, có nguồn gốc.

Phó Thủ tướng lưu ý, hiện có hàng nghìn kỹ sư, công nhân, người lao động... làm việc ở các khu công nghiệp thuộc tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, cư trú ở các địa phương khác, nếu không kiểm soát tốt sẽ tạo nguy cơ cho các địa bàn cư trú. Trên tinh thần “không được để ngăn sông, cấm chợ”, ách tắc sản xuất, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang PCD trong các khu công nghiệp, từ đó rút kinh nghiệm cho tất cả các địa phương có khu công nghiệp tập trung…
 
 Phó Thủ tướng nhấn mạnh, nguyên nhân lớn nhất dẫn đến việc dập dịch chậm là do năng lực xét nghiệm chậm, cho nên phải tăng cường vấn đề này. Do vậy, ngoài hướng dẫn bằng văn bản, Bộ Y tế thành lập, củng cố Tổ chuyên gia tư vấn cho các địa phương trong mọi tình huống dịch bệnh, tương tự cơ chế nhóm chuyên gia đầu ngành hỗ trợ các bệnh viện điều trị cho những người mắc Covid-19 nặng.
 
 Tại cuộc họp, theo báo cáo của Bộ Y tế, một trong những khó khăn hiện nay, người lao động làm việc trong các khu công nghiệp ở Bắc Ninh sinh sống ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau, việc quản lý công nhân, nhất là những trường hợp thuộc diện F2 tại nơi cư trú gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, ngày 14-5, Tổ thông tin đáp ứng nhanh của Ban Chỉ đạo quốc gia đã gọi điện kiểm tra, phát hiện còn 22 trong tổng số 66 trường hợp F2 (được công bố vào ngày 12-5) chưa được chính quyền, y tế cơ sở đưa vào diện theo dõi, cách ly y tế tại nhà… Về vấn đề này, Phó Thủ tướng nêu rõ, trên thực tế, việc truy vết và quản lý các trường hợp F2, F3 vẫn còn lỏng lẻo. Các địa phương cần thực hiện nghiêm túc trong việc quản lý những trường hợp này, tránh tạo nên “mầm họa dịch bệnh trong cộng đồng”. Phó Thủ tướng đề nghị nhanh chóng kiện toàn và tái kích hoạt Tổ thông tin đáp ứng nhanh của Ban Chỉ đạo quốc gia; ngoài công cụ nhắn tin tự động, trực tiếp gọi điện cho các trường hợp F2, F3 như đã thực hiện trong những đợt chống dịch trước đó thì tăng cường sự phối hợp, chia sẻ dữ liệu giữa lực lượng công an truy vết ở cơ sở với lực lượng theo dõi các trường hợp F2, F3 dựa vào các mã QR code khai báo y tế để có thông tin hữu ích giúp truy vết, khoanh vùng hiệu quả hơn.
 
 Phó Thủ tướng cũng đề nghị toàn hệ thống PCD luôn đặt trong tình trạng “trực chiến”, khi phát hiện ca bệnh trong cộng đồng, lập tức ra quân nhanh nhất, khoanh vùng ngay lập tức. Yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm thông điệp 5K; thời gian tới, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, các địa phương không thực hiện nghiêm, để dịch bệnh xảy ra, dứt khoát phải “cột” trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân có liên quan. Thay mặt Ban Chỉ đạo quốc gia PCD Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi tất cả người dân thực hiện nghiêm các biện pháp PCD, nhất là thực hiện nghiêm thông điệp 5K, tạo thành thói quen trong việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, sát khuẩn tay... “mỗi người an toàn, cả nước mới an toàn được”.
 
 Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong ngày 14-5, cả nước ghi nhận 106 trường hợp mắc Covid-19 (người bệnh từ 3.711 đến 3.816), trong đó có hai ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 104 ca ghi nhận trong nước, tại tỉnh Bắc Giang (16 ca), Bắc Ninh (46 ca), Hà Nội (17 ca), Lạng Sơn (sáu ca), Nam Định (hai ca), Thái Bình (hai ca), Hưng Yên (một ca), Đà Nẵng (ba ca), Điện Biên (một ca); Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (tám ca), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cơ sở 2 (hai ca). Các ca mắc Covid-19 trong ngày là người bệnh, người nhà người bệnh đang được cách ly tại bệnh viện được phong tỏa, trong khu vực đã được cách ly và đều có liên quan dịch tễ với các ổ dịch đã được công bố.
 
 Ngày 14-5, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu các địa phương, đơn vị chuẩn bị ngay kế hoạch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đợt ba; rà soát tất cả các điểm tổ chức triển khai tiêm chủng trên địa bàn, trong đó sẽ mở rộng đối tượng và phạm vi tiêm chủng. Việc triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đợt ba sẽ được thực hiện với phương châm tiêm đến đâu an toàn đến đó, bảo đảm an toàn và độ bao phủ tiêm chủng. Dự kiến, ngày 16-5-2021, Việt Nam sẽ tiếp tục nhận 1.682,400 liều vắc-xin phòng Covid-19 của AstraZeneca do COVAX Facility tài trợ. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn yêu cầu Cục Y tế dự phòng chủ động rà soát các hướng dẫn của Bộ Y tế cho phù hợp với nhu cầu xét nghiệm trong tình hình hiện nay; xây dựng kịch bản xét nghiệm cụ thể, chi tiết trong tình huống toàn quốc có 30 nghìn người mắc Covid-19; phối hợp Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo tổ chức tập huấn cập nhật kiến thức về xét nghiệm cho đơn vị. Các địa phương cần chủ động, khẩn trương chuẩn bị máy móc, thiết bị cho nhu cầu xét nghiệm vi-rút SARS-CoV-2 theo tinh thần “bốn tại chỗ”, không để thiếu hụt khi dịch lan rộng trong cộng đồng... Hiện, cả nước có 175 phòng xét nghiệm thực hiện kỹ thuật Realtime RT-PCR, với công suất hơn 65 nghìn mẫu (đơn)/ngày. Trong trường hợp cần thiết có thể nâng công suất lên từ 1,5 đến 2 lần để phục vụ công tác PCD.
 
 Trong ngày, một số địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp PCD. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh An Giang tập huấn hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại nơi làm việc, ký túc xá cho người lao động tại các khu công nghiệp trong tỉnh. Theo đó, hướng dẫn quy trình xử trí khi có trường hợp nghi nhiễm; cách bố trí phòng cách ly tại cơ sở; vệ sinh khử khuẩn tại nơi làm việc, ký túc xá cho người lao động; khai báo y tế và quét mã QR; đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho người lao động... Tỉnh Nghệ An tổ chức lễ phát động phong trào toàn dân tham gia PCD Covid-19, ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép nhằm tuyên truyền, vận động mọi người dân có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch Covid-19; từ đó huy động sức mạnh toàn dân tham gia PCD và ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép ở khu vực biên giới. Kể từ 12 giờ ngày 14-5, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh đóng chốt kiểm soát liên ngành trên tỉnh lộ 345 (nối thị xã Đông Triều, Quảng Ninh với tỉnh Bắc Giang), trừ những trường hợp đặc biệt được đi qua như: xe cứu thương, xe thực thi công vụ; xe của các cơ quan ngoại giao; xe chở lương thực, thực phẩm thiết yếu; xe chở người đi tỉnh khác khám bệnh; xe đón người đi chữa bệnh về; xe đón, chở người hoàn thành cách ly. Đối với các chốt kiểm soát liên ngành còn lại, đóng chốt vào 21 giờ và mở chốt vào 6 giờ hằng ngày. Công dân, người lao động thị xã Đông Triều đi, đến làm việc, học tập, thăm thân… tại các tỉnh ngoài (áp dụng với cấp huyện đang có dịch), thị xã khuyến cáo không nên quay về địa phương trong thời gian này, nếu quay về phải cách ly 21 ngày theo hình thức tự trả phí. Công dân từ tỉnh ngoài đến làm việc, học tập tại các doanh nghiệp trên địa bàn phải thực hiện khai báo y tế trung thực, cam kết thực hiện nghiêm “5K”. Riêng người lao động đến từ các tỉnh có dịch phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19. Tỉnh Vĩnh Phúc đã chuẩn bị phương án nâng công suất các khu cách ly để bảo đảm khi dịch tăng lên. Hoạt động của các khu cách ly tập trung đã dần đi vào ổn định, duy trì tốt công tác an ninh, trật tự và đáp ứng được các quy định về PCD. Tỉnh cũng tiếp tục nâng công suất xét nghiệm bằng cách bổ sung nhân lực lấy mẫu tại các đơn vị y tế, phấn đấu đạt 20.000 mẫu/ngày. Tỉnh Thanh Hóa ban hành hướng dẫn PCD trong bầu cử. Theo đó, với địa phương có dịch Covid-19, các xã, phường, thị trấn thực hiện giãn cách xã hội, bố trí cử tri đi bỏ phiếu bầu cử theo khu vực, điểm dân cư, theo thời gian nhất định. Trường hợp phải mang hòm phiếu phụ đến nhà cho cử tri thực hiện quyền công dân, hai thành viên tổ bầu cử phải khử khuẩn hòm phiếu, phiếu bầu... Sau bầu cử, tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm vi-rút SARS-CoV-2 cho thành viên tổ bầu cử, các cá nhân có tiếp xúc gần với trường hợp nghi ngờ hoặc mắc Covid-19 thuộc điểm bỏ phiếu bầu cử.
 
 Cùng ngày, diễn ra các hoạt động động viên, hỗ trợ các lực lượng tuyến đầu PCD. Công an tỉnh Thanh Hóa tiến hành cấp phát thực phẩm, vật tư, trang thiết bị PCD của các doanh nghiệp tài trợ cho các đơn vị trong tỉnh, tổng giá trị gần 180 triệu đồng. Đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng và Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đã đến thăm, động viên và thưởng nóng cho UBND quận Sơn Trà và Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng, mỗi đơn vị 100 triệu đồng. Đây là hai đơn vị đã nỗ lực rất lớn trong việc ngăn chặn ổ dịch lớn tại Khu công nghiệp Đà Nẵng (Khu công nghiệp An Đồn). Thứ trưởng Trần Văn Thuấn tặng quà cho cán bộ y tế, nhân viên Bệnh viện K cơ sở Tân Triều 25 nghìn chiếc khẩu trang y tế, 200 bộ bảo hộ phòng dịch Vinut và 200 bộ bảo hộ phòng dịch Tyvek. Dịp này, Công ty cổ phần chứng khoán SSI trao tặng Bệnh viện K, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 (Hà Nam), Bệnh viện Phổi Đà Nẵng mỗi đơn vị 500 triệu đồng để PCD. Ngoài ra, công ty trao tặng Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh 2.800 kít xét nghiệm RT-PCR. Tổng giá trị quà tặng ba tỷ đồng.
 
 

 Chiều 14-5, Sở Y tế Hà Nội có văn bản khẩn gửi Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố chỉ đạo việc thực hiện rà soát, quản lý, xét nghiệm cho những người đã đến TP Đà Nẵng trong khoảng thời gian từ ngày 1-5 đến 14-5 và đã khai báo y tế trên hệ thống khai báo y tế điện tử tokhaiyte.vn; lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 và yêu cầu người dân tự cách ly tại nhà, theo dõi sức khỏe đủ 21 ngày kể từ ngày cuối cùng đến/ở TP Đà Nẵng. Đối với những người đã đến TP Đà Nẵng trong khoảng thời gian từ ngày 1-5 đến khi tình hình dịch bệnh ổn định chưa khai báo y tế: cần rà soát, lập danh sách bổ sung và yêu cầu thực hiện tự cách ly tại nhà, theo dõi sức khỏe đủ 21 ngày kể từ ngày cuối cùng đến/ở TP Đà Nẵng. Với tất cả những trường hợp đã từng đến TP Đà Nẵng chưa qua 28 ngày nếu có biểu hiện ho, sốt, khó thở hoặc có các triệu chứng nghi ngờ nhiễm Covid-19 thì phải được chuyển ngay đến các cơ sở y tế để cách ly, điều trị kịp thời…