Hội nhập kinh tế quốc tế - một điểm sáng trong công tác đối ngoại năm 2020

LTS - Nhân dịp năm mới, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả triển khai hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong năm 2020 và phương hướng hội nhập kinh tế của nước ta trong giai đoạn mới. Xin trân trọng giới thiệu nội dung trả lời phỏng vấn.

Việt Nam hoàn tất đàm phán FTA với Anh, đối tác quan trọng tại châu Âu. Ảnh BỘ NGOẠI GIAO
Việt Nam hoàn tất đàm phán FTA với Anh, đối tác quan trọng tại châu Âu. Ảnh BỘ NGOẠI GIAO

Phóng viên (PV): Xin Thứ trưởng đánh giá những nét nổi bật của liên kết kinh tế quốc tế trong năm 2020 và tác động với hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam?

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Năm 2020, kinh tế thế giới và liên kết kinh tế quốc tế diễn biến phức tạp, nhiều rủi ro, đan xen giữa các mảng màu "sáng", "tối". Dịch Covid-19 dù đặt ra nhiều thách thức mới nhưng cũng làm sâu sắc thêm những xu thế liên kết diễn ra những năm qua, đồng thời đẩy nhanh một số xu thế mới.

Trước hết, liên kết kinh tế quốc tế tiếp tục được thúc đẩy sâu rộng. Nổi bật là việc ký và thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA); thúc đẩy thương lượng, ký hiệp định về những vấn đề mới như kinh tế số, thương mại điện tử…; xây dựng và thông qua những định hướng hợp tác dài hạn. Thứ hai, nội hàm hợp tác và liên kết kinh tế được điều chỉnh sâu sắc, gắn với phát triển bền vững, bao trùm và quá trình số hóa. Thứ ba, xu hướng điều chỉnh các chuỗi cung ứng, dịch chuyển các hoạt động đầu tư, kinh doanh được đẩy mạnh hơn song không đơn giản và dễ dàng.

Tình hình này tác động nhiều chiều đến Việt Nam, nhất là khi nước ta bước vào giai đoạn hội nhập và liên kết sâu rộng. Chủ động, tích cực tham gia hiệu quả các liên kết kinh tế quốc tế tạo cơ hội giúp chúng ta tiếp tục đa dạng hóa thị trường, đối tác, thu hút nguồn lực để phát triển, tranh thủ các xu hướng lớn hiện nay, nhất là tại châu Á - Thái Bình Dương, nhằm phục hồi và tăng trưởng nhanh, bền vững. Việc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Ðông - Nam Á (ASEAN) năm 2020, Chủ tịch Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA) 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 giúp chúng ta phát huy tiếng nói trong các khuôn khổ đa phương, cùng các đối tác tham gia quá trình định hình các cấu trúc, xây dựng luật lệ kinh tế - thương mại phù hợp lợi ích chung.

PV: Nhìn lại năm 2020, có thể nói hội nhập kinh tế quốc tế là một trong những điểm sáng trong triển khai đối ngoại của đất nước. Thứ trưởng nhận định thế nào về điều này?

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Năm 2020, nước ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, đạt nhiều thành tựu về phát triển và đối ngoại, được bạn bè quốc tế ca ngợi. Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế có những bước tiến quan trọng, đưa nước ta trở thành một trong những nước đi đầu tại khu vực trong thúc đẩy và tham gia các liên kết kinh tế quốc tế, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để phục vụ phát triển đất nước.

Chúng ta đã tích cực vận động, phối hợp Liên hiệp châu Âu (EU) hoàn thành phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); đưa EVFTA vào thực thi từ ngày 1-8-2020. Chúng ta cũng ký biên bản kết thúc đàm phán hiệp định FTA với Anh, nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước.

Là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đã phối hợp các thành viên ASEAN và các đối tác thúc đẩy ký Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), khẳng định quyết tâm giữ đà hợp tác và liên kết, củng cố niềm tin và tạo động lực cho phục hồi kinh tế khu vực. Chúng ta cũng chủ động thúc đẩy thông qua Tầm nhìn Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đến năm 2040 và nhiều sáng kiến quan trọng về ứng phó dịch Covid-19, phục hồi chuỗi cung ứng khu vực...

Với những bước tiến trong năm 2020 và những kết quả triển khai hội nhập kinh tế quốc tế nhiều năm qua, chúng ta đã cơ bản định hình mạng lưới gồm 17 FTA và các khuôn khổ hợp tác kinh tế, thương mại với các trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới. Vị thế này sẽ tạo động lực giúp thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ, đưa đất nước vững bước tiến lên, hiện thực hóa những tầm nhìn và khát vọng phát triển trong giai đoạn chiến lược mới.

PV: Ðất nước đang bước vào giai đoạn hội nhập và liên kết kinh tế sâu rộng, toàn diện. Xin Thứ trưởng chia sẻ những định hướng hội nhập kinh tế của nước ta trong giai đoạn mới và đóng góp của ngành ngoại giao?

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Với những thành tựu to lớn sau 35 năm đổi mới và 25 năm hội nhập quốc tế kể từ khi chúng ta tham gia ASEAN, với vị thế và uy tín quốc tế ngày càng được khẳng định, đất nước ta bước sang giai đoạn tham gia liên kết kinh tế quốc tế với một tâm thế hoàn toàn mới.

Ðể tận dụng và phát huy hơn nữa những thành tựu đạt được, nâng tầm sự tham gia, đóng góp và vai trò, Việt Nam cần tập trung vào một số định hướng. Một là, ưu tiên thực thi hiệu quả những cam kết trong các FTA và tại các cơ chế hợp tác kinh tế mà chúng ta là thành viên. Hai là, tiếp tục hoàn thiện, mở rộng mạng lưới liên kết, hội nhập kinh tế song phương và đa phương với các đối tác và tổ chức trên thế giới. Ba là, cần nỗ lực và chủ động tham gia quá trình định hình cấu trúc khu vực, xây dựng các khuôn khổ, quy định quản trị kinh tế ở tầm khu vực, liên khu vực và toàn cầu; đóng góp hiệu quả, trách nhiệm vào giải quyết những vấn đề chung.

Trong chặng đường 75 năm vẻ vang của ngành ngoại giao, Bộ Ngoại giao đã có những đóng góp to lớn, thiết thực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. Trong giai đoạn chiến lược mới, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước, ngành ngoại giao sẽ tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong việc tạo dựng môi trường hòa bình, thuận lợi cho phát triển, nâng cao vị thế đất nước. Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển sẽ tiếp tục là một nhiệm vụ trọng yếu. Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục nỗ lực, tận dụng và phát huy tiềm lực, vai trò và vị thế của đất nước để đóng góp thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách và mục tiêu phát triển.