Hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Ngày 8-9, tại TP Cần Thơ, Ban Kinh tế T.Ư phối hợp Thành ủy Cần Thơ tổ chức hội nghị nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW, ngày 5-8-2020, của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng chí NGUYỄN VĂN BÌNH, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư dự và chỉ đạo hội nghị.

Nghị quyết số 59 của Bộ Chính trị nêu quan điểm, mục tiêu cùng các nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức thực hiện cho giai đoạn phát triển mới, trong đó nhấn mạnh phải tạo sự thống nhất cao từ Trung ương đến địa phương, doanh nghiệp và người dân về vai trò trung tâm của thành phố; quy hoạch, quản lý quy hoạch, nhất là đô thị; phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng.
 
 Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: Nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của Nghị quyết 59 là xây dựng và phát triển TP Cần Thơ thật sự trở thành trung tâm của vùng Tây Nam Bộ. Do đó, trong quá trình phát triển, bên cạnh phát triển kinh tế, TP Cần Thơ cần xác định trở thành trung tâm về lĩnh vực gì để có sức lan tỏa cho các vùng. Hiện nay, TP Cần Thơ bước đầu trở thành trung tâm giáo dục, y tế, nên cần tiếp tục phát huy, đồng thời đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ lan tỏa cho toàn vùng thời gian tới; tiếp tục phát triển đô thị sinh thái, giữ gìn nét đặc trưng đô thị vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long. Đồng chí cũng lưu ý Thành ủy Cần Thơ tập trung xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh và ngang tầm với nhiệm vụ để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết quan trọng nêu trên.
 
 ★ Chiều 8-9, Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức lễ trao quyết định cán bộ. Đến dự có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Theo đó, Ban Bí thư quyết định chỉ định đồng chí Phạm Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh tham gia làm Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015-2020.
 
 Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân chúc mừng đồng chí Phạm Thị Hồng Hà và nhấn mạnh quyết định của Ban Bí thư rất có ý nghĩa, góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố với hoạt động của UBND thành phố Hồ Chí Minh nói chung, đặc biệt là lĩnh vực tài chính, một trong những lĩnh vực có tầm quan trọng đối với thành phố. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ tin tưởng đồng chí Phạm Thị Hồng Hà sẽ lãnh đạo Sở Tài chính tiếp tục đoàn kết, xây dựng tập thể có năng lực chuyên môn cao, ý thức chính trị cao, góp phần đưa thành phố tiếp tục phát triển.
 
 ★ Ngày 8-9, tỉnh Lạng Sơn tổ chức Đại hội thi đua yêu nước lần thứ 5 (2020-2025). Đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua Khen thưởng T.Ư, cùng 228 đại biểu điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước của tỉnh dự.
 
 Phát biểu ý kiến tại Đại hội, Phó Chủ tịch nước vui mừng nhận thấy, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã ra sức thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, đạt 18/20 chỉ tiêu nhiệm kỳ, kinh tế tiếp tục phát triển, GRDP bình quân tăng 5,45%/năm; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư; kinh tế cửa khẩu phát triển; tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực.
 
 Đồng chí biểu dương và đánh giá cao những kết quả, thành tích xuất sắc mà tỉnh đã đạt được, đồng thời mong muốn và đề nghị trong thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục triển khai các phong trào thi đua bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Trong đó, tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy tiềm năng thế mạnh của tỉnh, huy động các nguồn lực tập trung đầu tư phát triển kinh tế cửa khẩu, công nghiệp, thương mại, du lịch; Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.
 
 Nhân dịp này, 29 tập thể và 51 cá nhân tiêu biểu, điển hình thi đua yêu nước tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2015 - 2020 được nhận Huân chương Lao động hạng nhì và hạng ba của Chủ tịch nước, nhận Bằng khen, Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ.
 
 ★ Ngày 8-9, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (Ban Chỉ đạo IUU) theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC).
 
 Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, với tư cách Trưởng Ban Chỉ đạo IUU, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, trong thời gian qua, Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với phía EC trong công tác chống khai thác IUU và đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc thực thi các khuyến nghị của phía EC.
 
 Tuy nhiên, những kết quả này vẫn chưa đạt yêu cầu, vẫn có nhiều tồn tại, hạn chế. Do vậy, yêu cầu đặt ra là phải tiếp tục có các giải pháp phù hợp, quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa để sớm đạt được thực thi những biện pháp mà EC đặt ra, gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam; bảo đảm các kết quả này là vững chắc, thực chất. Từ nay đến cuối năm, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tập trung quán triệt, tổ chức triển khai nghiêm túc các chỉ thị, ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các văn bản chỉ đạo của Trưởng ban Chỉ đạo và các chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
 
 Phó Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng tiếp tục tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các khu vực vùng biển chống lấn, chưa được phân định giữa Việt Nam và các nước. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan và 28 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư ven biển kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá trước khi xuất, cập bến, kiên quyết ngăn chặn các tàu cá không có giấy tờ, trang thiết bị theo quy định, nhất là thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS). Bộ Công an chỉ đạo lực lượng chức năng kiên quyết điều tra, xử lý dứt điểm các vụ việc có dấu hiệu môi giới, móc nối đưa tàu cá Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp quốc tế trong quá trình điều tra, xử lý vi phạm. Bộ Ngoại giao tăng cường, thúc đẩy đàm phán ký kết phân định vùng đặc quyền kinh tế giữa Việt Nam và các nước. Trước mắt, cần đề nghị phía bạn ký kết thỏa thuận hợp tác khai thác hải sản tại khu vực vùng biển đang chồng lấn, chưa được phân định giữa hai nước để làm cơ sở bảo đảm an ninh, an toàn cho hoạt động khai thác hải sản của ngư dân hai nước, không làm phức tạp tình hình khi bắt giữ, xử lý tàu cá Việt Nam hoạt động ở khu vực này; mọi tranh chấp vùng biển phải được giải quyết trên cơ sở đàm phán ngoại giao giữa hai nước…
 
 Về giải pháp lâu dài, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần giảm khai thác, tăng nuôi trồng, trong đó có nuôi trồng biển, do đó phải đổi mới, tái cơ cấu ngành; đồng thời giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện chống khai thác IUU…