Hài hòa lợi ích

Bên lề buổi lễ trao quyết định về công tác cán bộ cho một đồng chí từ Tỉnh ủy luân chuyển về làm bí thư huyện ủy, một người lên tiếng:

- Ông thấy sao khi có hàng chục vị trí cán bộ chủ chốt các sở, ngành, quận, huyện, các cơ quan đảng đến cơ quan chính quyền được đảo đổi sau đại hội Ðảng bộ tỉnh?

- Nghe qua thông tin, tôi cũng thấy liên tục có sự thay đổi người đứng đầu các cơ quan cấp tỉnh cũng như đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, đối với yêu cầu đặt ra trong công tác luân chuyển cán bộ thì điều đó cũng là bình thường.

- Vâng, chủ trương của Ðảng về đổi mới công tác cán bộ, trong đó có công tác luân chuyển cán bộ nhiều năm qua đã ghi nhận kết quả tích cực trong khắc phục tình trạng khép kín, bè phái, cục bộ, hay quan hệ dòng họ, thân quen; nhằm mục đích đào tạo, bồi dưỡng toàn diện và bố trí, sử dụng cán bộ. Các cán bộ trẻ, có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện thực tiễn… Tuy nhiên, theo tôi cần xét kỹ từng trường hợp, cân nhắc quyền lợi, trách nhiệm của cán bộ luân chuyển, tính ổn định của nơi đi cũng như nơi đến. Làm sao để hài hòa lợi ích của cá nhân cán bộ luân chuyển, cũng như đơn vị, địa phương, để cán bộ, đảng viên nhận thấy khi thực hiện công tác cán bộ luôn phải đặt lợi ích tập thể lên trên hết, trước hết. Tôi nói vậy là nghe ở một số nơi hiện nay, dư luận đặt vấn đề, với cán bộ thì đi như "tráng men", với đơn vị, địa phương luôn trong tình trạng bàn tán việc "sếp" đi hay ở, và ai sẽ thay thế… Trong thời gian ngắn sau đại hội mà phần lớn các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đều "xôn xao" chuyện "tống cựu, nghinh tân" thì đúng là cần xem xét…

- Bác nói có lý, thí dụ như huyện ta, chỉ trong vài năm, có tới bốn đồng chí "đi - về" ở vị trí bí thư huyện ủy. Ðồng chí A là cán bộ luân chuyển về vừa đủ ba năm thì được điều đi. Ðồng chí B là cán bộ tại chỗ lên thay, chưa được bao lâu thì "dính" kỷ luật, đồng chí nữ về thay. Trong khi tình hình vừa tạm ổn thì Tỉnh ủy lại điều đồng chí nữ bí thư đi nơi khác, đưa đồng chí mới về. Chẳng phải cơ quan luôn trong tình trạng thấp thỏm, tổ chức và tâm lý đều bị xáo trộn, không khỏi ảnh hưởng kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

- Vâng, đó là điều còn gây băn khoăn ông ạ…

Từ trao đổi nêu trên cho thấy còn một số vấn đề chung quanh công tác điều động, luân chuyển cán bộ cần được xem xét. Trên thực tế, luân chuyển cán bộ là chủ trương đúng đắn, được Ðảng ta đặt ra từ nhiều nhiệm kỳ và đã có nhiều kết quả nổi bật. Gần nhất là Quy định số 98-QÐ/TW, ngày 7-10-2017, của Bộ Chính trị khóa XII về luân chuyển cán bộ. Trung ương nhất quán quan điểm, công tác luân chuyển cán bộ phải đặt dưới sự lãnh đạo thường xuyên, trực tiếp, toàn diện của các cấp ủy, tổ chức đảng; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu… Luân chuyển cán bộ phải bảo đảm tổng thể, đồng bộ, liên thông, thường xuyên, liên tục; bố trí cân đối, hài hòa giữa luân chuyển cán bộ với việc phát triển nguồn cán bộ tại chỗ. Việc luân chuyển cán bộ phải có kế hoạch cụ thể và có lộ trình từng bước thực hiện. Việc xem xét, bố trí cán bộ sau luân chuyển cần căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, tình hình thực tiễn; kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị…

Quy định của Bộ Chính trị cũng nêu rõ phạm vi, đối tượng, chức danh luân chuyển; Tiêu chuẩn, điều kiện của cán bộ luân chuyển; Thẩm quyền, trách nhiệm của cấp quản lý cán bộ… Tuy nhiên, quá trình thực thi Quy định cần hơn hết sự bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, công bằng từ cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, người có thẩm quyền, trách nhiệm về công tác cán bộ, để không bị lợi dụng cho mục đích cá nhân hay lợi ích nhóm; bảo đảm chọn đúng người, đúng việc, đúng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong quá trình luân chuyển cán bộ, đáp ứng yêu cầu đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ của Ðảng.