Giảm giá thôi chưa đủ

Chưa bao giờ du lịch nội địa lại được quan tâm đến thế, khi các chương trình kích cầu du lịch nội địa, với những ưu đãi đặc biệt về giá được tung ra để thu hút khách. Điều này xuất phát từ thực tế, du lịch nội địa là giải pháp duy nhất để “cứu” ngành du lịch trong bối cảnh Việt Nam chưa mở cửa tiếp nhận khách quốc tế do dịch Covid-19. Giá cả là một yếu tố quan trọng, nhưng không phải nhân tố quyết định đối với phát triển du lịch, nhất là về lâu dài, khi dịch bệnh qua đi.

Khách du lịch tham quan đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị). Ảnh: QUẢNG HÀ
Khách du lịch tham quan đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị). Ảnh: QUẢNG HÀ

“Mưa” ưu đãi

Chưa cần tới thời điểm Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, từ trước đó, nhất là dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, khi Việt Nam bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội, các hoạt động kích cầu du lịch đã được khởi động. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Đức Hải cho biết: “Kinh nghiệm ở các nước trên thế giới cho thấy, sau những đợt khủng hoảng du lịch do dịch bệnh gây ra, du lịch nội địa luôn là mảng phục hồi nhanh nhất, do khách du lịch thận trọng, muốn nghe ngóng, kiểm chứng thông tin trước khi đi du lịch nước ngoài. Việt Nam không phải là một ngoại lệ”. Với điều kiện hiện tại, khi Chính phủ chưa cho phép mở lại các đường bay quốc tế, khách nội địa là đối tượng khách hàng duy nhất có thể giúp ngành du lịch phục hồi. Chưa bao giờ các ưu đãi dành cho khách du lịch nội địa lớn đến thế.

Các hãng hàng không liên tục tung các chương trình khuyến mãi giảm giá để kích cầu du lịch. Vietjet Air ra mắt hơn 200.000 vé giá 0 đồng (chưa bao gồm thuế, phí) trên khắp các đường bay từ nay đến ngày 30-6. Ngày 18-5, Vietnam Airlines cũng công bố triển khai mức giá vé từ 49.000VNĐ/chặng (đã bao gồm thuế phí là 525.000VNĐ/chặng) trên các chuyến bay liên danh Vietnam Airlines - Jetstar Pacific. Chương trình áp dụng cho khách mua vé và thực hiện hành trình trên các đường bay giữa TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng, thời gian đến hết ngày 30-6. Bamboo Airways tung ra giá vé 45.000 đồng/chiều (chưa gồm thuế, phí), các combo vé máy bay - khách sạn…

Hàng không và dịch vụ lữ hành được xem như “đôi cánh” của một con chim. Giá vé máy bay giảm khiến các doanh nghiệp lữ hành có thể đưa ra những ưu đãi đến không ngờ. Công ty lữ hành Hanoitourist chào bán giá nhiều tour cho khách giảm từ 30 - 40%. Hanoi Redtour mở bán nhiều tour giá tiết kiệm xuất phát từ Hà Nội như: Đà Nẵng từ 4,55 triệu đồng, Quy Nhơn từ 5,15 triệu đồng, Phú Quốc từ 5,43 triệu đồng, kỳ nghỉ cuối tuần tại Flamingo Đại Lải 1,75 triệu đồng… Trong đó, giá trị của nhiều tour thậm chí còn rẻ ngang giá máy bay so với thời điểm trước dịch bệnh xảy ra.

Các cơ sở lưu trú, địa điểm du lịch tại khắp các địa phương cũng “nhập cuộc” nhanh chóng. Các địa phương như Thừa Thiên Huế, Quảng Ninh, Đà Nẵng... đều đưa ra các ưu đãi về giá vé các địa điểm tham quan, du lịch.

Giảm giá chưa phải là tất cả

Những năm gần đây, du lịch Việt Nam luôn bị “mất khách” do nhiều người Việt thay vì chọn du lịch trong nước đã đi du lịch nước ngoài, nhất là các nước trong khu vực, khi mà những tour du lịch từ miền nam ra miền bắc hay ngược lại thường có chi phí cao hơn so với đi Thái-lan, không kém bao nhiêu so với đi Malaysia - hai quốc gia có ngành du lịch phát triển trong khu vực. Dịch Covid-19 vô tình khiến các doanh nghiệp buộc phải liên kết, khắc phục điểm yếu “mạnh ai nấy làm” lâu nay. Đó là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, mức giảm giá hiện nay được nhiều chuyên gia cho là quá sâu, ăn mòn lợi nhuận doanh nghiệp.

Bởi vậy, các địa phương, các doanh nghiệp trong chuỗi kinh tế du lịch cần tính đến những biện pháp dài hạn. Đó là xây dựng chiến lược giá hợp lý, liên kết bền vững và khẩn trương khắc phục những nhược điểm lâu nay, nâng cao chất lượng phục vụ. Giám đốc AZA Travel (trụ sở tại Hà Nội) Nguyễn Tiến Đạt đề xuất: “Các doanh nghiệp, các địa phương nên cùng phát động phong trào làm sạch môi trường du lịch, làm sạch các con sông, bờ biển, các khu du lịch. Đồng thời, cần phát động phong trào văn minh du lịch đối với cả cơ sở du lịch, doanh nghiệp lữ hành và khách du lịch”. Trên thực tế, Việt Nam đã ban hành Quy tắc ứng xử văn minh du lịch từ lâu, nhưng quy tắc này vẫn chưa đi vào đời sống. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội thì cho rằng, một trong những điểm yếu của du lịch Việt Nam là chất lượng nhân lực. Các doanh nghiệp nên tranh thủ thời gian vắng khách tập trung đào tạo, bồi dưỡng nhân lực để nâng cao chất lượng dịch vụ, trong đó có du lịch cộng đồng.

Dịch Covid-19 làm thay đổi nếp sống, thói quen tiêu dùng của người dân, trong đó có du lịch. Lối sống “online” lên ngôi có tác động mạnh đến du lịch. Bà Nguyễn Thu Thủy, giảng viên Khoa Du lịch học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và nhân văn cho rằng, du lịch thông minh đã phát triển nhờ công nghệ 4.0 nay sẽ càng phát triển hơn. Khách chưa thật sự an tâm về dịch bệnh nên khách nội địa trước mắt sẽ tự đi, đặt khách sạn, tự lái xe hoặc mua combo vé máy bay khách sạn. Do đó, các hãng lữ hành cần chuyển mình theo hướng số hóa hoặc tạo những sản phẩm đặc thù có sự khác biệt cao, làm nổi bật điểm đến an toàn, thân thiện.

Dịch bệnh rồi sẽ qua đi, người Việt sẽ lại “nhìn sang” du lịch các nước. Khi đó, giá cả chỉ là một yếu tố, bên cạnh tiêu chí chất lượng dịch vụ. Khẩu hiệu “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” chỉ thật sự có ý nghĩa, có tác dụng bền vững nếu khách du lịch được hưởng những dịch vụ chất lượng tốt, môi trường du lịch giàu tính nhân văn với giá cả hợp lý.