Di sản của Ph.Ăng-ghen

Với lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc, trong những ngày này, giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các lực lượng xã hội tiến bộ trên toàn thế giới long trọng kỷ niệm 200 năm Ngày sinh của Ph.Ăng-ghen - nhà lý luận lỗi lạc, chiến sĩ cách mạng kiên cường, lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và những người cộng sản thế giới.

Di sản của Ph.Ăng-ghen

Ph.Ăng-ghen sinh ngày 28 tháng 11 năm 1820 trong một gia đình tư sản công nghiệp ở thành phố Bác-men, tỉnh Ranh của Vương quốc Phổ (thuộc nước Đức ngày nay). Dòng tộc Ông sở hữu một khối lượng tài sản khổng lồ gồm các cơ sở sản xuất hàng dệt may và buôn bán hàng dệt may. Với truyền thống và cơ ngơi của dòng tộc như vậy, cha của Ph.Ăng-ghen muốn Ph.Ăng-ghen trở thành thương gia và sau này sẽ là người kế nghiệp mình nên khi Ăng-ghen chưa tốt nghiệp trung học, Ông đã phải chuyển sang học nghề buôn theo quyết định của cha mình. Mặc dù phải làm theo ý của cha nhưng khát vọng của Ph.Ăng-ghen không phải trở thành một nhà tư bản giàu có vì sống trong dòng tộc tư bản công nghiệp, Ông hiểu rất rõ sự giàu có của các nhà tư bản hình thành trên sự nghèo đói của công nhân như thế nào. Ông muốn đứng trong hàng ngũ của những người có lý tưởng nhân đạo, muốn hoạt động để xóa bỏ sự nghèo nàn, tủi nhục(1). Khát vọng này từng bước đã được Ông thực hiện, nhất là từ khi gặp C.Mác lần thứ hai vào tháng 8 năm 1844 tại Pa-ri(2). Bắt đầu từ thời gian này trở đi, Ph.Ăng-ghen và C.Mác trở thành những người bạn gắn bó với nhau suốt cả cuộc đời để cùng xây dựng lên các học thuyết định hướng cho hoạt động của giai cấp công nhân và nhân dân lao động bị áp bức, bóc lột. Các ông đã trở thành những chiến sĩ, những người đồng chí, những lãnh tụ của giai cấp công nhân và nhân dân lao động đấu tranh vì hòa bình, vì sự tiến bộ xã hội.
 
 Ngày 5 tháng 8 năm 1895, Ph.Ăng-ghen từ trần ở Luân Đôn. Ông ra đi nhưng để lại một di sản vĩ đại mà nhân loại có thể tìm thấy giá trị của nó ở nhiều góc độ khác nhau. Nếu tiếp cận một cách khái quát nhất thì đấy là di sản về trí tuệ của Ph.Ăng-ghen trong việc xây dựng lý luận của giai cấp vô sản và di sản về tấm gương nhân hậu, thủy chung, khiêm nhường của Ph.Ăng-ghen trong cuộc sống.
 
 1. Di sản về trí tuệ của Ph.Ăng-ghen trong việc xây dựng lý luận của giai cấp vô sản V.I.Lê-nin đã chỉ ra rằng: “Từ ngày mà vận mệnh đã gắn liền Các Mác với Phri-đrích Ăng-ghen thì sự nghiệp suốt đời của hai người bạn ấy trở thành sự nghiệp chung của họ. Cho nên muốn hiểu Phri-đrích Ăng-ghen đã làm gì cho giai cấp vô sản thì phải nhận rõ ý nghĩa của học thuyết và hoạt động của Mác đối với sự phát triển của phong trào công nhân hiện đại”(3). Trong lĩnh vực này, Ph.Ăng-ghen là người đã cùng C.Mác và độc lập với C.Mác xây dựng thành công cả ba bộ phận cấu thành lý luận của giai cấp vô sản, gồm: triết học, kinh tế chính trị và chủ nghĩa xã hội khoa học.
 
 Về triết học, triết học do C.Mác và Ph.Ăng-ghen xây dựng là chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử.
 
 Với chủ nghĩa duy vật biện chứng, ngoài những tác phẩm viết chung với C.Mác, những tác phẩm Ph.Ăng-ghen viết độc lập như “Chống Đuyrinh”, “Biện chứng của tự nhiên”, “Lút vích Phoi-ơ-bắc và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức”,... đã để lại dấu ấn vô cùng sâu sắc về thế giới quan duy vật biện chứng khi Ông khẳng định: Chỉ có một thế giới duy nhất là thế giới vật chất; thế giới thống nhất ở tính vật chất; vận động, không gian, thời gian là những phương thức tồn tại của vật chất; mọi vận động trong thế giới vật chất đều tuân theo những quy luật chung nhất, vốn có của nó như “Quy luật về sự chuyển hóa từ số lượng thành chất lượng và ngược lại”, “Quy luật về sự xâm nhập lẫn nhau của các mặt đối lập”, “Quy luật về sự phủ định của phủ định”,... Ph.Ăng-ghen cũng là người đầu tiên đã vận dụng những quy luật này vào việc nhận thức sự vận động của giới tự nhiên, luận giải rõ mối quan hệ biện chứng giữa tự nhiên - con người - xã hội;...(4).
 
 Với chủ nghĩa duy vật lịch sử, tác phẩm “Lược khảo phê phán khoa kinh tế chính trị” - công trình lớn đầu tiên của Ph.Ăng-ghen về kinh tế được viết trong năm 1843 và đầu năm 1844 giữ vai trò rất quan trọng đối với quá trình hình thành chủ nghĩa duy vật lịch sử. Trong tác phẩm này, ngoài việc phê phán các nhà kinh tế học tư sản, Ph.Ăng-ghen đã nhìn nhận sâu sắc cuộc cách mạng công nghiệp ở Anh, nội dung kinh tế và ảnh hưởng xã hội của nó(5). Tác phẩm cung cấp nhiều tư liệu quan trọng cho “Hệ tư tưởng Đức”, “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, “Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị - Lời tựa” và một số tác phẩm khác của C.Mác và Ph.Ăng-ghen sau này; trong đó “Hệ tư tưởng Đức” là tác phẩm viết chung của hai ông, thể hiện những quan điểm duy vật mang tính nền tảng cho việc nhận thức lịch sử - xã hội. Theo đó, sản xuất vật chất là cơ sở quyết định sự tồn tại của xã hội và tổng thể những lực lượng sản xuất mà con người đạt được quyết định trạng thái của xã hội(6); không phải ý thức quyết định đời sống của con người mà chính đời sống của con người quyết định ý thức của họ(7);... Những tư liệu này được C.Mác hệ thống, khái quát thành tư tưởng cơ bản nhất quan điểm duy vật về lịch sử, thể hiện trong tác phẩm “Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị - Lời tựa” của Ông là: Sản xuất vật chất quyết định sự tồn tại và phát triển của xã hội, sự phát triển này là quá trình lịch sử - tự nhiên, tuân theo những quy luật khách quan, trong đó trước hết và quan trọng nhất là quy luật về lực lượng sản xuất - quan hệ sản xuất, quy luật về cơ sở hạ tầng - kiến trúc thượng tầng(8).
 
 Sự hình thành và phát triển chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử đã xác lập một thế giới quan khoa học và một phương pháp luận khoa học, nó không chỉ giải thích thế giới mà còn là công cụ định hướng cho con người cải tạo thế giới.
 
 Về kinh tế chính trị, Ăng-ghen đã cùng Các Mác xây dựng lên một học thuyết kinh tế mới, đem lại một cuộc cách mạng trong kinh tế học chính trị.
 
 Từ những tác phẩm đầu tay của mình như “Lược khảo phê phán khoa kinh tế chính trị”, “Tình cảnh của giai cấp lao động ở Anh” cùng nhiều bài viết khác, Ph.Ăng-ghen đã vạch rõ sự khốn cùng của người lao động, kịch liệt phê phán kinh tế chính trị tư sản biện hộ cho hệ thống tư bản chủ nghĩa, từ đó Ông chỉ ra nguyên nhân sâu xa của những bất bình đẳng, bất công xã hội, nguyên nhân sâu xa của sự khốn cùng mà giai cấp công nhân và người lao động đang gánh chịu là chế độ sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất, nhất là chế độ sở hữu tư sản(9). Chính những phát hiện ban đầu mang tính khoa học này của Ph.Ăng-ghen đã gợi mở cho Các Mác một hướng nghiên cứu mới về xã hội tư bản chủ nghĩa - hướng nghiên cứu chuyển từ triết học và luật học sang nghiên cứu kinh tế chính trị. Đúng như V.I.Lê-nin đã nhận định: “Rõ ràng là mối quan hệ với Ăng-ghen đã thúc đẩy Mác bắt tay vào nghiên cứu chính trị kinh tế học, là khoa học trong đó những tác phẩm của Mác đã gây ra cả một cuộc cách mạng” (10). Cuộc cách mạng mà V.I.Lê-nin đề cập đến là sự ra đời của Học thuyết giá trị thặng dư - Học thuyết được coi là “hòn đá tảng” trong toàn bộ lý luận về kinh tế chính trị của C.Mác vì nó đã phát hiện ra quy luật kinh tế cơ bản của chủ nghĩa tư bản, làm sáng tỏ bản chất của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa.
 
 Về chủ nghĩa xã hội khoa học - lĩnh vực “thể hiện về mặt lý luận của phong trào vô sản”(11) được V.I.Lê-nin khái quát: “Có thể vắn tắt nêu công lao của Mác và Ăng-ghen đối với giai cấp công nhân như sau: hai ông đã dạy cho công nhân tự nhận thức được mình và có ý thức về mình, và đã đem khoa học thay thế cho mộng tưởng”(12). Ngay trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” - văn kiện cương lĩnh đầu tiên của chủ nghĩa cộng sản khoa học do C.Mác và Ph.Ăng-ghen viết được công bố vào đầu năm 1848, C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã làm sáng tỏ những quy luật phát triển của xã hội dẫn đến sự thay thế nhau của các phương thức sản xuất để luận chứng cho sự sụp đổ tất yếu của chủ nghĩa tư bản, chỉ rõ những con đường xây dựng chế độ xã hội mới là chủ nghĩa cộng sản. Cũng trong chương này, các tác giả đã giải thích sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản với tư cách là lực lượng thực hiện cuộc cách mạng xã hội, để “Thay cho xã hội tư sản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”(13).
 
 Với bản thân Ph.Ăng-ghen, có thể nói suốt cả cuộc đời, Ph.Ăng-ghen đã gắn bó chặt chẽ với giai cấp công nhân và phong trào công nhân từ tri thức, sự cảm thông, tấm lòng trung thành vô hạn và từ lập trường kiên định cách mạng của mình. Ngay cả khi ở trung tâm công nghiệp của Anh là Manchester, nơi Ph.Ăng-ghen đến một hãng buôn mà cha Ông có cổ phần, Ph.Ăng-ghen cũng không phải chỉ làm việc ở văn phòng mà Ông còn thường xuyên đi vào các khu phố bẩn thỉu - nơi công nhân sống chen chúc, thấy tận mắt sự khốn cùng và những nỗi khổ đau của họ. Những chuyến đi này giúp Ph.Ăng-ghen trực tiếp nhận thấy nhu cầu bức thiết của một giai cấp bị áp bức, bị bóc lột tàn bạo nhất trong chủ nghĩa tư bản và phát hiện ra sức mạnh to lớn ở giai cấp này với tư cách là một lực lượng xã hội đóng vai trò chủ đạo thực hiện cuộc cách mạng xóa bỏ mọi sự áp bức bóc lột, xây dựng một xã hội mới vì sự phát triển của con người. Trong tác phẩm “Chống Đuyrinh”, Ph.Ăng-ghen chỉ rõ: “phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa tạo ra một lực lượng bị buộc phải hoàn thành cuộc cách mạng ấy, nếu không thì sẽ bị diệt vong”(14), “Thực hiện sự nghiệp giải phóng thế giới…, - đó là sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản hiện đại” (15).
 
 Nhìn nhận quá trình hình thành và phát triển của chủ nghĩa xã hội khoa học, V.I.Lê-nin khẳng định: “Ăng-ghen là người đầu tiên đã nói rằng giai cấp vô sản không phải chỉ là giai cấp đau khổ, rằng chính địa vị kinh tế nhục nhã của giai cấp vô sản thúc đẩy, một cách không gì ngăn cản nổi, nó tiến lên và buộc nó phải đấu tranh cho sự giải phóng cuối cùng của nó. Và giai cấp vô sản đấu tranh sẽ tự mình giúp bản thân mình. Phong trào chính trị của giai cấp công nhân nhất định sẽ dẫn công nhân đến chỗ hiểu rằng đối với họ, không có lối thoát nào khác hơn là chủ nghĩa xã hội. Mặt khác, chủ nghĩa xã hội chỉ sẽ là một sức mạnh, khi nó đã trở thành mục tiêu đấu tranh chính trị của giai cấp công nhân. Đó là những tư tưởng chủ chốt trong cuốn sách của Ăng-ghen viết về tình cảnh của giai cấp công nhân ở Anh”(16).
 
                                                                            *
 
 Có thể khẳng định rằng: Kho tàng lý luận định hướng cho giai cấp vô sản nhận thức và hoạt động được hình thành và phát triển trong thế kỷ XIX in rất đậm dấu ấn trí tuệ và tình cảm của Ph.Ăng-ghen, kể cả trong triết học, kinh tế chính trị và chủ nghĩa xã hội khoa học. Nghiên cứu toàn bộ kho tàng lý luận ấy, V.I.Lê-nin đã nhận định: Sau C.Mác, không ai khác, Ăng-ghen chính là nhà bác học và người thầy lỗi lạc nhất của giai cấp vô sản hiện đại trong toàn thế giới văn minh(17).
 
 2. Di sản về tấm gương nhân hậu, thủy chung, khiêm nhường của Ph.Ăng-ghen trong cuộc sống
 
 Sinh ra và lớn lên trong dòng tộc tư sản lớn có cơ sở sản xuất, cơ sở buôn bán trong và ngoài nước, Ph.Ăng-ghen hoàn toàn có điều kiện sống một cuộc sống giàu sang nếu Ông nghe theo, làm theo ý muốn của cha mình. Song, Ph.Ăng-ghen đã không làm như vậy bởi ngay từ khi còn rất trẻ, Ông đã sớm nhận thấy vẻ đẹp của vùng đồi núi quê hương ông hoàn toàn trái ngược với cảnh khổ cực của những người thợ dệt vải, dệt kim mà nhiều người phải tìm sự lãng quên khổ cực ấy trong các ly rượu mạnh. Ông căm giận khi những chủ xưởng giàu có, bề ngoài ra vẻ mộ đạo, siêng năng đi lễ nhà thờ nhưng lại bắt trẻ con làm việc cực nhọc cả ngày để kiếm vài xu, để chúng chết dần, chết mòn cùng cha mẹ chúng đang bị vắt kiệt sức trong các xí nghiệp. Những cảnh tượng ấy đeo bám Ông, ám ảnh Ông suốt cả cuộc đời. Ông yêu thích Dichprit, Telơ, Phauxtơ vì trong văn học Đức, theo Ông, đây là những nhân vật tiêu biểu cho cuộc đấu tranh chống áp bức, những nhân vật tượng trưng cho lòng dũng cảm, tinh thần sẵn sàng hy sinh cũng như lòng khao khát hiểu biết. Ông coi đó là những tấm gương và dự định sẽ hướng cuộc đời của mình theo tinh thần của họ, trung thành với lý tưởng nhân đạo và tự do mà họ đã đấu tranh và sẵn sàng chịu đựng để đạt được nó(18). Với lý tưởng như vậy, từng bước, từng bước Ông đến với giai cấp vô sản, gắn bó với họ, thủy chung chiến đấu vì cuộc sống của họ cho đến những ngày cuối cùng của cuộc đời (19).
 
 Đối với bạn bè, tấm lòng nhân hậu, thủy chung, khiêm nhường của Ph.Ăng-ghen cũng luôn mẫu mực. Quan hệ với C.Mác và gia đình C.Mác là ví dụ điển hình. C.Mác và Ph.Ăng-ghen gắn bó với nhau trước hết và quan trọng nhất vì tư tưởng, lý tưởng của các ông thống nhất với nhau nhưng gia cảnh của các ông thì rất khác nhau. Từ năm 1849 cho đến năm 1883 (năm C.Mác từ trần), C.Mác và gia đình sống ở Luân Đôn. Đây là thời gian tư tưởng về các lĩnh vực của C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã bước vào giai đoạn phát triển, nhiều lĩnh vực đã chín mùi và sự chống phá về tư tưởng của các thế lực thù địch với giai cấp vô sản cũng diễn ra rất khốc liệt. Việc thể hiện thành tác phẩm những tư tưởng khoa học về cách mạng vô sản và chống các luận điểm mị dân, xuyên tạc của các học giả tư sản là nhu cầu rất cấp thiết nhưng đây cũng lại là thời kỳ gia đình C.Mác cực kỳ khó khăn về kinh tế. Có lúc các chủ hiệu bánh mì, hiệu thuốc, hàng thịt cầm hóa đơn kéo đến tụ tập trước cửa. Mác chạy đến hết người quen nọ, người quen kia, tất tả ngược xuôi mãi mới vay được số tiền cần thiết (20), các đồ đạc của vợ chồng Mác lần lượt thay nhau chạy về ngôi nhà có treo ba quả cầu vàng trước cửa hiệu cầm đồ (21). Trong bối cảnh ấy, Ph.Ăng-ghen luôn là người chung lưng gánh vác cùng C.Mác. Tháng tháng, vào những ngày nhất định, Ph.Ăng-ghen lại gửi tiền về Luân Đôn cho gia đình C.Mác. Đối với gia đình ông (gia đình Mác - Tg), sự giúp đỡ tài chính thường xuyên của Ph.Ăng-ghen là sự cần thiết sống còn (22). Chỉ có sự giúp đỡ đó mới cho phép Mác chịu nổi gánh nặng của cuộc đấu tranh mệt nhọc chống lại sự thiếu thốn để hoàn thành các tác phẩm của mình(23). Ngay cả trước khi từ trần, trong di chúc, Ph.Ăng-ghen cũng không quên để lại một phần tài sản của mình cho những người thân trong gia đình C.Mác(24).
 
 Sự giúp đỡ của Ph.Ăng-ghen đối với C.Mác không thuần túy chỉ trong lĩnh vực kinh tế. Khi C.Mác từ trần, bộ “Tư bản” được đánh giá là bộ kinh điển mẫu mực thể hiện quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng về xã hội, được C.Mác coi là “sự nghiệp của cuộc đời mình”(25), mới xuất bản được tập I vào năm 1867, các tập còn ở dạng bản thảo viết tay của C.Mác. Nếu không xuất bản thành sách, những nội dung còn lại của “Tư bản” sẽ bị xuyên tạc. Vì lợi ích của giai cấp vô sản và cũng vì C.Mác, Ph.Ăng-ghen đã dừng tác phẩm “Biện chứng của tự nhiên” - tác phẩm đang chuẩn bị dang dở của mình - tập trung hơn chục năm còn lại của cuộc đời để chỉnh lý, bổ sung nội dung và bỏ tiền của mình xuất bản được tập II vào năm 1885, tập III vào năm 1894. Bằng việc xuất bản tập II và tập III của bộ “Tư bản”, Ph.Ăng-ghen đã dựng cho người bạn của mình một tượng đài trang nghiêm, vĩnh cửu mà trên tượng đài đó, Ph.Ăng-ghen không ngờ ông cũng đã để lại tên ông bằng những nét vàng không bao giờ phai nhạt (26).
 
 Cho đến đây, lý luận của giai cấp vô sản gồm 3 bộ phận cấu thành do C.Mác và Ph.Ăng-ghen xây dựng ở thế kỷ XIX đã hình thành trọn vẹn. Thông thường, theo truyền thống của nhân loại, tên của các nhà phát minh sẽ được đặt cho phát minh nhưng ngay từ năm 1883 - năm C.Mác từ trần, khi nhiều ý kiến đề xuất tên của hai người là tên của lý luận, Ph.Ăng-ghen đã rất khiêm nhường bày tỏ quan điểm của mình với nội dung là: Tôi không hề phủ nhận công lao của tôi trong 40 năm cộng tác với Mác, nhưng những gì tôi đã làm thì không có tôi Mác vẫn có thể làm được, còn những gì Mác đã làm thì tôi và chúng ta chưa thể nào làm được, Mác đứng cao hơn tôi một cái đầu, nhìn xa hơn tôi một tầm, Mác là thiên tài còn chúng ta giỏi lắm chỉ là người có tài mà thôi, tôi chỉ xứng đáng là cây vĩ cầm thứ hai đứng bên cạnh Mác, bởi vậy học thuyết này xứng đáng được mang tên của Mác(27).
 
 Lý luận của giai cấp vô sản thế kỷ XIX mang tên một người: Chủ nghĩa Mác với ba bộ phận cấu thành: Triết học Mác, Kinh tế chính trị Mác và Chủ nghĩa xã hội khoa học. Theo đề xuất của Ph.Ăng-ghen, ta không thấy có tên Ông ở đây nhưng trong mỗi nét chữ, mỗi tư tưởng của triết học Mác, kinh tế chính trị Mác và chủ nghĩa xã hội khoa học đều có cả trí tuệ, tiền của, thời gian, sức lực của Ph.Ăng-ghen trong đó mà nếu không có trí tuệ, tiền của, thời gian, sức lực này, không thể có chủ nghĩa Mác.
 
                                                                          *
 
 Kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Ph.Ăng-ghen, chúng ta bày tỏ lòng ngưỡng mộ và tri ân sự thông thái, tấm gương nhân hậu, thủy chung, khiêm nhường của Ông - nhà bác học, người thầy lỗi lạc của giai cấp vô sản hiện đại. Di sản của Ông luôn là những định hướng về trí tuệ để chúng ta nhận thức và hành động, luôn là tấm gương về phẩm hạnh để chúng ta học tập, vận dụng, phát triển trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo toàn dân đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh - một xã hội mà ở đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người mà cả cuộc đời của Ông đã cống hiến để mong đạt đến.
 
 
 
 
 
 
 
 (1) Xem: - Viện Mác-Lê-nin trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Friđrich Engen - Tiểu sử, Nxb.Chính trị quốc gia Mátxcơva, 1970 - Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tập 1, tr.22 - 33; - H.Ghemcốp, Cuộc đời chúng tôi - Tiểu sử Các Mác và Phriđrich Ăng-ghen, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 16 - 22.
 
 (2) Ph.Ăng-ghen và C.Mác gặp nhau lần thứ nhất vào tháng 12 năm 1842 khi Ph.Ăng-ghen ghé thăm tòa soạn “Báo tỉnh Ranh”, lần thứ hai các ông gặp nhau vào tháng 8 năm 1844 tại Pari.
 
 (3) V.I.Lê-nin, Toàn tập, Nxb.Tiến bộ, Mátxcơva, 1974, t.2, tr.3.
 
 (4) C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2004, t.20, tr.67, tr.78, tr.89 - 97, tr.510 - 540, tr.641 - 658, v.v.
 
 (5) Xem C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2004, t.1, tr. 784 - 786. tr.696 - 698; t.20, tr.284 - 308; v.v.
 
 (6) Xem C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2004, t.3, tr.39 - 43.
 
 (7) Xem C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2004, t.3, tr.38.
 
 (8) Xem C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2004, t.13, tr.8 - 18.
 
 (9) Xem C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2004, t.1, tr. 696 - 698, tr. 747 - 786; t.4, tr.456 - 480; t.20, tr.284 - 308; v.v.
 
 (10) V.I.Lê-nin, Toàn tập, Nxb.Tiến bộ, Mátxcơva, 1974, t.2, tr.9.
 
 (11) C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2004, t.20, tr.393.
 
 (12) V.I.Lê-nin, Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1974, t.2, tr.5.
 
 (13) Xem C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2004, t.4, tr.591- 646.
 
 (14) C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2004, t.20, tr.388 - 389.
 
 (15) C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2004, t.20, tr.393.
 
 (16) V.I.Lê-nin, Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1974, t.2, tr.7 - 8; Xem thêm: Ph.Ăng-ghen, Tình cảnh của giai cấp lao động ở Anh // C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2004, t.1, tr.695 - 698; Ph.Ăng-ghen, Tình cảnh của giai cấp lao động ở Anh. Theo những sự quan sát của bản thân và những nguồn đáng tin cậy // C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2004, t.2, tr.317 - 698.
 
 (17) Xem V.I.Lê-nin, Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1974, t.2, tr.3.
 
 (18) Xem H.Ghencốp, Cuộc đời của chúng tôi - Tiểu sử của Các Mác và Phriđrich Engen, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000, tr.19 - 20; - Viện Mác-Lê-nin trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Friđrich Engen - Tiểu sử, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, t.1, tr.22 - 25.
 
 (19) Ngày 24-7-1895, Ph.Ăng-ghen bệnh nặng nên đang làm việc ở Ixtơboócna Ông phải về Luân Đôn, ngày 28-7-1895 mặc dù bệnh rất nặng nhưng Ph.Ăng-ghen vẫn tọa đàm với E.Mác-E-vơ-linh về tình hình Đảng công nhân độc lập Anh, ngay sau đó, trong tình trạng nguy kịch, Ông phải nhập viện và từ trần vào 10 giờ 30 phút ngày 5 tháng 8 năm 1895.
 
 (20) L.Vitgôp - I.Axukhôtin, Tình bạn vĩ đại và cảm động, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2004, tr.171.
 
 (21) L.Vitgôp - I.Axukhôtin, Tình bạn vĩ đại và cảm động, Nxb.Thanh niên, Hà Nội, 2004, tr.175.
 
 (22) Viện Mác-Lê-nin trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Friđrich Engen - Tiểu sử, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, t.1, tr.375.
 
 (23) Xem L.Vitgôp - I.Axukhôtin, Tình bạn vĩ đại và cảm động, Nxb.Thanh niên, Hà Nội, 2004, tr.183, tr. 192; - Viện Mác-Lê-nin trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Friđrich Engen - Tiểu sử, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, t.1, tr.375.
 
 (24) Xem Viện Mác-Lê-nin trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Friđrich Engen - Tiểu sử, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, t.2, tr.469.
 
 (25) Xem M.M.Rođentan (Chủ biên), Từ điển Triết học, Nxb.Tiến bộ, Mátxcơva, 1986, tr.630.
 
 (26) Xem V.I.Lê-nin, Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1974, t.2, tr. 12.
 
 (27) Xem V.I.Lê-nin, Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1974, t.2, tr. 12; - Nhiều tác giả, Các Mác - Sức sống mùa Xuân, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1983, tr.39.
 
 
 
 
 
 VÕ VĂN THƯỞNG 
 Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư