Công tác dân vận cần được đổi mới, hướng mạnh về cơ sở

NDO -

Chiều 15-7, Đoàn Kiểm tra số 1 của Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 290-QĐ/TW ngày 25-2-2010 của Bộ Chính trị (khóa X) về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. 

Đồng chí Vương Đình Huệ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội phát biểu ý kiến tại buổi làm việc. (Ảnh: DUY LINH)
Đồng chí Vương Đình Huệ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội phát biểu ý kiến tại buổi làm việc. (Ảnh: DUY LINH)

Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trương Thị Mai, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Dân vận T.Ư; Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy Hà Nội cùng chủ trì buổi làm việc.

Thực hiện Quyết định số 290, mười năm qua thành phố Hà Nội đã ban hành gần 40 nghìn văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành của thành phố thực hiện hiệu quả nhiệm vụ công tác dân vận theo hướng đổi mới, hướng mạnh về cơ sở; tăng cường đối thoại, vận động, thuyết phục, hạn chế các biện pháp hành chính. Công tác dân vận của chính quyền, kỷ cương, kỷ luật hành chính, nhận thức của cán bộ, công chức về trách nhiệm phục vụ nhân dân, gần dân ngày một nâng cao. Việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở được thực hiện bài bản, nghiêm túc. 

Thành phố đã tổ chức 27.739 cuộc giám sát, 6.889 hội nghị phản biện. Từ năm 2013 đến nay, thành phố tổ chức 22 hội nghị tiếp xúc, đối thoại; các quận, huyện, thị xã tổ chức 144 hội nghị đối thoại định kỳ; các xã, phường, thị trấn tổ chức 2.048 hội nghị đối thoại định kỳ. Qua đó, cấp ủy, chính quyền các cấp đã lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý, phản biện tích cực của tổ chức, đảng viên và nhân dân; kịp thời giải quyết nhiều kiến nghị, đề xuất, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Phát biểu tại cuộc làm việc, đồng chí Vương Đình Huệ cho biết, Hà Nội có khối lượng công việc lớn với tính chất đa dạng, phong phú, trong đó có nhiều việc khó, phức tạp. Ngoài những kết quả nổi bật trên, Hà Nội còn đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận các cấp. Từ thành phố đến các quận, huyện, thị xã, Trưởng ban Dân vận và Chủ tịch Mặt trận đều là Thường vụ cấp ủy.

Một trong những phương hướng công tác dân vận của Đảng bộ thành phố khóa tới là phải kết hợp giữa “diện” và “điểm”. Đó là triển khai công tác dân vận toàn diện trên các lĩnh vực, song vẫn phải có điểm nhấn. Ngoài ra, sau khi Trung ương tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 290, Thành ủy sẽ nghiên cứu để ban hành một nghị quyết chuyên đề sâu hơn về công tác dân vận.

Kết luận cuộc làm việc, đồng chí Trương Thị Mai đánh giá cao những kết quả Hà Nội đạt được trong công tác dân vận; đồng thời đề nghị thành phố cần tiếp tục đưa việc thực hiện Quyết định số 290 ngày càng đi vào thực chất, mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Đồng thời, nhận thức sâu sắc hơn đối với công tác dân vận. Quá trình thực hiện cần gắn với các văn bản khác của Đảng về công tác dân vận để tạo sự gắn kết; huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia.

Trưởng ban Dân vận T.Ư cũng lưu ý, Hà Nội cần tập trung giải quyết các vấn đề tiềm ẩn phức tạp. Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong hệ thống chính trị để thực hiện công tác dân vận, làm cho người dân tin tưởng vào Đảng. Lắng nghe ý kiến góp ý của người dân vào Văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 17 và Đại hội lần thứ XIII của Đảng.