Công bộc thời "số"

Tiếp tục quán triệt các chủ trương, đường lối của Ðảng, Nhà nước về phát triển công nghệ thông tin (CNTT) nhiều địa phương đã ban hành chủ trương lãnh đạo, gắn liền xây dựng mô hình đô thị thông minh. Cùng những kết quả tích cực, đây cũng là lĩnh vực phát sinh nhiều vấn đề được bàn thảo. Từ việc đầu tư ra sao; đến vai trò của đội ngũ cán bộ chủ chốt; bắt đầu từ khâu nào; nguồn nhân lực từ đâu... Có câu chuyện thành phố trực thuộc một tỉnh xây dựng "đô thị thông minh" một thời gian khá dài nhưng thủ tục hành chính vẫn còn nhiều "điểm nghẽn".

Cấp phường, xã thường được ví như "đáy phễu" tiếp nhận văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp, các ngành, đoàn thể. Có ngày trên bàn lãnh đạo phường có đến 10 - 12 văn bản mới cần quán triệt, triển khai thực hiện. Phường Ðồng Tâm, TP Yên Bái (tỉnh Yên Bái) được chọn thí điểm xây dựng đô thị thông minh. Ðồng chí Bí thư Ðảng ủy phường là cán bộ nữ thuộc thế hệ 8X. Nhiều năm nay, người dân đánh giá cao vai trò phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền phường trong triển khai các nhiệm vụ. Bí thư Ðảng ủy phường cho biết, người đứng đầu cần tuân thủ phương châm "cái gì, ở đâu, như thế nào?". Ðể làm được như thế, đồng chí Bí thư Ðảng ủy phường mỗi ngày đã kiên tâm dành thời gian để nghiên cứu, cập nhật tình hình liên quan các mặt công tác của phường; thành lập thư mục điện tử riêng, phân loại tài liệu gắn với kế hoạch tổ chức và thời gian, nhân sự triển khai bảo đảm khoa học. Từ thư mục này, giúp Bí thư phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo chính quyền, chỉ đạo, triển khai tới cán bộ, bộ phận chức năng của phường, gắn liền với kiểm tra, giám sát nhiệm vụ mới, trọng tâm trong từng lĩnh vực công tác.

Bí thư Ðảng ủy và Chủ tịch UBND phường Ðồng Tâm đã thiết lập nhóm trên mạng xã hội để liên lạc với các bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố toàn phường. Việc này khiến lãnh đạo phường giảm việc họp triển khai công tác, lãnh đạo; công chức phường hạn chế xuống tận khu dân cư nhưng vẫn luôn nắm chắc và giải quyết kịp thời các tình huống trên địa bàn. Cách đây chưa lâu, vào lúc 21 giờ, người dân chuyển vào địa chỉ Zalo của Chủ tịch UBND phường hình ảnh gia đình vi phạm trật tự xây dựng; hay từ sáng sớm đồng chí này nhận được tin từ Zalo phản ánh một cây đổ trên phố sau mưa dông... Chủ tịch UBND phường cùng bộ phận chức năng đã tiếp nhận và xử lý kịp thời. Thấy ý nghĩa của việc ứng dụng CNTT trong cộng đồng, nhân dân toàn phường đã đồng thuận cao, cùng đóng góp kinh phí lắp hệ thống ca-mê-ra ở tất cả các ngõ phố, vị trí trọng yếu toàn phường. Có hệ thống này, lãnh đạo và nhân dân trong phường có thể giám sát tình hình hoạt động trên địa bàn 24 giờ mỗi ngày.

Cùng với việc kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo, quản lý, gắn liền coi trọng ứng dụng CNTT, phường Ðồng Tâm đã triển khai, đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, chính sách các lĩnh vực công tác trên địa bàn.

Thực tế từ phường Ðồng Tâm cũng như nhiều địa phương khác cho thấy việc ứng dụng CNTT trong quản lý không những góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo nền tảng xây dựng chính quyền điện tử mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Ðể triển khai lĩnh vực công tác này hiệu quả ở cấp cơ sở, trước hết, "công bộc của dân" phải đi tiên phong, cả về trách nhiệm, năng lực và tinh thần phục vụ.