Anh hùng đặc công Rừng Sác

"Rừng Sác là nhà, bến cảng kho tàng là trận địa, sông Lòng Tàu là quyết chiến điểm - có lệnh là đánh, hoàn cảnh nào cũng đánh, đã đánh là thắng" - Ðại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Bá Ước, nguyên Chính ủy kiêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 10 đặc công Rừng Sác Anh hùng, nguyên Chính ủy Sư đoàn 2 đặc công trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, nhắc lại truyền thống vẻ vang của Trung đoàn 10.

Những chiến công vang dội

Nằm khuất trong con hẻm nhỏ ở khu phố 1, phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa (Ðồng Nai), trong căn nhà đơn sơ của vị Ðại tá già 85 tuổi đời, 65 năm tuổi Ðảng là những di vật, những hình ảnh của đồng đội mình. Ðại tá Lê Bá Ước mà mọi người vẫn gọi với cái tên thân mật ông Bảy Ước, mặc dù đã ngoài 80 tuổi, song vẫn giữ được phong thái của một người lính cách mạng trung kiên năm xưa: khí phách, quả cảm. Nhắc đến ông, không thể không nhắc đến những chiến công vang dội đã làm nên lịch sử. Là một trong những người chỉ huy đơn vị đặc công Rừng Sác, ông Bảy Ước đã cùng với đồng đội, quân dân Rừng Sác làm nên những chiến công hiển hách làm nức lòng nhân dân Nam Bộ và quân dân cả nước. Nhưng để có được những chiến công ấy, biết bao chiến sĩ đã anh dũng hy sinh nơi chiến trường mênh mông sông nước, mà theo ông là vô cùng khó khăn, khốc liệt.

Chỉ tay về những bức ảnh chụp trước giờ xuất kích đánh vào kho bom Thành Tuy Hạ, kho xăng Nhà Bè... Ông Bảy Ước dõng dạc đọc bốn câu thơ do chính ông sáng tác: Bâng khuâng tấc dạ lòng thương nhớ/ Lộng gió trên sông đẹp bóng cờ/ Mãi mãi hiên ngang Rừng Sác đứng/ Mỗi người ngã xuống một bài thơ... Rừng Sác được ôm ấp, bao quanh bởi những con sông hiền hòa. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Rừng Sác là một vị trí chiến lược quan trọng, bàn đạp hiểm yếu tiến công vào sào huyệt, đầu não Mỹ - Ngụy tại Sài Gòn từ hướng đông nam. Cũng do vị trí chiến lược quan trọng ấy, Mỹ - Ngụy đã huy động nhiều cánh quân bao vây, nhằm: "Làm cỏ và lột da Rừng Sác, tiêu diệt Ðặc công Ðoàn 10. Ðào tận gốc, trốc tận rễ lực lượng cách mạng tại đây".

Trong thế bao vây của địch, suốt gần mười năm (1966 - 1975) lấy "Rừng Sác là nhà, bến cảng, kho tàng là trận địa, sông Lòng Tàu là quyết chiến điểm", kiên cường bám trụ chiến đấu, Trung đoàn 10 đặc công tinh nhuệ Rừng Sác anh hùng đã tổ chức đánh 740 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 6.200 tên địch. Ðánh cháy và chìm 356 tàu, thuyền chiến đấu; đánh chìm tại các bến cảng 145 tàu vận tải quân sự và bắn cháy, chìm trên sông Lòng Tàu hơn 100 chiếc vận tải quân sự khác. Ðánh kho bom Thành Tuy Hạ, phá hủy 110 nghìn tấn bom; đánh cháy Kho xăng Nhà Bè 250 triệu lít xăng, dầu. Pháo kích kiểu đánh đặc công 70 trận vào các kho tàn nội đô, Tòa Ðại sứ Mỹ, Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy quyền và bắn rơi 23 máy bay lên thẳng...

26 năm mới tìm thấy các anh

40 năm đã trôi qua, nhưng Ðại tá Lê Bá Ước vẫn nhớ như in hình ảnh cột khói đen khổng lồ bao phủ khắp bầu trời Sài Gòn - Gia Ðịnh suốt 12 ngày đêm, ngọn lửa đám cháy 250 triệu lít xăng, dầu Kho Nhà Bè bốc cao như ngọn đuốc sáng chói rực lửa chiến công của Trung đoàn 10 đặc công Rừng Sác anh hùng. Chỉ với con tim, khối óc cộng với thuốc nổ, tám chiến sĩ của Ðại đội 5 anh hùng, Trung đoàn 10 đặc công Rừng Sác xuất phát từ căn cứ Rạch Lá - Ông Kèo đánh vào Kho xăng Nhà Bè, dưới sự kiểm soát chặt chẽ của quân địch lập nên chiến công ấy...

Ðể đánh thắng trận này, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 10 đã dày công chuẩn bị kế hoạch thật tỉ mỉ. Với cự ly hàng chục km vượt sông Nhà Bè, tổ trinh sát đặc công không có thời gian quay về trong đêm, phải nằm ém lại giấu mình dưới sình lầy ngập mặn ngoài rào kẽm gai. Ðể chống lạnh, từng người chui vào bao ni-lông cá nhân kéo lên đến tận ngực khi thủy triều ngập bờ sông. Với bình tông nước, túi gạo rang, trái lựu đạn, con dao găm các chiến sĩ phải chịu đựng qua ngày dài. Ðến đêm họ tiếp tục bò vào hàng rào kẽm gai dày đặc để trinh sát. Qua sáu tháng quan sát, rạng sáng 3-12-1973, tám chiến sĩ đặc công đã dùng mìn tự chế làm nổ tung Kho xăng Nhà Bè, lửa cháy dữ dội, khói ngút trời. Bị đánh bất ngờ, địch phản pháo một cách quyết liệt, máy bay, tàu chiến quần thảo, gầm rú nhằm ngăn chặn đường rút quân của ta. Trong thế trận bao vây đó, hai chiến sĩ Nguyễn Công Bao, Phạm Văn Tiềm đã anh dũng hy sinh. Hai anh bị bảy tàu địch vây chặt và bắt lôi lên tàu. Khi bọn địch lại gần, hai chiến sĩ đặc công đã rút lựu đạn quyết tử, khiến hàng chục tên địch chết tại chỗ.

Ðại tá Lê Bá Ước kể, 26 năm sau, người dân đi mò cua, bắt ốc phát hiện dấu vết đoạn xương trồi lên qua sóng nước, cạnh hàng rào Kho xăng Nhà Bè ngày xưa. Anh chị em Ðoàn 10 đặc công Rừng Sác bốc hài cốt hai đồng chí Nguyễn Công Bao, Phạm Văn Tiềm về an táng với nguyên vẹn chiếc mũ đặc công, sợi dây mang ống thở...

Những chiến công vang dội của Trung đoàn 10 đặc công Rừng Sác được viết nên bằng máu xương của hơn 800 liệt sĩ đã an nghỉ nghìn thu trên vùng đất Rừng Sác anh hùng, đến từ 30 tỉnh, thành phố trong cả nước. Những người lính đặc công ấy lấy sông nước, rừng đước làm căn cứ; hành quân bằng bơi lội; tiếp cận kẻ thù bằng trườn bò, thoắt ẩn, thoắt hiện. Họ đã lập nên những chiến công lừng lẫy đi vào trang sử vàng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với lời thề: "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".